Thời xưa, võ sĩ Nhật tử vì đạo, anh hùng tử vì đất nước, giang hồ tử vì anh em xã đoàn, người si tử vì yêu… Nói chung, theo những gì tôi đọc được trong tích cũ, phim xưa thì với những người coi trọng nghĩa khí thì mạng sống là phù du, thầy u (cha mẹ), vợ con vẫn đứng sau vận mệnh chung của đất nước, bang hội, tình yêu…

Hình trích trong một vụ án mạng phổ biến hiện nay – Nguồn: VGT.vn     

Ngày nay, người ta được giáo dục khác, hiếm có ai có suy nghĩ như trên, mạng sống bản thân quý giá hơn mạng sống người khác, nên tử vì bị giết nhiều hơn vì đạo. Từ sau dịch Cúm Tàu, việc giết người phi tang xác phổ biến đến nỗi, mỗi lần đi đường thấy thùng sốp, người Việt đa số lại lo bên trong có người … Tuy nhiên, thời bình thì vẫn có rất nhiều người phải chịu mất mạng hàng loạt trong cùng một thời điểm – Mạng này không phải mạng sống, nhưng đôi khi còn quan trọng hơn cả mạng sống đối với nhân loài, đó là mạng internet …

Mất mạng sống thì coi như là chúng ta không mất gì cả, vì thân này từ cát bụi lại trở về cát bụi. Còn mạng internet mất một chút xíu giữa thời đại số này thì có thể làm mất rất nhiều tiền, nhất là những người sống bằng công nghệ điện tử. Ví dụ như Facebook – mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay vừa mới “sập” khoảng 90 phút hồi khuya ngày 5-10 (giờ Việt Nam). Trong 90 phút này, công ty Meta (công ty sở hữu các nền tảng mạng xã hội trên) đã ngồi lau nước mắt, tính thiệt hại theo từng giây trôi qua. Meta thu rất, rất nhiều tiền từ quảng cáo, dựa trên thời gian thực. Trong quý IV năm 2023, tức là trong 92 ngày, Meta thu 38.7 tỷ Mỹ kim từ quảng cáo trên thời gian thực. Tức là trung bình mỗi ngày, chỉ từ tiền quảng cáo, Meta thu khoảng 420 triệu Mỹ kim. Số tiền quảng cáo mà Meta thu được trong một giờ là khoảng 17.5 triệu đôla, khoảng 292,119 đôla/phút, cuối cùng là cỡ 4,868 đôla/giây. 90 phút sập Facebook và các nền tảng liên quan, Meta thiệt hại ít nhất cũng hơn 26 triệu Mỹ kim. Ngoài doanh thu từ quảng cáo – tính theo mỗi lần nhấp chuột trong thời gian thực, Meta còn thiệt hại vì giá cổ phiếu giảm, ông Dan Ives (giám đốc quản lý của công ty đầu tư Wedbush Securities ở Los Angeles) cho là Meta đã thiệt hại tổng cộng khoảng 100 triệu Mỹ kim cho 90 phút trên.

Xem thêm:   Tranh cãi...

Người người hốt hoảng đổi thông tin khi Facebook sập – Nguồn: Facebook

Số tiền trên chắc chỉ là cọng lông chân đối với Mark Zuckerberg (ông chủ Meta), không làm gián đoạn cuộc vui của hai vợ chồng vị tỷ phú này ở tiệc cưới 120 triệu Mỹ kim (của Anant Ambani – con trai tỷ phú giàu nhất Châu Á). Nên người đau khổ nhất vẫn là những người kinh doanh dựa hoàn toàn vào nền tảng này – những người kinh doanh online. Rất nhiều nghề hiện nay không thể tách rời khỏi Meta như bán hàng trực tuyến trên các mạng xã hội của Meta, chạy quảng cáo, quản trị fanpage, người làm nội dung… không ít công ty dùng Messenger, Whats App làm nhóm trao đổi công việc. Ngoài ra còn có những người không có bạn ngoài đời, họ như bị “ngắt kết nối với thế giới”, dầu có thể “tị nạn” sang các mạng xã hội khác nhưng “lia thia quen chậu, dùng Facebook quen… hơi”, rất khó để bắt đầu lại mọi thứ một sớm một chiều, chưa kể những hình ảnh đã đăng bao năm qua, những tâm tình đã rải. Rồi trong khoảng thời gian “dời đô”, biết đâu ta đã bỏ lỡ rất nhiều thứ: một câu chúc ngủ ngon từ người yêu ở phía bên kia địa cầu, một tin nhắn của sếp, tình trạng đột xuất của người thân, thị phi gay cấn trên mạng… Dù công nghệ phát triển, mục đích chúng ta sử dụng chúng vẫn như bao đời nay: nhiều chuyện. Dù là người ít nói hay nói nhiều, nhân loài ai cũng thích những câu chuyện, người thì thích nghe, người thì thích kể chuyện … Bởi có người cho rằng đây là một thuyết âm mưu từ ông chủ Meta, chỉ là lâu lâu ổng nhắc nhân loài biết là gần nửa dân tình ở địa cầu đang lệ thuộc vào mạng xã hội này như thế nào.

Một người kinh doanh online tâm sự: “Lúc Facebook sập, sau khi biết không phải là mất nick, tôi nghĩ đến chuyện không nên bỏ hết trứng vào một giỏ, rằng phải đầu tư đa kênh. Sau đó Facebook hết sập, tôi quên sạch những gì vừa nghĩ, lại tiếp tục chơi Facebook, và ngoi lên đăng bài viết này. Giống như lúc Cúm Tàu, lúc bị nhốt thì sẽ nghĩ: sức khỏe mới là thứ quý nhất. Sau khi mở cửa tới giờ, chả nhớ mình nghĩ gì luôn vì chủ nợ nó réo…'”

Hòn đá dự báo thời tiết – Nguồn: Facebook

Tác giả Do Duy Ngoc, một vị cao niên chơi Facebook đã chia sẻ: “Đêm 5-3, lúc 10:20 giờ Việt Nam, Facebook bị sập toàn cầu. Lúc đó nhiều người tưởng trang của mình bị hacker xâm nhập nên điện thoại, nhắn tin hỏi nhau và có chút lo lắng. Và cũng ngay lúc đó người ta thấy rõ Facebook đã gắn liền với cuộc sống của hàng tỷ người trên trái đất này như thế nào. Những tư liệu, hình ảnh, trao đổi, bài viết, suy nghĩ, tâm tình chứa đựng trong trang mạng ấy, nếu mất đi sẽ có nhiều tiếc nuối. Và sẽ có người đặt câu hỏi nếu Facebook không còn nữa, khoảng trống ấy sẽ được thay thế ra sao? Hàng tỷ người trên thế giới hàng ngày gắn với trang mạng xã hội này, đó cũng là nơi liên lạc, giao tiếp với mọi người và cũng là chốn để mỗi cá nhân được giãi bày. Đó là thế giới ảo nhưng rất thật. Nhiều người không trực tiếp nói được và Facebook đã giúp họ đến với bạn bè, người thân, những người quen thuộc lẫn những người chưa quen. Có người sẽ bảo rằng trước đây chưa có Facebook người ta vẫn sống bình thường đấy thôi. Đúng là vậy, nhưng từ khi có Facebook người ta đã sống khác, suy nghĩ khác và có cách để liên lạc với nhau khác trước. Facebook đã chi phối cuộc sống chúng ta và hình như với rất nhiều người không thể thiếu nó. Không còn Facebook là một mất mát dù nhân loại vẫn sống, mặt trời vẫn mọc ở phương Đông và lặn ở phía Tây, nhưng sinh hoạt của nhiều người rồi sẽ khác. Chắc chắn sẽ có cái gì đó sẽ thay thế Facebook, nó sẽ là quá khứ nhưng chưa phải lúc này.”

Xem thêm:   Ham & hố

Chỉ riêng mạng xã hội Facebook thôi mà khiến cả thế giới quay cuồng vậy đó, bởi ta nói… chuyện mất mạng ngày nay còn kinh khủng hơn dịch cúm Tàu khiến các thành phố bị phong tỏa, vì lúc phong tỏa, con người vẫn còn mạng để kết nối với nhau, để báo nhau coi ai đã mất mạng. Nếu lúc Cúm Tàu, cả thế giới mất mạng như hồi 5-3 vừa qua thì đúng là kinh khủng…

Nhiều người không thể sống thiếu mạng xã hội – Nguồn: Facebook

Tuy mạng xã hội luôn bị bêu xấu vì những tin giả, những bài đăng tiêu cực, nhưng con người không quen biết, không va chạm, không ân oán gì nhưng vẫn thù ghét nhau … nhưng nếu không có mạng xã hội hay mạng internet, thì nhân loài nói chung, người Việt Nam nói riêng mất rất nhiều thứ. Đó là những nguồn tin đa chiều, đó là những cái mới lạ nhân bản từ các nước văn minh, riêng tôi còn “lời” được nhiều vị thầy lớn, từ thầy công việc tới thầy tinh thần. Thầy công việc thì liệt kê chắc cũng không ai biết, nhưng thầy tinh thần của tôi có thể nhiều người … mê, đó là Cha Phạm Quang Hồng (ở Úc) và Thầy Thích Pháp Hòa (ở Canada). Cha Michael Phạm Quang Hồng là một linh mục Công giáo người Úc gốc Việt nổi tiếng về thuyết giảng, ông nguyên là một Sư huynh (Frère) của Dòng Lasan Việt Nam. Thầy Thích Pháp Hòa sinh năm 1974 tại Cần Thơ, Việt Nam. Định cư tại Canada năm 12 tuổi, xuất gia năm 15 tuổi. Cả hai người đều có những thuyết pháp hay, đơn giản dễ hiểu, không “xúi” ai cúng dường, quyên góp, không kêu ai cúng oan gia trái chủ hay thù ghét ai … và một sự trùng hợp là họ không thể về Việt Nam, dầu có thể đi Thái, đi Lào …

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Trong khi ở Việt Nam, ngày càng nhiều vị “thầy”, vị “cha” đi ngược lại với chính đạo và chân lý, gây mất uy tín rất lớn cho đạo Phật, đạo Công Giáo, khiến không ít Phật tử lẫn Tín hữu lầm đường lạc hướng thì hai vị thầy tinh thần trên lại khác hẳn, bởi vậy mà dầu không ở trong nước nhưng họ đều được đại chúng Việt tôn kính. Trong những lần thuyết pháp, hai vị trên đều cho thấy nỗi nhớ quê hương da diết, nhưng họ đều chưa thể về Việt Nam. Cha Phạm Quang Hồng không thể về vì từng là tù nhân chính trị, từng mém bị kết án tử. Thầy Thích Pháp Hòa vì “bận Phật sự” (trong khi thầy đi giảng pháp khắp thế giới, sắp tới là đi làm thiện nguyện ở Châu Phi và gần nhất là Khoá Tu mùa Xuân tại Thái Lan từ 29-2 tới 7-3-2024 vừa kết thúc). Có người cho rằng thầy Pháp Hoà không thuộc thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nên không được thuyết giảng về giáo lý nhà Phật tại VN nếu chưa được Giáo hội này cho phép. Còn lý do thầy chưa được cho phép thì nhiều người tin rằng do những “thầy” khác trong giáo hội sợ mất “member”. Mới đây, ở Thái, thầy Pháp Hoà đọc câu thơ nghe mà nhói lòng:

“Con cò cất cánh bay cao/nhìn theo mà nhớ đường vào quê hương/Quê hương tôi đất rộng/Cò bay thì được, tôi về thì không.”

Các thầy không về được, em mà mất mạng, coi như mất thầy …

DU