“Luật rừng phương Nam” là suy nghĩ đầu tiên của tôi về bộ phim Đất rừng phương Nam đang gây tranh cãi dữ dội gần đây, sau khi đọc báo thấy tin nhiều trường “vận động” học sinh “tự nguyện” đi coi phim này (đồng thời thuyết phục phụ huynh bỏ tiền mua vé cho các học sinh) từ khi nó chưa ra rạp.

Cảnh trí được thiết kế đẹp, tỉ mỉ, nhưng chỉn chu quá thành ra giả trân – Nguồn: Chụp lén trong rạp

Tôi có tìm hiểu qua tác phẩm gốc Đất Rừng Phương Nam của tác giả Đoàn Giỏi, cuốn tiểu thuyết đọc đôi chỗ bị vấp vì nhiều chỗ tác giả dùng từ ngữ theo kiểu miền Bắc, thay vì miền Tây (có lẽ do nhà văn từng tập kết ra Bắc ở khá lâu). Nội dung cuốn sách cũng không đặc sắc lắm vì hai lẽ, đầu tiên là dành cho thiếu nhi, nên nội dung dễ hiểu, không phù hợp với cái đầu hơi chật thị phi của tôi. Thứ nhì, đây là tác phẩm hư cấu được viết theo đơn đặt hàng, từ phía Nhà Xuất bản Kim Đồng để chào mừng ngày thành lập nhà xuất bản này vào năm 1957. Do gấp rút nên cuốn tiểu thuyết được hoàn thành chỉ trong vòng 1 tháng, độ dày là 100 trang. Sau này mỗi lần sách được tái bản thì tác giả đều thêm thắt nhiều tình tiết vào, lần chỉnh sửa cuối cùng là năm 1982. Là sách viết theo đơn đặt hàng thì không thể nào thiếu việc ca ngợi cách mạng, những nội dung như vậy thì rất khó gây… thích cho tôi.

Phiên bản truyền hình tên Đất phương Nam của cuốn tiểu thuyết trên được xuất bản năm 1997 thì đáng giá hơn. Thứ nhất là do kịch bản được viết “phương Nam” hơn, đạo diễn Vinh Sơn cũng tạo ra một miền Tây chân chất, nóng nảy và đôi lúc vui nhộn, con người đa dạng, có chân chất, có ma lanh, có khí phách có hào sảng, có khùng khùng điên điên, có ba trợn ba gai… Sự góp mặt của dàn diễn viên kỳ cựu rặt Nam kỳ khiến nhân vật trở nên chân thật, sáng giá hơn vì họ diễn nét nào ra nét đó, không gượng gạo. “Bài ca đất phương Nam” – ca khúc chủ đề được sáng tác riêng cho bộ phim truyền hình Đất phương Nam là điểm mạnh khiến bộ phim trở nên “cao cấp” và chuyên nghiệp. Cốt truyện thì vẫn đơn giản, vẫn có chút gì đó nhồi nhét và tuyên truyền, nhưng dễ chịu hơn tiểu thuyết.

Phim chưa ra rạp mà phụ huynh và học sinh ở nhiều trường đã bị ép nộp tiền đặt vé – Nguồn: Facebook

Tôi đã có ý định không coi phim này khi nó ra rạp sau những tin tức về việc học sinh bị ép đi coi phim, phim có nhiều “chất liệu” y như phim Tàu, những nhân vật từng đại diện là cầu nối cho bé An (nhân vật chính) đến với miền đất Phương Nam đều bị bỏ qua để dành đất cho Út Lục Lâm (vì người đảm nhận vai này là Tuấn Trần – “đệ ruột” của Trấn Thành, người có vốn đầu tư trong phim này). Với bản điện ảnh Đất Rừng Phương Nam 2023, tôi chưa bao giờ hy vọng nó hay. Là một người thành tâm mong nền điện ảnh nước nhà phát triển, tôi không coi web lậu mà mua các app phim Việt bản quyền, mua vé coi hầu hết phim Việt chiếu rạp. Và tôi khẳng định, tới bây chừ, nền điện ảnh Việt hên lắm mới có phim hay, nên việc phim Đất Rừng Phương Nam có dở thậm tệ đi chăng nữa thì tôi cũng thấy bình thường. Nếu có coi phim, thì tôi sẽ Đất Rừng Phương Nam với tâm thế giải trí, chưa hề coi vì nó được sản xuất với hàng chục triệu USD hay nó có ý đồ khiến người Việt dâng cao tinh thần yêu nước… Dầu có đôi chút hy vọng bản điện ảnh lần này đẹp và hay hơn phiên bản truyền hình trước đó, vì kịch bản đã có, diễn viên thì không thiếu, ngoài ra công cụ quay phim thời nay đã tân tiến hơn, “Bài ca đất phương Nam” – ca khúc chủ đề cho bộ phim cũng có sẵn, chất liệu về sông nước, núi rừng miền Tây cũng không khó để đẹp. Dầu vậy, cuộc sống luôn có những bất ngờ, tôi bỗng được bạn rủ đi ăn với điều kiện là cùng đi coi bản điện ảnh Đất Rừng Phương Nam với bạn, không biết vì mê ăn hay mê bạn mà tôi đi luôn. Và cả tôi và bạn đều cho đây là quyết định dại dột…

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Ngoài những cảnh quay miền sông nước (có thêm nhiều hiệu ứng điện ảnh lung linh) ra thì mọi thứ khác tạo nên phim này từ nội dung, diễn viên, kịch bản… đều khiến tôi thấy hai tiếng đồng hồ của mình trôi qua lãng phí. Điểm mạnh là phần đầu tư cảnh trí của phim rất là quy mô, tỉ mỉ, nhưng phim về miền Tây mà người miền Tây (làm cách mạng) mà sao nhìn như người của Bến Thượng Hải? Người dân mặc toàn đồ Tàu, người duy nhất mặc đồ bà ba, áo dài coi bộ Việt Nam nhất phim lại là vai ác. Các cảnh hành động cho thấy các “anh em” của hội, đoàn trong phim toàn biết bay, toàn dùng dao dùng cung để đấu thắng súng, đạn thật…

Tay trộm vặt Út Lục Lâm cao 1.85 m và bác Ba Phi nâng mũi, hay chu mỏ – Nguồn: Chụp lén trong rạp

Một người bạn là bác sĩ nha khoa, sau khi đi coi phim về thì thắc mắc, sao hồi đó ai cũng làm răng sứ hết trơn, sống nơi rừng thiêng nước độc mà không ai sún răng? Rồi “những người nông dân không tấc đất”, bị áp bức bởi hoàn cảnh thời chiến mà không ai ốm yếu, nhỏ thó, gầy trơ xương mà ai cũng mập mạp, hồng hào và sáng sủa. Nhân vật Út Lục Lâm – từ nhỏ lang thang, hành nghề trộm vặt, nhưng cao 1.85 mét, nổi bật giữa bầy người, rồi không biết mần sao để giựt dọc, luồn lách?

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Tôi có đọc hết những phê bình lẫn khen ngợi của những người đã coi phim trước mình, nhiều người cho rằng bản truyền hình hồi năm 1997 không hay, nhưng lại được dư luận thích hơn bản điện ảnh 2023 vì thời đó chưa có internet và… Trấn Thành. Mọi tranh cãi lên cao trào từ khi đội ngũ quảng bá cho bộ phim công khai thông tin Trấn Thành có góp vốn vào bộ phim và giữ vai Bác Ba Phi (vai diễn từng thuộc về “lão ngoan đồng” Mạc Can). Đúng là Trấn Thành thật sự không hợp với vai Bác Ba Phi. Bác Ba Phi của Mạc Can có sự mộc mạc, bông lơn, ba trợn nhưng lại toát ra nét trượng phu, chân chất. Còn Bác Ba Phi của Trấn Thành là một gã giả bộ say sảng để nổ, bốc phét, lâu lâu lại “cướp diễn đàn” để gân giọng nói đạo lý, quảng bá tình yêu đất, yêu nước một cách thô lỗ…

Dầu Trấn Thành chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến phim này dở, nhưng Bác Ba Phi của Trấn Thành là một cái gạch chéo tổ chảng trong lòng tôi khi nhớ lại bộ phim này. Quả tình, lúc vai của Trấn Thành bị bắn, tôi thở phào nhẹ nhõm, thấy người bắn Bác Ba Phi – vai được cho là ác nhất phim – cũng dễ thương. Dễ thương hơn mấy con trâu – dàn nhân vật đóng đạt nhất phim (mà tôi bình chọn) một chút. Nếu bản điện ảnh lần này không có Bác Ba Phi của Trấn Thành thì cũng không hề thiếu tính logic, không đứt mạch truyện, có khi phim còn hay hơn.

Tất cả các xuất chiếu ở các rạp đều có Đất rừng phương Nam, các phim khác đều bị hạn chế giờ chiếu – Nguồn: Chụp màn hình

Điều khó hiểu nhất trong kịch bản là nhân vật chính – bé An – là nhân vật kém nổi bật nhất phim, cậu bé như linh hồn lảng vảng quanh cốt truyện, như trái banh bằng đá bị đá nặng nề từ chân người này qua người khác sau khi mẹ mất. Ngoài ra, bản phim điện ảnh có một sự “sáng tạo” chưa từng có so với bé An trong tiểu thuyết và bé An trong bản truyền hình trước đó là đạo diễn cho nhân vật này xây dựng một tình yêu con nít khi cậu đang trong cơn lưu lạc, chưa tìm được cha, mẹ vừa mất, sống lây lất vô định… mới 10 tuổi đã biết tỏ tình bằng tiếng Pháp với một nhân vật nhỏ tuổi hơn cả mình – nhân vật bé Xinh (người miền Tây thì bé Đẹp mới đúng chứ hỉ?).

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Nếu coi phim với tâm thế không thắc mắc về sự phi logic thì chỉ có cảm giác dân Miền Tây hồi đó rất trù phú, sung túc, không hề cảm nhận được sự khổ cực, nghèo đói do bị đô hộ. Người Miền Tây trong phim dầu sống trong áp bức của thực dân, trong cảnh bom rơi đạn lạc, ly tán… nhưng sao đủ đầy quá, từ vật chất tới con người. Ai ai cũng hanh thông buôn bán, có ruộng có ghe có nhà. Xóm làng thì có đủ người già trẻ nhỏ sum vầy. Nếu thiệt như vầy thì hơn hẳn Miền Tây 2023 ở thực tế, xóm làng vắng tanh, đìu hiu… trẻ thì làm ăn xa, lên Sài Gòn học gần hết, người già thì đi ra đi dzô trông ngóng mỏi mòn. Đọc báo thì nghe nói “Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị xóa sổ năm 2050” do lũ lụt, đất sụt – đây là nghiên cứu do Climate Central (một tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Mỹ công bố). Cách đây không lâu, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn CSVN) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) đã công bố “Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ hết cát trước năm 2035 với tốc độ khai thác cát như hiện nay”…

Nói chung hay nói riêng gì thì tôi vẫn thấy… tiếc tiền (dầu tôi được bao) và tiếc thời gian đi coi phim này, bạn của tôi cũng vậy (có khi bạn còn tiếc hơn tôi vì bạn vừa tốn tiền vừa nghe tôi cằn nhằn).

Sau khi cằn nhằn, tôi còn hỏi bạn: Thấy sao sau khi coi phim?
Bạn trả lời: Thấy ớn.

Không biết bạn ớn tôi hay ớn phim…

 

DU