Không biết ở đâu sao chớ, riêng tôi thấy tìm người tốt (hơn tôi) ở cái đất Saigon này dễ vô cùng. Hầu như hơn 90% người tôi quen biết đều làm những việc tốt, họ luôn sẵn lòng giúp đỡ cho những con người có cuộc sống khó khăn hơn mình. Đôi khi, chính bản thân người đó cũng nghèo, cũng thiếu thốn, cũng tằn tiện qua ngày mới đủ ăn, đủ mặc. Không nói đâu xa, đối diện nhà tôi có khoảnh đất trống, trên khoảnh đất trống chút xíu đó thôi mà đã có 3 “nhà từ thiện”.

Cô Ba xóm tôi

Chị Phượng bán cơm tấm thì ngày ngày “phát chẩn” một hộp cơm cho bà bán ve chai già trong xóm. Bà không con, không nhà, ngày ngày phải ngủ nhờ dưới hiên của khoảnh đất trống đó, sau khi ngày ba cữ các hàng quán dọn ra dọn vô.

Chị Hằng bán trái cây vườn ở quê, mùa nào mang lên thức ấy bán cho bà con trong xóm. Mỗi đợt lên xuống giữa miền Tây và Saigon vừa vất vả vừa tốn kém, buôn bán dưới trời nắng nôi bao năm trời vẫn ngày ngày than “không khá nổi”. Nhưng hễ thấy ông bà già bán vé số “tội tội” là kêu vô mua 2 tờ. Cọc vé số không bao giờ xổ cứ dày dần, dày dần như những sợi tóc bạc trên đầu chị vậy!

Ðặc biệt là cô Ba bán nước mía, cổ gần 70 tuổi, tóc bạc trắng, răng còn một hai cái lưa thưa cho… vui. Thiệt ra, bán nước mía là nghề phụ, nghề chính của cô Ba là bán hủ tiếu, bánh canh ngay chỗ bán nước mía đó. Ngày nào cũng vậy, sáng dọn hủ tiếu bánh canh ra bán, chiều cất hủ tiếu bánh canh vô rồi dọn nước mía ra, chỉ trừ Chủ Nhật hàng tuần là cô nghỉ luôn hai buổi, nghỉ không phải để nghỉ ngơi mà đi vô mấy trại mồ côi thăm “cháu”. Cháu cô Ba đông lắm, mỗi đứa cô đều nhớ tên.

Làm ơn mắc… án (mạng) – Từ các báo Việt Nam

Tôi tin họ là người tốt, họ đã làm những việc tốt mà chính tôi chứng kiến và đồng hành. Nhưng, mỗi lần ăn cơm chị Phượng tôi vẫn “lấn cấn” trong lòng: “Không biết chỉ mua thịt heo có qua kiểm dịch chưa? Không biết rau chỉ có rửa sạch hông? Không biết ăn ngay lề đường bụi bặm vầy lát về có đau bụng không?”. Rồi khi mua trái cây chị Hằng, mặc dầu mua hoài nhưng lúc nào tôi cũng hỏi dằn một câu: “Trái này có bỏ thuốc không đây?” Mặc dầu chỉ luôn nhìn thẳng vô mắt tôi, thét lên thảm thiết: “Không có má ơi!” Nhưng, cuộc sống mà…

Rồi mỗi lần ăn hủ tiếu, uống nước mía của cô Ba, tôi vẫn có những hoài nghi trên trời dưới đất: “Sao vị nước lèo này ngọt lạ quá, không biết đường hay là hóa chất?” “Sao nhìn tráng tô sợ quá, không biết bả có rửa sạch chưa?” (nhưng đâu dám hỏi thẳng). Giống như mấy bài viết dưới đây:

Từ Facebook Albany Owens: “Tôi vừa mới xuống khỏi xe Grab. Nhưng lại làm rơi ví, tất cả tiền và thẻ ngân hàng của tôi. Thẻ ngân hàng của tôi đã rơi xuống cống rất sâu và bẩn. Tôi đã nói với các bạn tài xế là đừng bận tâm lấy nó vì sự an toàn của các bạn và rằng đó chỉ là một cái thẻ thôi. Nhưng 2 phút sau tôi nghe thấy họ nói “HELLO”. Tài xế của tôi và người bạn của anh ấy đã mở nắp cống ra và chui vào cái lỗ cống chỉ để lấy thẻ cho tôi. Quá cảm động. Tôi đã đưa cho anh ấy những gì còn lại trong ví của tôi và một cái ôm lớn”  – Ðây là một câu chuyện của một vị khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch. Cô post câu chuyện này vào một group của người nước ngoài ở Việt Nam bằng tiếng Anh. Sau đó được nhiều người dịch ra tiếng Việt và đăng nhiều nơi.

Câu chuyện của cô Albany Owens (Từ Facebook Albany Owens)

Câu chuyện được nhiều người đọc, sự “nghĩa hiệp” của hai anh tài xế trong chuyện cũng được cư dân mạng khen ngợi và thích thú. Nhưng lâu lâu vẫn “trồi” lên vài bình luận “đanh đá”, kiểu như: “Ối tại cổ là khách nước ngoài nó mới thế, thử khách Việt Nam xem!” Hoặc: “Tại em đẹp thôi em ơi…”

Xem thêm:   Ham & hố

Từ Facebook Thanh Kim: “Tôi biết Anh Huy cách đây hơn 1 năm khi tình cờ đi bến xe Chợ Lớn có việc. Ðứng từ xa, nghe loáng thoáng về một anh tài xế tính tình hơi điên, hơi khùng một chút. Anh tài xế chơi búp bê, tên Huy, nên cánh tài xế tuyến 54 gọi biệt danh là Huy Búp Bê. Nhưng vừa lên xe, tôi nhận ra người tài xế, vui vẻ mà không có con búp bê nào??? Hỏi ra mới biết vợ anh thích búp bê. Nên khi lái xe buýt, đỡ nhớ vợ mới cưới, anh dán nhiều hình búp bê chị thích, nào ngờ khách cũng thích nên anh dán nhiều nhiều cho mọi người vui.

Sau đó, do vài trục trặc xe anh không còn búp bê nữa. Mà lần này là có rổ tiền lẻ. Anh nói tuyến 54 chạy qua toàn là bệnh viện từ lớn đến nhỏ, từ bệnh đơn giản đến hiểm nghèo ác tính, kể ra đây như Bệnh viện Gia Ðịnh, Ung Bướu, Mắt, Da Liễu, Quận 3, Răng Hàm Mặt… mà khách toàn dân tỉnh nghèo, đi lơ ngơ dễ bị móc túi. Có hôm anh chở hai vị khách từ bến xe ra bệnh viện khám bệnh, chuyến sau anh lại gặp hai vị khách thất thần đứng đợi xe buýt để về nhà, vì đã mất hết tiền do móc túi. Nên Anh vui vẻ cho đi quá giang về bến xe, không lấy tiền, còn cho thêm ít tiền mua vé xe đò về quê. Anh biết dân mình nghèo, không gạt anh vì ba đồng tiền lẻ.

Thế rồi cũng có vài trường hợp họ ngại. Anh nghĩ ra cách để tiền lẻ do anh quyên góp từ chính tiền lương chạy xe buýt, mỗi ngày 50 ngàn tiền lẻ. Cứ thể cộng dồn từ ngày này qua ngày khác để giúp người dân lỡ hết tiền có tiền lẻ đi xe buýt. Anh hạnh phúc kể thêm, nhiều hôm tui ngạc nhiên lắm, tự nhiên mấy ngày tiền lẻ không vơi đi, không hết tiền mà cứ nhiều thêm thì ra nhiều khách đi xe buýt thấy anh có hành động đẹp nên âm thầm đổi tiền lẻ rồi góp chung với rổ tiền anh để sẵn giúp người nghèo.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Thế rồi, một hôm anh thông báo không chạy xe buýt nữa! Tôi cũng buồn, nhiều bạn sinh viên buồn hơn vì từ đây vắng đi hình ảnh anh tài xế hiền lành, vui tính, hay giúp người, mua quà bánh cho các bạn nhỏ. Anh nói anh về lo chuyện vợ con. Vợ anh sinh con. Anh phải về quê chăm sóc và sau khi ổn định, gia đình anh sẽ lên Sài Gòn lái xe buýt tiếp. Bỏ xe buýt, bỏ Sài Gòn sao được!

Hôm nay, rất vui khi biết anh Huy chạy lại xe buýt. Anh không còn đi tuyến 54 thân thuộc mà chuyển qua tuyến 86. Và vui hơn nữa, Anh vẫn giữ nét đẹp của một người miền Tây chân chất, thật thà, giúp đỡ người khách. Anh nói anh mua một ít áo mưa để trên xe buýt tặng cho bà con, ai mà xuống trạm trời có lỡ mưa thì mặc mà về nhà không bị ướt, không bị bệnh, bị cảm. Hỏi ra thì anh nói lý do là nguyên tuyến đường xe 86 chạy qua ở Quận 7, Nhà Bè không có nhiều nhà chờ trú mưa, nên ai mà xuống trạm chắc chắn sẽ bị ướt nhem.

Câu chuyện của anh Huy/chuyến xe bus số 54 (Từ Facebook Thanh Kim)

Cảm ơn Anh Huy tài xế có tấm lòng tốt bụng nhất Sài Gòn! Cảm ơn chuyến xe buýt của anh đã giúp đỡ nhiều hành khách”  – Như thường lệ, bên cạnh những bình luận ủng hộ anh Huy luôn có vài lời “thật lòng” không đúng chỗ: “Ðôi khi ổng bị đuổi vì hút ma túy đấy, mới thấy báo đăng đuổi việc cả ngàn tài xế vì nghiện.” “Mấy ông tài xe buýt là chúa chạy ẩu, lấn tuyến, nghỉ hết cho tôi nhờ!”.

Từ Facebook Tony Nail: “Thông báo đến quý cha, quý Soeurs, anh em, bạn bè và đại gia đình Facebook, hiện nay nhà con mở rộng cửa để đón tiếp các bệnh nhân nghèo tá túc miễn phí để khám chữa bệnh tại Sài Gòn. Hai tầng lầu sẽ dành cho các bệnh nhân và người nhà nuôi bệnh, sức chứa mỗi tầng là 30 người, có giường nệm đầy đủ, phòng máy lạnh. Khu dân cư thoáng mát yên tĩnh và an ninh, công viên thoáng mát phù hợp cho nghỉ dưỡng điều trị bệnh. Các bệnh nhân lưu trú dài ngày ở tỉnh xa đi lại bất tiện có thể đăng ký ở tại nhà con. Ăn uống được phục vụ miễn phí. Từ nhà con vào các bệnh viện trung tâm rất gần và tiện lợi, có một tầng thượng dành để nấu ăn, sinh hoạt, giặt giũ đồ, áo bằng máy giặt. Trong tương lai con sẽ mua xe cứu thương để vận chuyển bệnh nhân nghèo miễn phí. Mong quý cha, anh em bạn bè và đại gia đình chia sẻ rộng rãi đến người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn. Mọi chi tiết xin liên hệ trực tiếp với con hoặc inbox trên Facebook, con bận không nghe điện thoại được thì xin để lại tin nhắn, con sẽ trả lời. Mong góp chút sẻ chia yêu thương với người kém may mắn hơn con.”

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

– Bạn biết đấy, khi một thông tin về từ thiện được đăng ra giữa thời đại lòng tốt được mua bán này. Sẽ không ít người hoài nghi và rụt rè khi nghĩ đến chuyện chia sẻ. Bản thân tôi, khi đọc được bài viết này, đã gọi cho “chủ sự”, là anh Lưu Văn Hữu (46 tuổi, ngụ QuậnThủ Ðức), người đăng bài viết trên để xác minh thông tin và “share” lại trên trang cá nhân mình sau đó. Nhưng không nhiều người có thời gian để gọi, họ chỉ dừng ở mức hoài nghi nên đã bình luận rất nhiều lời khiếm nhã trên trang cá nhân. Nên sau khi đăng bài viết này vài ngày, anh Hữu lại viết thêm một bài:

Câu chuyện của anh Lưu Văn Hữu

Từ Facebook Tony Nail: “Kính thưa gia đình Facebook, nhà em chỉ có khả năng dư 3 tầng lầu để cho bệnh nhân ăn ở và sinh hoạt miễn phí. Phòng ốc hiện trạng có gắn máy lạnh và giường tầng có nệm. Gia đình em cũng không phải khá giả gì, chỉ thấy mình chia sẻ được chút ít cho người nghèo qua những gì mình đang có. Vậy mà một số người đến thăm dò dưới con mắt soi mói thiếu thiện cảm và đòi hỏi nhiều cái phi lý. Như sao không gắn thang máy cho bệnh nhân, không nuôi các bệnh nặng liệt giường, rồi sao không nhận chăm sóc bệnh nhân, v.v… xin thưa rằng, gia đình em khả năng chỉ có bao nhiêu đó thôi ah. Chúng em không kêu gọi đóng góp hay vì mục đích tư lợi nào khác. Chúng em cũng phải làm 18 tiếng ngày để sống và mong dư chút ít chia sẻ cùng người nghèo hoạn nạn. Chứ công việc chăm sóc bệnh nhân không phải là trách nhiệm của chúng em. Nên mong những ai có tính xét nét, soi mói và nghi ngờ hãy mở lòng ra, bao dung hơn, quảng đại hơn để nhìn đời bằng ánh mắt tích cực và yêu thương. Em sẽ không tiếp những ai nghi ngờ đến để soi xét và xin ‘tham quan’ nhà. Chỉ nhận những người bệnh nhân nghèo thực sự cần đến tá túc trong thời gian chữa bệnh. Cảm Ơn sự quan tâm của mọi người.”

Cách đây vài năm, có ông cán bộ nào đó đòi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm mấy cái bình nước miễn phí vì sợ mấy bình đó bẩn, người ta uống vô chết. Cách đây vài tháng, có anh tài xế đi tù vì “vớt” đứa bé đi lạc giữa đường quốc lộ. Cách đây vài bữa, có anh thanh niên bị đâm chết tại bệnh viện vì đưa một đứa trẻ đi cấp cứu. Ai đó đã nói, “một cánh én không làm nên mùa Xuân”.

Nhưng khi lọt thỏm giữa bộn bề dối trá, xấu xa, chỉ cần thấy một tia sáng nhỏ nhoi của sự nhân bản thôi cũng đủ khiến con người “giựt” lại được chút xíu “mùa xuân” cho cuộc sống. Nhưng, lại nhưng, khi cầm nắm, ôm ấp “mùa xuân” đó chán chê, rất nhiều người quay lại hoài nghi luôn cái mà mình mới nhìn thấy, sờ thấy, cảm thấy. Rồi tự hỏi: “Liệu nó có phải là sự thật không?” Rồi thở dài: “Thời bây giờ, còn tin ai được nữa?”. Bản thân tôi cũng rất nhiều lần như vậy! Ðôi khi, cánh én rất nhiều, nhưng không có mùa Xuân!

Cánh én rất nhiều, nhưng không có mùa Xuân! 

DU 

Sàigon