Tuần qua, hai từ khóa “hot” nhất mạng xã hội Việt Nam có lẽ là “trà xanh” và “tay vịn”. Có sự trùng hợp thú vị là, hai từ đó đều chỉ những người phái nữ có sức làm “phá sản” một cuộc tình, vì họ làm những người phái nữ khác ghen. Còn tại sao lại ghen với (lá) “trà xanh” và “tay vịn” (cầu thang), mời đọc tiếp

Nhiều người giải thích ghen là do yêu – Nguồn ảnh: vietnamnet.vn 

  1. Ghen

Chuyện tình cảm là vấn đề muôn thuở của nhân loài, mặc kệ đó là xã hội văn minh hay là nơi đang tìm đường đi lên xã hội chủ nghĩa. Dù là người nổi danh hay kẻ bần cùng. Hầu hết những tác phẩm văn học, thơ ca, nhạc, họa đều liên can đến tình yêu, thậm chí những… vụ án có liên can đến tình cảm luôn chiếm đa số trong các bản tin mới mỗi ngày. Dẫu không nằm trong “top” các tin tức chứa nhiều thông tin bổ ích, góp phần “thúc đẩy” văn minh thế giới, nhưng đó là những bài viết được các nhà báo tự hào về khả năng “câu view” nhất. Mà khi nói về chuyện tình yêu, rất ít khi người ta nói về cái vui. Có lẽ lúc vui người ta bận yêu, bận tận hưởng, không rảnh để nói? Cho nên đa số những tác phẩm thơ văn nhạc họa, những vụ án, scandal liên can đến tình yêu đều là buồn bã, tiêu cực. Như cô Tấm hiền lành, yếu đuối, hay bị ăn hiếp là vậy, mà khi ghen lên cũng “Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra…”. Ít có ai mà ghen một cách ngọt ngào như thi sĩ Nguyễn Bính:

“Cô nhân tình bé của tôi ơi!

Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười

Những lúc có tôi, và mắt chỉ

Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi…” – (Trích bài “Ghen” của Thi hào Nguyễn Bính.)

Cô vợ Leonora đâm chồng vì ghen với chính mình hồi trẻ – Nguồn ảnh: giadinhvaphapluat.vn

Hay ghen một cách quý tộc như Nam Phương Hoàng Hậu (Vợ vua Bảo Ðại) với lá thư 66 chữ, gửi (một trong vô số) nhân tình của vua Bảo Ðại: “Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa Ðức Cựu Hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc Cựu Hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu Hoàng, còn gặp lại nhau. Ðức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!”

Vì là người sanh sau đẻ muộn, không hoàn toàn tin vào mấy ông viết sử Việt Nam. Nên tôi không chắc là thi sĩ Nguyễn Bính hay Nam Phương Hoàng Hậu hồi xưa có từng đi đánh ghen lần nào chưa (?) mà mần bài thơ “Ghen” và viết lá thư “dằn mặt” nhân tình của chồng hết sẩy như vậy. Nhưng quả tình, nhiều khi đọc xong tôi cũng ước: phải chi ai cũng biết mần thơ, cũng văn hay chữ tốt, cũng thích cầm bút/bàn phím hơn là cầm… dao. Vậy thì những chuyện “lột đồ đánh ghen” giữa chợ, hay giết chồng/đâm vợ vì ghen sẽ đỡ xảy ra biết mấy. Trong đó có những chuyện đáng ra nó không đến, nếu con người ta dùng lời hay chữ viết để “đánh ghen”. Như cái chuyện vừa xảy ra gần đây ở xứ Mễ Tây Cơ (Mexico).

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Có anh chồng tên Juan N. Anh Juan có người vợ tên Leonora N. Hai người lấy nhau từ hồi mà cả hai còn có thể “bẻ gãy sừng trâu”. Quả là một mối hôn nhân mỹ mãn, vì đến tận bây giờ, anh chồng vẫn còn giữ những tấm ảnh thuở đầu hai người quen biết, “khi đôi môi em còn đỏ mọng”. Một bữa đẹp trời và cuối tháng 1 đầu năm 2021. Ðể làm điều gì đó thật đặc biệt hòng kỷ niệm cuộc hôn nhân này, Leonora lựa lúc chồng không để ý, đã vào bếp, lấy… dao đâm anh túi bụi.

Dù bị thương nặng, nhưng Juan đã cố xoay sở để đoạt con dao. Anh hỏi vợ lý do mình bị đâm, để có chết cũng có thể nhắm mắt (hoặc do anh có quá nhiều lỗi trong suốt nhiều năm qua). Cô vợ Leonora sau khi đâm mỏi tay, đã đưa ra bằng chứng đanh thép là hàng loạt ảnh thân mật của chồng với một cô gái trẻ trung, xinh đẹp được lưu trong điện thoại chồng mình và yêu cầu giải thích. Chính điều này khiến cho Juan (nếu có chết) thì sẽ càng chết không nhắm mắt hơn.

Té ra, những hình ảnh đó chính là nàng Leonora hồi còn trẻ. Juan giải thích rằng anh ấy đã thấy những bức ảnh đó được lưu trong một email cũ. Ðây là những ảnh chụp khi họ còn hẹn hò. Lúc đó, Leonora thích trang điểm và trông rất xinh đẹp, đó là lý do tại sao cô ấy nhìn ảnh của mình còn không nhận ra chính mình.

Cư dân mạng VN dùng trà xanh để vẽ ba nhân vật trong câu chuyện “trà xanh” ở trên – Nguồn ảnh: Facebook

Chưa hết vui vì chồng không ngoại tình, cũng chưa hết buồn vì đâm chồng trọng thương, thì Leonora đã bị cảnh sát bắt đi.

Leonora sau đó bị buộc tội bạo hành gia đình và được cả thế giới biết đến.

Nguyễn Bính đã nói trong bài thơ “Ghen”:

“Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi,

Thế nghĩa là yêu quá mất rồi,

Và nghĩa là cô và tất cả,

Cô, là tất cả của riêng tôi.”

Hay như Nguyễn Du mượn lời Hoạn Thư trần tình:

“Rằng: Tôi chút phận đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.”

Ghen là sự trộn lẫn của tình yêu với tánh chiếm hữu của nhân loài. Ghen sẽ bắt đầu bằng cảm giác bất an, sợ hãi, và lo lắng về một sự mất mát, mất… tích của người tình/chồng/vợ, thứ mà họ nghĩ mình đang “nắm trong tay”. Và ghen sẽ kết thúc tùy theo tâm sanh lý và trình độ văn… thơ (hoặc văn hóa) của người “lên cơn ghen”. Mà khổ nỗi, nhân loài ngày càng ít chọn cách chia tay trong “hữu nghị”, ly dị trong hòa bình. Bởi vậy, những chuyện đáng tiếc như trên xảy ra mỗi giờ còn nhiều hơn số lần… đói bụng trong ngày của Du Uyên nữa. Nhất là ở Việt Nam.

Nếu Hoàng hậu Nam Phương còn sống, chắc bà sẽ nhận được “bão like” nhờ bức thư “đánh ghen” 66 chữ của mình – Nguồn ảnh: visithue.vn

  1. Ghen giùm
Xem thêm:   Ăn năn - mặc kệ

Người Việt mình chừ tốt bụng lắm. Họ không chỉ đánh ghen cho bản thân mình mà người ta còn rủ nhau đi đánh ghen… giùm cho người khác nữa. Bởi vậy, có không ít cuộc tình kết thúc bằng những bài viết kể xấu nhau trên mạng xã hội, hòng tìm được lượng “đồng minh” đông đảo này. Hay ai đó chỉ cần đăng một “clip” đánh ghen lên mạng, vài phút sau, trang cá nhân của người bị đánh ghen đã đầy những lời chửi rủa, mạt sát không thương tiếc, hình ảnh của họ sẽ được truyền tay khắp cõi mạng. Từ “trà xanh” cũng trở nên “hot” cả tuần qua vì lẽ đó.

Chuyện  “trà xanh” này xoay quanh cuộc tình 8 năm của một cặp ca sĩ trẻ (được cho là) đã tan rã bởi một cô gái mới, cô gái đó bị người ta gọi là “trà xanh”. Và “trà xanh” ở đây được cộng đồng mạng Việt “lụm” từ “ngôn tình” của Tàu Cộng, không phải nói về lá trà mà để nói những người con gái ngoại hình xinh xắn, dịu dàng nhưng bản tính xấu xa, luôn có hứng thú với bồ/chồng người khác, những “hoa đã có chủ”.

Bên cạnh những tranh cãi về tính xác thực của câu chuyện của ba vị tài tử trên, cộng đồng mạng có tuổi ở VN còn cãi nhau vì câu hỏi: tại sao người Việt trẻ bây chừ quá dễ dàng bị “đồng hóa” bởi văn phong của Tàu Cộng? Thay vì gọi bằng những từ cũ như nhân tình, bồ nhí, kép nhí… thì họ gọi những “kẻ thứ ba” xen vào cuộc tình là tiểu tam, là trà xanh. Những từ được dùng trong văn học mạng Trung Quốc hiện nay. Bộ Việt Nam không thể tạo ra từ mới hay sao? Ðể “sửa lưng” lớp trẻ, không ít người đã “moi” những “kỳ án” về các vụ ngoại tình xưa, đem ra để minh chứng Việt Nam cũng không ít “điển tích” phong phú về… ngoại tình. Không cần mang chữ của xứ “lạ” kia về xài. Ví như câu “ăn chè ở Nhà Bè”.

Theo một cư dân mạng kể, “ăn chè ở Nhà Bè” là cách nói dí dỏm chỉ các vụ ngoại tình, phổ biến ở miền Nam ngày trước. Câu này ra đời từ một vụ ngoại tình có thật: Năm 1956, cố nhạc sĩ Phạm Duy ngoại tình với ca sĩ Khánh Ngọc, cả hai bị bắt quả tang ở khu Nhà Bè, khi bị hỏi đang làm gì thì họ trả lời là đang ăn chè. Nhà Bè thuở ấy vắng vẻ chứ chưa sốt đất như bây giờ. Và chắc chắn không có một quán bán chè hay cháo nào hết. Vì vậy, sau khi vụ án tình giữa Phạm Duy – Khánh Ngọc xảy ra thì nhóm chữ «ăn chè Nhà Bè» được nhắc đến nhiều.

Xem thêm:   Hậu quả của chính sách một con

Ngoài ghen giùm người đi đánh ghen, ghen giùm người tố tình cũ bội bạc, ghen giùm người nổi tiếng… cư dân mạng Việt còn ghen giùm luôn vợ của người bị nhiễm cúm Vũ Hán nữa. Từ “tay vịn” cũng “hot” suốt tuần qua, song song với từ “trà xanh” bởi sự ghen giùm này mà ra.

Lịch trình tỉ mỉ có từ “tay vịn” bị cho là giả mạo – Nguồn ảnh: Facebook

Ngày 28-1, trên Facebook lan truyền hình ảnh một văn bản kê khai lịch trình di chuyển, sinh hoạt của bệnh nhân có tên Phạm Anh Tuấn – được cho là bệnh nhân nhiễm cúm Vũ Hán ở tỉnh Quảng Ninh, trong đó có nội dung đáng chú ý là bệnh nhân khai đi hát karaoke có “tay vịn”. – “Tay vịn” ở đây không phải là tay vịn cầu thang mà chỉ những cô “đào” trong quán karaoke, làm công việc đỡ khách, cho khách vịn khi khách đến hát karaoke. (Còn vịn ở đâu thì tôi không rõ.)

Nội dung “tờ khai” trên được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Thậm chí một số trang mạng còn đăng tải hình cô gái được cho là “tay vịn” của chàng bệnh nhân trên, rồi bôi nhọ, phỉ báng, mạt sát, chê bai ngoại hình cô ta không tiếc lời. Họ còn “thương xót” cho vợ của bệnh nhân Tuấn, vì có một người chồng không mẫu mực. Dù chưa chắc là cô gái này có làm nghề “tay vịn” hay không.

Tuy nhiên, sau mấy bữa từ “tay vịn” làm mưa làm gió khắp cõi mạng xã hội, thì báo trong nước lại nói là: “Nội dung tờ khai trên không phải do anh Tuấn hay cơ quan chức năng địa phương phát hành mà do các đối tượng xấu tự biên, đăng tải với mục đích làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng đến công tác truy vết, phòng chống dịch”. Không biết “đối tượng xấu” nào rảnh rỗi ngồi đánh máy tỉ mỉ lịch trình của một con người suốt mấy ngày trời? Nhưng tôi chỉ thấy tội cho cô gái mang danh “tay vịn” kia, dù cổ có làm nghề đó hay không.

Hồi xưa, tôi nghe ai đó nói “Ghen tuông là một gia vị của tình yêu”, tôi cũng tin sái cổ luôn. Nhưng tôi quên hỏi họ, đó là gia vị gì, giấm hay là ớt? Có lẽ những người thích đi đánh ghen hay ghiền đánh ghen giùm ở trên họ cũng như tôi hồi xưa, nên hơi mạnh tay khi nêm “gia vị” cho cuộc sống của mình và người khác? Mà cái gì quá cũng không tốt, nên họ đã khiến cho cuộc đời mình và xã hội này trở thành một món ăn “lỗi”. Họ không chỉ làm tan nát tương lai của nhiều cô gái/chàng trai mà họ cho là “trà xanh” hay “kẻ phản bội” trong suy nghĩ của họ, không cần biết thực hư, mà còn khiến cuộc đời mình tối tăm với những suy diễn tiêu cực. Họ làm tôi nhớ tới câu chuyện cũ:

A: Người yêu mày còn tật ghen bóng ghen gió nữa không?

B:  Không, giờ đây anh ấy đã có thể ghen… thiệt!

Cần tuyển người yêu để đi đánh ghen

DU