Con người từng lao tâm khổ tứ tìm mọi cách phát minh ra một món đồ khó phân hủy, bền, đẹp, dễ tạo hình, có thể thay thế các nguyên liệu mắc tiền và khó kiếm… sau đó họ phát minh ra các loại đồ nhựa.
Thời điểm mới ra đời, nhựa trở thành cục cưng của cả thế giới vì nhiều ưu điểm như đấng cứu thế: ngăn chặn sự tàn lụi của loài voi, cứu loài rùa khỏi việc trở thành nguyên liệu cung cấp làm lược, san hô cũng không còn là nguyên vật liệu duy nhất dùng làm trang sức… Với những phát minh nâng tầm văn minh nhân loài, thế giới càng dang tay chào đón nhựa như nắng hạn đón mưa rào, như người cô đơn gặp được tri kỷ, như người hấp hối tìm được thuốc tiên, như Du Uyên kiếm được… chồng.
Truyền thông điên cuồng tâng bốc nhựa, trên mạng lan truyền một ấn bản nổi tiếng năm 1955 của tạp chí LIFE khen ngợi chất liệu nhựa dùng một lần không ngớt lời. Bài báo đính kèm hình ảnh một gia đình hạnh phúc với nhiều vật dụng bằng nhựa dùng một lần. Nội dung bài viết nói rằng sẽ mất 40 giờ để làm sạch những vật dụng gia đình, nhưng giờ đây các bà nội trợ không cần bận tâm bởi tất cả đều có thể bỏ đi sau khi sử dụng. Nhưng có lẽ, không ai nghĩ điều này cũng là nguyên nhân khiến nhựa ngày càng đáng sợ với con người, vì việc dễ dùng dễ bỏ của nhựa xài một lần khiến số lượng nhựa được sản xuất ngày càng nhiều (khoảng 300 triệu tấn mỗi năm và sẽ còn tăng lên do cải tiến công nghiệp), đồng thời rác từ nhựa cũng tăng không tưởng (theo… Google, ước tính một năm có 5,000 tỷ túi nilon thải ra môi trường).
Trong nhiều năm, các thương hiệu nước đóng chai luôn tô điểm cho sản phẩm của mình bằng hình ảnh những dòng suối trong núi yên tĩnh, những khu rừng tươi tốt và những hồ nước trong vắt, tạo ảo giác về sự tinh khiết và trách nhiệm với môi trường. Tuy nhiên, sự thật phũ phàng là mỗi phút có hơn một triệu chai nhựa bị thải ra môi trường, hàng tỷ cái chai nhựa đó đang trằn trọc tại các bãi rác, các vùng biển, nằm trong cơ thể động vật thậm chí con người vì khó hoặc không thể phân hủy. Tổng lượng rác thải nhựa được ước tính hơn 6.3 tỷ tấn và với tình hình sử dụng hiện nay thì con số này có thể gấp đôi chỉ trong vòng 20 năm nữa), mà thời gian phân hủy của nhựa thì lên tới hàng trăm năm.
Trong hơn 6.3 tỷ tấn rác thải nhựa nằm ngoài môi trường, có hơn 80% là đều trút hết ra biển, gây ra tình trạng ô nhiễm biển nặng nề và đe dọa đến sự sống còn của các loài sinh vật biển. Rất nhiều hình ảnh, bài viết cho thấy rác thải nhựa chính là thứ gây hại và giết chết các động vật, trong khi trước đó lý do nhựa được sinh ra là để cứu chúng. Nhựa và các hạt vi nhựa không chỉ xâm nhập vào từng ngõ ngách của cuộc sống nhân loài, mà còn nằm luôn trong cơ thể động vật, con người thông qua không khí, thức ăn, đất trồng trọt…
Một con cá bự dạt vào bờ với bao tử đầy rác thải nhựa, một con gấu chết đói vì bao tử kẹt cứng túi nhựa. Con người thì thông minh hơn, họ không ăn nhầm bao ni lông hay vỏ chai nhựa, họ còn biết cách nhét nhựa vào cơ thể tạo ra một body xinh đẹp, gương mặt gợi cảm… Nhưng nhựa không thể tha cho kẻ “cầm đầu”, nhựa trở thành “cát bụi” thì chúng vẫn có thể gây hại cho con người bằng cách tiến sâu vào cơ thể muôn loài dưới dạng “hạt vi nhựa” siêu siêu nhỏ. Những hạt vi nhựa đó không giết con người liền mà có thể tạo ra những tổn hại nặng nề như khiến cơ thể bị mất cân bằng hoóc-môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ… và hàng loạt nguy cơ khác…
Dựa trên báo cáo của WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) trong năm 2019, mỗi tuần mỗi người hấp thụ gần 2,000 hạt vi nhựa, tương đương khoảng 5g nhựa, nặng bằng một chiếc thẻ tín dụng (có lẽ tôi thừa cân do lượng hạt vi nhựa này chăng?). Nếu tính tuổi thọ trung bình của mỗi người là khoảng 79 năm, cả đời bạn sẽ ăn 8 triệu mảnh nhựa, đủ để đổ đầy một chiếc thùng rác. 24-3-2022, tại Hòa Lan đã công bố nghiên cứu cho thấy hạt vi nhựa trong máu người. Tháng 2-2023, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Ðại học Hull, Vương quốc Anh, cho biết đã tìm ra 5 loại hạt vi nhựa khác nhau trong các mẫu mô tĩnh mạch từ chân của bệnh nhân trải qua phẫu thuật bắt cầu động mạch vành. Ngày 10-8-2023, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology cho hay các nhà khoa học tại Bệnh viện Anzhen Bắc Kinh vừa tìm thấy 9 loại vi nhựa trong 5 loại mô tim của 15 bệnh nhân, hạt vi nhựa có trong phân, phổi và nhau thai của con người, những thứ tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài thông qua các khoang cơ thể khác nhau (bao gồm khoang miệng/hậu môn và khoang tử cung/âm đạo…)
Tóm lại, khi con người được tuyên truyền rộng rãi về tác hại của nhựa thì nó đã âm thầm luyện tập khả năng sát thủ của mình nhuần nhuyễn.
Hôm rồi tôi đi dạo chợ Bến Thành, thấy nhà nước Việt Nam cũng đã quan tâm tới vấn đề “rác thải nhựa”, bằng chứng là bảng đèn led chà bá lửa ngay cửa chợ chạy dòng chữ: “Bớt túi ni lông thêm nhiều năm sống – hãy hành động ngày hôm nay vì môi trường xanh-sạch-đẹp”. Vừa chạnh lòng cho một lịch sử huy hoàng của nhựa, nhưng cũng cảm thấy vui trong lòng khi Việt Nam cũng theo gót thế giới tuyên truyền điều có ích với nhân loài hơn, thay vì treo những khẩu hiệu vô hồn tôn vinh đảng phái chính trị như lâu nay. Tôi còn thầm hy vọng là sắp tới sẽ không còn cảnh các góc đường Sài Gòn mỗi dịp lễ lạt được trang trí bằng các loại hoa nhựa đủ màu, đủ kiểu – Nhìn vừa nhếch nhác vừa mất thẩm mỹ vừa không tốt cho môi trường, vì mấy cái hoa đó dưới nắng mưa Sài Gòn rất nhanh bay màu, mất dáng vẻ ban đầu nhưng rất lâu để phân hủy, không biết bây chừ trong chén cơm thị dân đã lẫn bao nhiêu hạt vi nhựa tan rã từ các bông hoa nhựa kia?
Nhưng đời không như là mơ, không những bông nhựa, chính quyền tạo ra những cây cột… nhựa khắp thành phố, bằng cách quấn cỏ nhựa vào thân cột điện. Với lý do là che đi sự nhếch nhác từ những tờ quảng cáo, rao vặt được dán tràn lan trên cột điện, tô màu xanh cho thành phố… Nghĩ cũng ngộ, cây thiệt thì người ta chặt xuống, sau đó người ta trang trí những trụ xi măng thành cây giả, nhìn cho “mát mắt”, mắt thì chưa thấy mát nhưng tôi thấy hơi nóng lòng rồi, vì tương lai trên bàn ăn mỗi gia đình lại có một chút “cát bụi” của những thảm cỏ này.
Giống như câu chuyện vui về sự phổ biến của câu “cam dai bay”, có lẽ du khách tới Sài Gòn chắc sẽ quen thuộc với những dòng chữ “hút hầm cầu”, “cho vay nhanh chóng chỉ sau một cuộc gọi”, “cho thuê phòng trọ”…. được dán khắp nơi, từ tường nhà dân tới các cột điện. Thay vì nghĩ cách chấm dứt sự bôi bẩn này, chính quyền dùng những thảm cỏ nhựa phẩm chất thấp, có mùi hôi, tuổi thọ thấp, dễ đóng bụi… (trong khi chi phí không hề rẻ) dán đè lên những tờ quảng cáo. Kết quả là, những thảm cỏ nhựa không ngăn được những kẻ kiên trì dán tờ rơi quảng cáo hút hầm cầu, cho thuê nhà, vay tiền… họ sẵn lòng thi gan với chính quyền coi ai kiên nhẫn hơn bằng cách khoét lỗ các thảm cỏ để dán quảng cáo lên trụ điện bên trong, thậm chí là dán đè những tờ quảng cáo lên lớp cỏ nhựa cho quảng cáo càng thêm nổi bật. Ðiều này khiến lòng dân dậy sóng, tay dân mỏi rã rời vì phải thể hiện sự ghét bỏ với “tối kiến” này của chính quyền, có người còn cho là cái cột bị dán quảng cáo tùm lum vậy mà nhìn còn đẹp và an toàn hơn quấn mấy cái thảm nhựa này, vì khi có cháy, nhựa cháy dai hơn…
Rất may, người cộng sản không phải ai cũng sắt đá, các bài viết khen ngợi hết lời “công trình được lòng dân” chưa kịp đăng hết thì các thảm cỏ dán trên 1,700 cái cột điện ở quận 5 đã bị công khai gỡ xuống, dời đô ra bãi rác chờ hóa thành “cát bụi” trong cơ thể muôn loài. Nhưng, không phải ai cũng có lòng tự trọng để nhìn nhận sai lầm của mình, nên ở nhiều nơi khác ở Sài Gòn, thảm cỏ nhựa vẫn “mọc” xanh um, nghe đâu ở Hà Nội cũng đang làm theo cách này với chi phí tiền tỷ.
Bạn thấy đó, hành trình của nhựa – từ một đấng cứu thế tới khi thành một thứ đáng lo ngại, nằm trong danh sách đen của các nhà bảo vệ môi trường lẫn các dự luật bảo vệ môi trường của nhiều nước trên thế giới… quả là phi thường, nhưng không thể phi thường bằng đường lối của các vị lãnh đạo cộng sản – bởi vì những điều họ làm luôn bất thường.
DU
Bà Tám ở Sài Gòn