Dạo này, mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu người thích thú khoe các cuộc trò chuyện rất vui, rất thật với những trợ lý… ảo – AI (trí tuệ nhân tạo). Nhưng ở cuộc sống thật, hiếm có ai dám bày tỏ cảm xúc thật của mình trước những chuyện xảy ra trước mắt, kể cả lòng tử tế. Bởi, trong một xã hội nơi mà thật, giả lẫn lộn, giả nhiều hơn thật thì đôi khi sự hào sảng và tử tế được quy là giả tạo, làm màu, thậm chí là nhiều chuyện.

Một người té xe được giúp đỡ ở Quận 1 – Sài Gòn – Nguồn: Du Uyên chụp
Ví như câu chuyện mà bạn trẻ tên Melt Melt gặp vào khoảng 11h trưa ngày 16-4-2025 – bài viết của bạn Melt Melt khá dài, xin tóm tắt lại:
“Khoảng 11h trưa ngày 16-4-2025, Melt Melt đi vào hầm sông Sài Gòn thì gặp một nạn nhân đang co giật, chảy máu miệng ngay trên đường trong hầm sông Sài Gòn. Nhiều người đi qua thờ ơ. Người viết cùng một số người khác đã dừng lại hỗ trợ sơ cứu và gọi xe cấp cứu 115.
Khi bảo vệ hầm sông Sài Gòn tới, họ không tuân thủ nguyên tắc sơ cứu căn bản – cũng không nghe người có kiến thức sơ cứu như Melt Melt, họ ép di chuyển nạn nhân bị nghi chấn thương đầu với lý do “tránh kẹt xe”. Họ lên giọng, đe dọa và yêu cầu Melt Melt im lặng, thậm chí còn muốn tự ý chở nạn nhân đi, yêu cầu hủy xe cấp cứu, chỉ vì ngại rắc rối và muốn tìm chỗ an bài chiếc xe máy của nạn nhân nhanh chóng.
Dấu hiệu Melt Melt thấy khả nghi: Hiện trường ban đầu cho thấy chiếc xe máy đã được dựng đứng che chắn cho nạn nhân, điều này mâu thuẫn với một vụ tự té xe. Có khả năng người gây tai nạn đã bỏ đi sau khi dựng xe của nạn nhân lên. Không có ai gọi cấp cứu hoặc ở lại giúp, dù xe đã dựng sẵn – đặt nghi vấn về trách nhiệm và hành vi bỏ trốn của người gây tai nạn, cách giám sát của bảo vệ hầm sông Sài Gòn.
Trích nguyên văn một đoạn: Sau khi di chuyển nạn nhân vào lề, họ để nạn nhân ngồi dậy mặc dù mình đã nhắc nhở rằng với tình trạng choáng váng và đau đầu, nạn nhân nên được để nằm nghiêng theo đúng hướng dẫn. Thay vì lắng nghe, họ lớn tiếng yêu cầu mình không được nói thêm để họ “làm việc”. Sau một lúc chờ xe cấp cứu đến, đường giờ cũng đã thông thoáng, các nhân viên bảo vệ lại muốn tự chở nạn nhân ra khỏi hầm. Lúc này, nạn nhân vẫn trong tình trạng choáng váng, đau đầu và khạc ra máu. Mình đã cố gắng ngăn cản vì biết rằng xe cấp cứu đang trên đường đến và việc hạn chế di chuyển người là cực kỳ quan trọng. Nhưng họ vẫn lớn tiếng, bảo mình “không có trách nhiệm” và yêu cầu mình im lặng làm theo. Điều đáng nói là khi đã ra khỏi hầm, mối quan tâm hàng đầu của họ không phải là khi nào xe cấp cứu đến, mà là việc xử lý chiếc xe máy của nạn nhân ra sao…

Cô gái kể tỉ mỉ câu chuyện và rất bất bình – Nguồn: Melt Melt
Vấn đề Melt Melt đặt ra: Việc đào tạo sơ cứu và quy trình xử lý tình huống khẩn cấp ở nơi công cộng hiện đang bị đặt dấu hỏi nghiêm trọng. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu việc làm sai gây hậu quả cho nạn nhân? Kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền rà soát, đào tạo lại, và chuẩn hóa quy trình xử lý sơ cứu, tránh để người dân thiệt hại thêm do sự vô cảm hoặc thiếu hiểu biết từ người có trách nhiệm.” – Hết tóm tắt.
Nghe nói, ở một số nơi khác trên thế giới, sơ cứu sai có thể bị kết án tù nữa. Và rõ ràng, câu chuyện trên đưa ra một vấn đề kinh khủng khác – đa số người dân biết cách sơ cứu cho nạn nhân cũng sẽ chọn không làm, đa số người dân ở Việt Nam thấy rõ chuyện trái tai gai mắt như bạn Melt Melt cũng sẽ không dám kể. Bởi họ sợ liên lụy.
Mạng xã hội Việt Nam như một cái giếng sâu. Bạn hét xuống: “Tôi cứu người!” Và những tiếng vọng lên là: “Thật không?”, “Sao không quay clip lại?”, “Có ghét chính quyền không đấy mà kể như vậy?”, “Lấy gì chứng minh?”, “Bạn là ai, học ở đâu?”, “Cô này chắc không phải người Việt chính gốc mới dám viết thế!” – Những giọng điệu đó có thật trong các bình luận về bài viết của Melt Melt, chúng như vọng lên từ đáy giếng, nhưng là đáy giếng của lòng tin.
Bởi những tiếng vọng đó, Melt Melt, sau khi hành động đúng, lại phải viết status dài như sớ Táo quân (kèm theo hình chụp tin nhắn nói chuyện với nạn nhân) để thanh minh:
“Xin chào mọi người, mình thực sự bất ngờ và xúc động khi bài viết về sự việc ở hầm sông Sài Gòn được chia sẻ rộng rãi như vậy. Mình rất cảm kích vì mọi người đã cùng quan tâm và lan tỏa thông điệp nhằm thúc đẩy những thay đổi tích cực. Mình cũng muốn chia sẻ thêm một vài chi tiết để làm rõ hơn về sự việc và tránh những hiểu lầm không đáng có.

May mắn là nạn nhân đã tỉnh, đang nằm bệnh viện – Nguồn: Melt Melt
Đầu tiên, mình muốn khẳng định đây là tài khoản cá nhân của mình thật. Mình vốn sống khá kín tiếng và chỉ dùng Facebook để kết nối với khoảng 200 người thân quen, nhắn tin là chủ yếu. Mình không hề có nhu cầu nổi tiếng hay thu hút sự chú ý. Thực tế, mình đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định chia sẻ câu chuyện này, phần vì quá bức xúc với cách xử lý tình huống, phần vì không muốn sau này phải hối tiếc vì đã im lặng. Nạn nhân trong sự việc vẫn đang giữ liên lạc với mình và cũng đã chia sẻ lại bài viết này.
Về việc tại sao mình không chụp ảnh hay quay video làm bằng chứng, thành thật mà nói, đây là lần đầu tiên mình trực tiếp đối mặt với tình huống có người co giật, mất ý thức. Khi đó, ưu tiên hàng đầu của mình là gọi 115 và theo dõi tình trạng nạn nhân. Mình cần giữ điện thoại luôn trong trạng thái sẵn sàng để nhận cuộc gọi từ đội cấp cứu nên đã không dùng cho mục đích khác. Mình cũng nghĩ rằng trong hầm có camera giám sát nên nếu cần thiết, cơ quan chức năng có thể trích xuất để làm bằng chứng.
Mình thừa nhận rằng mình cũng rất lo sợ về những rủi ro và trách nhiệm khi can thiệp vào tình huống này. Mình không trách những người đi trước không dừng lại giúp đỡ, vì mình hiểu nỗi lo “nếu mình không làm tốt thì sao?”, “lỡ mình bị ảnh hưởng thì sao?”, hay “nếu nạn nhân gặp chuyện không may thì sao?”. Đây có thể là ký ức ám ảnh nhất đối với mình nếu có chuyện gì không may xảy ra. Nhưng khi quyết định dừng xe, mình đã chấp nhận một phần rủi ro và trách nhiệm, vì nếu ai cũng sợ liên lụy thì ai sẽ là người đứng ra giúp đỡ những người đang gặp nạn?
Về việc mình có tư cách gì để can thiệp, mình là một trong những người đầu tiên tiếp cận nạn nhân và hiện trường, nắm rõ tình trạng ban đầu nhất. Những người đến sau không biết chính xác tình hình lúc đó. Mặc dù không phải chuyên gia y tế, nhưng mình đã học qua sơ cứu và biết những nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ. Mình từng được học về những trường hợp đáng tiếc do cách sơ cứu sai – không ai cố ý làm hại nạn nhân cả, họ chỉ làm những điều họ tự cho là đúng. Nếu mình hay người thân mình là nạn nhân, mình cũng không muốn tình hình được xử lý bởi những người thiếu kiến thức sơ cứu và trốn tránh vấn đề như vậy.

Có nhiều bình luận từ chỉ trích thô lỗ tới thiện chí khuyên “Melt Melt: không nên “nhiều chuyện: – Nguồn: Melt Melt
Mình chia sẻ những điều này với mong muốn lên án và thay đổi cách xử lý thiếu trách nhiệm như đã nêu trên bài viết. Mình hy vọng sự việc này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kiến thức sơ cứu và quy trình xử lý chuyên nghiệp trong các tình huống khẩn cấp. Những người có trách nhiệm cần được đào tạo bài bản để bảo đảm an toàn cho người dân. Mình chân thành cảm ơn mọi người đã quan tâm, chia sẻ và đồng hành.” – Hết.
Nếu bạn mỏi mắt, bực bội khi đọc bài này, vấn đề không nằm ở Melt Melt, mà ở cách xã hội này đang “sản xuất” ra con người: thờ ơ, sợ trách nhiệm, đổ lỗi cho người lên tiếng. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta cãi nhau về cách sơ cứu còn nhiều hơn là học cách sơ cứu. Người có trách nhiệm lại không có chuyên môn. Người có chuyên môn thì bị yêu cầu… câm miệng. Người dân thì không biết tin ai, không biết giúp ai, vì sợ mang họa. Hầm sông Sài Gòn – nơi được đầu tư hàng nghìn tỷ – nhưng vẫn chưa có nổi một đội sơ cứu chuyên nghiệp trực 24/7. Vậy nếu có vụ nổ, sập, tai nạn hàng loạt thì … bảo vệ sẽ hô to: “Mọi người ơi, tránh kẹt xe nhé!”?
Khi bạn rơi vào giếng, bạn sẽ hy vọng có ai đó đưa thang dây xuống hay mong người ta quăng một cây chổi và bảo: “Tự quét dọn hiện trường giùm cái nha”?!
Một đất nước luôn hô hào phát triển, nhưng nhân đạo, tánh nhân bản lại đang… thoái hóa. Một thế hệ học đủ kiến thức từ những con chip nhân tạo nhưng không dám giơ tay ra giữa đời thực. Chúng ta không thể đòi một xã hội tử tế nếu mỗi lần có người làm điều đúng, họ lại bị giễu cợt, nghi ngờ và cô lập. Một xã hội văn minh phải là nơi người tốt được khuyến khích, không phải cần được “hộ giá”.
Một xã hội nếu thiếu bác sĩ thì nguy hiểm, nhưng nếu thiếu người dám cứu người thì tuyệt vọng. Đáy giếng – không phải là nơi của lòng tốt, mà là nơi lòng tốt bị ném xuống. Hãy quăng cái thang dây xuống, đừng để nó ở lại đó, mãi mãi.
DU
Bà Tám ở Sài Gòn