Chuyện lạ cách mấy mà người ta làm mãi cũng thành chuyện quen…

Bảo Huân

 

 

  1. Chuyện quen từ Nhật

Như cách người Nhật làm thế giới quen với sự sống… dai của mình, khiến người ta thấy mấy cái tựa báo kiểu “Ngày càng nhiều người Nhật thọ trên 100 tuổi” cũng… quen. Từ đó mà họ tạo ra một ngành công nghiệp đồ sộ về thực phẩm chức năng dành cho việc tăng tuổi thọ. Có nhiều chuyện hài hước dựa trên sự thật này được sáng tác, như:

“Một ông già Nhật vào tiệm quần áo: Bán cho tôi 2 bộ vét.

Cô chủ tiệm chanh chua: Bác già rồi, cần gì 2 bộ? Một bộ là đủ dùng đến cuối đời.

– Một cho tôi, một cho bố tôi.

– Oái, trông bác cũng phải 80 rồi, chắc bố bác phải hơn 100?

– Ðúng thế. Thật ra tôi cũng không muốn mua, nhưng chúng tôi muốn ăn mặc tử tế để dự đám cưới ông nội.

– Cái gì? Ông nội chắc phải 130 tuổi, lại còn cưới??

– Ông ấy cũng không muốn đâu, nhưng bị bố mẹ bắt.”

  1. Chuyện quen từ Trung Quốc

Hay như cách lãnh đạo Trung Quốc thường làm cả thế giới “trầm trồ” khi họ liên tục tạo ra thị phi tầm cỡ quốc gia/quốc tế, khiến người ta khi nghe hai chữ Trung Quốc liền phản xạ ngay cảm giác bất an – chẳng có gì tốt lành. Như: tạo ra đường lưỡi bò dọc Biển Ðông; tạo ra bẫy nợ ở các nước nghèo hơn, tạo ra các khủng hoảng kinh tế… gần đây; chính phủ Trung Quốc cũng đang ráo riết làm mọi biện pháp để loại bỏ tiếng Anh ra khỏi bảng xếp hạng ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, thay vào đó bằng tiếng Tàu. Bằng cách cấm chính các nghệ sĩ Trung Quốc/muốn làm ăn trong thị trường Trung Quốc dùng nickname/biệt danh tiếng Anh, rồi xóa sổ tiếng Anh trên toàn bộ biển báo và biển chỉ dẫn của 170,000 km đường cao tốc. Không biết khi nào Trung Quốc xoá… sân bay, chứ dòng người lẫn dòng tiền từ Trung Quốc “trôi” qua các nước dùng tiếng Anh mỗi năm hơi nhiều.

Với người làm biếng học hoặc học hoài không giỏi như tôi, chỉ ước IELTS thay writing thành… sleeping – Facebook

  1. Chuyện quen từ Việt Nam

“Ai mà thích đi học đâu.” – Tôi đã từng nghĩ vậy khi còn… đi học. Giờ cũng nghĩ vậy mà đỡ rồi, vì tôi đang rất thích học ngoại ngữ, dầu học hoài không giỏi.

Có lẽ, trên địa cầu này hiện nay, chỉ còn rất rất rất (chuyện quan trọng lặp lại 3 lần) là ít đất nước nào bài xích ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh – thứ tiếng thông dụng số 1 thế giới – như Trung Quốc. Bởi hầu hết các quốc gia đều lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2 để dạy tại trường học, không những thế, tiếng Anh được dùng làm  chuyển ngữ của rất nhiều quốc gia như Philippines, Hong Kong, Úc, New Zeland, Nam Phi, Ấn Ðộ… Ở nhiều nước khác (trong đó có Việt Nam), trong công việc hay học tập. nếu bạn giỏi tiếng Anh sẽ luôn được đánh giá cao và cơ hội thăng tiến rộng mở… Vậy mà một ngày đẹp trời, không biết Việt Nam có canh Trung Quốc sơ hở mà bắt chước không, mà khi không học sinh/sinh viên Việt Nam đang vô mùa thi cử, Bộ giáo dục Việt Nam liền nhanh chân dừng hàng loạt kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở Việt Nam. Ngoài IELTS và các chứng chỉ tiếng Anh khác (nhiều cuộc thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật và tiếng Hàn tại Việt Nam cũng bị hoãn khiến nhiều người xất bất xang bang).

Xem thêm:   Một ngày thường...

Ngoại ngữ thì nhiều, các chương trình thi ngoại ngữ cũng nhiều, nhưng có lẽ, việc IELTS (International English Language Testing System) bị tạm hoãn thi ở Việt Nam khiến rất nhiều người dân lẫn báo chí hay con các cán bộ Việt Nam (đang tính đường đi du học/định cư) cảm thấy sốc. Bởi đây là hệ thống kiểm tra khả năng sử dụng tiếng Anh phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, các trường Ðại học và nhiều công ty ở Việt Nam cũng rất tin tưởng vào các chứng chỉ và điểm số từ IELTS. Thứ nhất vì IELTS được đồng điều hành bởi ba tổ chức uy tín cao: ESOL của Ðại học Cambridge (University of Cambridge ESOL), Hội đồng Anh (British Council) và tổ chức giáo dục IDP của Úc. Thứ nhì do IELTS vẫn giữ vững được uy tín từ khi được khai sanh hồi năm 1989: IELTS được chấp nhận bởi phần lớn các học viện ở Úc, Anh, Canada, Ireland, New Zealand, Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nghề nghiệp. Nó cũng là một yêu cầu bắt buộc đối với việc di cư đến Úc và Canada. Ảnh hưởng nhiều thì tạo ra bất bình nhiều, rất nhiều người đã lên tiếng phê phán Bộ giáo dục VN, như Facebooker Cao Xuan Minh:

Bộ giáo dục đôi khi không cần có… giáo dục, nên luôn chọn đúng thời điểm khó để ra các ý tưởng lạ lùng – Facebook

“- IELTS là không phải của Việt Nam, họ dạy, họ tổ chức thi từ xa xưa giờ theo chuẩn của họ. Chuẩn này quá chuẩn nên nó trở thành chuẩn của hầu hết các nước về Anh Văn Học Thuật dành cho người không dùng Tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ.

– Nếu dạy học, thi cử có vấn đề gì đó thì chính họ bị ảnh hưởng uy tín trên Toàn Cầu.

– Nếu du học sinh gian dối để có hồ sơ đẹp du học, năng lực không có thì chính họ tự sát và bị đào thải.

– Nhiều trường Ðại học của Việt Nam lấy chuẩn điểm IELTS để tuyển sinh vô đại học đó là “ăn ké” của người ta. Nếu sự ăn ké đó thấy không đạt phẩm chất thì ta chọn tiêu chuẩn khác có giá trị hơn.

… Hàng ngàn con trẻ thiệt thòi, tác động đến tương lai nguồn nhân lực cao cấp của đất nước… trong khi đó có hay không có IELTS chẳng ảnh hưởng gì đến giáo dục hay hệ thống bằng cấp pháp quy, tuyển dụng công lập ở Việt Nam. Cũng chẳng đụng chạm tiền bạc quyền lợi gì khi chính các gia đình đầu tư IELTS cho con cái chứ không phải xã hội. Liệu IELTS có làm kiềm hãm sự phát triển nguồn lực của đất nước hay không? Dĩ nhiên là không.

Rồi đây IELTS, TOEFL… nó không tổ chức thi ở Việt Nam nữa thì thiệt thòi thuộc về ai cho biết? Ðúng là… ăn ké mà đòi làm chủ!” – hết trích.

Xem thêm:   Tấn công Iran

Không biết nên tin ai – Facebook

Trong cái rủi có cái may, nhờ Bộ Giáo Dục Việt Nam mà Bộ văn hóa thông tin và du lịch Việt Nam có vẻ vui lắm, vì Bộ Giáo Dục Việt Nam lại cấm các cuộc thi ngoại ngữ ngay cái thời điểm sinh viên/du học sinh cần hoàn tất thủ tục nhập học, du học… Nhiều gia đình trở tay không kịp, nước tới chân phải nhảy, nên nhiều người phải gấp rút ghi danh đi nước ngoài thi (như thi IELTS ở Hội đồng Anh Bangkok Thái, Tân Gia Ba). Các công ty du lịch nhanh nhạy cũng lên kế hoạch tổ chức các tour “thi IELTS kết hợp du lịch” ở nước ngoài, kỳ này ngành du lịch các nước đó có vẻ khởi sắc một phần là nhờ dân Việt Nam.

Xưa coi trong Ngao Sò Ốc Hến, quan huyện nói với thầy đề “không loạn phải làm cho loạn, không ai thưa kiện lấy gì ăn?” Tưởng giỡn hoặc chỉ là “chiêu” xưa cũ, thời này hiện đại văn minh rồi, không “quan” nào như vậy. Chẳng ngờ, không chỉ Bộ Giáo Dục Việt Nam là cá biệt gây sự, mà hầu như Bộ/ngành nào ở Việt Nam cũng thích “không loạn phải làm cho loạn, không ai thưa kiện lấy gì ăn?”

Như việc nơi sanh trên cái hộ chiếu mới của Việt Nam: Ban đầu, cả thế kỷ qua, hộ chiếu của Việt Nam có ghi nơi sinh. Năm ngoái, sau khi họ thiết kế lại, hộ chiếu của Việt Nam không ghi nơi sinh nữa. Bây giờ họ lại trình quốc hội để cho phép ghi vào hộ chiếu của Việt Nam mục nơi sinh.

“Đầy bình” – hai chữ đầy uy lực với các cây xăng Việt lúc này, vì khó có ai được đổ đầy bình – Facebook 

Như việc khan hiếm xăng ở Việt Nam hiện nay: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam – ông Nguyễn Hồng Diên luôn khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu từ khi cả Miền Nam, Miền Bắc, Miền Trung của Việt Nam lần lượt thiếu xăng dầu tới hôm nay. Làm dân tình Việt trở nên thay đổi tư duy về xăng luôn – xưa mỗi lần xăng lên giá là mạnh ai nấy thở dài. Nay, nhờ không mua được xăng thời gian dài, mỗi lần nghe giá xăng lên là dân mừng húm, chắc như bắp là sẽ được đổ xăng đầy bình vài bữa, thay vì: xe máy chỉ được đổ từ 30k-50k/lần, xe hơi chỉ được đổ 300k/lần, sau khi dạo tìm tiệm xăng còn mở cửa và xếp hàng vài tiếng đồng hồ để được chen chúc đổ xăng.

Xem thêm:   Hệ thống phòng thủ Golden Dome

Trong khi Bộ trưởng Công Thương Việt Nam – ông Nguyễn Hồng Diên luôn khẳng định “Miền Nam thiếu xăng vì phụ thuộc xăng lậu.” Thì ông Lại Văn Quyết (chủ cây xăng Lại Thanh Tùng ở huyện Thống Nhất, Ðồng Nai) là một bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng lại nói rằng: “Cây xăng bị cáo ở nông thôn, lại đang bị rút giấy phép vì chưa đạt tiêu chuẩn về hạ tầng, bồn chứa nên thời gian đó không nhập xăng hợp pháp được. Thấy người dân không có chỗ mua xăng phải dắt bộ rất tội, nên bị cáo mới mua xăng lậu về bán với số lượng ít”. Không biết dân tin ai hơn, nhưng hiện trên mạng xã hội Việt Nam, lời “âu yếm” của người dân không đổ được xăng hoặc hết tiền đổ xăng dành cho ông Diên chiếm đa số. Nhiều người còn nói lẫy “Làm bộ trưởng ở VN rất sướng, làm được việc hay không làm được việc thì vẫn là bộ trưởng.” Hay “Tiền mình gửi vào ngân hàng nhưng giờ rút không được, xăng không bao giờ thiếu mà không thể đổ đi làm… Quốc hụi thì bỏ ra mỗi ngày cả tỷ để bàn chuyện phạt người dân mua nhầm hàng giả, chuyện đấu giá biển số xe với bỏ biển số 49 với 53… Lạy các ông, nhân danh người trả tiền lương cho các ông, tụi tui cầu xin các ông cứ lấy tiền lương nhưng… đừng làm gì, đừng đề xuất gì, đừng ra thêm luật nào nữa trong vài tháng hoặc mãi mãi cũng được.”

Tuy chuyện lạ xảy ra ở Việt Nam mỗi ngày như trên, nhưng có nhiều người vẫn không thể quen nổi. Như anh bạn tôi, sau vài tháng thất nghiệp đã kiếm được một việc làm tốt, vì vậy anh hớn hở dậy sớm tới cây xăng xếp hàng, vừa mở bình xăng, chưa nói gì nhân viên cây xăng đã bơm vào xe anh 30k tiền xăng (theo quy định chung hiện nay), trong khi trong túi của ảnh chỉ còn có… 20k!

DU