Chẳng còn bao lâu nữa là hết một năm đầy sóng gió. Một năm khiến người ta nhìn nhận lại độ “chuyên nghiệp” trong việc phá hoại của “hàng Trung Quốc”.

“Dịch” nào liên quan tới Trung Quốc cũng đáng sợ, từ xanh (Corona) đến đỏ (Cộng sản) – Biếm họa của Trẻ (ngày 25-4-2020)   

Riêng ở Việt Nam, đầu năm tới giờ, dân từ liêu xiêu đến hấp hối bởi phải dịch cúm Vũ Hán. Theo thống kê chính thức của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư VN, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63,461 doanh nghiệp “rút lui” khỏi thị trường. Tính ra, trung bình mỗi tháng có 9,065 doanh nghiệp phá sản do ảnh hưởng (trực tiếp và gián tiếp) từ dịch cúm Vũ Hán. Gần đây, người dân ở nhiều tỉnh miền Trung lại gánh chịu nạn thiên tai/nhân tai nặng nề “nhất lịch sử” – Từ sự trừng phạt của thiên nhiên kèm sự “ăn hôi” của những kẻ có quyền “xả lũ đúng quy trình”, phá rừng đúng quy cách, đào núi và lấp biển có văn bản/đóng mộc…

Bên cạnh những người có ý chí mạnh mẽ, cầu tiến, luôn tìm mọi cách lương thiện để tồn tại. Thì xã hội luôn không thiếu những tế bào lầm lỡ, thiếu ý chí và bị mù đường khi dò tìm tương lai cho mình, cho người khác. Họ đã không hẹn mà cùng có suy nghĩ «còn chần chờ gì nữa mà mình không đi ăn… cướp!” Nhưng, cuộc sống mà. Ở bất kỳ công việc nào, muốn thành công cũng cần đến tính “chuyên nghiệp”, nên có những người chỉ vì thiếu một chút kinh nghiệm và chuyên môn đã trở thành bia đỡ đạn, thay cho những kẻ “chuyên nghiệp” hơn. Trong cùng một “chức danh”: cướp. Huống chi là những tên cướp mới “vào nghề”, làm mọi thứ bằng bản năng và kinh nghiệm tra Google của mình.

Xin kể về hai tên cướp “hot” nhất thời gian gần đây trên mạng xã hội – vì sự không “chuyên nghiệp” của họ. Một vụ là cướp ngân hàng, một vụ là trộm điện thoại. Ðầu tiên là một cô gái, nghe hai từ «cô gái» là chúng ta có thể đoán người này «cầm đầu» vụ nào ở trên đúng không?

Nàng tên Phùng Thị Thắng (sanh năm 1996), luôn có niềm đam mê “cháy bỏng” với ánh đèn sân khấu. Cô từng ghi danh để tham dự nhiều “gameshow” truyền hình trong nước về hài và ca hát – với mộng ước làm tài tử, nhưng cô không nhận được nhiều sự chú ý từ khán giả. Vì vẫn nuôi ước mơ nổi tiếng, cô vay mượn nhiều nơi để đầu tư cho việc «xây dựng hình ảnh» của mình, từ một người không có gì, cô bắt đầu có rất nhiều… chủ nợ, nhưng «tiếng tăm» vẫn «tắt ngúm» giữa ngân hà đầy «sao», đầy «hiện tượng mạng» của giới «nghệ sĩ» nước nhà. Qua một thời gian dài suy tính và lên kế hoạch rõ ràng. Cô bắt đầu học cách làm… bom.

AsiaOne – một trang tin tức ở Singapore – đưa tin về Phùng Thị Thắng – Nguồn: thanhnien.vn

Ngày 10-10-2020 (quả là một ngày đẹp), Phùng Thị Thắng đem giỏ xách đựng bom tự chế và một bình xăng xông vào ngân hàng. Không biết bằng cách nào, chỉ trong 5 phút, cô trở ra với 2.1 tỷ VNđồng (Gần 100.000 USD) trên tay khi ngân hàng luôn có đông nhân viên và bảo vệ. Rồi cô quyết định “tẩu thoát” bằng cách nhảy lên… taxi đậu trước cửa ngân hàng.

Xem thêm:   Biden & Trump

Nhảy lên taxi chạy đi sau khi cướp, một hình ảnh vô cùng quen thuộc trên phim Hồng Kông/phim Mỹ. Cũng là hình ảnh chứng minh sự thiếu “chuyên nghiệp” của “tướng cướp” mới “khởi nghiệp” Phùng Thị Thắng. Có lẽ cô mải mê đi tìm danh vọng, học cách làm cướp mà không biết Sài Gòn mỗi ngày kẹt xe tầm… 24 giờ? Bắt taxi để bỏ trốn là một cách ngớ ngẩn nhất cho một tên cướp ngân hàng!

Nhưng tôi sai, cô nàng không bị bắt trong lúc đang ngồi trên taxi mà bị bắt sau đó hai tiếng, lúc đang lựa… kim cương ở một trung tâm thương mại. Người đưa cô vào tù cũng là những người tài xế taxi mà cô «chọn mặt gửi vàng» trên đường «tẩu thoát». Tuy không thành công vì cướp ngân hàng nhưng Thắng đã thành công nổi tiếng, mặt và tên cô lên luôn báo nước ngoài. Kênh YouTube riêng của cô được người ta ấn «theo dõi» một cách ồ ạt, thu hút hàng triệu bình luận: chửi có, chia buồn có, chia sẻ kinh nghiệm (đi cướp) có, chê trách có mà khen ngợi cũng có… Trong đó, nhiều nhất những lời dặn dò «chân thành» khuyên cô (sau khi ra tù) nếu có ý định cướp ngân hàng lần nữa, khi «tẩu thoát» nhớ «bắt» xe ôm thay vì taxi, vì đi taxi vừa kẹt xe vừa dễ bị camera hành trình của tài xế ghi lại hình ảnh. Ði xe ôm tuy cũng kẹt xe, nhưng dễ leo (lên) lề, đi ngược chiều, dễ lạng lách hơn, gặp công an giao thông cũng sẽ đỡ tốn tiền hối lộ hơn taxi mà cũng dễ… uy hiếp tài xế hơn. Túm lại, ai cũng thương cảm cho cô gái tuổi trẻ, thiếu kinh nghiệm. Dù (tôi nghĩ), những người “khuyên” cô chắc cũng chưa đi cướp ngân hàng lần nào!

Vụ thứ hai, xảy ra tại tòa nhà Landmark 81, tòa nhà cao nhất Sài Gòn hiện thời (theo Google nói thì đây cũng là tòa nhà cao nhất Việt Nam, cao nhất Ðông Nam Á, top 10 thế giới…). Nhiều cái “nhất” như vậy thì dĩ nhiên là đắt đỏ rồi. Ðắt đỏ thì người ở đây chắc chắn là… giàu rồi. Mà giàu thì chắc được nhiều tên trộm/cướp “để ý”. Chỉ có tin không vui là, những tên trộm/cướp dám vào các tòa nhà cao cấp ăn trộm thì cũng rất là “chuyên nghiệp”. Như anh D., ảnh bịt mặt, đội nón kết che kín mít, xông vô nhà người ta lấy ba cái điện thoại đời mới ngon ơ, đi ra nhẹ nhàng. Dù gia chủ có coi camera mòn con mắt cũng không thể biết được mặt của anh D. tròn méo ra sao, Sài Gòn hơn 15 triệu người, «bóng chim tăm cá» biết đâu mà tìm?

Cướp “chuyên nghiệp” là khiến người bị cướp “tự nguyện” – Chụp màn hình báo VN

Nhưng, trời bất dung gian, anh D. ăn trộm kia tuy giỏi về “chuyên môn” trộm/cướp, nhưng lại mù về công nghệ. Sau khi vừa trộm được ba cái điện thoại mới cáu cạnh, chàng ta hí hửng đem điện thoại ra thử, “selfie” liên tục. Xui cho chàng là điện thoại (chàng mới trộm) đồng bộ với tài khoản Google Photo của khổ chủ. Vì vậy, ngày 19-10-2020, chủ nhân ba cái điện thoại – Trí Phạm – đăng hình của gương mặt nhìn thẳng vào camera cười mỉm chi của D. lên mạng xã hội. Bên cạnh đó là video ghi lại cảnh D. trộm điện thoại (kèm theo nguyên nhân anh Trí có hình D. – lấy từ album Google Photo).

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Không lâu sau, cư dân mạng đã tìm ra danh tính của kẻ gian thiếu “chuyên nghiệp” trên, giúp anh Trí “phá án”. Anh Trí Phạm sau đó cũng chia sẻ lên mạng rằng người nhà của D. đã gọi điện xin lỗi và xin gỡ bài. Muốn được hòa giải một cách nhẹ nhàng, cho con/em họ còn đường “lui”. Tuy nhiên, đã quá muộn.

Pháp luật không “trị” D. (vì khổ chủ không báo công an), chủ ba cái điện thoại không “trị” D. (vì người nhà D. van xin), nhưng cư dân mạng “trị” D., vì họ… quởn. Cư dân mạng ồ ạt “kéo quân” vào trang cá nhân D. “dạy dỗ”, trách vấn: Tại sao mù công nghệ mà đi ăn trộm đồ công nghệ, làm “mất mặt” của những người ăn trộm “chuyên nghiệp” khác? Tại sao… xấu như vậy mà lại thích đi selfie? Một ngàn câu hỏi tại sao… khiến cho D. đóng luôn trang cá nhân. Chẳng biết có vì “cú sốc” này mà chàng ta bỏ tật trộm vặt hay không? Hay là chàng sẽ “trau dồi” kinh nghiệm, rèn luyện không ngừng, để “tay nghề” cứng hơn, đợi ngày “tái xuất”? Cuộc sống mà, biết đâu bất ngờ.

Ăn trộm, ăn cướp không chuyên thì nó “cực” vậy đó. Nếu cô bé Phùng Thị Thắng và chàng trai D. ở trên biết phấn đấu, ráng đi “buôn chổi đót”, “nuôi lợn”… chừng mấy năm lấy vốn. Hay tìm vài chỗ… đầu thai tốt, kiếm thiệt nhiều tiền, kiếm xong thiệt nhiều tiền thì dùng tiền mua cái chức. Lúc đó, vừa có tiền, vừa có quyền thì hai người có thể làm ăn… cướp/trộm một cách “chuyên nghiệp” hơn rồi. Bạn có chưa từng nghe ông bà ta hay dặn:

“Tự nguyện” xong cầu cứu lên mạng? – Nguồn: Facebook

“Con ơi nhớ lấy câu này

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan!”

Ðó không phải là một ca dao «chửi xéo» mà là một ca dao «hướng nghiệp», mở cho các bạn trẻ đam mê nghề trộm/cướp một con đường khác (còn các bạn trẻ khác thì… thôi!).

Với “vốn” ít và rủi ro cũng khá thấp, xui lắm mới bị công an bắt (dù tội chứng rành rành luôn). Cho dù hình của bạn bị người ta đăng bêu riếu lên mạng thì cũng chỉ một phần nhỏ cư dân mạng “nhào vào” chửi, trách móc. Số còn lại sẽ bênh bạn, mắng những kẻ chửi bạn là “phản động”. – Ðó là những quyền lợi ngoài lề của việc làm… quan. Tôi xin kể ra một ví dụ nhỏ về sự “chuyên nghiệp” trong việc cướp của mấy ông quan “thôn”. Ðược coi là chức vụ nhỏ nhất trong bộ máy hành chính hiện nay:

Xem thêm:   Ăn năn - mặc kệ

Trước đó, ngày 28-10-2020, ca sĩ Thuỷ Tiên (người được người dân cả nước tin tưởng gửi tiền để đi cứu trợ) đã về xã Cảnh Hoá (Quảng Trạch) trao quà cứu trợ cho đồng bào bị thiệt hại vì lũ lụt. Tổng cộng 703 gia đình, mỗi nhà 6 triệu. Riêng thôn Ngoạ Cương có 69 nhà. Vậy mà…

Sáng 29-10-2020, Nguyen Thi Hang Nguyen đã đăng lên mạng: “Nhà mình ngập lụt được Thuỷ Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi.” Thông tin sau khi đăng tải đã thu hút rất nhiều người bình luận, chia sẻ và thể hiện thái độ bất bình, không đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương. Dù chuyện này không hề mới. Vì ở các vùng quê thiếu thốn về vật chất và trình độ dân trí còn hạn chế thì những hành vi kiểu này không có gì gọi là ngạc nhiên. Thậm chí các ông bà quan chức cấp thôn xã này tự coi mình là ông trời vùng đó. Muốn làm gì thì làm, xem dân như cỏ rác đúng nghĩa. Người dân đôi khi cũng nghĩ vậy. Vì thế, một bên là quan làm «nghề» cướp «chuyên nghiệp», một bên là dân (chịu) bị cướp cũng rất «chuyên nghiệp». Nhiều khi không bị cướp chắc cũng buồn, cảm thấy không quen? Nên số người dám đứng ra tố cáo như chị “Hang Nguyen” ở trên ít đến đáng thương. Hầu như có mình “chỉ” mà thôi.

“Hơn 96% người dân được hỏi hài lòng về sự phục vụ của công an” – Bạn dám không “tự nguyện” tin không?

Ðể chứng minh “đặc quyền” của cướp “chuyên nghiệp”, hàng loạt tờ báo trong nước đã đăng lên giải thích cho cách cướp trên là do “dân tự nguyện”, là do muốn “giữ giùm”, là do muốn “thu lại rồi chia đều cho tất cả các hộ”… Họ còn khẳng khái thừa nhận còn giữ 5 “nguồn thu” (từ người hảo tâm) khác mà dân đâu ai nói gì? Tức là có “cướp” không? Dạ xin thưa là có!

Các bạn yêu nghề ơi, thử nghĩ xem, cướp vậy coi có “chuyên nghiệp” hay không? Tại sao cứ phải lén lén lút lút, lúp lúp ló ló đi cướp những món đồ bé mọn như điện thoại hay những món tiền tỷ rủi ro. Các bạn có đọc báo không, mấy ông quan tham nhũng, mỗi khi ra tòa thì ít khi nào số tiền mấy ổng “đục khoét” ngân sách dưới con số hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của chúng ta, bao gồm những người “hành nghề” trộm/cướp vặt như bạn D. và bạn Thắng ở trên.

Bởi vậy, hy vọng sau khi nàng Thắng ra tù hoặc một khi nào đó chàng D. chán chường có thể đọc bài viết này để lấy “động lực”, niềm tin sống. “Trau dồi” kinh nghiệm hơn trong việc “hành nghề”. Chọn «hướng đi» tốt hơn cho mình – Một là làm cướp «chuyên nghiệp» luôn (dầu gì cũng quá đông rồi, thêm hay bớt hai kẻ chắc cũng không sao). Hai, vẫn là làm… cướp, nhưng chỉ cướp của mấy tên cướp “chuyên nghiệp” trên thôi. Cho dân đọc tin, có cái để còn tức… cười chơi.

Làm cướp “chuyên nghiệp” rồi thì khi đi ăn cướp không cần bịt mặt, đội nón hay chế bom giả nữa. Chỉ cần nhìn vào tủ quần áo và suy nghĩ:

– Không biết hôm nay ra đường, đội cái quần màu nào hợp!

Thật lý tưởng, phải không?

DU