“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?” – Đây Thôn Vĩ Dạ / Tác giả: Hàn Mặc Tử

“Sương khói mờ nhân ảnh” phiên bản TP.HCM (từ các báo VN)

Khi nói “sương khói mờ nhân ảnh”, chắc sẽ có người nghĩ đến cảnh tượng trong… chùa hoặc trong sương mù. Vì chùa là nơi tôn nghiêm và tín ngưỡng, ít ai muốn đem nhang khói ra để “sống ảo”. Nên từ khi có mạng xã hội, hai câu thơ trên là lời thoại “bất bại” để thuyết minh cho mọi tấm hình chụp cùng sương mù bảng lảng của các cô gái/chàng trai Việt Nam. Cho dầu đó là ở Ðà Lạt, Sapa, Huế hay San… Francisco, Seoul …

Nghe qua thì ai cũng biết, nó chẳng “lan quyên” (liên quan) chút nào đến Saigon đúng không? Vì “Saigon hai mùa mưa nắng” hoặc “Saigon hai mùa nắng và nắng thấy… mẹ” vốn đã là câu cửa miệng lẫn cửa… lòng của biết bao nhiêu người ở Saigon hoặc từng đặt chân đến Saigon. Tuy mỗi năm đều sẽ có vài đợt áp thấp hoặc gió đông đi lạc, khiến cho thời tiết Saigon mát mẻ vài ngày, cho người Saigon điệu đàng mang áo len, nón beanie ra điệu đà chụp vài “pô” hình rồi… cất. Nhưng cái sự mát mẻ đó vẫn chưa đủ để tạo ra thứ gọi là “sương khói mờ nhân ảnh” kia.

Ngập xưa lây lất bánh xe, ngập nay trồi tới… háng (Từ Facebook)

Vậy mà dòng đời đưa đẩy, một sáng tinh sương, nhìn ra ban công bằng đôi mắt còn ngái ngủ, một… đống người Saigon “tá hỏa” nhận ra sương mù bỗng nhiên có… “lan quyên” đến Saigon rồi! Dĩ nhiên sau vài giây người tá hỏa thì thị dân sẽ bình tĩnh mà… hạnh phúc. Cho rằng hôm đó thời tiết se lạnh thêm chút suơng mù, ráng hít hết bầu không khí trong lành, mát mẻ đó rồi chụp một “pô” đăng lên mạng xã hội, đề thêm hai câu thơ:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

Sau những giây phút hân hoan là trùng trùng sợ hãi. Ai có khẩu trang thì bịt khẩu trang, ai có máy lọc khí thì mở máy lọc khí, ai có hầm thì chui hầm trốn, ai có tiền thì bay qua… Mỹ, Châu Âu mà nương nhờ và xa lánh những “giàn” sương lượn lờ này là tốt nhất. Vì khắp mạng xã hội, báo, đài loan tin cho hay chúng không phải là sương mù mà là sương độc, chúng được “thai nghén” từ sự ô nhiễm của môi trường. Chúng sẽ xuyên qua khẩu trang, cửa, da, chui vào cơ thể và xây nhà, làm tổ, thai nghén thêm muôn ngàn căn bệnh khác cho người sống trong nó, mà chẳng ai hay biết gì.

Nếu bạn đã một lần gặp những làn “sương khói mờ nhân ảnh” đó, rồi cũng đã lỡ hân hoan mà hít vào phổi ít nhiều, bạn cũng đừng lo. Vì lúc nào mà không khí không ô nhiễm nhất nhì Ðông Nam Á, hít… trọn gói hay hít “lai rai” thì cũng có kết quả như nhau thôi. Cứ bình tĩnh mà… hít! Bởi chết vì ô nhiễm vẫn từ từ, dễ chuẩn bị “hậu sự” hơn là chết vì… nín/không dám thở.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Quay trở lại chuyện Saigon hai mùa mưa nắng. Vài năm nay, do “quy hoạch” để “hiện đại hóa” mà cây dần bị chặt sạch, nhà máy, nhà cao tầng dần dần lấp kín khắp mọi nẻo đường khiến cho nhiệt độ Saigon mỗi năm một tăng, có khi hơn 42 độ C. Không ít người bị bệnh/mất mạng chỉ vì say nắng mặc dầu họ vốn quen làm việc ngoài trời. Những tưởng trời mưa sẽ đỡ hơn thì mưa đến, dân tình lại phải vật lộn với một thế lực hữu hình, có tên, có dạng nhưng không thể nào làm gì được, đó chính là những lời hứa chống ngập, hết ngập của mấy ông bà cán bộ môi trường.

Lãnh đạo đề xuất sai thì lãnh đạo đề xuất lại, nhưng bắt lỗi lãnh đạo thì phải bắt nhốt (Từ các báo VN soha, Thanh Niên, Báo Mới)

Tại sao tôi lại “đổ thừa” mấy ổng, mấy bả trong khi mưa là tại… ông Trời?

Trời mưa thì hồi nào hổng mưa, chẳng lẽ hồi xưa ông trời ổng đang mưa vừa… đủ ngập cái người ta lại có thể kêu ổng ngưng ngay… chỉ bởi vì ‘’ta không muốn nhìn mưa rơi’’? Tại sao trước khi mấy ông, mấy bà này lập ra cái gọi là “cục/bộ/sở tài nguyên môi trường, phòng chống lụt bão, ngăn ngừa thiên tai…” Thì Saigon chỉ úng nước một vài chỗ khi mưa quá lớn và sau đó là rút.

Còn bây chừ, đúng là số chỗ bị úng, ngập giảm hẳn, giảm một cách tuyệt đối, giảm chỉ còn một chỗ. Ðó là toàn thành phố? Xin mời đọc một bài bình luận về sự ngập của Saigon xưa:

Từ Facebook Huan Pham: “Saigon trước năm 1975 mưa lớn cũng ngập một số tuyến đường chứ bộ, nhưng chỉ tới cái mắt cá chân của người lớn, khi cơn mưa vừa dứt thì nước cũng đã rút hết. Ðường Lê Lợi chỉ thỉnh thoảng những cơn mưa thật lớn, tất cả những nơi cao đổ dồn xuống, nhưng chỉ dứt mưa là nước rút, không ngập lưu cữu như bây giờ, hệ thống cống ở vùng trung tâm SG, nó hình “thuổn’’ cao hơn đầu người, thỉnh thoảng nhiều người vẫn xuống bắt cá, lươn.

Ðường Phan Văn Trị, quận 5, mưa xuống tắm mưa rất đã, mưa dai cũng ngập nhưng chỉ tới mắt cá người lớn và chỉ vài phút sau nước rút hết bởi vì ngày xưa còn có kênh 6 xã và vùng Bình Chánh, Nhà Bè kênh rạch chằng chịt là hệ thống thoát nước thiên nhiên của Sài Gòn xưa, mấy cha tiến sĩ dỏm bây giờ ngu ngốc vào “Ðô Thị Hóa’’ khu vực kênh 6 xã (Khu Phú Mỹ Hưng hiện nay), lấp ao hồ Bình Chánh, Nhà Bè nên mới xảy ra cớ sự.

Người Mỹ đã thiết kế đô thị từ Saigon liền lạc với Phú Nhuận, Gia Ðịnh bằng cách đào đường đặt cống thoát nước trước, cống đó dẫn từ Sài Gòn qua Phú Nhuận , Gò Vấp, kho đạn cũ lên tận Hóc Môn và thoát ra sông và hệ thống kênh mương ở Hóc Môn, sau năm 75 họ vô thấy nhiều nơi ở Gia Ðịnh, Gò Vấp đất còn trống nhiều, bắt đầu chia chác nhất là khu vực sân Golf cũ, vòng đai phi trườngv.v.., ông cha tụi nó chia chác, chiếm dụng, cất nhà. Khi cất nhà phải đào móng, trí óc ngu si nên đào trúng đường cống trong hệ thống cống thoát của Mỹ và đổ bê tông lấp cống, hầu như hệ thống cống thoát nước đó bị phá vỡ hết để cất nhà, cái ngập lụt ngày nay là hậu quả của ngu dốt mà ra.

Xem thêm:   Chó...

Gò Vấp năm 1966, lúc này đường Lê Quang Ðịnh chưa có đường Thủy Cục nhưng đường cống ngon lành, đường tráng nhựa phẳng phiu, đường Phan Thanh Giản (nay là Nguyễn Thái Sơn), đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ Phú Nhuận), hoặc đường Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm)… hổng có nơi nào bị ngập nước hết. Nước ngập ở đường Lê Lợi do cơn bão năm Thìn (1964), ngập ở Q6 do mưa lớn, triều lên nhưng cũng ít khi, tạnh mưa nhiều lắm 10 phút sau nước rút cạn queo, hông tin hỏi người già của Saigon xưa đi. Sau này thêm các dự án phá bỏ cầu Bình Tiên, cầu Xóm Củi, cầu Ba Cẳng, lấp rạch xây nhà – quận 5, 6, 8 gây ngập nặng.

Siêu máy bơm, hồ chống ngập, tất cả đều chìm dưới nước… ngập! (Từ báo VN)

Quan trọng nhất là, ngày xưa mưa ngập lụt ít thấy đội cứu hỏa phải quan tâm vì cống rãnh 95% tốt, ngày nay cũng chả thấy ai cả! Cho dù chết, sập cống, ngập tới mang tai. Từ thằng thành ủy tới các Sếp cứu hỏa, vài câu chia buồn xong xách mõm đi nhậu.”

Về nguyên nhân gây ngập thì tôi nghĩ mình không cần nhắc lại nữa, đã có quá nhiều người có kiến thức và chuyên môn nói đến. Bây giờ tôi xin nói đến việc chống ngập.

Người ta nói “muốn tháo chuông thì nhờ người buộc chuông”. Bởi vậy, sau khi thu gọn từ nhiều điểm ngập thành một điểm (toàn thành phố), các “cục/bộ/sở tài nguyên môi trường, phòng chống lụt bão, ngăn ngừa thiên tai…” từ chi bộ đảng ủy đến ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, sở tài nguyên môi trường, công ty cấp thoát nước… đã hàng ngàn lần họp, đưa ra hàng trăm dự án chống ngập, mỗi dự án tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ đến hàng trăm ngàn tỷ đồng để chống ngập (dĩ nhiên, số tiền này từ thuế của dân).

Thậm chí con đường Nguyễn Hữu Cảnh phải bỏ ra cả mấy chục tỷ hằng năm để thuê “siêu máy bơm” của Nhật hút nước mỗi khi mưa. Nhiều “lãnh đạo đảng, nhà nước” than trời vì không biết phải chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào vì cả chục dự án đưa ra nhưng cái nào cũng cho… vui.

Trong cái khó ló cái… lu. Không phải một cái lu mà vài triệu cái lu được đưa ra để… chống ngập.

Một ngày đẹp trời, trên “bảng phong thần” của cư dân mạng lại xuất hiện một cái tên: Phan Thị Hồng Xuân. Bằng tất cả sự quả cảm và kiên cường của một chiến sĩ cách mạng, bà đã đề xuất với Uỷ Ban Nhân Dân TP.HCM: “Mỗi nhà ở nông thôn, trước sân có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Nên chăng, cần suy nghĩ về biện pháp này bên cạnh các giải pháp chống ngập bằng công trình. Ðây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa”.

Công dụng của… lu (Từ Facebook)

Trong cái nắng oi bức, cái mưa ngập ngụa làm con người chán nản. Những đề xuất “chân quê” và đậm mùi dân tộc như bà Xuân đưa ra luôn luôn là ánh sao sáng trên bầu trời “đề xuất”. Và không nghi ngờ gì nữa, bà và cái lu nổi tiếng. Các bài viết tuổi thơ về lu tràn ngập mạng xã hội, các món gà quay lu, bò nướng lu, cá hấp lu cũng trở nên đắt khách, những bài hát về lu cũng được cư dân mạng sáng tác và truyền tải.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Trong sự hân hoan đó, những người làm trong giới nghệ thuật, thành phần ít quan tâm đến chính trị xã hội cũng tham gia. Một cô ca sĩ tên Thủy Tiên cũng kể kỷ niệm về cái lu của tuổi thơ như vầy:

“Tự nhiên ký ức tuổi thơ ùa về mạnh mẽ, vì hồi xưa sau hè nhà bé có gần 20 cái lu bự chứa nước mưa, tuổi thơ gắn liền với nó vì hay nhảy vô lu trốn bị mẹ đánh, hay ăn cắp rùa cá của bà cố bỏ vô lu giấu để chờ trưa nhà ngủ hết đi thả hết xuống sông phóng sinh. Tự nhiên một ngày nọ hình như lớp 2-3 gì đó đi học về mấy cái lu “Mất Tiêu” hỏi mẹ lu của nhà mình đâu rồi? Mẹ nói trên phường người ta vận động không chứa nước bằng lu nữa để tránh muỗi và lăng quăng gây bệnh, nên nhiều người chuyển về ruộng, nhiều quá chuyển không hết họ đập bỏ lu. Nhìn khoảng trống không còn mấy cái lu nữa buồn gì đâu.”

Tấm ảnh không thời nào lỗi mốt (Từ facebook)

Tuy không khí bây chừ đầy bụi bẩn, tuy những giọt mưa tuổi thơ giờ đây đầy axit, đầy hạt vi nhựa, đầy độc hại, không còn ai dám tắm hay lấy để nuôi cá, nuôi… lăng quăng như hồi xưa. Nhưng những cái lu tuổi thơ cũng thật đáng quý và đáng yêu, cũng rất đáng… tiền. Như Phó giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững (người đã nói cư dân mạng không lành mạnh khi chỉ trích bà Xuân vì đề xuất trên) đã tính: “Ví dụ một trận mưa đổ xuống khoảng 10 triệu mét khối nước, nếu dùng 3-4 triệu cái chum hay cái lu hoặc bể với sức chứa khoảng 3-5 triệu m3 nước thì đó là cách chống ngập khẩn cấp hiệu quả, chứ không đùa!”

Vị chi, 3-4 triệu nhân (tạm tính) 500,000đ/lu (chưa tính giá sau khi khống lên, giá vào hóa đơn đỏ, giá đưa lên cửa phê duyệt cuối cùng) thì sơ sơ dân Saigon có thể mất tầm 2,000 tỷ. Ðó là vẫn chưa tính thuê chỗ để… lu nữa, Saigon bây chừ tấc đất tấc vàng mà, để tấm biển quảng cáo thôi cũng phải trả tiền triệu cho chủ đất lẫn “phường” để không bị “hốt” hoặc xô cho “sa ngã”.

Tuy vậy, tôi hiểu, bản sắc quê hương đâu thể tính bằng tiền, nên tôi không trách bà Xuân, tôi không chê ông Dững, tôi cũng không dám mơ ước Saigon có một ngày hết ngập, hết ô nhiễm với những đề xuất “chân quê” như trên. Tôi chỉ có một yêu cầu nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, neo đơn, ế ẩm, phải dành tiền kiếm chồng. Nhà nước sau này có áp dụng đề xuất trên thì cho tôi xin “khất” vì không có tiền mua lu lẫn mua chỗ để lu, thay vào đó, tôi hứa, mỗi khi trời mưa tôi sẽ mang… lon ra hứng!

DU

Sàigon