Sài Gòn nóng nảy quanh năm, ngay cả trong mùa mưa, vậy mà sơ hở một chút là EVN – Tập đoàn điện lực Việt Nam lại tăng giá điện. Tăng giá điện xong vài bữa, EVN lại than lỗ. Than lỗ xong, EVN lại tăng giá điện. Từ ngày 11-10-2024, EVN tiếp tục tăng 4.8% mức giá bán lẻ điện bình quân…
Giá tiền điện cộng dồn 2 năm qua đã tăng 12%. Mặc dầu ông Đỗ Thắng Hải (thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam nói rằng: “Giá điện tăng, mọi người đều được lợi”. Mặc dầu ông Nguyễn Xuân Nam (Phó Tổng Giám đốc EVN) cho rằng việc tăng giá điện này là “đã được cân đối hài hòa, không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”. Nhưng, chú sản xuất, bà bán rau, cô bán thịt, ông vận chuyển và đặc biệt là các cô/chú chủ nhà trọ, chủ đất, chủ nhà cho thuê không nghĩ vậy, bởi vậy mà người dân cũng vừa không hưởng lợi vừa chẳng còn… răng. Nhất là ở thời buổi kinh tế tệ hại, người người dẹp tiệm, thất nghiệp, kiếm không ra chút lợi nhuận nào nói chi là một thứ rất quan trọng với đời sống hiện đại nói tăng là tăng gần 5%/tháng, 12%/năm. Nhiều người như nằm trên chảo lửa vì thời tiết thì nóng mà không dám bật máy lạnh (sợ tốn điện), còn nhận được tin hóa đơn mắm, muối, đường, gạo… tăng từng bữa.
Mới đây, trên trang mạng xã hội Facebook, bài đăng của một bạn trẻ nói về việc chủ nhà trọ bất ngờ thông báo tăng giá điện tháng 10-2024 từ 4,000 VND lên 5,000 đồng/kWh điện với lời giải thích là do nhà nước tăng giá điện, đồng thời chủ nhà cũng yêu cầu cô gái “không được phép hỏi tại sao” sau khi cô thắc mắc. Bạn trẻ này đăng kèm ảnh nội dung tố cáo cô chủ nhà vào một “app” (ứng dụng) của nhà nước. Nhiều người rất hả hê trước “kết cục này”, tuy không biết khi nào cô chủ nhà bị “xử”, trước mắt có lẽ là bạn này đã dời chỗ ở khác, không thể tiếp tục “an cư” nơi này.
Đa số cư dân mạng chê trách bà chủ nhà này chỗ bà ta “té nước theo mưa” khi tăng giá điện ngay lúc EVN báo tăng giá điện 4.8%. Là người tiêu dùng – chưa có dư nhiều nhà để cho thuê, đáng ra là tôi đứng về phe nước mắt (theo phe cô gái). Nhưng tiếc là tôi đã có nhiều kinh nghiệm về việc này, cũng đã từng có thời hờn dỗi với chủ nhà như cô gái ấy (cách đây hơn chục năm). Giờ đây, tôi đọc câu chuyện và chỉ thấy bà chủ sai vì không giải thích rõ với người thuê nhà, nói chuyện trống không, chứ bả cũng chưa quá đáng.
Kẻ đáng chê trách chính là ông bán điện độc quyền ở Việt Nam – giá điện EVN tính lũy tiến theo 6 bậc thang. Nếu người thuê nhà muốn chủ nhà tính giá điện cho từng nhà/phòng trọ theo giá nhà nước – ý là chủ nhà trọ phải cộng – trừ – nhân – chia số điện của từng người thuê theo 6 mức mà nhà nước liệt kê. Sau đó phải cộng thuế VAT (8%) vô (chưa kể giá điện tăng liên tục, việc cập nhật giá điện mới rất khó khăn). Vậy thì vừa lỗ vừa tốn thời gian cho chủ nhà, và nếu lỗ ở đầu này thì chủ nhà sẽ lấy chỗ khác đắp vào. Bởi vậy, có thể bạn sẽ nhận được hóa đơn điện thấp nhưng giá nhà tăng lên, hóa đơn điện thấp nhưng kèm theo là hóa đơn nước, internet, rác, cáp tivi, dịch vụ công cộng, dịch vụ phát sinh… đi kèm. Đó là cách tính có thiệt ở nhiều nơi cho thuê nhà ở Việt Nam hiện nay.
Thiệt ra thì giữa các khu nhà trọ luôn có sự cạnh tranh, nên việc tính tiền bất hợp lý ở bất kỳ khoản nào cũng khó xảy ra, người cho thuê nhà cũng đâu thể độc quyền như EVN nên mỗi chủ nhà trọ luôn muốn giữ chân khách hàng. Ở nơi khác thì tôi không biết, riêng ở Sài Gòn, đa số những chủ nhà tính tiền điện kiểu “san bằng” như trên thường sẽ không tính tiền rác, tiền internet (đã bù vào tiền điện, tiền nước) hòng xoa dịu con tim và làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Có tháng chủ nhà thấy tôi buôn bán ế ẩm còn giảm tiền nhà xuống một chút, gọi là lấy hên.
Quan trọng nhất, dầu tính cao hay thấp thì giá điện đã được giữa người cho thuê nhà và người thuê nhà thỏa thuận trước, được ghi trong hợp đồng cho thuê rõ ràng. Chứ ít có chủ nhà nào có thể tự tung tự tác như ông nhà nước, vừa tăng giá trên trời vừa vỗ bàn nói đó là “hài hòa”, lâu lâu lại than lỗ rồi tìm cớ tăng… Với các chủ nhà thì người đi thuê nhà còn cãi, còn khiếu nại, còn trả giá được chứ với EVN thì không ai được cãi, cũng không có chỗ để khiếu nại, ngã giá càng “no door”.
Nếu muốn được tính tiền điện bằng với giá nhà nước, cách tốt nhất là nên đi mua nhà hoặc thuê nhà nguyên căn và yêu cầu chủ nhà cho mình được đóng tiền điện, nước theo đơn báo của nhà nước gửi tới nhà mỗi tháng. Thời nay thì dễ rồi, chỉ cần lấy điện thoại ra quẹt quẹt vài cái là có thể đóng tiền điện-nước online, nhiều ngân hàng còn tặng điểm thưởng-quà-chiết khấu cho khách hàng nào đóng tiền nhiều nữa. Ngày xưa thì cực hơn vì phải cầm hóa đơn chạy đi tìm chỗ đóng tiền điện-nước, có khi bận quá quên lửng rồi bị hăm cắt điện. Nhưng kèm theo việc tự trả tiền điện-nước-rác theo giấy báo của nhà nước, lâu lâu người thuê nhà sẽ được dịp toát mồ hôi vì hóa đơn điện-nước khi không “nhảy” lên cao chót vót với số kWh điện-nước gấp 3-5 lần tháng trước mà không hiểu tại sao, hỏi tổng đài cũng hẹn lần hẹn lữa không đưa ra câu trả lời thuyết phục. Cũng có người được EVN trả lại tiền, nhưng đa số là không bao giờ có chuyện trả lại tiền. (Mỗi năm vào mùa nóng ở Việt Nam thì báo chí trong nước cũng rần rần về chuyện hóa đơn tăng cao bất thường như vậy, chứ không phải là chuyện hiếm hoi hy hữu gì.) Có lẽ, chính bà chủ nhà trọ ở câu chuyện ban đầu cũng từng hỏi ông điện lực “tại sao” và cũng nhận được câu “không được phép hỏi tại sao” chăng? Bây chừ, bà chỉ truyền đạt lại “kinh nghiệm” của mình?!
Điện tăng, không thể tránh khỏi những dỗi hờn, bởi ai ai cũng điên nặng với những hóa đơn tăng cao theo điện, từ người nông dân tới ông doanh nghiệp tỷ đô. Nhưng có lẽ cũng sẽ có những kẻ cười phớ lớ khi thấy những gương mặt méo xệch ở thị trường Việt Nam, đó là những “ông lớn” ngành thương mại điện tử chuyên bán sỉ của Tàu như 1668, Temu, Pinduoduo hay JD.com… đang chảy vào Việt Nam không ai ngăn đê đắp bờ để cản, thậm chí một số lớn các người nổi tiếng còn tiếp tay cho chúng quảng bá sản phẩm. Trong khi nhiều nước Châu Á khác đã yêu cầu chặn Temu và Tiktok shop… để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ trong nước.
Tại sao các doanh nghiệp trong nước dễ chết? Người Tàu luôn cho người tiêu dùng Việt thấy họ có “lời”. Với lý do các cửa hàng trong nước phải thuê nhân viên, thuê tiệm, phải đóng tiền điện, phải nhập cảng hàng… giá hàng hóa trên các sàn thương mại luôn rẻ hơn hẳn các cửa hàng “ngoài đời”. Ví dụ như chuyện vận chuyển – không hiểu tại sao đôi khi mua hàng nước ngoài luôn nhận được nhanh hơn các hãng vận chuyển trong nước. Mua hàng của các sàn thương mại của Tàu còn được miễn phí giao hàng. Nhờ những kho hàng đang được xây dựng ở sát biên giới Việt Trung – không lâu sau, người Tàu có thể bán hàng trực tiếp từ nhà máy bên Tàu tới tay người Việt thông qua các trang web Tàu trên, cắt đến hơn 50% chi phí, giao dịch trung gian, khiến giá bán ra chỉ còn vài chục phần trăm so giá ở cửa hàng trong nước Việt. Nhìn bề ngoài có vẻ là người tiêu dùng trong nước được lợi, nhưng khi không còn các giao dịch trung gian sẽ không còn cạnh tranh và sự so sánh, người Việt sẽ khó phân biệt đâu là hàng Tàu dỏm và đâu là hàng Tàu dỏm hơn. Tuy nhiên, đa số người Việt Nam không để ý vấn đề này, đa số chỉ cần hàng giá rẻ và hợp với túi tiền ngày một mỏng của họ. Nếu có thể thuê và dọn vào ở trên sàn thương mại của Tàu, chắc người Việt Nam cũng lên mạng thuê và dọn vào ở trên đó, không thèm kỳ kèo tiền nhà, tiền điện, tiền nước với chủ nhà ngoài đời cho mắc công.
Và, 6 tháng đầu năm 2024, người Việt chi hơn 5 tỷ USD mua sắm online, Shopee và TikTok Shop là 2 nơi mua sắm online được người Việt sử dụng nhiều nhất. Chủ của Shopee là Forrest Li – Tên thật là Lý Tiểu Đông sinh năm 1977, quê Trung Quốc. Chủ của Tiktok là Trương Nhất Minh (Zhang Yiming) – sanh 1983, quê Trung Quốc. Không biết hai vị này có đóng tiền … điện cho Việt Nam không?
DU
Bà Tám ở Sài Gòn