Ông ngoại tôi mất sớm khi tôi còn nhỏ, nên ông cháu tôi cũng không… thân với nhau bao nhiêu. Nhưng có một chuyện về ông làm tôi nhớ hoài. Đó là mỗi lần sau khi nhậu xỉn là ông bắc cái ghế ra sân, ngồi chửi… cộng sản, vài bữa một lần. Sau cuộc lai rai trà và cờ tướng, ông ngoại tôi và ông bạn già cùng xóm tuyệt giao vì người thì chửi cộng sản, còn một người là “cán bộ hưu trí” – thấm nhuần tư tưởng cách mạng. Đám ma của ông ngoại, ông bạn đó qua viếng, đứng bên quan tài vừa khóc vừa chửi!

VN là nơi mà 4 chữ “độc lập – tự do” được nhắc hàng ngày, nhưng không ai hiểu ý nghĩa thực sự của nó    

Thiệt tình, hồi nhỏ tôi không hiểu gì về việc “Bất đồng chính kiến”. Ðến tận lúc lớn lên vẫn ngờ nghệch. Nhưng rồi mọi chuyện cũng khác…

Có một hôm, tôi bị cô giáo tiếng Anh cho ra rìa vì nói không thích ngày “Lễ 30/4” ở VN, khi làm kiểm tra môn tiếng Anh. Vì tôi không thích, nên bài viết của tôi không được tính điểm, bị cảnh cáo giữa lớp. Vì tôi không thích, nên tôi bị cô giáo bỏ lơ suốt thời gian còn lại của học kỳ đó. Rồi lớn lên chút nữa, khi bắt đầu chơi mạng xã hội. Lúc các mối quan hệ xung quanh rần rần “treo” cờ VN lên ảnh đại diện của trang cá nhân mỗi khi Việt Nam có dịp đặc biệt gì đó, tôi không treo. Sau vài lần, tôi bị một số người bạn cho ra rìa sau khi họ thuyết phục tôi “treo cờ” mà không được.

Thật ra lý do tôi không thích ngày “Lễ 30/4” lẫn không ưa “treo cờ” cho trang cá nhân trên mạng xã hội đều không liên quan đến hiểu biết của tôi về chính trị. Lý do rất dở hơi là do tôi không thích thiệt, vậy thôi. Nhưng sau hai lần bị cho ra rìa như vậy, cộng với khoảng thời gian dài dùng mạng xã hội, “hòa nhập” với thế giới, với nhiều nguồn tin khác nhau. Tôi bắt đầu… kỳ thị và cho ra rìa những người thích ngày  “Lễ 30/4” và ưa “treo cờ” trên trang cá nhân của họ!

Kết quả là: Khi các cuộc biểu tình chống Trung cộng diễn ra ở Việt Nam, ai chửi những người biểu tình, tôi cãi tay đôi với họ, đến khi một trong hai bên cãi không lại thì sẽ… block nick đối phương (không biết sao hồi xưa tôi sung lắm, cãi rất hiếm khi… huề, giờ đỡ nhiều rồi!). Khi các sự kiện lớn diễn ra tại Việt Nam, ví dụ như thảm họa môi trường Formosa // vụ đặc khu kinh tế 99 năm // vụ giàn khoan ngoài biển Ðông rồi Luật an ninh mạng… Hễ tôi lướt lướt mạng, thấy ai bênh Formosa, bênh chính quyền hoặc bênh các tên quan tham nhũng // thân Trung cộng thì tôi cũng sẽ nghỉ chơi, mặc kệ cho mối quan hệ của tôi và người đó đã từng tốt thế nào. Sau những lần đó, tôi ít bạn dần và cũng bắt đầu hiểu sự “bất đồng chính kiến” giữa người và người đã diễn ra không vui vẻ như thế nào.

Cũng nhờ vậy mà tôi chợt thấy mình may mắn khi không ở chung với gia đình từ nhỏ. Vì sự nghỉ chơi, “bất đồng chính kiến” giữa các mối quan hệ bên ngoài xã hội xảy ra sẽ khiến cho chúng ta ít buồn hơn khi nó xảy ra ngay chính trong mâm cơm/cái giường ngủ của gia đình mình. Tôi đã phải tập làm quen với chuyện vợ chồng người bạn bên Úc, giận nhau, không ngủ chung chỉ vì một người thích Trump, một người ưa Obama (hồi bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016). Chuyện một anh bạn tôi bị người nhà từ mặt vì không chịu thi vào ngành công an như truyền thống gia đình. Chuyện một con gái của gia đình công an “nhà nòi” đi biểu tình (hồi Formosa) bị các tay an ninh “đánh lộn”. Chuyện ông cậu tôi hay ngồi chửi lũ “phản động” với vẻ mặt rất căm hờn (mặc dầu cậu là con ruột của ông ngoại và là cậu ruột của tôi)…

Những diễn viên Hong Kong “bất đồng chính kiến” với chính quyền Bắc Kinh – Ảnh: facebook

Còn rất nhiều nhiều gia đình rơi vào tình cảnh “bất đồng chính kiến” giữa các thành viên trong gia đình tương tự, thậm chí kết quả còn buồn hơn ở đất nước này. Chính vì vậy, khi đọc về các cuộc biểu tình ở Hong Kong, tôi vô cùng ngưỡng mộ, hâm mộ lẫn gato (ghen ăn tức ở) với các bạn trẻ Hong Kong vì các bạn được rất nhiều sự ủng hộ từ gia đình, thầy cô, và người lớn xung quanh mình. Tôi cũng từng lầm tưởng, có thể không phải 100% dân Hong Kong ra đường biểu tình, nhưng ít nhất 90% người Hong Kong sẽ không từ chối, ghét bỏ điều đó… Nhưng không, sau khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi biết rằng người lớn lẫn giới trẻ Hong Kong cũng trải qua khác biệt tư tưởng trong gia đình lẫn ngoài xã hội như dân Việt Nam. Thậm chí, việc “bất đồng chính kiến” ở Hong Kong còn gay gắt hơn ở Việt Nam, vì họ đang ở trong một cuộc chiến thật sự, máu và nước mắt chảy rất nhiều, mỗi ngày…

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Bài báo của Hong Kong Free Press, có tên là “Chiến tranh trên bàn ăn – những gia đình Hong Kong chia rẽ vì biểu tình” được dịch bởi tác giả Christine Nguyen dưới đây, là một ví dụ thực tế, được những người trong cuộc kể lại:

“Nhiều tuần liền Jane phải nói dối mẹ khi tham gia biểu tình – vờ bỏ vài quyển sách để ra vẻ ba lô căng phồng không phải là do chứa trang bị biểu tình – cho đến khi sự khác biệt tư tưởng giữa hai mẹ con lớn đến nỗi Jane phải ra khỏi nhà. Hàng triệu người xuống đường tuần hành liên miên để phản đối quyền tự do bị vi phạm dưới sự cai trị của Bắc Kinh hơn trăm ngày qua, Jane với mẹ cũng cãi nhau ngày càng căng bởi mẹ cô chống đối gay gắt phong trào ủng hộ dân chủ.

Cuối cùng thì giữa hai mẹ con là một hố thẳm không thể vượt qua. Jane năm nay mới 24 tuổi, nhỏ nhẹ nói: “Sau mỗi lần như thế thì bà ấy không nói chuyện với tôi cả tuần. Căn nhà ở Hong Kong nhỏ lắm mà hai mẹ con chỉ cách nhau bằng một bức tường, nên thôi, tôi ra khỏi nhà vậy.”

Ðây là một đòn đánh nặng nề vào tình cảm vì Jane là con độc nhất của mẹ đơn thân. “Mẹ con tôi sống với nhau đến giờ, chỉ có tôi và mẹ, nhưng mẹ đã không đứng bên cạnh tôi. Tôi thấy thật bất lực.”

Poster mới của phim Mulan có Lưu Diệc Phi đóng vai chính (người ủng hộ “hắc cảnh” Hong Kong và đường lưỡi bò TQ), được dân Hong Kong chế sau khi Disney post poster chính thức không lâu – Ảnh: facebook

Jane tự nhận chỉ là người tham gia đấu tranh vừa phải chứ không xông lên tuyến đầu chiến đấu với cảnh sát hay sử dụng bạo lực. Mặc dù Jane đã cố gắng giải thích rằng mục tiêu của phong trào đấu tranh là giành dân chủ cho Hong Kong nhưng mẹ cô vẫn giả điếc. “Bà ấy luôn tin vào giọng điệu của Khựa lục địa, bà ấy tin rằng người biểu tình nhận tiền các thế lực nước ngoài và rằng tất cả người biểu tình đều là lũ côn đồ. Bà ấy chẳng bao giờ tin tôi cả.”

Xem thêm:   Luật và Lệ

Jane đang ở nhờ nhà một bạn gái có cha mẹ phản đối phong trào đấu tranh nhưng may mắn là mọi người đã có một thỏa hiệp miễn cưỡng để cùng sống chung. “Chúng tôi không bao giờ nói về phong trào mà chủ yếu toàn nói về mấy con mèo,” Jane đùa.

“Nhưng tôi có thể cảm nhận rằng không khí như vậy thì rất là mong manh.”

Nhiều tháng liền, giới trẻ Hong Kong tràn ngập trong những cuộc biểu tình đòi dân chủ khổng lồ, đôi khi dữ dội dưới chế độ bán tự trị. Ðược châm ngòi từ cuộc chống đối luật dẫn độ nay đã bị hủy bỏ, các cuộc biểu tình phản kháng phát triển thành phong trào đòi dân chủ, tự do và đòi hỏi cảnh sát phải chịu trách nhiệm về hành vi lạm quyền. Phong trào biểu tình hôm nay còn là biểu hiện của sự giận dữ được dồn nén từ việc Bắc Kinh leo thang kiểm soát Hong Kong và không nhượng bộ những cuộc biểu tình đòi dân chủ của giới trẻ hồi năm 2014. Các nghiên cứu cho thấy phân nửa người biểu tình Hong Kong ở độ tuổi từ 20 đến 30, trong đó có đến 77% đã có bằng cấp.

Thăm dò thường xuyên của trường Ðại học Tổng hợp Hong Kong cho thấy chỉ có khoảng 27% dân cư Hong Kong “tự hào” khi thành công dân Khựa, trong đó độ tuổi từ 18 đến 29 chỉ chiếm có 10%. Nhúm người được xem là cư dân Hong Kong thỉnh thoảng tụ tập vẫy cờ Khựa ủng hộ Bắc Kinh đa phần là người già hai thứ tóc.

Dân Hong Kong trở thành “phản động”, “bất đồng chính kiến” với chính quyền vì đòi hỏi những quyền cơ bản – Ảnh: facebook

Phong trào đấu tranh dân chủ lan rộng ra mọi lứa tuổi và thế hệ – ngay cả những “mái đầu muối tiêu” cũng đã cùng tổ chức tuần hành ủng hộ thế hệ trẻ. Tuy vậy, thế hệ trẻ Hong Kong thường bất hòa tư tưởng với bố mẹ và các thân bằng quyến thuộc lớn tuổi khi những người này thuộc thành phần nghĩ rằng Hong Kong luôn thịnh vượng từ khi trở về với lục địa năm 1997 – hoặc sợ rằng bọn lãnh đạo độc tài Bắc Kinh sẽ thẳng tay nếu cuộc biểu tình ác liệt lên.

Xem thêm:   Không lời

Với nhiều bạn trẻ tham gia biểu tình, cuộc chiến ngoài đường phố vẫn tiếp tục theo đuổi đến bữa ăn trong gia đình. Chris vừa tốt nghiệp và bắt đầu làm trong ngành tài chính ở một ngân hàng hàng đầu kể: “Ðầu tiên, chúng tôi ăn trong im lặng. Nhưng giờ tình hình căng thẳng đến nỗi tôi chỉ mò về nhà khi phụ huynh đi ngủ. Tôi nghĩ là do giáo dục thôi. Cha mẹ tôi trưởng thành trong nền giáo dục của Khựa nên không được dạy về tự do và dân chủ.”

Cha mẹ của Chris “đi lậu” vào Hong Kong trong thập niên 1990 để mong kiếm sống tốt hơn. “Ðiều cha mẹ tôi mong muốn là ổn định và kinh tế thịnh vượng. Nhưng điều tôi muốn còn hơn thế nữa và tôi đang đấu tranh để có được,” Chris nói và mô tả cuộc sống trong gia đình của mình chuyển từ bình thường sang xung đột “có ta không nó” như thế nào.

Bằng giọng run run, Chris không che giấu cảm giác mệt mỏi và chán nản. “Tôi không thể nói mấy chuyện này với đồng nghiệp vì tôi không tin tưởng họ, tôi cũng không thể nói với cha mẹ ở nhà mà không bị mắng chửi, nên tôi thường tỏ ra khá thất vọng.”

Ngộ cái là, VN cũng như vậy… – Ảnh: facebook

Julia, một sinh viên 19 tuổi thì ngạc nhiên về những tranh luận trong nhà. “Tôi không biết chúng tôi đã thay đổi thế nào từ mùa Hè này.” Julia kể cha mẹ cô không biết rằng cô phải đối đầu với bạo lực của cảnh sát trên tuyến đầu. Sau những tranh cãi bùng nổ khi Julia trở về nhà từ đoàn biểu tình thì cha mẹ đã dọa sẽ không cho tiền cô nữa. “Cha mẹ đã đe dọa tôi. Cuối cùng thì tôi vứt thẻ tín dụng đi và nói dối đủ chuyện cho lành”. Nay Julia vừa học vừa làm việc bán thời gian.” Bài dịch đến đây là hết.

Nghĩ cũng thật buồn, khi cả thế giới ca ngợi hành động của bạn, bạn muốn về khoe với gia đình, nhưng không gặp được một ai hiểu được việc bạn làm. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên an tâm rằng, ở Hong Kong, tỷ lệ người lớn có tư tưởng chậm tiến rất là ít. Vì nếu họ là số đông, thì đã không có hàng triệu triệu người Hong Kong xuống đường bền bỉ bao nhiêu ngày qua rồi ! Cho nên, thay vì buồn cho giới trẻ Hong Kong, tôi tiếp tục buồn cho mình, cho giới trẻ Việt Nam. Trên con đường lục lạo, tìm kiếm và định nghĩa thế nào là tự do, dân chủ là gì, và độc tài ra sao… Chúng tôi phải đối mặt với số đông ngu muội và hung ác, trong đó có cả những người trong gia đình mình.

Thiệt ra, ngoài việc “bất đồng chính kiến” trong chính trị. Thì việc “bất đồng chính kiến” về các vấn đề khác trong xã hội cũng gây ra phiền phức không kém (Có lẽ vì con người được tạo hóa ưu tiên quá nhiều cho bộ não?). Ví dụ như chuyện của cô gái dưới đây:

Ngày xưa ở khu phố nọ, có một cô gái độc thân. Cô đẹp nên nhiều người theo đuổi, ngày ngày trai ra vô dập dìu. Một ngày, cô bị khu phố đề nghị họp kiểm điểm. Trong buổi họp đó mọi người chất vấn cô gái. Cô thật thà, chân chất đứng dậy, tay mân mê tà áo, mặt ngượng ngùng thú nhận:

“Lỗi tại em. Trước kia em thiếu hiểu biết, cứ tưởng cái chỗ ấy nó là của mình, thì mình muốn làm gì thì làm. Giờ em mới biết nó là do tập thể quản lý… Nên muốn làm gì phải xin phép tập thể..”

DU – Saigon