Chữ “giải cứu” từ lâu đã khiến hắc bạch lưỡng đạo khắp Việt Nam kiêng dè, nhất là sau vụ “chuyến bay giải cứu”, “kit test giải cứu”…

Bảo Huân    

Những tưởng, sau những đại án, cuộc đời người dân sẽ tạm bình lặng trôi với những cuộc “giải cứu nông sản” (tại Trung cộng “boom hàng”) thường niên, lâu lâu đau đớn nghe vật giá leo thang – xăng tăng, vàng xuống, chứng khoán xa bờ, thiên-nhân tai ở đâu đó… mà tự biết thân biết phận giải cứu nhau. Vậy mà đùng một cái, mới đầu năm 2023 mà trên vai dân đen nặng nề nhiều trách nhiệm, tại đụng cái gì cũng phải giải cứu, sơ hở một chút là giải cứu, nghèo cần giải cứu cũng đành, vậy mà giàu cũng gào lên đòi giải cứu.

  1. Giải cứu bất động sản

Với giá đất như hiện tại, thì theo Chuyên gia kinh tế – tiến sĩ Cấn Văn Lực: “Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23.5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, giá Bất động sản càng mắc) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18.5 năm), Singapore (15.5 năm), Ấn Ðộ (9.2 năm) và Malaysia (8.1 năm)…”

Sau thời gian tạo nên các tỷ phú đô la lẫn dân oan cùng cực, ngành địa ốc Việt Nam thở oxy, than rằng có nguy cơ sụp đổ, kêu gọi nhà nước vung tiền “giải cứu”, tiền thuế cứu không được thì kêu gọi kiều bào giải cứu bằng cách mua các dự án “ngộp”, đằng nào cũng phải có tiền người dân mới “giải cứu” đặng. Dầu đất có dư, dự án bỏ hoang quá trời, giá đất chỉ có tăng chứ không giảm, người dân tầng trung bình của xã hội chỉ có ngắm chứ làm lụng cả đời khó mà mua một căn nhà, nói chi người nghèo khó… Quan trọng là sau giải cứu, vượt qua giai đoạn này, đất vẫn đầy rẫy, người giàu nhờ đất/các dự án béo bở tiếp tục hiện ra tỷ lệ thuận với dân oan-cưỡng chế… Mỗi tham vọng của thiên hạ luôn như nồi cơm Thạch Sanh, chẳng bao giờ vơi. Người dân thở dài nhìn những miếng đất đã được đóng cọc thâu tóm như nhìn xấp vé số mà bà bán vé số móc ra từ trong bóp, sau khi mời quan khách “ủng hộ mấy tấm cuối cho bà về ăn cơm”. Mà bản chất bất động sản là luôn tăng giá phi mã chứ không bao giờ bất động, kể cả khi cả thế giới hô hào giải cứu.

Thật ra, cái gì cũng có ngoại lệ, khi người ta phàn nàn chuyện nông dân VN đang bán nông sản, bán cam giá rẻ mạt (1,000 VND/kg. Mà 23,000 VND = 1 USD), nhưng không thấy ai họp giải cứu. Lại đề xuất giải cứu nhà giàu ở dinh thự, đi siêu xe Rolls Royce, G63… quan trọng là giải cứu bằng tiền ngân sách (tiền ngân sách ở đâu ra?) Thì có người dẫn chứng nghề làm nông ở VN không khổ sở như bề ngoài, ở Hà Tĩnh có một bà cụ 78 tuổi cả đời bán rau, làm nông mà có thể xây một căn biệt thự rộng 5,000 m2, giá cỡ 60 tỷ VND (giá năm 2018). Chỉ có điều, bà có hai con công tác trong quân đội. Xứ ta làm giàu nhờ chạy xe ôm, bán rau, bán trà đá, vé số, buôn chổi như bà thì vô số.

Bà cụ nổi tiếng khắp mạng xã hội với câu chuyện làm nông xây biệt phủ – Nguồn: cafebiz.vn

  1. Giải cứu karaoke (ôm?)
Xem thêm:   Tranh cãi...

“Nếu phải đóng cửa thì thiệt hại kinh tế cực kỳ lớn, làm kiệt quệ nhà đầu tư vốn đã thua lỗ vài năm nay, ảnh hưởng tới hàng nghìn lao động” – Cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh karaoke ở Hà Nội vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an VN và các đơn vị liên quan về tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn. Nghe nghịch lý không? Khi kinh doanh karaoke luôn là nghề hái ra tiền và “kén” nhà đầu tư. Lý do là mấy năm gần đây, hát karaoke ở nhà quá dễ dàng, ít có ai chịu bỏ tiền ra quán karaoke nếu không có mục đích khác ngoài hát. Từ đó mà đa số tiệm karaoke tại VN chuyển dần sang con đường hắc đạo – trở thành chỗ để ăn chơi sa đọa, buôn bán bất chính (mại dâm, rượu ngoại lậu, ma túy, cờ bạc…) Không phải tất cả, nhưng đa số các tiệm karaoke ở VN là ổ tệ nạn: biếu xén quà cáp thì đưa nhau đi karaoke cho kín kẽ – tạo ra tham ô, tham nhũng. Muốn mua dâm – đi karaoke ôm, muốn ly hôn/cãi cọ – đi bắt chồng tại karaoke ôm. Các tiệm karaoke lâu lâu lại lên báo với vài tin tức về án mạng vì khách giành đào với khách, đào giành khách với đào, chủ quán/bảo kê giành địa bàn với chủ quán/bảo kê chỗ khác… Từ đó mà người hướng tới nghề làm quán karaoke cũng phải có nhiều mối liên hệ, có xíu máu mặt/quen biết, đôi khi là sân sau của ông phường, ông tỉnh nào đó. Hái ra tiền, nhưng rất ít tiệm karaoke chịu đầu tư nghiêm chỉnh về phòng cháy chữa cháy, xây dựng phòng óc/lối thoát hiểm.

Bởi vậy, sau mấy vụ cháy các tiệm karaoke gây chết người, quan chức cả nước buộc tạo ra các cuộc tổng kiểm tra về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường… đó là lý do hơn 5 tháng trời, toàn bộ cơ sở kinh doanh karaoke ở Hà Nội bị buộc dừng hoạt động do không bảo đảm an toàn về PCCC. Ðiều này khiến hàng trăm nhà đầu tư karaoke đứng trước nguy cơ phá sản, giăng cờ than khóc như trên – thay vì làm theo đúng quy định của luật pháp về PCCC, rượu lậu, ma túy… để mở cửa trở lại…

Hàng trăm chủ quán karaoke Hà Nội kêu cứu – Nguồn: danviet.vn

  1. Giải cứu bịnh viện

Những người thông minh nhất VN chắc đã đi… lừa gạt hết trơn rồi. Bằng chứng là giờ trong các trại tù toàn tiến sĩ, bác sĩ, quan chức/đảng viên cấp cao. Còn ở ngoài tù, từ trên xuống dưới, từ dân gian tới quan chức xấu đều tạo ra nhiều trò lừa đảo người dân. Gần đây nhất là thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên nhà trường hoặc bảo mẫu của lớp gọi điện, nhắn tin cho phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn, chấn thương sọ não, đang nhập viện… cần tiền phẫu thuật gấp. Kẻ gian yêu cầu phụ huynh chuyển khoản gấp từ 50-100 triệu VND hoặc nhiều hơn để kịp thời cứu con. Trong lúc bối rối, hoảng hốt, rất nhiều phụ huynh sẵn sàng chi tiền để con được chữa kịp thời, ở Việt Nam, không ứng tiền là không bao giờ được chữa… Có rất ít phụ huynh còn giữ được bình tĩnh, xét đoán câu chuyện theo hướng logic để tránh mất tiền oan ức.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Có chút kiến thức thôi sẽ biết, xui rủi là sự thật thì ở thời khắc bây giờ, dầu con họ có tiền, được đưa vào các bệnh viện tốt nhất (lừa đảo thường chọn tên bệnh viện tốt để lừa) thì chưa chắc được cứu trị kịp thời. Có khi lại bị chuyển bệnh viện khác, như trên hãng báo trong nước Tuổi Trẻ Online vừa đăng bài “Những cuộc chuyển bệnh chưa từng có từ Bệnh viện Chợ Rẫy qua bệnh viện khác”. Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết chỉ còn 1 máy chụp CT-Scan hoạt động. Cùng với đó là hàng loạt vấn đề khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, sửa chữa… Nên nhiều bệnh nhân cho biết họ được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ định đi chụp MRI, CT-Scan tại Bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế. Lý do chính được các bác sĩ giải thích là “không có đủ các máy móc thực hiện”. Ðiều này chưa từng xảy ra tại Chợ Rẫy – vốn là bệnh viện đa khoa tuyến cuối của khu vực phía Nam.

Chuyện này còn xảy ra với nhiều bệnh viện khác trên cả nước VN, như các bệnh viện tuyến cuối toàn miền Bắc như Việt Ðức, Bạch Mai cũng đang giãy đành đạch, có nguy cơ đóng cửa vì không có vật tư y tế. Trong khi bệnh nhân có dư – bác sĩ có dư – phòng mổ không thiếu – thuốc men/thiết bị hoàn toàn không thiếu nhưng không mua được, vì thiếu… người ký duyệt. Sau các đại án về đấu thầu lậu ở bệnh viện cả nước, quyền cao chức trọng vô tù ngồi, người mới lên chưa đủ lông đủ cánh đủ gan mà «xông pha»…

Bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện tuyến cuối nhưng phải đi chỗ khác chụp chẩn đoán – Nguồn: tuoitre.vn

  1. Giải cứu tâm hồn

Bức tranh kinh tế Việt Nam vốn ảm đạm, nhờ vòng quay chung của thế giới, nó càng ảm đạm. Nên đôi khi không muốn đọc báo, muốn ra quán cà phê, nhấn chìm đầu óc vào câu chuyện của những người ngồi ở bàn gần bên, phóng ánh mắt hồi hộp theo dõi hành trình nhân loài lương thiện đang cố gắng giải cứu một con mèo.

Con mèo có vẻ mới sinh, nhỏ bé và yếu ớt. Nó hiện ra trước mắt tôi khi được một cô bé bán vé số ốm nhom, yếu ớt và nhỏ bé bồng lên – do tôi ở tầng cao của tòa nhà nên tầm mắt bị giới hạn. Chưa được vài giây, nó cắn tay cô bé, cô bé đau quá thả con mèo xuống. Cô bé cố gắng mấy lần, nhưng con mèo từ chối sự giúp đỡ, cô bé chìm vào đám đông với cọc vé số chiều xổ trên tay… Con mèo tiếp tục hành trình, thân hình nhỏ bé băng qua đường với đầy rẫy bánh xe lớn nhỏ, nhiều người thắng gấp mém té vì con mèo. Con mèo thành công tới nắp cống bên đường, bóng nó còn bằng hột tiêu trong mắt tôi, chỉ còn một chấm đen nhỏ chuyển động. Nhưng thật ấm áp, khi chứng kiến cảnh nhiều người dừng lại nhìn sinh vật bé nhỏ đó, nghĩ ra cách giúp đỡ rồi lắc đầu bỏ đi… giữa lúc vội vã đi công việc dưới cái nắng gắt của Sài Gòn. Cuối cùng, con mèo nhỏ được một cặp du khách Tây mang vô lề, rót nước cho uống, cho ăn bánh… Dĩ nhiên, họ không thể mang theo nó suốt hành trình, chắc gì con mèo chịu theo. Nhưng tôi đã rưng rưng mắt trước trước sự ấm áp của tình người.  Ðôi khi nhìn một người dịu dàng với con chó, con mèo xa lạ còn có cảm giác tốt đẹp hơn khi nhìn ai đó tốt đồng loại… Vì không phải mắc công nghi ngờ lòng tốt kia có thật hay không, người kia giúp người nọ có thật tâm hay không? Nhất là lúc cả xã hội đang chìm vào cơn khủng hoảng của sự mất niềm tin tập thể. Nhìn người ta giải cứu một con vật, đôi khi cảm thấy chính tâm hồn mình được giải cứu…

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Có chuyện mắc cười lắm, hôm rồi ở Quảng Nam, hàng trăm người xôn xao bao vây cái thùng carton đặt dưới tán rừng keo, bên cạnh có hương đèn, giấy tiền vàng mã, họ nghi ngờ bên trong chứa thi hài trẻ em nên báo công an. Công an Quảng Nam cũng chuyên nghiệp – căng dây phong tỏa hiện trường, thuê người chuyên khâm liệm tử thi đến mở chiếc thùng carton, chuẩn bị nơi yên nghỉ cho đứa trẻ tội nghiệp… Và cái thùng carton được mở ra, bên trong có giấy vàng mã, muối gạo, tiền và một… chú chó đã chết.

Chủ nhân cái thùng là một sư thầy. Trước đây, người này trụ trì một ngôi chùa ở đó, nhưng từ trước Tết Nguyên Ðán Quý Mão đã ra Ðà Nẵng sinh sống. Ngày 7-3, chú chó “cưng” mà sư thầy nuôi bị chết. Sư thầy đã vượt khoảng 60 km từ Ðà Nẵng vào Bình Trị, đem theo chiếc thùng xốp chứa chú chó bỏ ở địa điểm trên. Không rõ nguyên nhân không đem người bạn bốn chân đi chôn mà để ở đó, nhưng chắc chắn ông sư này thương con chó của mình. Có trách nhiệm hơn mấy ông ra rả đạo lý trên tòa sen vàng, nhìn các Phật tử quỳ mọp cúng bái, tự cho mình là thánh nhơn. Khiến đạo Phật ở VN cũng trở thành một vấn đề cần… giải cứu.

Vấn đề cần giải cứu ở Việt Nam quá trời, nói hoài không hết, có nhiều khi tôi tưởng tượng, có bà má Việt Nam mặc đồ ba ba, vấn khăn rằn đi giữa chợ quốc tế, cầm mớ vấn đề lên, rao: “Ai giải cứu khôngggg?”

Chú chó mất rồi được chủ bỏ vào thùng, để trong rừng  – Nguồn: nld.com.vn

DU