Một chiếc xe buýt đầy kín hành khách đang lao xuống con dốc, có một người dốc hết sức chạy đuổi theo đằng sau xe. Một vị khách nhoài người ra cửa sổ nói với theo người đàn ông: “Thôi thôi anh ơi, anh không đuổi kịp đâu.”

Người đó vừa thở gấp vừa nói: “Tôi nhất định phải đuổi kịp, tôi là tài xế của chiếc xe đó.”

Lý do của sự ra đi của những đứa trẻ – không ai có thể biết rõ bằng người trong cuộc (Facebook) 

Nếu bạn là vị khách “may mắn” đầu tiên biết sự thật đó, bạn sẽ làm gì? Nhảy gấp qua cửa sổ trước khi chiếc xe bay vào một xe khác hay la lên để tất cả hành khách khác cùng sợ như mình? Hoặc chạy lên ghế tài xế, tìm cách đạp thắng? Cũng có thể, ngồi im chờ coi có gì xảy ra tiếp theo? Mỗi người sẽ có một cách giải quyết vấn đề khác nhau, tùy theo kinh nghiệm sống và nếp nhăn ở não của họ. Nếu như là tôi thì tôi sẽ cố… thức dậy, không mơ bậy bạ nữa.

Ðứng ngoài cuộc lúc nào cũng an toàn hơn, dễ dàng giải quyết mọi chuyện hơn. Ðiều này tôi học được từ khi chơi mạng xã hội. Vì mỗi khi có một tai nạn gì đó gây nhiều chú ý của dư luận, chúng ta dễ dàng tìm thấy hàng ngàn bài viết bắt đầu từ các câu nói tỏ vẻ vô can như “Nếu là tôi…”, “Riêng tôi…”, “Ở nhà tôi…”, “Bản thân tôi…” Mấy bài viết đó thường dài và rất triết lý, có vẻ như rất đúng, nếu chúng ta không phải là phía bị chỉ trích. Nếu là tôi, trời mưa sẽ biết che dù, nắng sẽ chạy vào chỗ mát đứng, đói sẽ mua đồ ăn, khát sẽ uống nước… Mọi chuyện rất dễ dàng sau chữ “nếu”, vì chúng ta đang đứng ngoài cơn ác mộng của người khác.

Gần đây, nhân lúc có hàng loạt trẻ vị thành niên ở Việt Nam tự tử, các tin tức dạng này trồi lên trang nhất các báo trong nước rất thường xuyên – Ai ai cũng cố tìm lý do. Theo các lá thư “tuyệt mệnh”, thì có nhiều lý do: em thì chịu không nổi áp lực học tập, em thì buồn trước điều kiện kinh tế của gia đình, em thì có vấn đề trong chuyện tình cảm, em thì do các chuyện gia đình, em thì do không được tự do chơi game, đa số là do hai chữ “trầm cảm”… Với kinh nghiệm từng làm hàng triệu việc ngu ngốc và khùng điên hồi nhỏ, tôi tin hầu hết lý do mà chúng ta đọc từ các lá thư “tuyệt mệnh” mà các em để lại trước khi chọn cái chết không hẳn là lý do đích thực dẫn tới kết quả đó, chắc chắn còn nhiều lý do hơn. Nhưng những người ở bên ngoài câu chuyện của người khác, họ luôn cần một lý do chính đáng cho kết quả đó. Ðể họ có thể an tâm vì mình đã sống đúng hơn những người trong câu chuyện thương tâm kia. Họ có thể mừng rỡ vì con mình chưa tự tử, gia đình mình vẫn còn đủ thành viên trước khi tắt đèn ngủ. Họ có thể đổ lỗi…

Những cha mẹ Việt Nam có con còn sống, bao nhiêu người quan tâm các con số này? (phongkhamtamly.com)

Bởi vậy mà trong mỗi ngày sau khi có một câu chuyện tự tử xảy ra, đã có hàng ngàn bài viết tranh thủ khoe con mình đã sống tốt ra sao, mình là người mẹ/người cha vĩ đại cỡ nào. Có cả những bài viết chỉ trích những đứa trẻ đã tìm tới cái chết là những kẻ bất hiếu, những bài viết chỉ trích luôn những người cha người mẹ khiến con mình tìm tới cái chết là những kẻ bất tài… Nhưng chắc gì, mọi đứa trẻ còn thở vẫn đang hạnh phúc? Khi hầu hết người lớn ở Việt Nam mà tôi được biết, họ đều nói từng có ý định tự sát trước đó. Dầu bề ngoài, nhìn họ rất hạnh phúc, họ là giấc mộng đẹp của rất nhiều người khác, trong khi chính họ luôn muốn tỉnh giấc trong cơn ác mộng của riêng mình.

Xem thêm:   Chó...

Thật mỉa mai khi một người nghèo khổ lại nghe một người giàu thở dài, nói “Tiền nhiều để làm gì?” Nhưng cuộc sống luôn phũ phàng như vậy, không nhân loài nào không có mặt xấu xa, tối tăm riêng. Những người xấu thường tin mình tốt hơn khối người, vì họ nghĩ họ chưa làm hết tất cả các ngược đãi mà người khác làm, nên họ tốt(?) Vì họ đứng ngoài cơn ác mộng của người khác, nên họ tỉnh táo hơn?

Có vẻ không liên can, nhưng câu chuyện trẻ em tự tử vì các áp lực từ gia đình, nhà trường cũng rất giống với câu chuyện người lớn tự tử vì các áp lực xã hội. Sau khi người ta ra đi, cả thế giới mới thương yêu họ hơn khi họ sống, dầu đó là người lớn hay trẻ vị thành niên.

Những tuần gần đây, mạng xã hội Việt Nam đang rần rần vụ tố cáo kẻ hiếp dâm, ép cấp dưới làm nô lệ tình dục dẫn tới có thai (và sẩy thai) xảy ra từ những năm 2000 – người tố cáo là nhà thơ Dạ Thảo Phương, đang sống ở Cyprus và là cựu phóng viên của báo Văn Nghệ (trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam), người bị tố cáo trực diện là Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ Lương Ngọc An. Không biết nên bất ngờ hay không, khi  Dạ Thảo Phương là người nhận được nhiều chỉ trích hơn hẳn Lương Ngọc An.

Nếu có một thống kê uy tín cho các nạn nhân bị tấn công tình dục ở Việt Nam, tôi tin con số sẽ đáng sợ hơn (kenh14.vn) 

Vấn đề quấy rối tình dục không hề xa lạ đối với xã hội Việt Nam, không phải những năm 2000, mà 2022 vẫn có rất nhiều nạn nhân của việc quấy rối tình dục, hiếp dâm – đa số không dám tố cáo, thậm chí nghĩ đó là việc bình thường. Bằng chứng là trong hàng chục ngàn bình luận dưới bài viết của Dạ Thảo Phương, tôi đọc được hàng ngàn bình luận kể lại câu chuyện bản thân của nhiều phụ nữ, thậm chí là đàn ông từng bị quấy rối tình dục, hãm hiếp mà không dám nói, không dám tố cáo, thậm chí trong phần bình luận đó, họ cũng không dám nói rõ tên kẻ đã làm chuyện xấu với mình. Bằng một cách nào đó, những nạn nhân đã tin vào sự áp đặt vô hình của các quy tắc ngầm trong cuộc sống, họ sợ những búa rìu mà dư luận có thể đập xuống đời họ nên họ im lặng…  Có lẽ vì vậy mà đã có rất nhiều nạn nhân bị tấn công tình dục chọn cái chết dễ dàng hơn chọn lên tiếng. Như cách mà Dạ Thảo Phương đã chọn im lặng, hiện đang bị người đời hoạnh họe, bắt bẻ vì: Tại sao lại tố cáo quá trễ? Tại sao phản kháng quá yếu ớt? Tại sao lại không “tịch thu dụng cụ gây án” của tay tài xế Lương Ngọc An khi đó, mà chờ hắn thăng tiến lên Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ rồi mới nói ra sự thật? Một ngàn câu hỏi tại sao được đặt ra cho Dạ Thảo Phương. Nhưng không câu hỏi tại sao nào đặt ra cho Lương Ngọc An cả.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Với Lương Ngọc An, tôi chỉ đọc được các bài viết trực tiếp chỉ trích và các bài viết bênh vực ông ta bằng cách hạ nhục người tố cáo – là bà Dạ Thảo Phương. Có nhiều người tin vào giả thuyết Lương Ngọc An từng đưa ra: Dạ Thảo Phương từ yêu mà biến thành thù với Lương Ngọc An.

Tuy có nhiều người tôi quen biết đứng ra làm chứng cho Dạ Thảo Phương, từ bác sĩ tới họa sĩ, nhà báo… Nhưng trong bài viết này, tôi sẽ không khẳng định Lương Ngọc An là người có tội, vì tôi không trong cuộc, tôi không biết cả hai người. Tôi muốn buộc tội những người đang mỉa mai, chửi bới Dạ Thảo Phương, khi họ cũng không biết bên nào đúng, bên nào sai. Tôi xin trích bài viết của Facebooker Chuong Dang để trả lời các câu hỏi dành do Dạ Thảo Phương, lẫn các nạn nhân đã/đang/sẽ bị quấy rối tình dục:

Đổ lỗi cho nạn nhân – lý do cho sự không dám tố cáo tội ác (Facebook)

“Thay xxx bằng việc uống trà cho dễ nhớ ha:

– Nếu tôi từng uống trà với anh, không có nghĩa rằng bất kỳ khi nào anh hứng, tôi đều phải uống trà với anh.

– Nếu anh ép tôi uống trà lần đầu, sau đó vì bất kỳ lý do gì tôi chuyển qua đồng thuận uống trà với anh những lần sau thì không có nghĩa rằng anh vô tội khi ép tôi lần đầu.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

– Nếu anh dọa đánh tôi, trù dập đuổi việc tôi để tôi đồng ý uống trà với anh. Một lúc nào đó, khi đã an toàn, đương nhiên tôi sẽ kiện anh tới bến.

– Anh cam đoan sẽ lọc trà kỹ khi mời tôi uống, sau đó tôi phát hiện anh cố ý để lọt bã trà khiến tôi bị trướng bụng; đương nhiên tôi có quyền kiện anh.

– Khi tôi không tỉnh táo (say rượu chẳng hạn): anh bảo tôi rằng hãy uống nước lọc mà anh đưa nước trà cho tôi là anh rất sai; hoặc giả anh biết tôi thích uống trà với người A, anh trá hình khiến tôi nghĩ anh là A thì anh không chỉ sai mà còn xấu.

– Nếu anh muốn giới thiệu ấm trà của anh với hy vọng tôi có hứng uống trà; anh phải có sự đồng thuận của tôi, nếu câu trả lời là “không” thì anh không có bất kỳ lý do gì để gắng ép. Vì hành động ấy đã cấu thành tội danh.

– Tôi có thể đồng ý uống trà với anh, không có nghĩa là lần sau anh tuỳ tiện rủ thêm bạn bè, cấp trên của anh cùng ngồi vào bàn trà của tôi.” – Hết trích.

Khi người trong cuộc khóc cạn nước mắt, người ngoài cuộc bình tĩnh cãi nhau và đổ lỗi (Google.com)

Một người bạn của tôi từng nói, khi thấy người ta chết, bản năng đầu tiên của con người là… hết hồn, vì sợ mình cũng sẽ chết vì cùng lý do đó. Bởi vậy, sau hàng loạt cuộc tự tử là hàng ngàn bài viết về hồi ức từng muốn tự tử của đồng bào. Sau bài tố cáo hiếp dâm, là hàng ngàn bài viết kể về kinh nghiệm từng bị hiếp hoặc từng bị vu khống hiếp dâm của nhân loài… Sau đó là những tiếng thở dài nhẹ nhõm. Vì đây là ác mộng của người khác, chuyện của mình đã qua rồi! Ðôi khi, ác mộng của người khác là mộng đẹp của nhiều người. Ví dụ như:

Một luật sư thức giấc với gương mặt ướt đẫm mồ hôi, lắp bắp nói với vợ: Anh vừa có một cơn ác mộng thật khủng khiếp!

Cô vợ lo lắng: Anh mơ thấy ma à?

– Không!

– Hay có vụ kiện tụng nghiêm trọng gì hả anh?

– Không, còn khủng khiếp hơn thế nữa!

– Anh nói cho em nghe xem.

– Do… do… một sự biến đổi gien, tất cả… tất cả mọi người, đều… đều bắt đầu tuyệt đối…tôn… tôn trọng pháp luật.

DU