Chiều thứ Bảy giữa tháng Tư, tôi đến Toà soạn Nhật Báo Người Việt để tham dự chương trình nhạc chủ đề Nguyễn Đình Toàn “Một ngày sau chiến tranh”. Tôi nghĩ mình đi sớm 2 tiếng sẽ có chỗ đậu xe, không ngờ biết bao người cũng nghĩ như tôi… 

nguyen-dinh-toan-mot-ngay-sau-chien-tranh5

Nguyễn Đình Toàn

Khi tôi tới nơi thì thiên hạ đã đứng xếp thành hàng dài trước lối vào. Chương trình cho vào cửa tự do, nhưng ai muốn giữ chỗ trước có thể gọi và ủng hộ 10 đô. Gần 300 chỗ ngồi bên trong phòng đã được người hâm mộ mua sạch từ một tuần trước. Gần đấy là đám đông đang chào hỏi, trò chuyện với nhau trước một sân khấu lưu động tạm thời, được dựng lên trong khu đậu xe, có bạt che nắng. Sân khấu tạm có hơn 100 ghế ngồi cũng đầy người; trước mặt là một màn ảnh truyền hình to để họ có thể xem hình ảnh chiếu trực tiếp từ bên trong.

Ðiều đặc biệt của đêm nhạc này có lẽ là niềm vui tao ngộ của rất nhiều người. Của những người yêu tiếng nói NÐT từ 50, 60 năm xưa đến nghe, gặp lại bạn bè tíu tít chào nhau. Của những người thế hệ trẻ hơn vì sự đồng cảm trong niềm yêu, nỗi mến nhạc NÐT mà tới, có dịp gặp nhau, cùng tay bắt, mặt mừng. Cả bạn bè ông nữa. Hiếm hoi lắm ông mới xuất hiện trước đám đông, họ quý mến ông, nên đến để chào ông. Gia đình nhạc sĩ NÐT cũng vui chung cái vui ấy. Lần đầu tiên sau 40 năm, các con cháu ông nhân dịp này từ các nơi về thăm vợ chồng ông và nỗ lực hỗ trợ cho buổi trình diễn được thành công.

Chương trình được Câu Lạc Bộ Viện Việt Học thực hiện. Bà viện trưởng Kim Ngân lên cảm tạ NS NÐT vì ông đã có những đóng góp cho nền văn học và âm nhạc Việt Nam. Hơn thế nữa, ông còn bảo trợ và đóng góp chương trình nhạc này giúp gây quỹ cho Viện Việt Học có thêm kinh phí. Hai MC Bùi Ðường và Diệu Trang của Viện Việt Học là người dẫn chương trình. 20 ca khúc được 9 ca sĩ trình diễn trong 3 tiếng đồng hồ đã là dài, thế mà hội trường vẫn đông nghẹt cho đến phút cuối.

nguyen-dinh-toan-mot-ngay-sau-chien-tranh

Kim Ngân

Ngoài những ca khúc mà khán thính giả mến mộ được nghe qua hai CD được phát hành từ lâu, có những ca khúc mới được giới thiệu lần này. Sự quen thuộc của “Nước mắt cho Sài Gòn”, “Căn nhà xưa” hay “Dạ Khúc”, “Mai tôi đi” không làm cho người nghe nhàm chán. Các ca sĩ chọn lọc đều là những người có những giọng hát đặc biệt được cộng đồng yêu mến từ lâu như Anh Dũng, Hồng Hạnh, Tạ Chương, Mộng Thủy, Thu Vàng, Nga Mi, Kim Ngân, Kim Yến, Trần Ngọc.

Nhạc phẩm “Một ngày sau chiến tranh” là chủ đề đêm nay. Bài hát dài gồm một chuỗi những ca từ tiếp nối là một câu chuyện kể, được Tạ Chương thể hiện trọn vẹn cái “hồn” của bài hát. Với một giọng hát nhẹ nhưng lôi cuốn và mênh mang cảm xúc, anh đã nói lên được tâm sự của người lính trở về sau chiến tranh, tháo đôi giầy cũ, gỡ khuy cài chiếc áo trận bạc màu để đón làn gió Xuân nồng thanh bình không tanh mùi máu, không mặn đắng nước mắt ly tan. Khi đi anh còn xanh tóc, lúc về tóc đã bạc màu theo cuộc chiến quá dài. Chiến tranh tàn phá quê hương, con người mệt mỏi, đau đớn với những nấm mồ, xương phơi trắng núi. Anh lính nghe chuông chùa mà mơ giấc mơ gieo hạt hoa, cho hoa thơm nở khắp chốn, xóa đi các dấu bom chưa mòn. Thế nhưng trong giấc mơ của anh lính kia hạt chưa kịp nảy mầm, hoa chưa kịp trổ để che vết đạn bom thì những nấm mồ mới đã âm thầm mọc lên. Người chết trong lao tù, chết ngoài ruộng nương, nơi rừng thiêng nước độc. Bao xác người rã nát trong miệng cá mập, hay vùi thây ngoài biển khơi, là tang chứng cho một cuộc chiến ý thức hệ đang tái diễn.

Suốt đêm nhạc, NÐT hầu như không nói gì, không trả lời báo chí phỏng vấn, không lên sân khấu, mà chỉ lẳng lặng say sưa ngồi nghe các ca sĩ hát nhạc của mình. Có lẽ vì họ đã nói thay ông, nói tất cả những điều ông cần nói về nỗi đau, cái buồn, tình yêu hay thân phận bé nhỏ của con người sau chiến tranh. Và có lẽ ông cảm thấy đã nói quá nhiều sau các chương trình phát thanh nhạc chủ đề trước và sau 75, hay trong các tác phẩm thơ văn, âm nhạc, nên bây giờ ông cần những phút tĩnh lặng – như ông đã có lần nói với tôi “Bây giờ chú rút khỏi thế giới văn học rồi.”

nguyen-dinh-toan-mot-ngay-sau-chien-tranh4

Ông bà Nguyễn Đình Toàn và gia đình.

Nước mắt khán giả đã chảy ngược vào trong âm thầm khi họ nghe “Hãy thắp cho nhau một ngọn đèn” hay “Chiều trong tù”. Những ca khúc mới ra mắt lần này, như “Nhìn lại em đi anh”, “Tuổi xanh như ngày tháng”, “Ðời còn có dành cho ta” hay “Kinh cầu cho tuổi trẻ” là những giai điệu lạ, nhưng vẫn là những khúc tình ca màu xám buồn, để người nghe chơi vơi trong những lũng thấp của cung thứ.

Một trong những ca khúc gây ấn tượng mạnh cho tôi nhất có lẽ là bài “Tôi muốn nói với em”. Trong giọng hát da diết của Tạ Chương (con trai nhà văn, họa sĩ Tạ Tỵ), tôi nhận ra được cảm xúc của mình lên cao vút để đồng cảm với tâm tư nhân vật “tôi” trong bài hát. Cái tâm tư của một NÐT, một người xa xứ, của một cành cây già nhìn xuống những cành non mà nhắn nhủ, dặn dò tha thiết. Tôi nghe ra tấm lòng của NÐT với quê hương, với tuổi trẻ, với nguồn cội dào dạt như sóng vỗ vào vách núi, âm vang rền rĩ trên từng nốt nhạc:

Tôi muốn nói với em 

những em bé Việt Nam

Đang sống khắp bốn phương

nghe nói tới cố hương

thấy lòng vẫn chạnh buồn

dù Việt Nam có khi

chỉ còn là bóng dáng héo mòn

lất lay trong hồn

giống như ngọn đèn mờ sương

Tôi muốn nói với em về những tháng năm

tổ quốc ta nhục nhằn

người phơi người trên đau thương

dạy trẻ thơ thù oán

sợ nhau hơn bão trời cướp biển

em có biết sao không

người mong ước ly hương

tôi muốn nói với em

những em bé Việt Nam

mai mốt sẽ lớn khôn

đôi lúc có nhớ tên

tên mình tên Việt Nam

Những giai thoại về Nguyễn Đình Toàn

nguyen-dinh-toan-mot-ngay-sau-chien-tranh1

Khán giả

MC Bùi Ðường và ông Ðinh Quang Anh Thái đã thay phiên làm sinh động đêm nhạc buồn bằng những giai thoại về con người NÐT cùng bằng hữu. Cụ Doãn Quốc Sỹ – 96 tuổi mà vẫn còn tráng kiện, ăn nói không lầm lẫn – đã có mặt từ sớm để ủng hộ người bạn cố tri. MC Bùi Ðường kể lại câu chuyện xưa của hai người. Bùi Ðường:

– Năm 1984 khi cụ Doãn Quốc Sỹ nghe tin Nguyễn Ðình Toàn vừa mới ở tù ra, cụ leo ngay lên chiếc mobylette vượt xa lộ đến Thủ Ðức để thăm ông bạn của mình. Trong lúc hai vị nhâm nhi thù tạc thì cũng đọc thơ cho nhau nghe. Có những câu thơ sao mà nó hợp với nhau thế, hợp từ ý đến tình, từ vần đến điệu. Hai vị đã gom chúng lại thành một bài thơ 10 câu, với 4 câu đầu của Nguyễn Ðình Toàn, còn 6 câu sau của Doãn Quốc Sỹ  như sau:

Lúa Thủ Thiêm, ngọn chìm, ngọn nổi

Gió Sài Gòn, lúc thổi, lúc ngưng

Gặp nhau tay bắt, mặt mừng

Vui thời vui vậy, biết chừng nào xa

(NĐT)

Đỉnh trời vằng vặc gương nga

Long lanh soi tỏ lòng ta, lòng mình

Gương trong mình lại soi mình

Thấy tình thăm thẳm thấy hình phù du

Nẻo đời cát bụi kỳ khu

Biết ai còn mất, tình thu võ vàng

(DQS)

Ông Bùi Ðường kể thêm: “Ca sĩ Quỳnh Giao lúc còn đương thời thường hay nói, ‘Ông NÐT tuy ít nói nhưng khi nói ra câu nào thì đáo để câu ấy.’ Khi biết có chương trình này anh Ðinh Quang Anh Thái có dặn tôi ‘Anh phải nói những câu nói đời thường của ông cho khán giả nghe thì người ta mới biết tới cái độc đáo của Nguyễn Ðình Toàn,’ cái mà anh Ðinh Quanh Anh Thái gọi là ‘ngọt như những vết dao đâm’.”

nguyen-dinh-toan-mot-ngay-sau-chien-tranh3

Nguyễn Đình Toàn và nụ cười cụ Doãn Quốc Sỹ

Ðến lượt Ðinh Quang Anh Thái lên sân khấu, ông tiếp:

“Lúc xây cái phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt này, chúng tôi không ngờ trong đời chúng tôi được hân hạnh đón tiếp ông bà Nguyễn Ðình Toàn ở đây, mà cái phòng nhỏ quá gần 300 chỗ vẫn không đủ cho mọi người mặc dù chúng tôi có thêm một sân khấu lưu động trên 100 chỗ cũng không đủ. Lúc chờ bên ngoài để vào với một hàng dài như thế, tôi nghe có người nói như thế này ‘60 năm Nguyễn Ðình Toàn vẫn ăn khách như thường’. Tuy nhiên những người nói với nhau đó là bốn cụ, mà cụ nào cũng trên 80 cả. Nói về Nguyễn Ðình Toàn thì chúng tôi muốn nhắc lại một câu nói của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Có lẽ cách nói của Phạm Duy bỗ bã, bình dân nhưng tả đúng nhất về Nguyễn Ðình Toàn và Thái Thanh. Năm 1975, lúc Phạm Duy mới chân ướt chân ráo từ bên trại qua Mỹ, tại nhà cố GS Nguyễn Ngọc Bích ở Virginia. Ðêm đó có Phạm Duy, Kiều Chinh, cố nghệ sĩ Thanh Hùng, và một số anh em sinh hoạt. Ðêm đó tự nhiên Phạm Duy hát loạt bài “Bầy chim bỏ xứ”. Ðột nhiên Phạm Duy ôm đàn trông buồn lắm, và ông bảo nhớ những nghệ sĩ bạn mình còn đang ở VN. Ông thêm, ‘Giờ phút này mà nghe Thái Thanh hát Tình Ca, nghe giọng thều thào của Nguyễn Ðình Toàn trong chương trình nhạc chủ đề, thì chỉ có chết bỏ mẹ’. Nói thêm về Nguyễn Ðình Toàn. Hôm vĩnh biệt Nhật Ngân, tôi đến đón ông đưa đi đám ma. Ðám tang đông đảo, mọi người đang sụt sùi đưa tiễn Nhật Ngân, bỗng Nguyễn Ðình Toàn buông một câu ‘Ði đưa một thằng chết, gặp toàn một lũ sắp chết cả’. Hai anh em bắt đầu đi phía sau quan tài của Nhật Ngân. Ði qua mộ nhà báo Ðỗ Ngọc Yến, ông ngồi bệt xuống mộ và bảo ‘Ta thấy ta gần với cái xa’. Một hôm cũng đi đám ma nữa, đó là nhà báo Lý Ðại Nguyên. Lúc đi ngang một khu nghĩa địa của người Mỹ bản xứ khi họ chôn các ngôi mộ chìm dưới mặt đất, chỉ có thấy cỏ thôi, ông bảo ‘Dân tộc mình hay lắm cậu ơi, người Mỹ người ta chết xong người ta lẳng lặng luôn, còn người mình, cậu xem mồ mả kìa, đã chết rồi mà cứ chồi lên, sợ người ta quên mình’. Khi nói về một người bạn, và dĩ nhiên thân mến lắm ông mới nhận xét thế này ‘Cậu có thấy không, mặt nó lúc nào cũng như đồng xu mới’. Tôi cho rằng tả một người lúc nào cũng như đồng xu mới chỉ có Nguyễn Ðình Toàn chứ không thể hơn được. Nguyễn Ðình Toàn cắt nghĩa thêm rằng ‘Ðồng xu mới, nghĩa là nó trắng bệch chứ chả có cái gì cả’.”

Gần 11 giờ khuya, chương trình mới kết thúc với sự thành công không ngờ. Tôi nghe nhiều người ra về khen đêm nhạc quá hay. Nhưng tôi nghe được một điều họ bảo với nhau rằng, sở dĩ đêm nhạc đông đảo người đến xem vì họ quý trọng và thương mến ông mà đến.

nguyen-dinh-toan-mot-ngay-sau-chien-tranh2

Nguyễn Đình Toàn và các ca sĩ

TTT

Orange County (4/2019)