Một trong những điều thú vị nhất khi tôi đến Tây Ban Nha là được ghé thăm La Mancha, quê hương huyền thoại của nhân vật Don Quixote [Đon Ki-Hô-Tề] trong tác phẩm lừng danh của Miguel De Cervantes (ca.1547-1616)

Tượng Don Quixote trong khách sạn Don Quixote Inn. Photo: TTT/trẻ

 

Có thể nói, Don Quijote de La Mancha là một trong những bộ tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại. Ấn bản đầu tiên ra đời năm 1605, cho tới nay truyện này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất (145) và được tái bản nhiều lần nhất trong lịch sử nhân loại – chỉ sau Kinh Thánh.

Không ai ngờ một tác phẩm kể những việc làm điên khùng của một ông già ngớ ngẩn 50 tuổi (hiện thân của chính tác giả) lại mở ra một chân trời mới cho bộ môn tiểu thuyết Hiện Ðại. Ðến nỗi Lionel Trilling phải thốt lên “Có thể nói, mọi tiểu thuyết văn xuôi đều là biến thể trên chủ đề Don Quixote.”

Cối xay gió thời Trung Cổ còn sót lại. Photo: TTT/trẻ

Nội dung câu chuyện xuất phát từ anh chàng kỵ sĩ Don Quixote, vì quá say mê các mẩu chuyện hoang đường về những hiệp sĩ thời Trung Cổ mà bỏ nhà đi hành hiệp khắp bốn phương trời để làm chuyện trượng nghĩa. Anh ta gây sự đánh nhau với nhiều người, và cả với những cái cối xay gió, mà tưởng mình đang trừ gian, diệt bạo, cứu người, giúp đời. Câu chuyện xoay quanh sự suy tàn của tinh thần hiệp sĩ Trung Cổ chỉ còn lại trong giấc mơ hoang đường của một ông già 50 tuổi.

Tác phẩm bất hủ này của nhà văn Cervantes đã gây ảnh hưởng sâu đậm lên nền văn học của không những Tây Ban Nha, Âu Châu và có thể nói cả toàn thế giới. V. S. Pritchett phát biểu “Don Quixote khởi đầu như một tỉnh lẻ, trở thành Tây Ban Nha, và cuối cùng như một vũ trụ.”

Cối xay gió trong làng La Mancha. Photo: TTT/trẻ

Thực ra chữ Mancha trong tiếng Tây Ban Nha là một nơi khô cằn, hoang dã. Nó còn có nghĩa là một vết bẩn, hoặc nhơ danh. Người ta nghĩ  Cervantes đã dùng từ Mancha đặt tên quê hương cho một chàng hiệp sĩ trang nghiêm thật không phù hợp. Tuy nhiên, dịch giả John Ormsby tin rằng Cervantes đã chọn nó bởi vì đây là nơi bình thường nhất, khô khan nhất, thiếu lãng mạn nhất. Ðem nó gắn kết vào quê hương của một anh chàng Don Quixote hào hiệp, lãng mạn làm cho nhân vật này trở nên mâu thuẫn và dường như càng vô lý hơn, khiến người đọc phải bật ra tiếng cười. Tuy nhiên, do sự nổi tiếng của tác phẩm, vùng quê nghèo khó La Mancha bỗng trở nên gắn liền với thế giới của sự hào hiệp và lãng mạn.

Không biết có phải vì chịu ảnh hưởng cuốn tiểu thuyết này hay không mà khi vừa đặt chân xuống con đường dẫn vào ngôi làng xinh xắn này tôi đã thấy yêu nó ngay lập tức. Ðoàn du lịch của chúng tôi được nghỉ chân và ăn cơm trưa trong một quán ăn của khách sạn Don Quixote Inn, toạ lạc trong một khu phố nhỏ bán toàn quà lưu niệm chủ đề xoay quanh nhân vật Don Quixote. Khắp nơi đều được trang trí theo cung cách xưa của thời Trung Cổ với các bức tượng Don Quixote bằng kim loại, đồng, sứ hay đất sét. Có cả sự hiện diện của xe ngựa, máng cỏ, giếng nước hoặc các nông cụ thường dùng trong trang trại miền quê. Mọi người,  ai cũng có cảm tưởng mình đang sống trong thời đại xa xưa có chàng hiệp sĩ cỡi ngựa, cầm giáo đi lang thang diệt kẻ gian, trừ bạo chúa, cùng anh chàng người hầu nông dân Sancho Panza.

Tượng Don Quixote bằng kim loại và giếng nước. Photo: TTT/trẻ

Lợi dụng giờ nghỉ trưa, tôi đi dạo làng để ngắm những ngôi nhà tường trắng, mái ngói đỏ nâu có bắc những giàn hoa leo đủ màu trông thật dễ thương. Gần đấy là một ngôi giáo đường cổ nhỏ bé xinh xắn, có bóng một vị linh mục thấp thoáng sau khung cửa. Trên một dốc cao của con đường chính có chiếc cối xay gió thật lớn.

Trước lúc vào làng, khi xe chạy ngang ngọn đồi Consuegra, Castilla, tôi thấy có rất nhiều cối xay gió mà trên đỉnh là một toà lâu đài cổ trông thật đẹp và thơ mộng. Người dẫn đoàn bảo có khoảng 12 chiếc cối xay gió đã ngưng hoạt động từ lâu nhưng vẫn được lưu giữ vì mục đích lịch sử và du lịch. Cách đây vài năm họ cho du khách vào thăm nhưng bây giờ cấm rồi.

Thật tiếc là tôi không được đến gần để chụp hình, chỉ có thể dùng ống tele chụp nó từ rất xa lúc xe đang chạy. Có lẽ những cây cối xay gió đặc trưng của chốn này đã gây ấn tượng mến yêu trong lòng nhà văn Cervantes, nên ông đã đưa nó vào cuốn tiểu thuyết bất hủ.

Áo giáp sắt hiệp sĩ thời Trung Cổ. Photo: TTT/trẻ

Tôi vào thăm viện bảo tàng Don Quixote và thấy mình mất hút trong đó vì mải mê đọc, nhìn ngắm những tài liệu, sách báo, tranh ảnh, đến nỗi suýt trễ giờ lên đường. Nhờ bước vào đây tôi mới thấy được các bức tranh quý báu mà các danh hoạ đã vẽ chân dung anh chàng kỵ sĩ Don Quixote từ những năm 1815 tới 1987. Những hoạ sĩ lừng danh như Goya, Picasso, Dali, Jean Cocteau, Tremois, Antonio Saura v.v.

Thêm một điều kỳ thú nữa là khi cuốn truyện này được lưu truyền qua Nhật nó đã gây ấn tượng mạnh cho nhân dân đất nước Phù Tang, vì nó nhắc nhở đến tinh thần hào hiệp của các kiếm sĩ đạo Samurai của Nhật, giống hệt như các hiệp sĩ thời Trung Cổ. Tôi xin tóm tắt sơ về tinh thần hiệp sĩ.

Dao kiếm thời Trung Cổ. Photo: TTT/trẻ

Ấy là một hiện tượng đặc biệt trong thời Trung Cổ của Châu Âu, và cũng là một phần của hệ thống quân sự trong thời đó. Tinh thần hiệp sĩ của nước Anh đã phát triển từ thời Anglo-Saxon vì sự nổi lên của một loạt các cuộc chiến tranh. Trong các mối quan hệ phong kiến, chiến tranh trở thành điều kiện tiên quyết quan trọng nhất cho sự tồn tại của mối quan hệ giữa các hiệp sĩ và các vị vua. Nếu các chế độ quân chủ phong kiến ​​hoặc những lãnh chúa ​​không cần hiệp sĩ để chiến đấu, thì sự tồn tại sẽ mất đi căn cứ của nó. Tinh thần của hiệp sĩ bao gồm các phẩm chất đạo đức, như lòng dũng cảm, lòng trung thành, sự hào phóng và danh dự là cốt lõi của nó, tất cả những điều đó nên được tuân thủ với một hiệp sĩ. Sau này tinh thần ấy bị suy tàn. Sự suy tàn của tinh thần hiệp sĩ có những lý do cực kỳ phức tạp, bao gồm quân sự, kinh tế và tôn giáo… Thời thế đổi thay, đạo đức suy đồi, lòng trung thành quả cảm của một hiệp sĩ đối với giới quý tộc hay một vị quân vương không còn hợp thời nữa.

Don Quixote dưới mắt các danh hoạ. Photo: TTT/trẻ

Trở lại xứ hoa Anh Ðào, khi tác phẩm này truyền tới Nhật, một cuốn truyện tranh tựa đề “Ehon Don Kihote” do một nhà in nhỏ ở Kyoto ấn hành năm 1937 ra đời. Trong đó hoạ sĩ Nhật Serizawa Keisuke đã thuật và vẽ lại câu chuyện Don Quixote dưới hình ảnh, trang phục và cung cách của các Samurai Nhật.  Mục đích là ban biên tập cố gắng mang đến một tầm nhìn mới về “Don Quijote”, và đưa nhà quý tộc xứ Castilla của Tây Ban Nha đến Nhật Bản thời thế kỷ thứ 16 để biến thành hình tượng của chiến binh Samurai.

Phiên bản giải cấu trúc này của “Don Quijote de La Mancha” không phải là một ý thích biên tập đơn thuần, mà còn có những sự tương đồng trong quy tắc ứng xử của nhân vật, mang lại một sự tôn sùng tối thượng cho danh dự và lòng trung thành của các hiệp sĩ cũng như những võ sĩ đạo. Sự biến dạng được ghi nhận như Don Quijote Samurai biến thành hiệp sĩ vũ trang giáp sắt khi nhận thanh katana (kiếm samurai). Cối xay gió có được phong cách đặc trưng của Hokusai nên chúng được biến thành cối xay nước. Trong khi đó thì cuộc chiến chống lại Biscay trở thành cuộc đấu tranh khốc liệt giữa các chiến binh Samurai; còn hình ảnh lý tưởng hóa của Dulcinea trở thành hình tượng tinh tế của một geisha.

Bằng những phương thuật này, tất cả các nhân vật chính và tình huống trong “La Mancha” đã được “chuyển dịch” thành các nhân vật và địa điểm của nước Nhật.

Đồi Castilla của La Mancha. Photo: TTT/trẻ

TTT

Orange County, CA