Tôi về Dallas lần này là lần thứ hai sau 6 năm xa cách. Dallas của tôi là miền đất của bè bạn, đầy những tình yêu thương thắm thiết và trân quý. Đầu tháng 10, thời tiết bắt đầu đổi và mùa cảm cúm bắt đầu gieo rắc mầm bệnh vào không khí. Thành phố Dallas cũng rùng mình sửng sốt với bản tin Thomas Eric Duncan, một người Liberian đầu tiên bị nhiễm vi khuẩn Ebola được đưa vào một bệnh viện ở đây. Tôi bước lên phi cơ đi Dallas với một chút âu lo nhưng tiếng gọi bạn bè khẩn thiết hơn, nên tôi vẫn lên đường mà chẳng thấy sợ hãi. Chuyến bay non-stop của hãng Virgin America đặc kín người, không một chỗ trống.

Khi máy bay chuyển bánh, thay vì để người chiêu đãi viên hàng không đứng làm mẫu các động tác an toàn khi gặp trường hợp khẩn cấp thì tôi được cho xem một video Clip rất gây ấn tượng. Trên mặt phẳng chiếc màn hình cá nhân trước mặt từng hành khách, những hình ảnh tươi vui đẹp mắt bỗng sống động nhảy múa, gây sự chú ý đến tất cả mọi người. Những thao tác an toàn mà các hành khách phải làm, khi phi cơ gặp những trường hợp cấp bách, được chỉ dẫn bằng cách lồng vào các hoạt cảnh có lời ca tiếng nhạc và những vũ khúc nhịp điệu rất chuyên nghiệp. Tôi tròn mắt ngạc nhiên và thích thú chăm chú xem cho đến hết mà vẫn tiếc rẻ. Thật là một sáng kiến tuyệt vời. Là một hành khách từng di chuyển qua nhiều đường bay, mỗi lần thấy các chiêu đãi viên bắt đầu đem áo phao ra thổi, tôi thường làm ngơ, vì đã xem họ làm biết bao lần. Lần này tôi phác giác ra mình đang xem một clip ca nhạc hơn là một loạt các hành động thao tác khô khan. Nhìn hình ảnh lôi cuốn của 36 vũ công dùng 14 điệu nhảy khác nhau bao gồm broadway, contemporary, jazz, tango, b-boy và break dancing, tôi không khỏi thán phục người sản xuất đoạn phim ngắn này. Điều đẹp đẽ và nhân bản nhất của cuốn phim là tất cả những nhân vật trong phim đại diện cho mọi lứa tuổi, mọi tôn giáo, giới tính, màu da và đẳng cấp xã hội. Những em bé, bà sơ, chó mèo, thanh niên, người già, da trắng, da màu, giàu nghèo, đều có cả. Sau này tôi có lên trên mạng và đọc các bình phẩm về đoạn phim. Tôi biết được có nhiều lời khen và cả tiếng chê, vì cuốn phim có những diễn viên ăn mặc quá gợi cảm. Không kể một bà sơ nhảy nhót, múa hát, hành động không giống tư cách của một nữ tu, đã làm phật ý một số người. Họ cho là báng bổ tôn giáo. Theo tôi đoạn phim vui và chuyển tải được thông điệp nó muốn nói. Giống như mục tiêu của giáo dục, học hỏi và tiêu khiển thường đi đôi.

Xuống máy bay tôi về nhà một người bạn. Dallas đã vào thu, mà trời còn hầm hập nóng, để khởi đầu cho một cơn giông. Gió giật, thổi ào ào, trời đất bỗng tối sầm và mưa như trút nước. Mưa nơi này sao giống mưa rào nhiệt đới ở Sài Gòn, làm tôi nhớ. Sau cơn mưa trời lại sáng trưng như một phép lạ. Thành phố hoạt động như cũ. Người bạn khác mới đến từ Việt Nam, nhìn những ngôi nhà mới và to như các toà lâu đài từa tựa nhau, đều tắp, trong khu dân cư, chợt nhận xét. “Thành phố này là một đô thị thiếu màu sắc”. Tôi thì cho rằng Dallas giống một cô gái nông thôn hơn, nhẹ nhàng, không màu mè và thuần chất. So với thành phố Bolsa, ở quận Cam, California, Dallas như ngoại ô, đường sá nhỏ, thưa thớt xe cộ nên dễ lái xe. Một người bạn bỏ Paris về đây sinh sống đã bảo tôi khi tôi hỏi “Dallas có gì lạ?”. Dallas nhà rẻ, nhưng không có núi, có biển, hay các sinh hoạt vui chơi tiêu khiển, nếu muốn phải lái xe đi rất xa mới có. Tuy nhiên có một thứ rất quý hoá là tình người. Tôi tin điều này, khi nhìn nét mặt anh thể hiện được cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, từ trong tâm thức sâu kín, hình ảnh kinh đô ánh sáng với hàng quán và đời sống ẩm thực trên đường phố, đã ăn sâu vào con người anh không bao giờ tẩy xoá được. Nỗi nhớ Paris của anh ngày càng dày. Tôi nghiệm ra khi thiếu sinh hoạt ngoài trời hay các thú vui, người ta dành thì giờ cho gia đình bè bạn và người thân nhiều hơn. Hầu như nhà nào cũng trữ sẵn một lò nướng BBQ sau nhà rất đồ sộ!!!

Đầu tiên, tôi ghé thăm toà soạn tờ báo Trẻ ở đường N. Shiloh Rd, Garland, TX. Toà soạn nằm trong một toà nhà hai tầng với lối kiến trúc tao nhã và nghệ thuật làm dịu mắt người nhìn. Được dẫn đi thăm toàn ban biên tập với một lực lượng hùng hậu những cộng tác viên, tôi có dịp diện kiến từng người một. Thật là một giây phút ấm áp được gặp lại một số bạn cũ và các khuôn mặt mới. Những ngón tay thoăn thoát trên bàn phím, những đôi mắt dán sát vào màn hình kia đang tiếp tay mang những món ăn tinh thần đến với đời dưới hình thức một tờ báo sống bằng quảng cáo là một cố gắng phi thường. Tôi nhìn chồng báo Trẻ với 12 tờ phát hành ở 12 địa điểm khác nhau trên khắp nước Mỹ và Canada mà kinh ngạc.

Tôi trở lại Dallas lần này để gặp những khuôn mặt đã nhiều năm chưa ngắm lại, chưa được trò chuyện một lần cho hả. Ấy những, Thận Nhiên, Trịnh Cung, Nhật Hoàng, Đinh Yên Thảo, Ian (Nghĩa) Bùi, Trần Vũ, Nguyễn Xuân Thiệp, Phan Xuân Sinh, Dan Trần, Trần Lộc, Phương Tôn… Lại được nắm tay, hát hò, vui đùa với những bàn tay mới, nụ cười lạ, như được mở ra những con đường thênh thang của cuộc sống: những Hoàng Định Nam, Trầm Hương, Ngu Yên, Đặng Mỹ Hạnh & Andy, Vũ Đức Duy, Nguyễn Xuân Phước. Cùng đi tảo mộ Phạm Chi Lan và Nguyên Nhi (Cụ Tầm Xuân), để được đặt tay lên mặt đá hoa vẫy chào Lan, người khai sinh “Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng và con chim đầu đàn của Diễn Đàn Ô Thước” mà tôi đã từng cộng tác và sinh hoạt từ những năm 1998 đến lúc đóng cửa.
Đêm sinh nhật Trần Vũ, Oct, 4, 2014, đêm thu bên hồ nhà LS Nguyễn Xuân Phước, ai cũng nói là một đêm vui chưa từng bao giờ vui như thế. Mọi người hầu như cởi bỏ hẳn chiếc mặt nạ đạo mạo bề ngoài, chơi đùa hết tâm tư, trò chuyện, ca hát, ăn uống tận tình. Bàn tay phù thủy Trần Vũ không ngờ lại rất tài hoa trong các món ăn mang đầy hơi hướm kinh đô ánh sáng Paris. Sườn trừu nướng, gà nướng, cá xào cream và macaroni, cơm Ả Rập với thịt trừu, làm kinh ngạc đầu lưỡi người nếm.

Ơi ! Dallas vui như chưa bao giờ từng vui.

alt

Tác giả tại phi trường DFW

TTT