Cái nóng thiêu đốt của thập kỷ chỉ có thể miêu tả bằng cụm từ “Nóng kinh hoàng!” Hà Nội thành cái chảo lửa 103oF, người cũng hoi hóp như cá vứt lên cạn. Xứ sở mà cây xanh ít đi, cây xăng nhiều lên.

Thành phố trong hồ nhiệt tỏa lên những mái nhà, mảng tường bê tông lì lợm, những bồn nước inox bị đun sôi … Con phố ven Hồ Tây với độ ẩm cao dễ hầm nhừ những con người mưu sinh trên đường phố. Nằm ngay phía sau trường Bưởi, dù mới chỉ qua giờ cao điểm nhưng phố đã dần vắng.

Trái dừa, chai nước suối lạnh bày ra trước một tiệm tạp hóa ven hồ… Đường phố dẫu dần trở nên đa sắc trong cánh phượng hồng, bằng lăng tím và muồng hoàng yến; nhưng chẳng ai buồn ngắm.

Dường như cái nóng chẳng làm cụ đạp xích lô bận tâm, một hai tiếng buổi sáng khi những du khách còn ngủ nướng trong khách sạn là đủ để ông đọc qua những tờ báo giấy mà giới trẻ chẳng ai còn mua.

Phía sau là nhà nổi Café Highlands luôn nườm nượp khách, một nơi đến chỉ để thưởng thức các thức uống lạnh trong ly nhựa và hưởng chút gió hồ. Mùa nóng, café máy lạnh là lựa chọn ưa thích của nhiều người, chí ít cũng đỡ hơn nằm ngồi la liệt trong các siêu thị, shopping mall. Dẫu vậy, Highlands Coffee với sự sôi động ồn ã chẳng thích hợp với gu thưởng thức café trầm tĩnh của tôi, đồ uống lại quá ngọt, quá nhiều kem.

Khách bộ hành, dù Tây hay Ta cũng rất dễ căng thẳng khi qua đường. Mùa của những chiếc quạt nan từ người bán rong và quạt mini cầm tay dạo phố.

Bên hông chùa Trấn Quốc, ngôi chùa cổ nhất Hà Nội tọa lạc trên đường Cổ Ngư xưa. Chùa Trấn Quốc mở cửa miễn phí cho khách thập phương, không như Đền Ngọc Sơn hay Đền Quán Thánh. Dường như việc chùa Trấn Quốc lọt vào danh sách của chùa đẹp của thế giới trên trang Daily Mail hay Wander Lust khiến nó trở thành một địa điểm khó thể bỏ qua của du khách. Những dấu tích đặc trưng của chùa Việt như ngói vảy cá, mái chìa cong vút tránh mưa xối có thể thấy ở đây trên tháp mộ, tòa bảo tháp lục độ đài sen và cả những mái che cho những hộp đèn. Chùa chiền đất Bắc thường đổ màu nâu đất, có lẽ Trấn Quốc cứ liên tục hoài “trùng tu” nên bao giờ cũng thấy mới toanh!

Tôi mong tìm một ngày tịch mịch lẩn sau bờ tường, hàng cây – nhưng chùa Trấn Quốc nằm ngay giữa hai hồ Trúc Bạch và hồ Tây khó tránh khỏi thành một “touristy site” xô bồ.

Trong ảnh là đoàn du khách đến từ Bangalore, Ấn Độ chụp hình trước Bảo tháp lục độ ở chùa Trấn Quốc. Khách Ấn đến đây phần vì lẽ cây bồ đề này đã được người Ấn tặng cho chùa Trấn Quốc năm 1958.

Mặt bà bán đồ lưu niệm nhàu nhĩ, đá lăn lóc hai con cá đang quẫy đành đạch trên cạn, hai khách Tây dừng bước trố mắt nhìn. Con chó vàng tội nghiệp cụp tai chắc chẳng mong bị vạ lây. Cái khẩu âm tôm cá của bà đốp lại sự thắc mắc của tôi, “Nó còn lâu mới chết, để đấy bán cho ai muốn phóng sinh!” Hai con cá ngoi ngóp đến tội, chúng hẳn sẽ “quy tiên” trước khi được phóng sinh. Có những “kẻ xấu già đi”, dù trước cổng chùa mà chẳng chút thiện tâm.

Trái phật thủ này chẳng ăn được chỉ để thờ cúng. Arjun, ông tour guide cho đoàn khách, khum người chụp đĩa phật thủ được cúng ngay ở hòn non bộ.

“Gái xế Grab” trên chiếc Wave Alpha giọng nặng Thanh Hóa, nghề chạy Grab giờ chẳng còn dành riêng cho cánh đàn ông xe ôm, hay những nam sinh viên ra trường mà thất nghiệp. Bỏ làm quán cơm, bà mẹ hai con này có thể chủ động hơn thời gian chăm hai con ốm đau ở quê. Vừa chạy Grab, mà chạy cả dịch vụ goViet nên cô toe toét cười khi tôi thắc mắc có hai nón bảo hiểm khác nhau.

Khách ngoại quốc ư? Chẳng vấn đề chi vì giờ đây với chiếc smartphone thì từ chị thợ nail cho đến tài xế GrabBike đều biết dùng app dịch giọng nói trực tiếp để làm cái cần câu cơm. Thế kỷ 21, mù công nghệ cũng chẳng khác chi mù chữ vậy! Cô gái xứ Ăng-lê hơn hớn cười vì kiếm được xế nữ chở đi vòng vòng Hà Nội cả ngày thăm thú, mà chị Grab kia cũng vui vì khách Tây thì tip cũng nhiều hơn.

Phiên bản iPhone của một du khách bên cây Bồ đề Bát Chánh Đạo trong chùa Trấn Quốc. Cây Bồ đề Bát Chánh đạo là hậu duệ của cây Bồ đề đạo tràng nơi Phật tổ giác ngộ sau 49 ngày thiền định.

Nón và mắt kiếng cho một shot hình thôi chứ đội vào là ngộp thở!