Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Quất cảnh – trái còn, trái rụng. Ngày sâu nở, nóng lạnh bất thường.

Biệt thự cổ, chiếu manh trên chiếc giường cổ 4 cọc rèm che thế kỷ 20 – từng là trú sở của đại gia xây kè, đắp đê. Con đê cũ Hàng Cau từng tấp nập thuyền mành từ Đàng Trong chở đường Quảng và cau khô Bình Định.

Quá đỗi tịch mịch, tàn phai – chỉ có tiếng chim chào mào và bước chân tôi trên thang gác gỗ lim.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Mưa nồm phập phù, sàn nhà ẩm nhớt, giàn phơi phấp phới cả tuần còn hơn chào mừng đại hội. Có những không gian chỉ thấp thoáng ở Hà Nội như bóng sâm cầm rồi biến mất. Cái chốn cũ, phòng Mây Trắng, nơi lưu những trang giấy ố của Lưu Quang Vũ & Xuân Quỳnh giờ lại tản mát. Sinh tồn văn hóa cũng chỉ như nhánh dây leo mọc trong ngóc ngách.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ  

Phiên chợ tàn Âm phủ xưa còn đông hơn cái phố sách Hà Nội nay. Minivan hippy, cánh cửa chớp sặc sỡ thành phông bạt – Hàng Mã ở phố sách. Vãng khách selfie còn nhiều hơn độc giả. Văn hóa đọc lẹt đẹt, tuýp sách kỹ năng sống vẫn là đầu sách tái bản nhiều lần, ví như Đắc Nhân Tâm trở thành thứ sách học trò “túc nho” Tam Tự Kinh thời đại.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Những “Đổi Mới” của Hà Nội chẳng thể đại diện như cách Vòng quay Thiên niên kỷ trở thành biểu tượng Mắt London. Thẻ công dân thì đã gắn chip, nhưng căn cước của “đô thị Hà Nội” thì vẫn là cây bàng lá đỏ trên nóc nhà cổ, hay nhành miên liễu phủ rạp Hồ Gươm, etc. Người ta nói về “hồn cốt Hà Nội” như một căn tính cũ kỹ, dấu vân mờ nhòe, mực chẳng rõ chữ.

Xem thêm:   Hang gấu

Công tơ điện kín tường, con lươn xe đạp chen giữa tam cấp, tiếng thoát rọc rọc trong ống cống Phù Lãng … thêm mấy cái ghế con ngồi vắt chân ngáp trà vặt – một tấm căn cước khổ nhỏ trong cái “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó.”

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Nền gạch cũ chen giữa hai thân xoài cổ thụ, vách tường kín những bức họa của kẻ sưu tập, con mèo lười tên Chuột cuộn tròn trên đống sách. Một góc chuyện gẫu, nhàn đàm, thơ thẩn của dân nghệ sĩ Hà Thành.

Cơn mưa phùn tình cờ dẫn tôi tới đây…

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Hành lang tối, cái góc cũ số phận hẩm hiu chỉ mảng vôi bàng bạc, tơ nhện giăng đầy. Hà Nội vẫn còn “trọng xỉ”, yêu những thứ cằn cỗi già nua. Chiếc xe đạp lạch cạch dựng bờ tường, lão trung niên kiên nhẫn chờ tráng phim, rửa ảnh ở thời digital 4.0.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Chẳng phải thứ chuông gió ngoài patio, gác xe bò vắt vẻo những bộ gõ ống tre lục lạc đeo cổ trâu bò.

Oải hương mang sinh khí mới cho không gian cũ. Kỷ vật, theo một nghĩa khác là hầm mộ chôn cất những giá trị đã qua đời.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

“Tân cổ giao duyên” – Mượn váy hoa mà quang hợp ké song cửa cũ.

ĐMH