Tôi không có thể nói chắc người phụ nữ Á Ðông thế nào, chứ đàn bà Việt Nam, từ xưa đến nay hầu như dính liền với hai tiếng “nội trợ!” Nghĩa của nó là “giúp việc trong nhà” như độc giả đã biết và từng có kinh nghiệm và như ông bà ta đã khuyến cáo:Gái thì giữ việc trong nhàkhi vào canh cửikhi ra thêu thùa!

Ðàn ông là người đi ra ngoài làm việc, thường không quan tâm đến việc trong nhà. Ngay cả ở thành thị hay nông thôn, ở thế kỷ trước, hay cho đến ngày nay, quý ông đi làm về chỉ có việc nằm đọc báo, coi TV, chơi game, nghe nhạc, ngủ, trong khi người đàn bà “nội trợ” phải tất bật từ sáng đến chiều, chợ búa, bếp núc, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa con cái và … phục vụ nhu cầu của đấng phu quân.

Nhiều phụ nữ than phiền, vì ở nhà không đi làm kiếm tiền, giữ “thiên chức nội trợ” hoàn toàn, nên thường người chồng mặc nhiên coi những việc trong nhà là việc của vợ, mà mình không có trách nhiệm hay không cần quan tâm tới.

Có những đức ông chồng, có hôm đi làm về mà cơm chưa dọn xong đã gay gắt, um sùm, vì chồng vẫn có quan niệm “nội trợ” mà “giờ này chưa có cơm ăn”, “cả ngày có mỗi việc nấu bữa cơm mà cũng không xong!” Nhiều người vẫn còn mang ý nghĩ, công việc của vợ ở nhà là rỗi rảnh, trong khi bản thân mình thì ra ngoài kiếm tiền vất vả, mỗi ngày 8 tiếng, chưa kể thời gian đi về.

Ngày nay, trên thế giới nhiều phụ nữ đã gánh vác những công việc mà lâu nay là của phe đàn ông, chúng ta thấy không thiếu Tổng Thống, Thủ Tướng, Bộ Trưởng cho đến Giám Ðốc những đại ngân hàng, đại công ty hay những ngành nghề chuyên môn khó khăn khác, trong khi vẫn có những người đàn bà âm thầm, chịu đựng là những “nội trợ” suốt đời.

Người chồng đi làm ở ngoài có đồng lương đem về cụ thể, chi phí tiêu pha trong nhà chứng minh được bằng những con số, trong khi người phụ nữ làm việc nhà là công việc không công, không nhận được đồng lương thù lao nào. Trong trường hợp phụ nữ ra ngoài làm việc, về nhà họ vẫn dành hơn 5 tiếng đồng hồ “over time” cho công việc nhà “không lương!” Nếu là nhận công việc “nội trợ” full time, mỗi ngày một phụ nữ làm việc nhà không dưới 15 tiếng, từ 5, 6 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm. Nếu tính cả “full time” lẫn “over time” của một bà nội trợ, chúng ta phải trả lương cho bà bao nhiêu mới hợp lý?

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Theo điều tra năm 2019 của Salary.com, một công ty chuyên hỗ trợ cá nhân định giá năng lực bản thân cũng như giúp doanh nghiệp quyết định mức lương hợp lý cho nhân viên, một bà mẹ nội trợ trung bình phải nhận được số lương hằng năm là $162,581, so với lợi tức trung bình của một gia đình ở Hoa Kỳ hiện nay là $63,179. Chúng ta cũng nên biết rằng, mức lương mà Salary.com đề nghị cho “chức” nội trợ còn cao hơn mức lương trung bình của dược sĩ ở Mỹ là $121,500.

Marilyn Waring, nhà kinh tế học Australia đã nêu lên câu hỏi: người ta trả tiền cho người giữ trẻ; trả tiền mua gas nấu bếp; trả tiền để có nước, điện; trả tiền cho thức ăn từ nhà sản xuất; trả tiền khi đi ăn nhà hàng, trả tiền cho tiệm giặt công cộng hay dry-clean. Nhưng nếu một phụ nữ tự làm tất cả những việc đó – làm giường, chăm sóc tắm rửa cho con, nấu ăn, giặt giũ, rửa chén bát, xay sinh tố, pha cà phê và – mà không ai trả tiền và cũng không ai nể phục họ như đối với một bà giám đốc công ty.

Trong các gia đình Á Ðông, có khi phải sống chung với cha mẹ già, nàng dâu còn phải lo phục vụ cơm nước, thuốc men, săn sóc. Có khi ngoài việc ở nhà, nhiều bà còn phải đưa con đến trường và đón con trở về. Nhưng tất cả, đơn giản và bình thường, vì người ta coi đó là việc nhà, và bà chỉ là một người “nội trợ,” phải làm “miễn phí.”

Melinda Gates, vợ của Bill Gates, người đàn ông giàu nhất thế giới, cho rằng “khi các nhà kinh tế tính thời gian của những nông dân, họ chỉ đếm số giờ của những người làm việc trong nông trại chứ không hề nghĩ đến phần của các bà vợ, đã dùng thời gian để nấu ăn, dọn dẹp và chăm sóc nhà cửa, để cho những nông dân kia làm việc hiệu quả.” Những bà nội trợ đang “làm rất nhiều việc mà không hề được công nhận,” đó là lý do tại sao họ dường như luôn mệt mỏi và chán nản.

Xem thêm:   Bộ sưu tập Báo Chánh Pháp

Câu hỏi đặt ra cho các bà nội trợ là “làm gì cho hết ngày?” Mọi người làm cứ như không có bà “nội trợ” thì những đứa trẻ vẫn sạch sẽ, no đủ, lớn lên ngoan ngoãn, khoẻ mạnh và vui vẻ, nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, cơm nước tự dưng bày ra. Chẳng ai ca ngợi một câu, chỉ có trách móc: “Ở nhà có mỗi việc (nấu ăn, giữ con, lau nhà…) mà cũng không xong!”

Người đời hoặc ngay cả những bậc cha mẹ vẫn đánh giá con gái, con dâu hay người hàng xóm qua công việc của họ, viên chức, cán bộ chuyên môn, cô giáo, giám đốc… hay chỉ là bà nội trợ ở nhà, sống nhờ vào đồng lương của chồng.

Kể về cái tất bật của người phụ nữ Việt Nam, không có gì mô tả đúng bằng câu ca dao “khẩn trương” sau đây trong nhân gian: “trong khi lửa tắt, cơm sôi, lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem!”

Nếu Quý Vị cho rằng mức lương đề nghị cho Quý Bà hơn cả đồng lương của một dược sĩ ở Mỹ là quá đáng, thì phe đàn ông thử xin làm nghề “nội trợ” này, chỉ cần một ngày thôi, cho biết … mùi đời.

Tôi nghĩ câu chuyện kể sau đây là một câu chuyện hay:

Một ông chồng luôn quan niệm mình phải đi làm ngày hai buổi vất vả, còn vợ nhà, nội trợ, quanh quẩn bếp núc, nhàn hạ, như vậy là Thượng Ðế không công bằng. Ganh tỵ với số phận của vợ nhà, ông ao ước chi mình có thể trở thành đàn bà ở nhà giữ vai trò nội trợ, và vợ thành … đàn ông đi làm ở ngoài cho biết thế nào là vất vả, cực khổ. Việc trao đổi này, trước hết xin được thực hiện trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Gã đàn ông cầu nguyện và lời khẩn cầu của ông đã được Thượng Ðế đoái thương cho y mãn nguyện.

Sáu giờ sáng thức giấc, gã đàn ông đã hoàn toàn trở thành một phụ nữ, trong vai trò một bà nội trợ. Ðâu có thể nằm nướng trên giường như lúc còn làm đàn ông, người đàn bà này trở dậy vì con trong nôi đang thức giấc, khóc ré lên.

“Gã” phải dậy thay tã lót cho con, cho con bú sữa, dỗ con ngủ lại, vội vàng đi làm vệ sinh buổi sáng, rồi tất tả xuống bếp, bật lửa, sửa soạn bữa sáng cho ông chồng, ăn để kịp đi làm. Một khúc bánh mì nướng, hai quả trứng chiên, một tách cà phê sữa nóng và bữa “lunch”, chai nước, bới theo đến sở cho lang quân, đâu phải dễ dàng làm trong vòng mười lăm phút.

Xem thêm:   Cao Xuân Huy

Ðợi cho chồng ăn xong, tiễn chồng ra cửa, trong khi con đang còn ngon giấc, “gã” tranh thủ ăn qua loa mấy miếng cơm nguội và thức ăn thừa hôm qua còn trong tủ lạnh. Công việc buổi sáng dọn bếp, lau nhà, đi chợ có cõng con theo. Buổi trưa cũng ăn vội vàng, khi con ngủ, chợp mắt đi một tí đã thức choàng trở dậy vì con. Xay cháo, bón cho con, chơi với con một lúc lại nhớ đến mớ đồ chưa giặt, sấy. Ðể con vào xe đẩy, ra vườn tưới vội cho mấy chậu cây cần nước. Trở vào nhà thì đã đến giờ lo cơm tối, lại xắt, băm, gọt, tỉa, luộc, xào, chiên… mới có được bữa cơm tươm tất. Buổi tối, chờ chồng về, mới có được bữa ngồi ăn cơm với chồng.

Cơm nước xong thì trời đã tối, trong khi chồng bật TV, vào facebook hay nựng nịu con, thì “gã” lại phải rửa mớ chén bát, sắp đặt lại nhà cửa. Chưa xong thì đã nghe tiếng chồng gọi: “Em ơi! Con bậy ra rồi nè. Tã để đâu? Cưng thay tã cho con giùm anh nha!”

Hơn 10 giờ đêm, hai con mắt “gã” như trụp xuống, mình mẩy ê ẩm, hai chân gần như lết không nổi, thì ông chồng đã tắt TV. Tiếng gọi ngọt ngào: Cưng ơi!

Bây giờ con đã ngủ, nhà không nuôi lợn, lửa bếp ga đã tắt, nồi cơm điện để ở nút “warm,”cửa ngõ trước sau, “gã” đã chốt xong, thì đến giờ chồng đòi … tòm tem! Sau đó, “gã” ngủ thiếp đi một giấc dài mê mệt, cho đến 6:00 giờ sáng hôm sau, khi đồng hồ báo thức reo lên.

“Gã” thức giấc trong mừng rỡ, nhưng sờ lại thân thể mình, thất vọng thấy sao mình vẫn chưa trở lại làm đàn ông. “Gã” khóc lớn tiếng, gào tên Thượng Ðế. Thượng Ðế hiện ra, bình thản, ung dung, chưa cần nghe câu hỏi của “gã” đã dịu dàng lên tiếng:

-“Trễ rồi con! Hôm qua để chồng “tòm tem,” con bị dính thai rồi. Con phải ở trong thể xác của người đàn bà, ít nhất là 9 tháng 10 ngày nữa, rồi hãy tính tiếp!

HP

Orange County, CA