Không phải Bút Tre dốt đến nỗi không làm được thơ. Thơ Bút Tre là một sự phản kháng tiêu cực, được phát sinh ra trong chế độ thiếu nụ cười.

– Thơ Bút Tre là thơ truyền khẩu, được nhân rộng ra, tiếp nối như một phong trào.

Ở hải ngoại chúng ta thỉnh thoảng có nghe tới lối thơ Bút Tre với cái lối gieo vần, sửa chữ, cắt đoạn lạ lùng, tùy tiện và nhất là lối thơ bắt chước, mô phỏng Bút Tre trong quần chúng sau này với những câu thơ vừa dí dỏm, vừa buồn cười, có khi pha đôi chữ tục trong dân gian, khiến những người khó tính tới đâu cũng phải bật cười:

“Các em mặc váy đánh cầu…

Lông bay phần phật trên đầu các anh.”

Xin nhớ chữ cầu lông (badmington hay vũ cầu) tác giả đã đem xuống câu bát một chữ “lông” và để lại chữ “cầu” ở câu lục. Với cái kiểu xuống hàng cao hứng như vậy, xin các bạn đọc tiếp vài câu như sau:

“Anh đi công tác Pờ- Lây

Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra!”,

hay

“Anh đi công tác Ban- Mê

Thuột xong một cái, anh về với em”.

Vỡ lẽ ra thì những câu thơ trên chẳng phải của Bút Tre mà do quần chúng làm nhại theo lối thơ Bút Tre, những câu thơ như thế được truyền tụng trong dân gian rất nhiều. Tựu trung lối thơ Bút Tre được phân biệt theo cấu trúc và nội dung như sau:

  1. Xuống dòng đột ngột, ngắt chữ:

Hoan hô Đại Tướng Võ Nguyên,

Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về.”

  1. Giữ luật bằng trắc trong thơ bằng cách ép chữ một cách ngô nghê:

“Chú về công tác bảo tàng.

Cũng là công việc cách màng (mạng) giao cho”, hay:

“Hôm nay trời nhẹ, mây cao,

Anh Ga- ga- rỉn bay vào vũ tru”.

  1. Thay một chữ trong câu thơ để độc giả tự đọc lấy chữ tục:

“Trên rừng con khỉ đánh đu

Có anh cán bộ vạch c… bên đường”.

Ta không lạ với lối thơ này, Bùi Giáng đã làm hai câu thơ đùa cợt trong dịp Ðại Hội Văn Nghệ CS thành phố sau năm 1975, trong đó có hai nhà văn Thu Ba (nữ) và Thu Bồn (nam) tham dự:

“Thu Ba ngồi cạnh Thu Bồn,

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Thu Bồn hứng chí rờ l… Thu Ba…”

  1. Vì kẹt vần, phải viết tắt, bỏ bớt chữ:

“Cuối cùng xin nhắc một câu

Văn hóa cơ sở là… đầu chúng ta”.

  1. Thơ hoan hô: Bút Tre có rất nhiều câu thơ hoan hô lấy điểm như câu thơ hoan hô VNG ở trên, và câu thơ sau dây:

“Hoan hô đồng chí Phạm Tuân,

Bay vào vũ trụ một tuần về ngay,”

  1. Có vần nhưng ý, chữ sai để chọc cười:

“Đội ta phá đá lưng đèo,

Vẳng nghe dưới bản tiếng mèo … gâu gâu”

  1. Thơ ngớ ngẩn, huề vốn: Thơ Bút Tre còn một loại mà các nhà phê bình CSVN không dám nói là lối thơ huề vốn, ngớ ngẩn vì cách dùng chữ bậy bạ, ngô nghê:

“Trông xa cứ tưởng cô nàng.

Đến khi giáp mặt lại càng cô ta”

“Ruồi là một giống hiểm nguy,

Bốn chân của nó rất vi trùng nhiều”

“Con đò dịch đít sang ngang,

Bên kia có một cái làng thò ra”

* Nhận xét về thơ Bút Tre:

Thơ Bút Tre trong nước đã được phổ biến rộng rãi vì ngắn gọn, dễ nhớ vì tính chất đặc biệt, hóm hỉnh của nó. Có người cho rằng Bút Tre làm thơ dốt, không có vần điệu, không niêm luật, bí chữ, tùy tiện nên không thể gọi đó là thơ, hoặc vì Bút Tre lập dị, muốn làm thơ khác người nên cố gieo vần, đặt chữ cho khác lạ, oái oăm như vậỵ

Vậy Bút Tre có phải là kẻ dốt nát, bần cố nông không biết làm thơ, không biết đặt chữ, gieo vần, chưa viết thông tiếng Việt hay không? Thưa không!

Cứ theo như tiểu sử của Bút Tre, thì tên thật của ông là Ðặng Văn Ðăng, sinh năm 1911 tại xã Ðồng Lương, thị trấn Song Thao, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Trước 1945 ông dạy học ở Tuyên Quang, có viết văn làm thơ. Ông viết truyện dài đăng từng kỳ tên là Lục Y Lang (chàng áo xanh) trong nhật báo Ðông Pháp. Vào đảng CS năm 1946. Làm báo, phụ trách nhà in, rồi Phó Trưởng Ty Tuyên Truyền, Văn Nghệ tỉnh Phú Thọ. Năm 1956, là bí thư cho Thứ Trưởng Ngoại Giao CS Ung Văn Khiêm, bí thư thứ hai ở tòa Ðại Sứ CSVN ở Lỗ Ma Ni, cuối cùng trở lại Phú Thọ làm trưởng ty Văn Hóa. Bút Tre cũng là tác giả 6 tập thơ, phần lớn ca tụng quê hương và nặng về công tác tuyên truyền, nhưng cũng không phải là thơ quá tệ. (Có người cho rằng ông có bằng tú tài triết học Pháp, nhưng tôi không tin vì vào thời đó, nếu ông có mảnh bằng này ông đã không thể nào ngồi dạy học ở cái xứ Tuyên Quang khỉ ho, cò gáy.)

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Theo những khả năng ông có, và với những chức vụ như thế thì Bút Tre cũng không đến nỗi dốt nát, ngu si để làm ra những câu thơ ngốc nghếch, ngờ nghệch, buồn cười như thế. Chính nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã nhắc nhở giới “lãnh đạo văn nghệ”(!) Vĩnh Phú và Hội Nhà Văn cần phải “nghiên cứu nghiêm túc về hiện tượng thơ Bút Tre, vì tác giả của nó, một người có học vấn, không thể vô tình khi hạ bút viết những câu thơ tưởng như ngô nghê, ngớ ngẩn kia.”

Không vô tình thì chỉ có thể là cố ý! Chúng ta chỉ có thể có một câu trả lời, Bút Tre là chàng thâm nho, thấy thế sự đảo điên, chốn văn chương trở thành bát nháo, trong khi “bác” Hồ làm thơ, bộ trưởng Xuân Thủy làm thơ, trưởng ban Tuyên Vận Trung Ương Ðảng làm thơ… thì ông cũng làm ra những thứ thơ như thế như để trêu ngươi, để đùa cợt. Chúng ta thấy trong ông có hai con người – một của đảng viên Ðặng Văn Ðăng và một của linh hồn Bút Tre nôm na mách qué. Người đọc không thuộc thơ ca tụng nhà nước của trưởng ty văn hóa Ðặng Văn Ðăng (người có thơ ca tụng “Bác” nhiều nhất sau thi nô Tố Hữu), nhưng rất thuộc thơ cười của Bút Tre. Bút Tre đã dí dỏm cho rằng loại thơ đứng đắn là thơ “nghiêm”, và loại thơ tếu này là thơ “nghỉ.”

Chưa nghe ai nghiên cứu và nhắc tới câu hỏi của Nguyễn Tuân. Trước đây nhà văn Kim Ngọc đã khen ngợi Bút Tre “dẫn xướng sự đổi mới”, lập tức bị bọn “lãnh đạo văn hóa” bâu vào phê bình, kiểm điểm. Bây giờ người ta lại không hết lời ca tụng ông, Quốc Hội CSVN trao huân chương cho ông. Tên Bút Tre có trong Tự Ðiển Văn Hóa (NXBVăn Hóa năm 1993, trang 49), được coi là “tấm lòng thơ của một cán bộ văn hóa” (Lê Huy Ngọ); “xứng đáng với danh hiệu “nhà thơ dân gian” (Nguyễn Hữu Nhân); “ông là nhà văn hóa mà dòng đời của ông đắm mình trong dòng văn hóa dân gian (Ngô Quang Nam)…

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Thậm chí đến buồn cười là hai chữ “Giáp ta” trong câu thơ “thắng trận Ðiện Biên trở về” được nhà nghiên cứu văn học Ngô Quang Nam viết rằng “nhưng duy nhất có anh Giáp của chúng ta có được hai từ rất đắt, nó quí giá như tấm huân chương của Văn hóa dân gian trao cho Ðại Tướng vậy:

“Giáp Ta!” (Lối Thơ Bút Tre -NXB Văn Hóa 2001).

Thật là hết chỗ nói! Người làm văn hóa nghĩ sao một nhà thơ có chữ nghĩa như Bút Tre, nổi máu tếu, cắt tên Võ Nguyên Giáp ra làm hai, nửa trên câu lục, nửa dúi xuống câu bát mà lại được khen nức nở như thế? Các bạn có muốn bắt chước lối thơ Bút Tre tặng thơ để kỷ niệm những ngày thất sủng, “Giáp ta” phải đặc trách kế hoạch hạn chế sinh đẻ không? Thì đây:

“Hoan Hô Đại Tướng Võ Nguyên,

Giáp ta triệt sản chị em… quần hồng”

Tuy vậy, sau này các nhà nghiên cứu văn học VN cũng nên nghiên cứu về hiện tượng này (thơ Bút Tre) để coi đây là một trào lưu hay là một lối thơ đặc biệt. Tôi nói chung là “văn học Việt Nam”, vì tôi hoàn toàn phản đối những nhà làm văn hóa CSVN hiện nay, khi ghi viết tự điển văn học VN hay nói về văn học VN mà không nhắc nhở gì đến một nền văn học tự do và phồn thịnh của miền Nam từ năm 1945-1975.

Sự phân chia về chính trị chỉ có nhất thời, mà văn hóa là muôn đời. Làm văn học hay viết sử mà chỉ làm theo mệnh lệnh của chế độ, thiên lệch, phá bỏ các công trình văn hóa không theo khuynh hướng chính trị của mình thì chỉ mang lại một thứ văn hóa nô dịch, cục bộ, bị hậu thế lên án.

HP

Orange County, CA.