Một quả phụ Việt Nam Cộng Hòa, biệt tin chồng trong suốt 35 năm từ những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, nay, nhận được tin tức từ nước ngoài truyền về, người quả phụ ấy tìm lại được mộ chồng, chỉ cách căn nhà đang ở có … 15 km.

Câu chuyện bắt đầu từ tin tức về việc người dân An Dương, quận Phú Vang, Huế, gần đây cải táng 132 hài cốt tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 3, 1975…. 35 năm trước

Sáng ngày 21 tháng 3, 1975, trong cơn hỗn loạn của thành phố Huế, khi quân đội rút về phía Nam và dân chúng gánh gồng chạy loạn, bà Lê Thị Tịnh đem các con chạy vào Ðà Nẵng. Ngang qua Dạ Lê, bà ghé thăm người chồng, Thượng Sĩ Ðinh Văn Kiếm, trưởng Tổng Ðài Siêu Tần Số, thuộc Tiểu Ðoàn I Truyền Tin, Sư Ðoàn I Bộ Binh (SÐ 1 BB). Tại đây, Thượng Sĩ Kiếm nói với vợ, hãy “yên tâm đem các con đi trước, anh sẽ theo đơn vị đi sau.” Họ chia tay, không biết rằng, đó là lần cuối cùng gặp mặt…

Sau ngày Sài Gòn thất thủ, nhiều người chạy giặc vào Sài Gòn đã bắt đầu trở về. Bà Tịnh vẫn biệt tin chồng. Qua nghe ngóng tin tức, bà biết “nhiều anh em Sư Ðoàn 1 BB bỏ xác tại bãi biển Thuận An trong lúc chờ tàu vào cứu nạn.” Nghe theo lời khuyên, bà Tịnh nhiều lần cố tìm về bãi biển này để dò la tin tức. Mấy ngày đầu, đường sá bị phong tỏa. Thời gian sau, dấu vết nhạt dần, rồi không còn nữa. Không ai dám hé môi tiết lộ một lời.

Lòng bà Tịnh nhen nhúm chỉ một niềm hy vọng: “Biết đâu anh lại có cơ hội lên tàu di tản sang Mỹ.”

Trong khu đất mới, 132 mộ phần được chia làm 4 khu, ở giữa là bia thờ. 

Bà Tịnh chờ đợi! Một năm, rồi 2 năm, rồi 5 năm trôi qua, tin chồng vẫn biệt mù. Bà Tịnh, như hầu hết những người vợ lính cam phận, tần tảo nuôi bốn đứa con trai và một con gái khôn lớn. Nỗi buồn nguôi ngoai cùng ngày tháng. Người con trai đầu của bà Tịnh, tên Khuê, năm 1980, mới 12 tuổi, đã ra đời vất vả kiếm cơm, với một chiếc bình nhôm và cái ca nhựa, bán nước trà theo những chuyến xe lửa Bắc-Nam mỗi ngày ghé qua ga Huế hay bên chợ Ðông Ba.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Một buổi tối, bà Tịnh không thấy con về. Hai ngày sau, bà lên ga Huế, ra chợ Ðông Ba, hỏi thăm đám bạn bè của con. Không một tin tức. “Thằng Khuê” mất biệt như cha nó 5 năm về trước, không một dấu vết. Bà Tịnh không biết trình báo với ai, cũng chẳng biết phải đi đâu để tìm con. “Thằng Khuê,” còn sống hay đã chết, mất xác nơi đâu?

Bỗng đâu tin tức tràn về. Ba mươi lăm năm sau cuộc chiến là 35 năm bà Tịnh sống trong chờ đợi, niềm chờ đợi tuyệt vọng về tin tức của chồng và đứa con trai đầu lòng. Các con bà Tịnh nay đã có gia đình. Bà Tịnh – người mẹ ngày xưa – nay là bà nội, bà ngoại của một đàn cháu đông đúc. Mỗi lần thắp nén hương trên bàn thờ chồng là mỗi lần bà thầm nghĩ: “Không biết anh chết ở đâu, xác bỏ nơi nào.” Bà đâu có ngờ, chồng bà vẫn ở bên bà đấy thôi. “Anh nằm gần chị đây thôi, trên bãi biển Thuận An, cách nhà chỉ 15 cây số.” Chỉ 15 cây số, nhưng bà không hề hay biết, trong quãng thời gian dài hơn nửa đời bà, 35 năm!

Một hôm, người em của chồng bà, là Ðinh Văn Xuyên, một cựu quân nhân thuộc Thiết Ðoàn 10 Kỵ Binh, hiện cư ngụ tại Texas, Hoa Kỳ, gọi về, loan tin rằng, qua báo chí, người ta tìm thấy dấu tích của ông Kiếm tại bãi biển Thuận An trong một lần bốc mộ, nhờ tấm thẻ bài mang tên người xấu số.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Di hài Thượng Sĩ Kiếm được dân làng An Dương cải táng vào trung tuần tháng 12 vừa rồi. Tin tức từ trong nước ra được hải ngoại, nay lại bay về quê hương. Hai vợ chồng “ở rất gần nhau,” mà tin lại loan đi hàng vạn dặm mới về đến người cô phụ.

Ngay lập tức, Bà Tịnh cùng các con và người em gái của ông Ðinh Văn Kiếm, đem lễ vật về lạy trước nấm mộ tập thể, trong đó có chồng mình, cha mình, anh mình. Trong tấm mồ tập thể ấy, Thượng Sĩ Ðinh Văn Kiếm đã yên nghỉ cùng anh em đồng đội và đồng bào của ông trong những ngày cuối của cuộc chiến.

Gia đình ông Kiếm, gồm các em của ông, hiện đang sống tại hải ngoại, nói sẽ giúp phương tiện để đưa ông về nằm chung với phần mộ của gia đình. Còn tạm thời, ông vẫn nằm bên cạnh bạn bè, chiến hữu – những người đã 35 năm chung một nấm mồ xiêu lạc, oan khuất trên đường chạy loạn.

Cả chục chiếc thiết vận xa M/13 làm đầu cầu nối ra biển để lên tàu. Sau đó có nhiều chiếc bị chìm xuống biển Mỹ Khê

Một trường hợp khác.

Cũng nhờ tên tuổi trên một chiếc thẻ bài còn lại, ông Trịnh Quốc Thuận, ở Maryland, Hoa Kỳ, nhận ra người bà con cô cậu ruột của mình, là ông Trần Văn Ðược, sinh năm 1954, thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Gia đình đã được báo tin ông Thuận bỏ mình tại bãi biển Thuận An hồi tháng 3, 1975, nhưng không tìm ra hài cốt. Chuyện kể rằng, hồi tháng 4, 1975, khi Sài Gòn chưa thất thủ, một chiến hữu cùng trung đội với ông sống sót về được Sài Gòn, ghé qua báo tin cho gia đình đồng đội, rằng ông Ðược đã chết trên bãi biển Thuận An. Trên đường rút lui, trước khi lên tàu, Trần Văn Ðược chết vì trúng mảnh đạn pháo kích của địch quân.

Anh Ðược có một người em song sinh hiện sinh sống tại Sài Gòn. Gia đình thường gọi Ðược là Ðen, và người em, Trần Tự Lập là Trắng. Năm 18 tuổi, anh Ðược tình nguyện vào binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và thường xa nhà, nên gia đình không biết anh thuộc đơn vị nào, trú đóng ở đâu.

Song thân anh Trần Văn Ðược ngày nay đều đã không còn, ông bà, cũng như nhiều bậc cha mẹ khác trong chiến tranh, cho mãi đến khi nằm xuống, thương xót, nhưng không được biết một tí gì về tin tức, không tìm ra dấu vết những người con đã chết trong chiến trận.

Người lính Thủy Quân Lục Chiến Trần Văn Ðược ngã xuống lúc mới 21 tuổi, hãy còn quá trẻ, chưa hề lập gia đình. Mong anh yên nghỉ. Ðời người lính biển, tác chiến trên bộ, theo định mệnh đã chết trên một bãi biển, và giờ đây lại được chôn cất trên bãi biển, dưới những hàng dương mùa Ðông gào khóc theo cơn gió giật.

Nơi đây, mảnh đất miền Trung cằn cỗi mà anh đã đem hết đời lính để bảo vệ, giữ gìn, nay giữ lấy anh, đưa về cát bụi. Tiếng sóng vỗ vào bờ cát mỗi đêm ngày đã ru anh, người lính trẻ xa nhà, ngủ giấc nghìn thu.

HP

Orange County, CA