Hoàng Tử Bảo Ân biện bạch nỗi lòng của một đứa con “bất hiếu” và xin hai chữ “công bình” cho Phụ Hoàng:

“Năm 1980 tại Huế, tôi đã từng khóc để tiễn biệt Ðức Bà Nội tôn kính của chúng tôi là Ðoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung về với tổ tiên, liệt thánh nhà Nguyễn. Một lần nữa, 1986, tôi lại khóc để vĩnh biệt mẹ thân yêu của chúng tôi là bà thứ phi Lê Phi Ánh, và bây giờ, mặc dầu trễ chín năm do hoàn cảnh, cuối cùng tôi cũng đến được nơi đây để mong một phần nào làm tròn bổn phận của một đứa con hơn 50 năm qua, ao ước được gặp lại Cha mình, nhưng rồi mãi mãi niềm ao ước đó chẳng bao giờ thành hiện thực. Ngày nay đứng bên mộ phần của Cha, xin cúi đầu kính cẩn dâng lên Ngài lời cầu xin được tha tội!”

“Nói về cuộc đời của Cha tôi, lâu nay có nhiều dư luận trái ngược nhau. Ngày hôm nay, bên mộ phần Ngài, tôi không muốn biện minh những gì Ngài đã làm cho dân tộc của Ngài, mà chỉ xin quý vị, cùng tất cả những người Việt Nam khác, hãy bỏ qua những khác biệt chính trị mà chỉ xét vấn đề trên từng bối cảnh lịch sử của đất nước, xin vui lòng nhìn vào lương tâm mình, không phải để tìm trong đó lòng bác ái hay một tình cảm riêng tư, bởi vì Cha tôi, không muốn và cũng không chờ đợi sự rộng lượng đó của quý vị, mà chỉ xin quý vị tìm trong đó một đức tính cao thượng và lòng trung thực để trả lại cho Ngài hai chữ ‘công bình’ trong lịch sử.” (Bảo Ân)

Nhiều người Việt Nam sống ở quận Cam nhiều năm nay nhưng ít người biết có một người con trai của Cựu Hoàng Bảo Ðại đang sinh sống tại nơi này.

Quốc Trưởng Bảo Đại  

Ðó là ông Nguyễn Phước Bảo Ân, con trai của bà Lê Phi Ánh, người vợ không hôn thú của Cựu Hoàng trong thời gian ở Ðà Lạt. Bà Phi Ánh có hai người con với Cựu Hoàng là bà Nguyễn Phúc Phương Minh sinh năm 1950 đã qua đời tại Mỹ cách đây vài năm và ông Bảo Ân, sinh năm 1951, đang sống tại thủ phủ tỵ nạn, Westminster.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

Chúng tôi không gọi ông Bảo Ân bằng hoàng tử như trong văn bản triều đình mà gọi bằng “Mệ” theo lối xưng hô trong hoàng tộc: Con gái, con trai của vua được gọi bằng Mệ, hàng cháu là “Mụ” chứ không phải ai là Tôn Thất, Bửu, Vĩnh… đều được gọi bằng Mệ như nhiều người đã lầm tưởng (1).

Ðiều đặc biệt không phải vì ông là một hoàng tử lưu lạc, mà vì chính ông là người con nối dõi nhà Nguyễn.

Cựu Hoàng có tất cả 5 người con trai:

Con của Hoàng Hậu Nam Phương là:

– Bảo Long không có vợ chính thức,

– Bảo Thăng không có con;

Con của Thứ Phi Mộng Ðiệp:

– Bảo Hoàng chết khi mới 1 tuổi,

– Bảo Sơn mất khi ông 30 tuổi, không có con.

Con của bà Phi Ánh:

“Mệ” Bảo Ân sinh năm 1951 tại Ðà Lạt. Năm 1953, khi Cựu Hoàng sang Pháp, bà Phi Ánh đem hai con về sinh sống trong một biệt thự trên đường Phùng Khắc Khoan tại Sài Gòn. Ông theo học trường Saint Paul rồi Taberd.

Ngày 4 tháng 10 năm 1955, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm lập ủy ban trưng cầu dân ý truất phế Quốc Trưởng Bảo Ðại, và trở thành quốc trưởng. Theo lời kể của ông Bảo Ân, sau ngày đó, nhiều biệt thự ở Sài Gòn, Ðà Lạt và Pháp của bà Phi Ánh đều bị tịch thu, bà và người nhà được lệnh ra khỏi nhà trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Nhiều người đã đến đục tường ngôi nhà vì nghi có của cải cất giấu.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Tài sản này là của tư hữu của bà Phi Ánh, vì chúng ta cũng biết bà Phi Ánh là em vợ của Thủ Hiến Trung Phần Phan Văn Giáo, sinh ra trong một gia đình giàu có, trong khi Cựu Hoàng Bảo Ðại rất nghèo, trong thời gian sống rất khó khăn ở Pháp, phải nhờ sự yểm trợ của thân mẫu là bà Từ Cung. Ðức Từ Cung đã phải bán nhiều cổ vật của Vua Khải Ðịnh để lấy tiền gửi sang cho Cựu Hoàng.

Công Chúa Phương Minh và Hoàng Tử Bảo Ân bên quan tài của Đức Từ Cung- An Cựu, Huế

Sau ngày Cựu Hoàng bị truất phế, bà con, ngay cả bên gia đình của bà Phi Ánh cũng không ai muốn chứa chấp mẹ con bà, ba mẹ con phải ở nhà thuê, rày đây mai đó.

Trong hoàn cảnh này, bà Phi Ánh đành phải bước thêm bước nữa.

Khi nghe bà Phi Ánh đi lấy chồng, theo đề nghị của nhiều người thân thuộc trong Hoàng Tộc, bà Từ Cung đem Bảo Ân về Huế ăn học.

Chúng ta cũng biết thêm rằng, ngày 25 tháng 8 năm 1945, khi thoái vị làm dân, Cựu Hoàng Bảo Ðại đã giao tất cả cung điện như là tài sản của quốc gia, trừ Cung An Ðịnh tại làng An Cựu, nơi bà Từ Cung sinh sống, là tài sản riêng, do lương bổng của Vua Khải Ðịnh xây dựng nên. Sau đó, chính “công dân” Vĩnh Thụy, bà Nam Phương và các con đã về ở đó một thời gian, trước khi gia đình tan rã, mỗi người một phương.

Hai nhân vật cuối cùng của giòng Vua Bảo Đại: Nguyễn Phước Định Lai và Định Luân (cháu nội của Bảo Ân). Hình: Tài liệu của ông Bảo Ân

Cũng theo lời ông Bảo Ân, sau khi truất phế Bảo Ðại, Cung An Ðịnh bị chính quyền tịch thu, bà Từ Cung trong lúc đó đang đau yếu phải dọn ra một ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên của cung. Tuy vậy trong cuốn hồi ký của Vua Bảo Ðại, ông không hề có một lời trách móc oán hận về chuyện bị đối xử tệ bạc này.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Tại Huế, ông Bảo Ân theo học tại trường Thiên Hựu (Providence) do các linh mục quản nhiệm. Ông tâm sự rằng, tuy sống trong một gia đình Phật Giáo thuần thành, ông lại phải theo học từ nhỏ đến lớn tại các trường nhà dòng, nên ông còn thông thuộc kinh Thiên Chúa Giáo hơn một người theo đạo Chúa khác.

Sau thời gian ở Huế, Bảo Ân trở lên Ðà Lạt rồi về Sài Gòn. Tới tuổi quân dịch, năm 1970, chỉ mới có bằng trung học, ông vào quân trường Quang Trung, rồi phục vụ tại Trung Tâm 3-Tuyển Mộ Nhập Ngũ Sài Gòn. Không hiểu vì lý do gì, năm 1972, ông Bảo Ân bị thuyên chuyển ra SÐ3 tại Quảng Trị, nhưng khi ra đến nơi, sư đoàn đã tan hàng nên ông được trở về đơn vị gốc.

Cố gắng đến trường, và cuối cùng, trước khi Sài Gòn thất thủ, ông Bảo Ân là sinh viên năm thứ hai phân khoa Thương Mại tại Ðại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn.

Sau năm 1975, bà Phi Ánh sống trong cô đơn tại Sài Gòn và qua đời vào năm 1984, ở tuổi 62. Cô Phương Minh, chị ruột của ông Bảo Ân, lấy chồng và lập nghiệp ở Pháp, ly dị, trước tháng 4 năm 1975 về Sài Gòn thăm thân mẫu và bị kẹt lại đây, sau đó được bảo lãnh sang Hoa Kỳ lập nghiệp và qua đời vào năm 2012. Phần ông Bảo Ân, lúc đó đã có gia đình nên phải sống dưới chế độ cộng sản thêm nhiều năm nữa, cho đến 1992 mới được gia đình bên vợ

(còn tiếp)