Trầm Tử Thiêng giã từ bè bạn ra đi đến nay là đã 25 năm. Hai mươi lăm năm trôi qua, dòng nước dưới chân cầu vẫn chảy, mà chuyện đời thì mãi như ngày nào. Bài Hương Ca Vô Tận vẫn vang lên trong hồn ai, quán xưa vàng úa người còn đợi người, kiếp tha hương vẫn trôi giạt trong lệ nồng, và nơi quê xưa còn nghe tiếng khóc.
Với 200 ca khúc để lại cho đời, có thể xem là một di sản. Tất nhiên không phải chỉ có Bản Tình Ca Mùa Đông nhiều người yêu thích. Tôi đi chiều nay lòng chợt nhớ người. Hẹn hò vì nhau qua phong ba / anh bước đôi chân chậm quá… Viết nhớ Trầm Tử Thiêng. Mà nhớ Trầm Tử Thiêng là nhớ tới những bạn bè thân quen và những khuôn mặt ngày cũ. Dưới mái trường. Trên hè phố. Ở quán cà phê. Rồi nắng trên quân trường, mưa trên poncho. Chiếc cầu gãy như cánh con albatross sa trên dòng nước…
Mà nói tới chân dung của những nghệ sĩ một thời lẽ tất nhiên phải nhắc tới Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lam Phương, Anh Bằng … Và Trầm Tử Thiêng. Khác với những nhạc sĩ kể trên, Trầm Tử Thiêng hát trên mỗi bước đi nhịp cùng những bạn đồng hành của một thời. Sinh trưởng ở quê nghèo Miền Trung, Trầm Tử Thiêng mang theo hình ảnh những con đò, khúc sông, bờ ruộng, mái tranh, bóng mẹ, bóng em… như một phần máu thịt tự thân. Mùa hè năm nay anh đưa em rời phố thị đôi ngày. Để về miền quê xa nghe rừng thiêng gọi lá. Nhìn khói lửa chiến tranh trên ruộng đồng ngày ấy và cùng với đứa bé đợi chờ cha không về… Nhắc lại để thấy rằng ở thời thanh xuân của mình Trầm Tử Thiêng cũng hát tình ca. Nhưng tình ca Trầm Tử Thiêng không dựng lên những cảnh lãng mạn đầy chất thơ như Trời ươm nắng cho mây hồng / mây qua mau em nghiêng sầu / còn mưa đến như hôm nào em đến thăm / mây âm thầm mang gió lên (Mưa Hồng. Trịnh Công Sơn) hay Áo Lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên), Bây Giờ Tháng Mấy (Từ Công Phụng)… Trong tình ca Trầm Tử Thiêng ta thấy thấp thoáng hình bóng của quê hương khói lửa, chia phôi và tiếc nhớ Mười năm yêu em ta hóa thành chiếc lá / Trôi theo từng cơn lũ của kiếp sống. Đâu còn áo lụa kiêu sa, mùi hoàng lan trong giấc ngủ. Bây giờ Cuộc đời là vách núi là tường mây / Quê hương nắng cháy đêm ngày / Mà anh chim vút cánh bay thăm thẳm đường dài / Không về thăm em…
Âm nhạc Trầm Tử Thiêng theo anh em vào tận quân trường với mồ hôi và mùi nắng cháy ngày nào. Quân Trường Vang Tiếng Gọi, Đêm Di Hành, Mưa Trên Poncho là những ca khúc viết về giai đoạn này. Rồi Tết Mậu Thân và Mùa Hè Đỏ Lửa. Xin cùng nghe lại tiếng vọng của quê hương lửa khói qua Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy và Bài Hương Ca Vô Tận. ‘Hát nữa đi Hương hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương / Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường / Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu, / cuộc phân ly may lắm thì qua mau / Hát nữa đi Hương hát để đợi chờ…’ Những người đã qua chinh chiến, cả đến những bạn lớn lên sau chiến tranh, ai nghe mà không xúc động.
Rồi chiến tranh đi qua trong uất hận nghẹn ngào. Rồi tù đày khổ nhục. Rồi bỏ nước ra đi. Để đêm đêm nhớ về Sài Gòn. Nguyễn tôi cùng bè bạn ở đây nhiều đêm cùng nhau nghe hát lại Đêm Nhớ Về Sài Gòn mà nước mắt rưng rưng. Thấy lại những phố phường buồn xưa chưa nguôi, những chờ đợi và mong ngóng tin nhau, những khúc nhạc vàng gợi lại âm xưa… Rồi bóng mẹ già, rồi mắt người tình ngóng trông. Nói bao nhiêu cho vừa. Theo ý kẻ viết bài này, chưa có bài nhạc nào gợi nhớ Sài Gòn hay như bài của Trầm Tử Thiêng. Nó đã được dùng làm chủ đề cho nhiều chương trình nhạc ở hải ngoại.
Từ những đêm Sài Gòn như thế chúng ta ra đi. Để đến những bến bờ khác hoàn toàn xa lạ. Trầm Tử Thiêng bằng âm nhạc đã cùng với Trúc Hồ gợi lại Những Bước Chân Việt Nam. Thật là lớn lao, thật là xúc động. Nguyễn đã nghe bài này nhiều lần. Trên sân khấu Asia với mấy chục ca sĩ cùng hợp ca Những Bước Chân Việt Nam. Nghe mà nước mắt rưng rưng, nghĩ tới thân phận mình và bạn bè với cả triệu người khác ‘khắp nơi trên địa cầu giờ in dấu bước chân Việt Nam’. Nước mắt muốn rơi vì trong những người hát đó có những anh chị em không còn nữa, như Lê Uyên Phương, Ngọc Lan, Việt Dũng, Duy Quang… Âm vang Những Bước Chân Việt Nam còn dội mãi trong lòng cho tới bây giờ và còn mãi mãi. Tiếp theo, Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ còn sáng tác một số bài nữa về phần kiếp lưu vong: Bên Em Đang Có Ta, Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng, Một Ngày Việt Nam, Việt Nam Niềm Nhớ… Tất cả những ca khúc vừa nói kết hợp lại dựng lên thành tượng đài tưởng niệm một thời của Việt Nam.
Khắp nơi trên địa cầu, giờ in dấu bước chân Việt Nam…
Những đôi chân miệt mài, đang vươn tới dưới ánh ban mai
Lâu nay ta lặng thinh, hai mươi năm ngại ngần
Sống giữa ân và oán, muốn hát lên đôi lần.
Grand merci la France, pour vos bras ouverts
Thanks Australia, for your open hearts
Thank you Canada, for the liberty
Thanks America, for your open arms
We, thank the world, for its true freedom
We thank the world, we thank the world
Thank you, we thank you all
Khắp nơi trên địa cầu, giờ in dấu bước chân Việt Nam
Những bước chân Việt Nam
Đúng vậy. Trầm Tử Thiêng từng viết trong ca khúc của mình: Suốt bao nhiêu năm qua, ta vẫn nhớ trước sau đời ta… Và cả cuộc tình dù không đầm ấm. Cũng vì cuộc tình này mà suốt đời Trầm Tử Thiêng không có gia đình. ‘Nhưng ông không nói với ai. Trầm Tử Thiêng là người lặng lẽ nhất trong mọi sinh hoạt, khiêm tốn nhất trong mọi xuất hiện.’ Du Tử Lê đã ghi nhận như thế. Ông chỉ nói lên trong âm nhạc. Xin đọc lại ca từ trong bài Tưởng Niệm của ông:
Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời – thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới – Ta nghiêng vai soi lại tình người – thì bóng chiều chìm xuống đôi môi – Đang mân mê cho đời nở hoa chợt bàng hoàng đến kỳ trăng trối – Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy – bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay – Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ – Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ – Bàn tay làm sao níu, một đời vừa đi qua – bàn tay làm sao giữ, một thời yêu thiết tha – Mang ơn em, trao tặng một lần – là kỷ niệm dù không đầm ấm – mang ơn em đau khổ thật đầy – là nắng vàng dù nhốt trong mây – mang ơn trên cho cuộc đời ta – vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ – trăm cơn đau, một vầng nhang khói – kéo ta về, về cõi hư vô.
Về cõi hư vô. Trầm Tử Thiêng đã về với cõi hư vô. Âm nhạc ông những khúc ca đồng hành với thời đại mình sẽ còn mãi. Sẽ còn mãi trên da thịt này, và trên những dặm đường gió bụi mai sau.
TN