Mới đây xem phim Mê Thảo, Nguyễn tôi tình cờ nghe được một tiếng gà vọng lại từ thôn xa. Một tiếng gà eo óc gáy trong tĩnh mịch của một buổi trưa nắng ui ui có cây hoa gạo in bóng đen điu lên nền trời, thả rơi những cánh hoa đỏ ối. Thảng thốt, trong lòng mình nghe như có tiếng ngân của một dây đàn đứt. Và rồi u hồn chợt trở lại bến xưa.

Tiếng gà, ôi tiếng gà như trong tiền kiếp…

Nhà văn Võ Phiến có viết một tạp bút rất hay, tựa đề là Gà Gáy Trong Thơ, đăng trên tạp chí Việt ngày nào của Nguyễn Hưng Quốc*. Trong bài văn, Võ Phiến khởi đi từ việc phân tích những tình cảm dấy lên trong lòng người do tiếng gà gáy trưa, rồi bàn phiếm về mối liên hệ thân thiết giữa người và chó, lợn, gà, mèo, vịt… qua thời gian dài dằng dặc, từ thời đồ đá mới đến bây giờ. Nhân đà cảm hứng, Võ Phiến nhắc tới chuyện gà đi đưa đám người chết, dựa vào hai câu do bác sĩ Trần Ngọc Ninh trích dẫn theo một khúc hát cổ của người Mường:

Ði sau cùng là những con của

Chó, mèo, gà vịt của người đã chết

Rồi Võ Phiến viết: “Bạn thắc mắc về hai tiếng ‘con của’? – Ðã có bác sĩ Trần giải thích: Con của là ‘gia súc’ (sic), các con vật nuôi trong nhà.

Hai nghìn năm trước, người Mường người Việt chưa tách lìa xa mấy. Trong đám ma Việt cổ không chừng cũng có thể có cảnh tương tự chăng? Hãy mường tượng hình dáng mấy con gà bịn rịn trong số những gia súc đi sau cùng: Khối tang quyến đông đảo gồm đám có vú đã đi trước, đến lượt gà, những thân thuộc có cánh -bịn rịn mà lạc loài, ngơ ngác, chân đeo cựa nhọn đầu đội mào đỏ- chúng trịnh trọng lơ ngơ giữa không khí lễ nghi tang chế vừa thê lương vừa đầy bí hiểm. Ôi, những con gà đưa ma! trông “thương” quá!”

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Một đoạn văn đầy cảm xúc. Rồi Võ Phiến than phiền ở Mỹ không nhìn thấy bóng con gà trống chỉ có những con gà giả ở tiệm Tàu, tiệm Thái, mua về trẻ con chẳng thèm để ý. Trong bài văn, Võ Phiến có trích thơ tả tiếng gà gáy, của Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên. Toàn những nhà thơ tiền chiến. Câu của Huy Cận (Nửa chiều gà lạ gáy bên đê) và câu của Lưu Trọng Lư (Xao xác gà trưa gáy não nùng) thì hay, câu của Chế Lan Viên (Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế / Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!) cũng tạm gọi là hay. Kẻ này lẩn thẩn tự hỏi, vậy ra suốt hai mươi năm Văn Học Miền Nam và mấy chục năm Văn Học Hải Ngoại, không lượm được một câu thơ nào tả tiếng gà gáy sáng, gáy trưa hay gáy vào lúc đêm khuya sao? Nhà thơ Trần Dần, theo trí nhớ của kẻ này, cũng đã một lần nói tới “những canh gà báo trượt rạng đông”. Tô Thùy Yên, một lần trở lại gian nhà cỏ bên sông, đã viết: Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy / Chân mây rách đỏ vết thương dài… Và kẻ này, khi ở trại tù Việt Cộng Thanh Chương, Nghệ Tĩnh đã có lần xót xa: lán cỏ. giường tre. cơn đã mỏi / đợi một tiếng gà mòn giấc canh khuya Khi sang xứ người, một buổi trưa ở San Diego, nhớ bạn ở quê nhà và nhớ tiếng gà da diết: ở đây trưa vàng nắng / hồn mơ một tiếng gà… Và nhà thơ Khánh Hà ở Oslo, Na Uy, cũng viết: Ba mươi năm nghe lại tiếng gà / Giữa trưa  eo óc tự làng xa / mùi hoa sứ nồng nàn gió biển / Tưởng như cơn gió tự quê nhà…

Gà, tranh Đông Hồ

Gần đây, trong cuộc bàn phiếm về tiếng gà ở Việt Nam, ở Pháp, ở Mỹ, ở Na Uy, chủ nhân Chiếc Cốc Lửa huyền thoại có đưa ra luận điểm của các cô sinh viên đủ quốc tịch, rằng tiếng gà ở mỗi nước một khác. Ôi chao, chỉ tiếng người là khác thôi chứ tiếng gà, theo Nguyễn nghĩ, ở đâu cũng âm thanh ấy. Nhân nói tới tiếng gà ở Mỹ, kẻ này nhớ tới một câu chuyện đăng trên tờ Dallas Morning News cũng đã khá lâu. Câu chuyện nói về một con gà trống và tiếng gáy của nó, như sau:

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Một người đàn ông sống độc thân, cô đơn, bèn nuôi một con gà trống để nó gáy chơi ngày ngày. Thét rồi ông đâm thương con gà trống và ghiền tiếng gáy của nó. Nhưng có một người không ưa: bà hàng xóm. Tiếng gáy của nó làm bà mất ngủ. Bà bèn sang yêu cầu người đàn ông giết con gà ấy đi. Bị ông từ chối, bà đi thưa. Cảnh sát tới xem xét, thấy hai nhà cách nhau khá xa, không có gì phạm luật, vậy không can thiệp. Bà hàng xóm không biết giải quyết cách nào để không còn nghe tiếng gà gáy nữa. Bà lại sang nói chuyện với người đàn ông, bảo ông ta đem con gà đi giải phẫu thanh quản, để nó gáy không ra tiếng nữa, phí tổn bao nhiêu bà chịu hết. Khổ quá, bà không hiểu tiếng gà nó quen thuộc, thân yêu như thế nào đối với người đàn ông cô độc. Ðời nào ông chịu nghe bà. Ðề nghị biếu ông thêm một ngàn đô nữa để ông làm tắt tiếng gáy của con gà, vậy mà bà hàng xóm vẫn chỉ nhận được một tiếng “no” tròn trịa. Bí quá, bà hỏi nhà báo vấn kế. Nhà báo thì bao giờ cũng dễ thương, đầy thông cảm và tình người, nên khuyên bà về lấy bông gòn hay cái gì đó bịt tai lại khi đi ngủ. Hoặc dọn nhà đi nơi khác. Ngoài ra không cách gì làm tắt được tiếng gà gáy.

Xem thêm:   Mùi hương hoa nhài, và nhạc rahab trên đường phố

Riêng kẻ viết những dòng này, cũng như nhà văn Võ Phiến cũng như mọi người đàn ông Việt Nam lớn tuổi khác bất đắc dĩ phải lìa xa cố quận, vẫn thấy tiếng gà trưa là đầy cảm xúc. Sang Mỹ, không có nó, nhiều khi thấy nhớ, như đã nói ở trên. Tiếng gà, nhất là tiếng gà trưa, đã thuộc về một vùng thổ ngơi trên địa lý và trong tâm tưởng. Nó đã ở cùng với ấu thơ ta và sẽ không bao giờ tắt tiếng, cho tới ngày về với đất.

TN

*In lại trong Võ Phiến Tuyển Tập. NXB Người Việt 2006