Tháng Ba rồi Tháng Tư

Nhớ ngày nào Nguyễn viết:

tháng ba. tháng ba

trong đời tôi

và lịch sử. hoàng hôn nghiêng mái quán

hải âu. bay xa. về đâu

thùy dương dậy. chiều hung hãn

Ấy là những ngày cuối tháng 3.1975, Nguyễn xin phép đơn vị ra Nha Trang ít hôm để tìm mẹ, các em và các cháu di tản từ Pleiku xuống. Đó là những ngày hỗn loạn. Ban đêm ngụ tại trạm tiền phương của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, ngày đi khắp các trạm tạm cư tìm kiếm. Không tin tức, Nguyễn phải nhắn tin qua đài phát thanh. Cuối cùng thì tìm ra, cả nhà đều an toàn. Yên tâm, sắp đặt xong mọi thứ, Nguyễn vội vàng ra sân bay đáp C130 về lại Sài Gòn. Chỉ ít hôm sau là Nha Trang di tản. Mẹ, các em và các cháu đều vào tới Sài Gòn.

Tháng Tư tràn tới trong hỗn loạn và … bàng hoàng, đau đớn.

Những ngày của tháng Tư còn in đậm trong ký ức. Những ngày ấy, Nguyễn làm việc ở Đài Phát Thanh Quân Đội Sài Gòn. Tin xấu dồn dập bay về. CS chiếm Nha Trang, Cam Ranh. Cộng Quân đã tới Bình Long và sắp tới Sài Gòn. Hằng đêm Nguyễn và một vài anh em cấm trại ở Đài, nhưng rồi thưa thớt dần. Tới 29-30 thì Nguyễn cũng bỏ về. Về tới nhà ở Hoà Hưng lúc trời đã tối, Nguyễn được ông anh vợ rót cho một chén rượu ấm lòng. Hôm sau, mấy anh em từ giã vợ con bước lên chiếc xe nhà chạy về phía Phú Lâm định đi về Cần Thơ tìm đường thoát. Nhưng mới ra tới đầu thành phố thì đã thấy Cộng Quân huy động dân chúng cờ xí biểu ngữ tràn ngập đường phố. Hoảng quá, anh em bỏ xe lẩn vô trong xóm. Thế là chuyện vượt thoát không thành. Những đêm tiếp theo, Nguyễn không dám ở nhà, mà đi lang thang tá túc ở nhà ông chú và bạn bè để tránh bọn băng đỏ chỉ điểm. Những ngày tiếp theo thành phố lên cơn sốt.

Xem thêm:   Về lại Sài Gòn, em có tìm anh trên những hàng cây

Cơn biến động lịch sử được nhiều người kể lại.

Nhà báo Huỳnh Kim Quang viết trên Việt Báo:

Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy”. Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng Tư máu chảy một trời sương tan”.

Cây bút sắc bén của Nguyễn Văn Lục cũng ghi:

Ngoài phố, chỉ còn nghe tiếng xích sắt lạnh lẽo của bánh xe nghiến trên mặt đường nhựa. Mặt đất như rung lên bần bật. Sài Gòn như oặn mình dưới làn xích sắt đi qua. Tiếng xích sắt như nhắc nhở gợi về tiếng xích sắt của mùa xuân Praha năm nào. Cái mùa xuân nát úa. Cái mùa xuân hy vọng của tuổi trẻ Prague chưa kịp nhú lên thì đã bị xích sắt xe tăng của Hồng quân Liên Xô đè dập nát khi tiến vào Prague, trên những đường phố lát đá gồ ghề, thẫm màu đen thuở nào của xứ Tiệp.

Nhà văn Ngô Thế Vinh thì ôn lại kỷ niệm với Thanh Tâm Tuyền ngày 30 tháng Tư và cả thời gian về sau:

Đã gặp Thanh Tâm Tuyền ở những ngày 30 tháng Tư 1975 nơi một căn nhà nhỏ bên Gia Định. Vợ Tâm lúc đó cũng vừa sinh đứa con trai út trong cảnh tán loạn bệnh viện Nguyễn Văn Học. “Một Chủ Nhật Khác” cuốn tiểu thuyết cuối cùng của “một thời để yêu một thời để chết” cũng vừa mới in xong, chưa kịp phát hành.

Ra tù 1982, gặp lại Thanh Tâm Tuyền của Bếp Lửa, bằng tuổi Dương Nghiễm Mậu nhưng trông anh già hơn nhiều, da sậm đen sắc diện của một người bị bệnh sốt rét kinh niên. Khó có thể tưởng tượng với vóc dáng mảnh mai ấy anh sống sót qua suốt 7 năm tù đày ngày nào cũng đói lạnh nơi những vùng sơn lam chướng khí ấy ở các trại giam Miền Bắc. 7 năm đốn tre trảy gỗ trên ngàn, bị tre nứa đâm xuyên đùi không giải phẫu thuốc men nhưng anh vẫn sống sót, trong tù chống rét anh tập hút thuốc lào, không giấy bút anh vẫn làm thơ qua trí nhớ nhưng là những bài thơ trở về với các thể thơ truyền thống. Thơ ở Đâu Xa là tập thơ cuối cùng làm trong tù TTT cho xuất bản ở bên Mỹ (1990).

Trong chỗ rất riêng tư, anh tâm sự: Thái Thanh bạn anh đã dứt khoát không hát từ sau 1975. Khi biết Thanh Tâm Tuyền vừa ra tù đến thăm, cô ấy cầm đàn và hát lại những bài thơ phổ nhạc của anh: Đêm màu hồng, Nửa hồn thương đau, Lệ đá xanh … tuy ấm lòng gặp lại cố tri nhưng rồi anh đã không còn nguyên vẹn cảm xúc để nghe lại những thanh âm ngày cũ.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Phước Nguyên còn lưu giữ cho tới bây giờ cái nhìn sắc và lạ về Tháng Tư:

Xem thêm:   Tháng Ba chim bay về nhiều

Sa mạc tháng Tư mọc lý tưởng xương rồng

tôi tự tử vào từng hư ảnh

Nguyễn này cũng có thơ tháng Tư. Nay tháng Tư về xin ghi lại:

Có những ngày đã đi vào giấc ngủ

của cơn giông

ôi lời nói hư vô

mực đen chảy trong máu úa

 

Tháng tư điên

mưa Sài Gòn ngày ấy

mưa rơi. mưa trái mùa. rơi trên nấm mộ đá ong

 

Tôi ngồi đây

buổi chiều ở Garland. mây trắng

lòng chợt nhớ chợt quên

những ngày đầy tin dữ

mất Pleiku. những đêm cà phê vui của tôi. trang thơ viết dưới đèn khuya

mất Đà Nẵng

mất Nha Trang

tiếng sóng biển chiều xa sao buồn vậy

và gió. gió thổi liên hồi trên mặt trống đêm

mẹ kiếp. kẻ thù bắn vào lưng ta

cô bé quàng khăn đỏ ơi. những con sói từ đồng hoang

trời Long Khánh. trưa

các anh đã chiến đấu trong rừng cao su vàng rộ

tựa vào gốc cây

tựa vào gò mối

tựa lưng nhau. lá rụng rào rào như máu xối

rừng khô. trăng đã theo chim về bên kia đồi. vừng khói tan trong mắt

vợ tôi đâu

con tôi

giờ này thuyền ra cửa biển

sao trời nhiều mây

đoàn quân xa về họp nhau trong rừng

mắt nổi lửa

tóc đẫm chiều hoang

mưa rơi. mưa trái mùa. rơi trên nấm mộ đá ong

hút với nhau điếu thuốc cuối

hồn ta. hồn ta ơi. hoa khế chiều nay rụng tím đường về

Có những ngày đã đi vào giấc ngủ

của cơn giông

mưa. mưa trái mùa rơi trên phố

lá dầu ố đỏ. lá dầu bay

run bên thềm gạch

ngọn đèn đường đã tắt trong mưa

hoàng hôn. chuột nhảy cười quanh đống lửa

người nhìn nhau. xanh mặt

mưa mù ngõ xưa

sao trời gần. mây thấp. biển xa

trang sách ngày nào bỏ dở

mưa

mưa Sài Gòn ngày ấy

Có những ngày như nước mắt

lịch sử buồn. nấm mộ đá ong…

TN