Tháng Ba rồi tháng Tư… Bao nhiêu hình ảnh hiện về trong trí óc anh em. Xin cùng nhau nhớ lại để xót thương và mơ mộng.

Người đi về hướng gió…

Người đi đi mãi về hướng gió

Cứ nghĩ về một đốm lửa

Ai nhóm hắt hiu

Những câu thơ rất hay của Phạm Chi Lan (ôi Lan ra đi mới đó mà đã mười mấy năm rồi) được đọc lại trong buổi sáng đầy gió trời, đã gợi hứng cho mình viết bài văn ngắn này. Người đi đi mãi về hướng gió… Ði đâu vậy cà? Ði về phía đền thờ hay về phía hoàng hôn trên đại vực Grand Canyon? Hay đi về phía vịnh Tây Tử nơi có những đống lửa cháy trong đêm, sưởi ấm những mối tình đồng tính.

Như một đêm bên ánh lửa vùng nhiệt đới

Người mê đắm một vùng ngực trần

Quyện mùi chocolate và tiếng reo của khát vọng

Như thế đó những chuyến đi về hướng gió mùa. Hãy nghe

cũng một đêm nào như đêm nay

khi những chiếc trực thăng di tản thương binh về hậu cứ

trong quán cà phê. không đốm lửa

em gục đầu trên vai anh

nhủ thầm. bình minh. bình minh

anh khóc với bình minh

Một cuộc chia tay thời chiến. Khi bình minh lên ở chân trời cũng là lúc xa nhau, anh lên đường về hướng gió, và có thể bị một viên đạn ầu ơ bắn vỡ toang lồng ngực.

Có những chuyến lên đường về hướng gió như thế đó. Và trên đường đi đôi khi ta gặp một nỗi buồn lớn. Như năm nào đã xa, thật xa, trong chiến tranh Việt Nam, tôi đi trên đường biên giới, “chợt nhớ bài thơ yêu em ngày nào đã viết / lúc còn phố vui. mái ngói. và lũ chim…” Còn nữa… Sau chiến tranh, cũng một đêm trời nổi gió, và mưa, những chiếc xe molotova bít bùng chở tù về hướng Tân Cảng. Khi xe chạy ngang cầu Sài Gòn, nhìn qua khu Thanh Ða, ủ ê những chấm đèn, lòng nhớ vợ con và mái nhà xưa rưng rưng nước mắt… Thế đó, người đi đi mãi về hướng gió… Thật sự, cũng có đôi lúc đi trong chiều thanh thản. Như Hồ Dzếnh, “ngỡ hồn mình là rừng / ngỡ hồn mình là mây / nhớ nhà châm điếu thuốc / khói xanh bay lên cây”... Hay như Lê Văn Ngăn, “đốt điếu thuốc nghiêng nghiêng chiều lửa đỏ / ngày trên cao reo mấy ngọn bạc hà…”

Và bạn ơi, người đi mãi trên con đường của gió mùa, đi qua cuộc tử sinh. Về chưa… Về chưa… “Cháy trong vườn lãng quên / chiều hoe. đốm lửa / người tù xa lâu năm trở về / bên mái nhà và bờ ao / mùa thu tàn ố / khòm lưng. nấu bát cháo ngoài hiên / nấm mộ đá ong / dế khóc

Và em ơi, tôi viết những dòng này đặc biệt gởi về em. Bởi lẽ, cuộc za-zu qua trần thế đầy bụi, máu, mồ hôi và nước mắt, rồi cuối cùng cũng tới nơi một điểm hẹn. Ấy là Talahassee.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

vẫn chiếc áo sờn cổ

đôi giày của gã lãng du

tôi đi. với mảnh trăng mùa đông

này bạn văn xưa

còn không những nét dao trên đá

về số phận. của một người. một đời

và đốm lửa

tôi nghe thơ anh cùng tiếng chuông ngân

giã từ

giã từ

những mùa của qu

Có phải không, đi mãi về hướng gió, nghĩ về những đốm lửa hắt hiu là như thế. Cảm ơn nhà thơ và những câu thơ để kẻ này có dịp nhìn lại cuộc hành trình của đời mình, của bạn bè. Và lịch sử.

…Và những cánh chim

lạc loài

Chiều nay run rẩy tha đôi cánh

Một bóng sơn ca đến lạc loài

Một lần nữa, Nguyễn xin được trở lại với câu thơ của Văn Cao và những thân phận những di dân trong thế kỷ vừa qua và những năm mở đầu thiên niên kỷ này.

Gió đã lên. Gió đã lên. Những cánh chim trời phiêu lãng vẫn mịt mù trên những miền đất lạ. Vừa qua, về lại New Orleans, mình tìm lại lối trăng moonwalk, nghe sóng dậy ven bờ và tiếng còi tàu chợt hụ chợt nín trên dòng Mississippi. Ðể nhìn lại bức tượng Di Dân với bao cảm xúc ùa về. Vẫn hai vợ chồng với một con gái còn bế trên tay và cậu trai đã lớn đi bên cạnh tay cầm tay bố.

Ngắm nhìn pho tượng trong đêm, nghe lại bài thơ lưu lãng trên sông Mississippi – bài thơ với đôi mắt “xanh như đêm dài” và những cuộc đời nổi nênh mãi mãi vẫn chưa viết xong. Và rồi, một đoạn phim truyền hình vừa xem chợt hiện lên trước mắt với hình ảnh một anh da đen gầy ốm, không áo mặc, trên mình chỉ có chiếc quần xà lỏn, vừa đi vừa nói năng nhảy múa trên một con phố nào đó của xứ Somalia hay Sudan. Anh đang đi, mắt nhìn vu vơ, bỗng một người chĩa súng vào bụng anh và bóp cò. Màn hình lúc ấy chợt im sững trong một giây, và mắt anh da đen mở lớn, rồi anh từ từ khuỵu xuống.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Tờ Dallas Morning News số ra ngày nào đã lâu, nói về những di dân Mễ Tây Cơ trở về cố quận rồi lại dứt áo ra đi lần nữa. Như cô Yolanda Arzola. Không chịu đựng nổi cách đối xử của chính quyền nước Mỹ đối với những người nhập cư bất hợp pháp (như cô), Arzola đã mang các con (sinh đẻ ở Mỹ) về lại Mexico. Cô về và tính ở lại luôn. “Giây phút vừa mới đặt chân trở về, nỗi xúc động dâng lên ngập lòng cho đến nỗi bạn nghĩ rằng mọi sự đều dễ dàng, có thể thực hiện được.” Arzola phát biểu trong căn nhà thời thơ ấu chỉ có hai cái giường, khi em gái cô đang giặt quần áo dưới suối, dùng một hòn đá để chà chiếc áo sơ mi. “Và rồi thực tế làm bạn thức tỉnh, và tự hỏi chính mình, hỏi đất nước Mexico, rằng tương lai ở nơi đâu.” Do đó, Arzola quyết định một lần nữa từ giã người bà 97 tuổi, từ giã anh chị em và quay trở lại Texas, sau đó đi Florida.

Arzola là một trong hàng trăm ngàn trường hợp. Khắp vùng thôn dã Guanajuato và những vùng lân cận, bản serenade cuối cùng cho những người di dân trở về cố quận đã vang lên và lịm tắt trong đêm. Thế rồi những ngày nghỉ lễ qua đi, đồng tiền dành dụm tiêu hết, vả lại không có việc gì làm, những người trở về lại thấy lòng dạ bồn chồn, nghĩ đến những chân trời khác. Arzola nói trước khi lên đường về lại Texas: “Có cái gì đó trong ngụm nước uống ở Mỹ. Mỗi khi bạn đã nếm thử vị của nó là bạn nhớ nó mãi. Nhớ mãi không rời xa được.”

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Nguyễn đã hiểu vì đâu trong thế kỷ vừa qua người ta bỏ xứ ra đi và hiện tại cũng vậy. Không, không phải chỉ bởi đói nghèo vô vọng mà còn vì bị khủng bố, ngược đãi, truy bức. Hình ảnh anh da đen trong clip phim vừa kể đã nói lên với chúng ta rất nhiều, trả lời cho câu hỏi ray rứt qua nhiều thập niên: Vì đâu anh không ở, tôi không ở, gã Alex trong truyện “Những Người Tử Tế” của Phan không ở. Vì đâu triệu triệu người dứt áo ra đi, nuốt lệ ra đi làm những cánh chim trời bạt gió. Vì đâu? Và như lời nói bất hủ của nghệ sĩ quá cố Trần Văn Trạch, đến cái cột đèn kia nếu biết đi nó cũng sẽ bỏ xứ ra đi?

Thế mới thấy rằng trái đất này còn nhiều bóng tối và nhiều người chưa hưởng được cuộc sống yên vui ngay chính trên quê hương mình. Và trong bầu trời chứa nhiều bão tố vẫn còn những cánh chim phiêu bạt. Cho nên câu thơ Văn Cao vẫn còn gợi những cảm xúc bồi hồi.

Chiều nay run rẩy tha đôi cánh

Một bóng sơn ca đến lạc loài

TN