Năm Tây sắp hết. Chỉ còn vài hôm nữa thôi là tới kỷ niệm Đinh Cường ra đi được bốn năm. Ngồi buồn nhớ bạn lật những trang báo cũ ra xem mà bồi hồi xúc động. Đọc thơ nhớ bạn. Nhìn tranh nhớ bạn.

Ôi. Làm sao không nhớ được.

Mình và Ðinh Cường chơi với nhau cũng ngoài sáu mươi năm. Biết và thư từ cho nhau từ hồi viết báo Ðời Mới. Lúc ấy cả hai còn đang đi học. Xong trung học mình vào Sài Gòn. Lúc bấy giờ mới thật sự gặp  nhau.

Nhà của Ðinh Cường ở đường Nguyễn Ðình Chiểu, Tân Ðịnh. Mình và bạn bè đến chơi thường ngồi ở sân thượng. Những năm đầu tiên ở Sài Gòn, khoảng cuối thập niên 1950, mình gom góp một số thơ đưa cho bạn Hồ Ðăng Tín chép lại rồi Ðinh Cường đóng thành tập lấy tựa đề là Mưa Dương Cầm. Nhân dịp Cường vẽ tặng mình một bức tranh sơn dầu tựa đề Tóc Em Buông Hờn Tủi đóng khung lồng kính hẳn hoi (lúc bấy giờ ÐCường chưa học mỹ thuật). Tập thơ và bức tranh bây giờ cũng chẳng còn. Nhưng tình bạn thì vẫn ở mãi qua thời gian. Còn nhớ một đêm hứng chí Cường rủ mình lên xe buýt dạo chơi ngắm thành phố về đêm. Xe từng chuyến chạy qua các ngã đường Sài Gòn – Chợ Lớn. Tới 12 giờ đêm thì xe về bến nghỉ. Hai đứa xuống xe tại bùng binh chợ Bến Thành rồi tìm khách sạn ngủ qua đêm. Ðã quá khuya rồi, nhiều khách sạn đóng cửa. Chỉ còn một cái sáng đèn trên đường Lê Lai. Hai đứa tìm vào hỏi mướn một phòng. Ðó là một khách sạn Tàu, chật chội bẩn thỉu. Ðành phải chịu chứ biết tìm đâu ra một chỗ khang trang sạch sẽ. Mình và Cường đắp chăn nằm ngủ. Tới quá nửa đêm thì hai đứa bò dậy gãi. Rệp. Trời ơi rệp bò đen giường nệm. Thôi đành trả phòng, không thể nào ngủ tiếp được. Không biết đi đâu, bất đắc dĩ mình và Cường đi bộ quanh các con phố nói chuyện chờ trời sáng. Tới bây giờ còn nhớ tô cháo lòng nóng ăn ở chợ Tân Ðịnh. Ăn xong chia tay nhau về nhà ngủ.

Đinh Cường studio

Hơn nửa thế kỷ trôi qua còn nhiều điều nữa để nhớ.

Xem thêm:   John Steinbeck & ngôi nhà mùi gỗ sồi ở Salinas

… Nhớ ngôi nhà ở đường Rose của bà Nghiên, nơi Hoàng Anh Tuấn và Ngô Thy Liên cùng các cháu cư ngụ. Cường mướn một phòng vừa làm studio để vẽ vừa làm chỗ ở. Ðây cũng là nơi quần tụ của Rừng, Ðỗ Long Vân, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Khánh Ly… nhớ bông phù dung trong vườn và bức tranh Khỏa Thân Nâu Hồng của Ðinh Cường. Nhớ một đêm chở Thanh Sâm đến xem tranh Ðinh Cường, Sâm mặc áo dài trắng thật đẹp. Và Trịnh Công Sơn ngồi ôm đàn hát Diễm Xưa, Mưa Hồng… Nhớ Hoàng Hôn Thắm và thằng Cọp. Thu Thuyền lúc bấy giờ hãy còn bé tí tẹo…

Ôi nhớ sao là nhớ… Tôi viết đoạn văn trên là cho báo Văn của Nguyễn Xuân Hoàng năm 2006, số đặc biệt về Hoàng Anh Tuấn. Ðoạn văn được Ðinh Cường nhắc lại trong bài thơ ghi Về Hà Nội. Trong đoạn văn, tôi có nhắc tới bông phù dung trong vườn (Cường cũng vẽ một bức tĩnh vật thật đẹp về bông hoa này) và bức tranh khỏa thân nâu hồng -mà tôi ghi nhầm là ‘màu hồng’. Và Cường đã gởi cho mình tấm hình chụp bức tranh. Thật là quý, khiến mình nhớ lại một thời trẻ tuổi với bạn bè ở đường Rose Ðà Lạt.

Và bữa rượu ở đường Natick

Nhiều hôm ngồi buồn chợt nhớ lại bữa uống rượu với Ðinh Cường ở nhà bạn trên đường Natick thành phố Burke, Virginia.

Xem thêm:   Một thời của sách

Dạo đó, kẻ này đã được sống những ngày rất vui ở vùng phía Ðông nước Mỹ, trong hơi mát lạnh của mùa Thu mới bắt đầu trên dòng Potomac. Nhờ đó, nguôi đi chút muộn phiền. Và bữa rượu với Ðinh Cường trong ngôi nhà ở đường Natick, mãi mãi không thể nào quên. Chiều thứ Sáu hôm đó 26 tháng 9. 2003, mới tới Virginia, khi cả thành phố bắt đầu sáng trưng ánh điện, kẻ này xách va li đến tìm Ðinh Cường và cùng ngồi uống rượu, xem tranh. Bạn khui chai rượu đỏ merlot, và mở hộp fromage Camembert, cùng kẻ này nâng ly. Trước mắt là chân dung Thanh Tâm Tuyền, với mái tóc bạc trắng, dựng đứng, phong thái Kawabata. Trong mùi nồng thơm của rượu và gỗ, sơn tươi, Ðinh Cường cho biết, nhân ngày giỗ Bùi Giáng 7 tháng 10, website Talawas sẽ trưng bày khoảng 20 bức Ðinh Cường vẽ chân dung người thi sĩ độc đáo nhất thế kỷ này. Riêng người viết vẫn mong ước Ðinh Cường mở một cuộc triển lãm chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam từ trong nước ra đến hải ngoại. Ðây sẽ là một cuộc hội ngộ kỳ thú của những khuôn mặt từng làm nên một thời trong văn chương nghệ thuật.

Ðọc và nhuận sắc lại:

Ôi. Thời gian lớp lớp trôi qua. Bao nhiêu bạn bè không còn nữa. Hoàng Anh Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Vương Toại, Nguyễn Minh Diễm… đã lần lượt ra đi. Rồi Nguyễn Xuân Hoàng, Phùng Nguyễn, Ðinh Cường… Các bạn lần lượt về sau làn mây trắng, để lại nỗi nhớ trong lòng bè bạn phương này.

Xem thêm:   Tháng Ba, đưa người

TN