Những ngày này người ta đang nói nhiều tới cô gái trẻ Ma Kyal Sin và tấm áo mang dòng chữ Everything will be OK của cô khi cô ngã xuống dưới làn đạn. Ôi, cô Ma Kyal Sin, tôi cũng xin gởi đến cô một lời thân mến.

Là người làm thơ lưu lãng, bởi quá yêu những nỗi đau khổ và những vẻ đẹp của cuộc đời này, tôi đã viết lời tụng ca những cô gái nhỏ đã làm nên ý nghĩa những ngày tháng của chúng ta. Anne Frank cô gái Ðức gốc Do Thái luôn mơ mộng và yêu đời, hồn nhiên trong trắng, cho tới khi chết trong trại tập trung Ðức Quốc Xã.  Malala Yousafzai tranh đấu cho quyền đi học của các bé gái Afghanistan bị bắn vào đầu và cuối cùng được trao giải Nobel Hòa Bình 2014. Lưu Hà (Liu Xia) vợ nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) ngày nào đã cùng chồng tranh đấu cho tự do dân chủ của nước Trung Hoa. Rồi cô  gái Hồng Kông Chu Ðình (Agnes Chow Ting) bất khuất với những chiếc dù vàng trong mưa. Và Chiêu Anh của Việt Nam cùng những cô gái trẻ khác của Sài Gòn đứng lên chống bạo quyền.

Chiêu Anh Nguyễn với tất cả đam mê và tấm lòng trong trắng, cũng là người yêu nước nồng nàn  như bao người trẻ tuổi khác ở Sài Gòn hiện nay. Và cô làm thơ, những bài ca cho đất nước, chất vấn những tên khốn kiếp lãnh đạo hiện nay. Không phải là loại thơ thời thượng như từng đọc thấy trên các trang web. Ðúng như nhận định của Thận Nhiên, “Ðây không phải là những bài thơ yêu nước theo kiểu phong trào, để cổ vũ hời hợt, mà là những tâm tình, đau đớn rất thật của những người trẻ trước thực trạng đất nước. Họ đang làm văn chương ư? Không, không chỉ có vậy. Họ đang định nghĩa lại và nhận diện thực trạng của đất nước hôm nay.”  Trong bài “Ðừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước”, Chiêu Anh Nguyễn đã tự vấn “Mi có đủ can đảm để cầm súng khi đất nước lâm nguy / Mi có đủ gan dạ để bước đi không do dự khi lãnh thổ VIỆT NAM bị đe doạ bởi lũ ngoại xâm tham lam hèn hạ”. Và cô tự trả lời:

Xem thêm:   Tháng Ba, đưa người

Tối thấy mình mỉm cười gật đầu thanh thản

Có lẽ đó là lòng yêu nước

Tôi tạm an tâm với mình

Rồi cô cho biết:

Hôm xuống đường

Những người bạn tôi

Những người quen sơ

Và cả những người chưa hề biết mặt

Tất cả đều chung một khí phách

hừng hực

Tôi gọi đó là lòng yêu nước

Angel, còn được gọi là Kyal Sin, ẩn nấp khi cảnh sát nổ súng ở Mandalay. Cô ấy đã bị giết bởi một phát súng vào đầu khi đi biểu tình- nguồn japantimes.co.jp

Thế nhưng khi đối diện với rào chắn, dùi cui, bạo lực bẻ tay bẻ cổ, đạp vào mặt người, đe dọa, khủng bố… thực tế lại không hoàn toàn như mộng tưởng khiến cô phải tự hỏi:

Tôi đang thể hiện lòng yêu nước

Trên lãnh thổ mình

Hay tôi là kẻ di dân

Nhận lấy phần của quê hương kẻ khác

Cô tự hỏi mình mà chính là thống trách lũ cầm quyền cúi đầu khiếp nhược trước kẻ thù mà tàn bạo đối với dân mình. Cuối cùng cô phải bật lên một câu xé lòng:

Bây giờ

Xin đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước

Có lẽ

Tôi sẽ phải cúi đầu bật khóc

Và bây giờ là Ma Kyal Sin của Miến Ðiện.

Xin cùng nhà thơ Nguyễn Hàn Chung Tưởng Nhớ Kyal Sin

Bọn độc tài quân phiệt Myanmar đã giết em rồi Kyal Sin ơi!

tuổi mười chín non tơ ngực em tràn máu đỏ

nụ cười vẫn nở trên môi tới khi em mãi mãi ra đi

chiếc áo với dòng chữ tin tưởng ngây thơ ‘Everything will be OK’ còn đỏ

Kyal Sin! Kyal Sin!

NHChung

Và nhiều người, nhiều người nữa đã ca ngợi Ma Kyal Sin.

Luật sư Lê Luân trên trang Facebook cá nhân của ông đã “bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với cô gái trẻ người Miến Ðiện-Ma Kyal Sin, vừa ngã xuống vì một viên đạn bắn tỉa từ phía quân đội Myanmar. Ông viết rằng “Và viên đạn đã giết chết cô gái sau đó. Nhưng đó là cái chết bất tử và làm hồi sinh những điều lớn lao cho con người. Nhìn cô ấy, tôi thấy buồn thương vô hạn.”

Xem thêm:   John Steinbeck & ngôi nhà mùi gỗ sồi ở Salinas

Nữ nhà báo độc lập Sương Quỳnh, vào tối ngày 5/3 lên tiếng với RFA về cái chết của Ma Kyal Sin:

“Theo cá nhân tôi thì đấy là một tấm gương hy sinh rất đẹp và bất tử. Bởi vì một cô gái xinh đẹp của Miến Ðiện mà dám xuống đường vì đất nước để đòi dân chủ và hy sinh vì một viên đạn bắn tỉa vào đầu như thế. Tôi nghĩ rằng toàn thế giới đều xúc động trước cái chết của cô gái trẻ đó. Và đấy là tấm gương hy sinh vì đất nước, vì tự do dân chủ rất đáng ngưỡng mộ. Thật sự, tôi rất xúc động.”

Người sáng lập và chủ tịch điều hành Công ty Văn hóa Sáng tạo First New-Trí Việt, ông Nguyễn Văn Phước, viết trên trang Facebook của ông rằng “Tôi đã nhận ra nhiều thiên thần Chu Ðình (Agnes Chow Ting) nổi tiếng Hong Kong xuất hiện ở đất nước Miến Ðiện bình dị, ít người biết. Họ là những cô gái trẻ có học, xinh đẹp và không biết sợ tà quyền, không sợ đánh đập và bất chấp hiểm nguy chết người đã xuống đường đấu tranh cho nền dân chủ trên quê hương họ, cho người dân của họ”.

Cô Ðỗ Thị Thu, một phụ nữ trẻ vừa tham gia vào phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Cô là vợ của nhà hoạt động dân chủ Trịnh Bá Phương và là con dâu của nhà hoạt động vì đất đai Cấn Thị Thêu.

Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn – nguồn vnwhr.net

Cô Ðỗ Thị Thu tâm tình với RFA vì sao chọn lựa con đường này: “Bởi vì họ (chính quyền) bắt cả ba người trong gia đình em, thế nên em không biết tinh thần ở đâu ra, tự nhiên cứ trỗi dậy. Em thấy những việc trong gia đình em làm đều là đấu tranh cho sự thật. Em thấy cả ba người trong gia đình em bị bắt quá oan khuất. Thế nên em tiếp tục theo con đường của người thân trong gia đình để cất lên tiếng nói sự thật.”

Không ai có thể biết chiếc áo thun đen in dòng chữ trắng “Everything will be OK” (tạm dịch “tất cả đều sẽ ổn thôi”) mà cô gái Ma Kyal Sin mặc trong ngày cô xuống đường biểu tình và bị tử nạn có phải là chủ đích của cô với thông điệp rằng mọi điều sẽ “ổn” cho dân tộc Miến Ðiện hay không. Thế nhưng, có thể nói một điều chắc rằng những con người “chân yếu tay mềm” như Anne Frank, Lưu Hà, Chu Ðình, Ma Kyal Sin cùng nhiều phụ nữ Việt Nam như cô Ðỗ Thị Thu nhận biết rõ mục đích và con đường họ chọn vì giá trị dân chủ trên địa cầu.

Xem thêm:   Một thời của sách

Còn nữa… Daw Myint Myint Zin và K Za Win

Họ là những nhà thơ trẻ của xứ Miến Ðiện

Salil Tripathi, Chủ tịch Ủy ban Nhà văn bị cầm tù của Hội Văn bút Quốc tế nói: “Nhà thơ thì có lời; chính quyền thì có súng. Nhà thơ làm những gì họ có thể bằng những công cụ họ có – viết, biểu đạt, nói. Chính quyền làm điều duy nhất họ biết với công cụ họ có. Quân lính của họ nổ súng. Lời nói và tư tưởng của nhà thơ sẽ tồn tại lâu hơn chính quyền – bao giờ cũng vậy. Trong Những vần thơ của quỷ (The Satanic Verses), Salman Rushdie nhắc nhở chúng ta những gì nhà thơ làm – “đặt tên cho những điều không thể đặt tên, chỉ ra những trò gian lận, ủng hộ, làm dấy tranh luận, định hình thế giới và ngăn nó ngủ yên.” Sự hy sinh của Daw Myint Myint Zin và K Za Win sẽ không vô ích. Khi chúng ta than khóc, chúng ta sẽ không để thế giới đi ngủ được; chúng ta sẽ ghi nhớ và khuếch đại tiếng nói của họ lên.”

Giờ đây, chúng ta phải nói gì về những cô gái trẻ đã chiến đấu hy sinh cho tự do dân chủ và quyền làm người. Xin khẳng định lại lần nữa và mở rộng thêm:

giờ đây

khi máu chảy. và bạo lực. gào thét

ở miến điện

ở cảng thơm

nơi quảng trường. trên biển. quê hương tôi

tôi muốn đọc thấy. trong thơ

những bóng dù. đủ màu

và. những ngọn nến. mưa

trên đường phố sài gòn. hà nội

với những người trẻ

như ngày nào. ở woodstock

khi melanie

hát

candles in the rain

bạn trẻ ơi. chúng ta gọi về

miến điện

hoàng sa. trường sa. hồng kông. trong hơi thở

với hồn siêu thực

dali

TN

(Tổng hợp từ các nguồn tin Internet)