Ngày 11/9/2023 vừa qua đánh dấu 22 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ làm khoảng 3,000 người thiệt mạng và phá vỡ cảm giác an toàn của nước Mỹ. Dù đã 22 năm trôi qua nhưng với người dân Mỹ, những ký ức của sự kiện này vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai.

Ðúng vậy. Dù rằng trong tác phẩm Ðá Mục nhà văn Thảo Trường khi nhớ lại những cảnh tàn khốc của chiến tranh đã kêu lên: «Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả.» Nhưng trí óc con người làm sao quên sự biến 11/9. Nhà văn người Nhật Haruki Murakami đã cho phát hành bộ tác phẩm 1Q84 hiện được ưa thích tại nhiều nước trên thế giới. Ông khẳng định, tác phẩm được gợi cảm hứng từ cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ vào ngày 11/9/2001.

“Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy cảnh hai tòa tháp đôi WTC đổ sập. Với tôi, đó là những hình ảnh quá thực, quá ấn tượng. Dù nó cứ như là cảnh dựng bằng máy tính”, nhà văn bày tỏ cảm giác của mình về sự kiện chấn động này. Theo ông, nếu vụ tấn công 11/9 không xảy ra thì mọi sự đã khác. “Cục diện thế giới sẽ khác đi. Ðiều này thật siêu thực. Ðó là lý do tôi viết 1Q84″ ông nói.

Nhà báo John Grogan cũng ghi lại như sau trên một trang viết ở cuốn Life Is Like A Sailboat xuất bản trước đây: Tháng 9 đã bắt đầu với ánh trời rực rỡ, tràn đầy hy vọng. Một thứ sắc màu của hạnh phúc, nhưng sao nó giống thứ ánh sáng của buổi mai ngày ấy.

Vâng, lúc ấy là 8 giờ 45 phút sáng ngày 11 tháng 9. 2001. Một buổi sáng đẹp trời, đầy nắng, những con bồ câu bay lượn trong không, người người vui sống, nô nức đi lại trên hè phố. 8 giờ 45 phút sáng, đang yên bình, ấy vậy mà chỉ một phút sau thảm họa xảy ra. Tòa Tháp Ðôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở Nữu Ước sụp đổ với gần 3 ngàn người chết.

Nhà văn Haruki Murakami và tác phẩm 1Q84

22 năm trôi qua kể từ ngày ấy. Nhiều người nói đã bao nhiêu năm rồi mà cái cảm giác mất mát vẫn còn đau nhói như mới xảy ra hôm qua. Thật vậy, mắt chúng ta tưởng còn nhìn thấy những mảng khói và lửa bốc lên từ lưng chừng hai tòa tháp, những bóng người như chim bay ra khỏi các cửa sổ rồi rơi xuống nền đất phía dưới; tai chúng ta còn nghe âm thanh những tiếng nổ rung chuyển và gạch ngói vỡ cùng tiếng người la thét, kêu khóc vang âm giữa bầu trời sớm mai đầy nắng của Nữu Ước; và tâm trí chúng ta còn quay cuồng với trăm ngàn ý nghĩ đen tối, kinh hoàng về một thảm họa phát xuất từ khối óc u mê của con người mà tưởng như từ trời xanh giáng xuống. Chỉ trong khoảnh khắc của một buổi sáng mà tới gần 3 ngàn người chết -có những người tìm được xác, có những người chỉ còn lại một phần thi thể và có những người như biến mất vào hư vô. Chưa bao giờ một thành phố phải chịu đựng những tang tóc như thế. Và khúc tang ca của ngày 11 tháng 9 năm 2001 mãi mãi còn vang dội trong không gian, thời gian và trong trái tim người. Nó kể với chúng ta về những người vô tội đã chết, về những đổ vỡ và những hận thù mang màu sắc chủng tộc, tôn giáo. Chúng ta sẽ không bao giờ quên những đau thương mất mát ấy.

Xem thêm:   Mùi hương hoa nhài, và nhạc rahab trên đường phố

Hôm nay, sau 22 năm, xin các bạn cùng Nguyễn tôi mặc niệm những người đã chết, đồng thời hướng về sự hồi sinh của thành phố Nữu Ước để có thể nói lên rằng nơi này, nơi mà tường thành sụp đổ, một quốc gia đã trỗi dậy và ý sống của con người tiếp tục vươn lên. Nguyễn xin ghi lại những trang sau đây.

“Ngày 11/9, cả nước Mỹ kinh hoàng vì những gì xảy ra. Những tàn phá và thiệt hại to lớn, khủng khiếp hơn cả, đó là những người không bao giờ có thể trở về nhà được nữa. Và có một điều ít ai nghĩ đến, là bao nhiêu tình yêu đã chết đi; thay vào đó là lòng hận thù. Thế nhưng, ở đâu đó trong bầu không khí chúng ta đang thở, tình yêu vẫn còn, như bông hoa mọc lên từ kẽ đá.

“Một thời gian sau khi thảm kịch xảy ra, người ta vẫn thấy những đóa hoa, những ngọn nến và những tấm thiếp đặt nơi tưởng niệm. Lẫn trong vô vàn những thứ ấy là tấm ảnh của một cô gái trẻ tươi cười. Ðằng sau tấm ảnh viết “Vì anh đã không còn em để yêu thương, nên anh sẽ học cách yêu thương hết thảy mọi người”.

Bức ảnh này được Robert Clark chụp từ cửa sổ studio của anh ở Brooklyn.

Với tôi, đó là tình yêu thực sự”.

Nguyễn đọc mẩu chuyện cảm động và ý nghĩa này trên blog của Phong Nguyễn. Một tình yêu thật đẹp và thăng hoa. Phong Nguyễn viết tiếp: “Nhiều năm trôi qua, câu chuyện ấy vẫn còn nguyên ý nghĩa với tôi. Nếu bây giờ có ai đó hỏi tôi về một tình yêu thực sự, tôi sẽ vẫn kể lại đúng như thế. Tôi không nhớ đã đọc được nó ở đâu, nhưng không quan trọng. Quan trọng là vẫn có những con người như vậy, những tình yêu rộng lớn như vậy. Nghĩa là tôi không một mình. Mà tôi chưa bao giờ một mình, khi còn có những người bạn và những tình yêu đơn giản nhưng đầy màu sắc từ họ.”

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Tình yêu phải xóa bỏ hận thù trong tim người. Chúng ta hãy nghe bà Nafisa Degani phát biểu với Ðài BBC. Bà Nafisa Degani làm việc cho công ty bảo hiểm Aon, ở tầng thứ 100 thuộc Tòa nhà phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới. Lúc chiếc máy bay thứ nhất đâm vào tòa nhà phía Bắc, bà đang ở trong văn phòng và may mắn thoát chết. Bà suy nghĩ nhiều về động cơ của bọn cướp máy bay, những người đã giết hại các bạn của bà, và cho rằng suy nghĩ về đạo Hồi của bọn khủng bố là sự hiểu sai về đạo. Bà nói: “Trước tiên, đạo Hồi có nghĩa là hòa bình -vậy hòa bình nằm ở đâu trong việc này? Thứ đạo Hồi này chỉ mới được tạo ra thôi. Không có gì liên quan giữa đạo Hồi và những kẻ khủng bố đã dùng sinh mệnh của mình hành động kiểu đó. Không có tôn giáo nào cho phép làm như vậy. Vậy nó chỉ núp dưới cái tên của đạo Hồi, nhưng theo tôi hiểu, nó không có liên quan gì tới đạo Hồi cả.» Với chúng ta, những người còn lương tri và lòng thương xót, liệu chúng ta có nên quên đi tội ác của bọn khủng bố núp dưới danh nghĩa Hồi Giáo không? Không. Không nên quên và không được quyền quên. Chính vì vậy, quân đội Hoa Kỳ đã phải truy diệt quân khủng bố đến tận những xó xỉnh xa xôi nhất ở Afghanistan và Iraq.

Nắng lại lên mỗi ngày, như sáng nay dưới bầu trời New York – nguồn twitter

Một học sinh năm đầu trung học kể lại sáng hôm ấy, khoảng 11 giờ, thầy giáo cho biết tòa Tháp Ðôi của Trung Tâm Thương Mại đã bị không tặc phá sập. Thật khó tin một điều như thế xảy ra. Nước Mỹ là quốc gia mạnh nhất thế giới. Cô giáo dạy tiếng Anh của tôi rời lớp vì anh rể của cô làm việc ở Tòa Tháp Ðôi. Cô đã chạy vào tòa nhà đang bốc cháy và một lát sau nhân viên cứu thương mang cô ra vì cô bị ngất đi, anh rể của cô thì đã chết trước đó. Nhiều người khác cũng đã rời lớp vì thân nhân của họ đang lâm nạn. Hôm ấy tôi trở về nhà và tôi đã khóc. Nghĩ tới thành phố và những người đã chết, tôi gắn tấm bích chương “God Bless America” lên xe hơi. Một trong những điều tôi còn ghi nhớ sau thảm kịch là người Mỹ đã kết hợp nhau lại. “Hãy nhấn còi xe lên nếu bạn yêu nước Mỹ”. Nạn kẹt xe xảy ra vào những ngày cuối tuần chung quanh sở cứu hỏa của thành phố, người ta đem thực phẩm và quần áo đến cho những người bị nạn. Tôi đã khóc khi biết rằng hành khách trên chuyến phi cơ United 93 đã chống lại bọn không tặc để máy bay đáp xuống giữa cánh đồng thay vì gây tai họa.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Một học sinh nhỏ học lớp 5 cho biết hôm ấy các em đang chơi trên sân trường.  Ấy là một ngày nắng đẹp và mọi người cười vui. Bỗng chốc, các thầy cô vừa chạy vừa kêu thét, bảo tất cả vào lại lớp ngay. “Cái gì thế nhỉ?” Nhiều đứa khóc, những đứa khác ngơ ngác, cùng chạy về lớp. TV mở ra, cảnh đổ nát và người chết, người kêu khóc hiện ra trên màn hình. Nhiều năm sau, trí óc em bé còn bị những sự kiện bi thảm ngày hôm ấy ám ảnh.

Phải luôn luôn nhớ rằng phải quên đi tất cả. Nhà văn Thảo Trường đã viết Ðá Mục và Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết và ông đã sống lại những thảm kịch của thời đại ông, những thảm kịch còn đau đớn hơn sự kiện 11/9 ở Tòa Tháp Ðôi New York. Thảo Trường đã đau đớn đến tận cùng và kêu lên “hãy quên đi tất cả”. Vâng, hãy quên, vì như  nhà văn Ba Kim của Trung Quốc nói trong sách Tùy Tưởng Lục, cứ nhớ mãi cái ác, cái xấu và nỗi đau thì khổ lắm. Ðành là thế, nhưng nếu chúng ta quên đi và tha thứ tội ác của bọn giết người thì cái ác sẽ còn sống mãi và lộng hành. Cho nên, qua những mảng hồi ức gợi lại ngày hôm nay, chúng ta nghĩ đến và xót thương những người đã chết ở Tòa Tháp Ðôi ngày 11 tháng 9. 2001, đồng thời vững tin rằng cái ác, cái xấu không thể tồn tại được trên dải đất này. Ánh nắng ngày ấy mờ đi trong khoảnh khắc vì những đám mây khói, nhưng rồi nắng lại lên mỗi ngày. Như sáng nay dưới bầu trời New York.

TN – Tổng hợp