Ðã 48 năm qua, Tháng Tư vẫn còn gợi lên trong chúng ta bao ký ức đen tối. Có nên quên hết đi để sống, như nhà văn Thảo Trường đã có lần kêu gọi. Hay theo lời Ba Kim của Trung Quốc nhắc nhở: Ðừng bao giờ quên cái ác. Ðây chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm.

Nhà văn Vũ Thư Hiên, đọc Tùy Tưởng Lục của Ba Kim, tác giả Trung Quốc được sắp ngang hàng với Lỗ Tấn và Mao Thuẫn, có nhận định như sau: “Trí nhớ của con người dường như có một bộ lọc kỳ diệu. Nó thường xuyên xóa đi giúp ta những hình ảnh xấu, những kỷ niệm buồn. Không có cái bộ lọc ấy thì cuộc sống con người khốn nạn lắm. Thật vậy, tôi cũng thường quên những điều tồi tệ, chỉ những kỷ niệm đẹp mới được ghi lại. Tác giả Tuỳ Tưởng Lục chắc cũng không khác. Không thế, không sống nổi.”

Tác giả Ba Kim và tác phẩm Tùy Tưởng Lục 

Vậy mà, với Tuỳ Tưởng Lục, Ba Kim kêu gọi mọi người không được quên cái ác và những kẻ đã gây ra nó. Ở đây, chúng ta thử suy ngẫm xem sao. Chẳng hạn như vụ 911, chúng ta có nên quên nó đi không? Chúng ta có nên quên cảnh một buổi sáng đẹp trời tràn ngập ánh nắng và niềm vui bỗng chốc đổ vỡ. Chúng ta có nên quên hai tòa tháp uy nghi lộng lẫy trong chớp mắt chỉ còn những cuộn khói và đống gạch vụn sắt thép với 2749 người chết thảm khốc. Những người gây ra tai họa ngày hôm ấy, họ đã nhân danh điều gì để hành động? Nhân danh chủng tộc và lý tưởng Ðạo Hồi chăng? Chúng ta hãy nghe bà Nafisa Degani phát biểu với Ðài BBC. Bà Nafisa Degani làm việc cho công ty bảo hiểm Aon, ở tầng thứ 100 thuộc Tòa nhà phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới. Lúc chiếc máy bay thứ nhất đâm vào tòa nhà phía Bắc, bà đang ở trong văn phòng và may mắn thoát chết. Bà suy nghĩ nhiều về động cơ của bọn cướp máy bay, những người đã giết hại các bạn của bà, và cho rằng suy nghĩ về đạo Hồi của bọn khủng bố là sự hiểu sai về đạo. Bà nói: “Trước tiên, đạo Hồi có nghĩa là hòa bình -vậy hòa bình nằm ở đâu trong việc này? Thứ đạo Hồi này chỉ mới được tạo ra thôi. Không có gì liên quan giữa đạo Hồi và những kẻ khủng bố đã dùng sinh mệnh của mình hành động kiểu đó. Không có tôn giáo nào cho phép làm như vậy. Vậy nó chỉ núp dưới cái tên của đạo Hồi, nhưng theo tôi hiểu, nó không có liên quan gì tới đạo Hồi cả.” Với chúng ta, những người còn lương tri và lòng thương xót, liệu chúng ta có nên quên đi tội ác của bọn khủng bố với danh nghĩa Hồi Giáo không? Và liệu người Việt chúng ta trải qua bao cuộc biển dâu, chúng ta lẽ nào quên những nỗi đau thương, chết chóc, bi thương, uất hận đồng bào chúng ta đã phải gánh chịu trong hơn nửa thế kỷ dưới sự chuyên chế bạo tàn của Cộng Sản. Chẳng hạn như các cuộc đấu tố giết chết hàng trăm ngàn người trong Cải Cách Ruộng Ðất cách đây 50 năm, những vụ bắn giết dã man và chôn sống tập thể trong Tết Mậu Thân 1968, những vụ đày đọa giam cầm trong các trại tập trung cải tạo sau 1975 v.v.  Nhà văn Ba Kim cũng thế. Theo Vũ Thư Hiên, trải qua những năm tháng bị dập vùi, ngẫm lại thân phận mình và thân phận đồng bào trong cái xã hội “không thể tưởng tượng nổi”, ông kêu gọi mọi người không được quên cái Ác và tội của nó. Quên là chết. Nhớ thì đau đấy, khổ đấy, nhưng phải khắc cốt ghi xương, rằng nó đã có, cái Ác, nó hằng có, lúc tiềm tàng, lúc hiện diện, phải luôn luôn cảnh giác với nó, để mặc nó thì con người không thể nào có được cuộc sống yên lành. Phải chặn đứng cái Ác khi còn chưa muộn, phải trói nó lại, cách ly nó khỏi đời sống, tìm mọi cách tiêu diệt nó. Không thể để lũ ác nhân cứ tự do hoành hành, tác yêu tác quái, rồi bất kể hậu quả là thế nào, chúng cứ nhơn nhơn lớn lối với bàn dân thiên hạ, coi như không có chuyện gì xảy ra, chỉ có mình chúng là duy nhất đúng đắn, là vô cùng sáng suốt: “Thành tích là căn bản, sai lầm là nhất thời”. Ðối với lũ ác nhân dường như cứ đạt được một thành tích nào đó, dù chỉ trong tưởng tượng, thì cái gì cũng được phép. Ðánh người tuỳ thích. Giết người tha hồ. Không nghe được.

Cải cách ruộng đất – nguồn Hình ảnh Lịch Sử

Gần ba chục năm đã trôi qua kể từ hạo kiếp của Ba Kim kết thúc. Nhưng ông lúc nào cũng bị dằn vặt bởi câu hỏi: lấy gì bảo đảm rằng vào một lúc nào đó, lại không có một tên nào đó, hoặc vài ba tên nào đó, hoặc cả một lũ nào đó, sẽ lặp lại lần nữa, hoặc hơn một lần nữa, cái cuộc thiên hạ đại loạn từng đẩy ông, các bạn ông, và không biết bao nhiêu người Trung Quốc hiền lành vô tội khác, xuống địa ngục.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Không được quên cái ác. Dù dưới bầu trời nào cũng vậy thôi. Con diều giấy phải được thong dong tung bay trong gió. Cô bé quàng khăn đỏ phải được hái hoa bắt bướm. Những người lương thiện phải được sống cuộc đời mình và có quyền được hưởng hạnh phúc.

Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế – nguồn Life

TN – Tổng hợp