Về đây nhìn mây nước bơ vơ

Về đây nhìn cây lá xác xơ

Về đây mong tìm bóng chiều mơ

Mong tìm mái tranh chờ

Mong tìm thấy người xưa

Những câu trên là ca từ mở đầu bài Trở Về của Châu Kỳ. Năm 1943, Châu Kỳ từ đất Bắc lên đường về Huế thăm gia đình. Ðến nơi ông bàng hoàng nghe tin mẹ mình bị chết đuối trong cơn bão lũ. Và rồi trong những buổi chiều sau đó, lòng đầy ngổn ngang tâm sự, xót xa và ân hận, vừa thương mẹ vừa thương mình, ông viết nhạc phẩm đầu tay “Trở Về”. Chúng ta cùng nghe tiếp:

Nơi xưa, ôi giờ đây nát tan

Đò vắng không người sang

Thôn xóm trông điêu tàn

Xa xa, nghe tiếng chim kêu đàn

Nghe suối reo bên ngàn

Dường như oán như than !

Chiều nay buồn trông cánh chim bay

Chiều nay buồn nghe gió heo may

Chiều nay đâu còn phút sum vầy

Đâu còn thắm niềm say

Lạnh lùng ngắm trời mây

Sau này khi được hỏi về nhạc phẩm đầu tay khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác nhạc, Châu Kỳ từng chia sẻ: “Bài nhạc đầu tay là bài nhạc Trở Về viết năm 1944. Thuở ấy tôi bắt đầu làm văn nghệ. Ở đất Bắc tôi được tin quê nhà tôi tại Huế, là mẹ tôi ở tại huyện Quảng Ðiền, làng Thanh Hà bị một con bão lụt. Tôi trở về. Về đến nhà thì mẹ tôi đã mất trong con bão lụt đó, và bao nhiêu người thân yêu cũng đi mất. Vì vậy nỗi buồn của tôi, ở lại mấy ngày ở nơi chôn mẹ tôi thì tôi trở lên đất Bắc, suy nghĩ đau đớn quá tôi viết bài Trở Về vào năm 1944”.

Ôi Miền Trung. Ôi Huế… Ta nghe trong Tiếng Sông Hương của Phạm Ðình Chương

Xem thêm:   Tháng Ba, đưa người

Miền Trung vọng tiếng

em xinh em bé tên là Hương giang

đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than.

Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ

bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu.

Hỡi hò, hỡi hò.

Quê hương em nghèo lắm ai ơi

mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn

Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi

khiến đau thương thấm tràn

lấp Thuận An để lan biển khơi ơi hò ơi.

Quê hương em nghèo lắm, ai ơi… Nhớ năm nào, bão lũ kéo qua Miền Trung. Quê của Tạ Ký ở Quảng Nam cũng bị bão lũ cuốn trôi cả gia đình gồm mẹ các em, các cháu… Và giờ đây tai ương lại giáng xuống miền đất yêu thương.

Nhà báo Tâm Nguyên viết trên trang facebook:

“Mẹ tôi gửi vào phone của tôi một vài tấm hình nhận được từ quê nhà. Một chú bò được đưa lên đứng chơ vơ trên nóc nhà. Một cậu bé lội trong nước ngập quá thắt lưng ôm thùng mì gói vào lòng. Một người đàn ông đầu đội ba cái thùng giấy (có lẽ là chứa thực phẩm) với hai cánh tay giơ cao ôm chặt đang lội trong nước ngập ngang lồng ngực. Một chiếc ghe chở mấy thùng cơm với muối mè được những vị ni sư vừa lội vừa đẩy theo dòng nước bạc ngập dưới vai đi vào tận khu xóm nhỏ để cứu đói cho người dân bị mắc kẹt trong cơn lũ dữ. Khu vực thành phố Huế ở hai bên bờ sông Hương thơ mộng ngày nào giờ chỉ là một màn nước úa màu kham khổ.

… Tôi ứa nước mắt khi thấy tấm hình vị sư nữ đeo mắt kiếng ôm chặt cây cột (có lẽ là cột chùa) để không bị dòng nước lũ bạc màu ngập gần đến vai cuốn đi.”

Trên là lời Tâm Nguyên. Tiếp theo người giữ mục này xin thêm: Chưa hết, còn cảnh cô gái níu lấy cánh cửa sắt của một ngôi nhà để không bị lũ cuốn.

Xem thêm:   John Steinbeck & ngôi nhà mùi gỗ sồi ở Salinas

Vị sư nữ rồi về đâu. Cô gái kia rồi về đâu.

Và cảnh một cô bé ngồi khóc nhìn cuốn tập ướt sũng trên tay. Ðến đây thì mình nhớ lại truyện ngắn Bích Câu của Hoàng Ngọc Tuấn.

Truyện kể: Mùa lụt ở Huế. Hàng trăm ngôi nhà bị ngập nước. Trong đó có nhà Bích Câu và nhà Ðông. Bắt đầu thiếu gạo thiếu ăn. Nhà này qua nhà khác phải di chuyển bằng ghe. Ðông ghé qua thăm Bích Câu.

“Khi đò trôi vào cổng nhà Bích Câu, đã thấy nàng ngồi trên cửa sổ, khuôn mặt nàng không hiểu sao trông thật buồn bã, bàn tay thả những tờ giấy màu xanh rơi lả tả trên mặt nước. Bích Câu ngẩng đầu lên.

– Tôi buồn quá Ðông ơi!

Nàng làm tôi ngạc nhiên, tôi nhìn thấy đôi mắt nàng hơi đỏ vì hình như đã khóc.

– Tại sao buồn? Trời lụt được nghỉ học mà còn buồn gì nữa. Bộ nhà hết gạo ăn rồi hả?

– Không phải. Tại vì tập thơ của tôi, tôi mất hết tập thơ rồi.

Bích Câu nói món đồ nàng quý nhất là tập thơ chép tay của nàng. Nàng đã mua mấy trăm tờ giấy pelure màu xanh, khâu chỉ đóng lại thành một tập dầy, có đóng bìa cứng cẩn thận. Trên những trang giấy đó, nàng đã chép biết bao bài thơ thật hay, trích từ những tờ báo hay sách mà nàng mượn của bạn bè.

– Tôi cất kỹ nó trong hộc, lúc bận dọn dẹp đồ đạc, bỗng quên mất nó đi. Ðông xem, còn gì nữa đâu, nước ướt hết, rách nát hết rồi… chỉ còn vài tờ.

Tôi cầm lấy một tờ giấy màu xanh từ tay nàng, trang giấy ướt mèm nước dơ bẩn, những dòng chữ viết bằng mực tím của nàng, bây giờ trông nhòe nhoẹt, có chữ bị xóa mờ hẳn đi. Một bài thơ nào đó không còn toàn vẹn.

Bích Câu cứ ngồi âu sầu một chỗ mãi. Tôi nghĩ rằng có lẽ nàng cứ ngồi lặng yên như thế, cho đến khi biến thành một hòn sỏi lăn xuống nước, và tôi làm thế nào tìm được một hòn sỏi nhỏ bé trong sóng nước mù tịt này…

– Thôi đừng buồn nữa. Mùa lụt này có khối người mất hết nhà cửa, ruộng vườn, chị mất một xấp giấy vớ vẩn mà cũng bày đặt buồn.

– Ðông không có tâm hồn. Ðông không biết yêu văn chương gì cả.”

Ðó là nỗi buồn của Bích Câu vì mất một tập thơ chép tay. Nỗi buồn của đồng bào Huế và Miền Trung bây giờ lớn hơn nhiều. Ðã có cả trăm người chết và mất tích, hơn ngàn ngôi nhà tốc mái bị nước cuốn đi, cây cối gục ngã, tường nhà sụp đổ, cột đèn gãy gục… Thiếu thực phẩm, nước uống thuốc men. Ðói và lạnh. Không đèn đuốc. Một hai chiếc ghe cứu trợ vừa ghé đến, hàng chục đồng bào có cả trẻ em lội nước kéo tới đưa những bàn tay chới với. Trời đầy mây. Mưa vẫn tiếp tục rơi.

Xem thêm:   Một thời của sách

Ôi Huế. Ôi Miền Trung. Làm sao không xót thương. Viết những dòng này mà nước mắt rưng rưng. Vì đâu nên nỗi… Tại trời hay cũng tại lòng tham của những kẻ cầm quyền cho xây đập và phá rừng vơ vét, khiến nước lũ tràn về gây lũ lụt. Ôi, đau thương và uất hận tràn dâng.

Đại nội Huế bị nước lũ bủa vây ẢNH: ĐÌNH TOÀN

TN