Những ngày này đã thấy xuất hiện những chiếc lồng đèn quả bí khắc mặt người trong các siêu thị và đây đó trong vườn nhà của tư nhân. Halloween đang về.

A, Halloween. Như tia chớp, trí óc của kẻ này chợt lóe lên kỷ niệm Halloween năm nào ở Boston khi còn hiền nội đi bên. Đó là năm 2004, Phan Xuân Sinh viết thư cho anh em: “Trong mùa thu này, anh em văn nghệ Boston sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt “Mùa Thu New England”. Cùng một lúc sẽ giới thiệu các thi sĩ và văn sĩ phương xa: Hoàng Thị Bích Ti, Phan Thị Ngôn Ngữ, Hoàng Xuân Sơn và Nguyễn Thị Thanh Bình. Sẽ được tổ chức trong Ngày Hội Phù Thủy (31.10.2004). Thành phố Salem nơi tôi đang ở chính là nơi phát sinh ra Halloween của nước Mỹ. Các bạn sẽ được trông thấy thành phố tưng bừng với hóa trang. Xin mời trước hết là thăm viếng nhau, dự buổi sinh hoạt văn nghệ, sau là đi coi lễ hội Halloween tại Witch Town này. Thay mặt anh em văn nghệ Boston kính mời.” PXSinh.

Hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày đến Boston dự hội sách, xem thành phố phù thủy đêm Halloween, cùng uống với nhau chén rượu vào lúc đêm về sáng trong khí thu lạnh giá. Thời gian trôi qua nhưng ánh sáng và những ảnh hình của đêm hôm ấy ở Salem chưa phai mờ. Nguyễn còn nhớ rõ đêm Halloween ấy đã cùng hiền nội, Hoàng Thị Bích Ti và nhiều anh chị em khác đi qua đại lộ Essex của Salem ngập ánh đèn quả bí và những người mặc trang phục hóa trang. Trong đám người đông đúc ấy, có Jack O’Lantern xách lồng đèn đi giữa. Đám đông đi qua Ngôi Nhà Phù Thủy (Witch House) treo đầy lồng đèn quả bí với những cây cột kết bằng thân và lá cây ngô (bắp) với những hình phù thủy áo đen trên những cây chổi bay lượn chung quanh. Ngôi Nhà Phù Thủy. Lần đầu tiên Nguyễn được nghe nói đến và nhìn thấy. Nó có mặt ở đó đã từ lâu – từ năm 1692 và nhắc nhở lại vụ xử án những người bị cáo buộc là thực hành pháp thuật phù thủy. Có tới hàng trăm người bị truy tố và nhiều người bị kết án treo cổ, trong đó có bà Rebecca Blessing Towne. Tất cả những người này là hậu duệ của những người theo con thuyền Mayflower đến định cư ở vùng đất mới. Một trang lịch sử đen tối vẫn còn ám ảnh trí óc con người trong mùa lễ Halloween.

Xem thêm:   Thành Sarajevo & người nghệ sĩ chơi đàn cello

Bây giờ xin nói về lễ hội Halloween và những chiếc lồng đèn quả bí cháy sáng qua đêm ở Salem. Nói chung từ bé xíu nhỏ nhít tới bây giờ mình vẫn mê những chiếc lồng đèn thắp lên trong bóng tối hay sương khuya. Đó có thể là những chiếc lồng đèn thả trôi trên dòng sông tuổi nhỏ. Cũng có thể là những chiếc lồng đèn hình ông sao hay hình cá chép trong đêm trung thu ở quê nhà. Và tại sao không là những chiếc lồng đèn của Jack O’Lantern trong đêm Halloween? Những chiếc lồng đèn này nguyên là những trái bí ngô pumpkin được khoét rỗng ruột, tạo thành hình cái mặt người có đủ mắt, mũi và miệng cười toe toét, khi đốt nến (đèn cầy) bên trong, ánh sáng tỏa ra giống như một cái đèn lồng rực rỡ. Jack O’Lantern theo thần thoại Ái Nhĩ Lan là biệt hiệu của một gã tên Jack. Xưa có một anh chàng biệt danh là Jack Keo Kiệt, một hôm anh chàng Jack này mời quỷ đi uống rượu. Nhưng Jack Keo Kiệt vắt cổ chày ra nước lại không muốn trả tiền rượu, nên chàng ta bèn dụ dỗ con quỷ hãy hóa phép tự biến thành đồng tiền để Jack mua rượu cùng nhậu cho vui. Quỷ nghe bùi tai biến thành đồng tiền thì Jack nhặt ngay lấy bỏ vào túi áo trong đó có sẵn một thánh giá bằng bạc khiến quỷ không thể trở lại nguyên hình được nữa. Nhưng rồi sau Jack đã giải phóng cho quỷ với điều kiện là quỷ không được quấy nhiễu Jack trong suốt 1 năm, và nếu Jack chết, quỷ cũng không được thu linh hồn của Jack. Cho đến năm sau Jack lại đánh lừa được quỷ để quỷ leo lên cây cao hái quả. Trong lúc quỷ còn đương loay hoay trên cây thì Jack khắc ngay một thánh giá vào thân cây, thế là quỷ sợ không dám leo xuống cho đến khi quỷ hứa không quấy nhiễu Jack thêm 10 năm nữa rồi Jack mới bóc chỗ vỏ cây có khắc thánh giá đi.

Chẳng bao lâu sau đó thì anh chàng Jack qua đời. Hồn của Jack đến gõ cửa thiên đường nhưng Thượng Đế không nhận cho một kẻ tinh ranh láu cá như vậy lên cõi trời. Xuống địa ngục thì gặp quỷ bị lừa khi trước còn tức tối nên Jack muốn vào địa ngục cũng không xong. Tuy nhiên giữ lời hứa không bắt hồn Jack, quỷ đuổi Jack đi và chỉ cho Jack một cục than hồng để mà dò đường trong đêm tối. Jack bỏ cục than cháy đỏ vào trong một củ cải tròn khoét ruột làm đèn và từ đó cứ luẩn quẩn khắp cõi dương gian. Người Ái Nhĩ Lan gọi là Jack of the Lantern, tức là Jack lồng đèn, và sau biến thành Jack-O’-Lantern. Tới Mỹ, củ cải biến thành trái bí, và Jack xách đèn trái bí lang thang trong đêm. Các bạn ơi, đêm Halloween cứ mở cửa ra xem là thấy Jack. Hay để cho thơ mộng một chút bạn có thể tưởng tượng đó là linh hồn một thi sĩ nào đó (kẻ này chăng?) đi tìm bóng ảnh của một tình yêu bất toại. Thế đấy…

Xem thêm:   Lớn lên với cổ tích

Những chiếc lồng đèn trong đêm. Những chấm sáng kia có dẫn đường cho người chết trở về dương thế không? Hoặc giả có cứu vớt được những kẻ đang bị nhận chìm trong tai ương, kiếp nạn? Hãy thắp cho nhau những ngọn đèn. Nhà văn/nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từng cầu xin như thế. Và người Nhật, vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch – và cả Việt Nam ta cũng vậy – thả đèn trên sông (gọi là phóng đăng) để cứu vớt những hồn trầm luân. Tục lệ này, trước hết là rất đẹp với những chiếc lồng đèn như hải đường như bông sen bông súng nổi trôi trên nước, sau nữa đầy tính chất nhân bản của Đông phương. Như câu thơ của Tố Như trong Chiêu Hồn Ca: Lôi thôi bồng trẻ dắt già / Ai khôn thiêng đó lại mà nghe kinh… Nét nhân bản vừa nói, phải chăng cũng được tìm thấy trong lễ hội Halloween? Tục lệ này phát xuất từ dân tộc Celts cách đây 2,000 năm cư ngụ trên vùng đất thuộc xứ Tô Cách Lan, Ái Nhĩ Lan và miền bắc nước Pháp bây giờ. Nó được gọi là Celtic Festival of Samhain được tổ chức vào đêm 31 tháng 10 dương lịch để tưởng nhớ và vinh danh Thánh Samhain, vị chúa tể cai quản linh hồn những người chết. Người Celts tin rằng Thánh Samhain cho phép các linh hồn người chết trở về dương thế thăm gia đình và ăn Tết (mừng kết thúc mùa thu hoạch) trong đêm trừ tịch cuối năm của họ. Cái không gian ảo hoặc của đêm Halloween – với những màu sắc và bóng ảnh (như hình những con cú, con dơi, con nhện dùng làm trang trí) và những trái lồng đèn bí ngô bên cạnh những mộ bia, cho ta cảnh trí của một thế giới siêu hình nào đó, nơi sự sống và sự chết giao hòa, dắt tay nhau cùng đi trong khuya khoắt. Đó có lẽ là một ý niệm gần với Đông phương nhất. Trong ý nghĩa đó, Halloween trở nên gần gũi, gắn bó, khiến chúng ta dễ dàng hội nhập mà vẫn giữ được sắc thái riêng của dân tộc.

Xem thêm:   Nghĩ trong mùa Thanksgiving

Tất cả khởi đi từ những chiếc lồng đèn quả bí của anh chàng Jack lang thang cù bơ cù bất.

Còn một điều nữa cũng cần ghi nhận: Đây là một lễ hội bắt đầu vào buổi chiều tối ngày 31 – 10 cho tới 12 giờ đêm. Trong dịp này, trẻ em và thiếu niên được mặc “y phục Halloween” để đi đến từng nhà, gõ cửa để nhận kẹo và chúc tụng… Theo tục lệ, các em nhỏ thường cầm theo những chiếc lồng đèn JackO’Lantern. Các em đang chơi trò “Trick Or Treat”. Đây là sinh hoạt chính của hầu hết trẻ em và thiếu niên tại Hoa Kỳ trong đêm Halloween. “Trick” nguyên nghĩa là: đánh lừa, trò chơi tinh ma nghịch ngợm: “Treat” là tiếp đón, đối xử tử tế, tiếp đãi. Các em nhỏ và thiếu niên, thanh niên hóa trang với áo quần và mặt nạ hình ma quỷ, rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói “trick or treat.” Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi.” Thông thường những người láng giềng luôn luôn muốn tránh việc “trick” nghĩa là chơi đòn đánh lừa nên thường tiếp đón (treat) chúng bằng kẹo và trái cây (theo tục lệ có nhét đồng tiền ở bên trong). Nhớ những năm xưa hiền nội thường mua kẹo chờ tới đêm Halloween phát cho các em tới gõ cửa. Nay, hỡi ôi, hiền nội không còn nữa. Với Nguyễn, đâu còn Halloween.

TN- Tổng Hợp