Tháng Tư rồi tháng Năm… Thời gian này và ngược về những năm tháng cũ bạn và tôi, chúng ta đều có những cuộc giã từ. Xin ôn lại từ đầu nhé.

Vâng. Trong đời người ai không có đôi lần giã từ. Như Nguyễn tôi, khoảng cuối thập niên 1950, giã từ cha mẹ, cùng với hai bạn Phan Thanh Thư (hỡi ôi, Thư không còn nữa) và Phan Ngọc Lâm đáp xe lửa từ Huế đi Sài Gòn để vào đại học. Cần phải mở một ngoặc đơn ở đây: Thời gian ấy ở Huế chưa có đại học, cho nên học sinh phải vào Sài Gòn tiếp tục việc đèn sách.

Ðó là lần giã từ thứ nhất trong đời mình. Chuyến đi đầy hứng khởi. Không tiễn đưa. Không giọt nước mắt nào rơi trên sân ga. Chỉ có sự náo nức trên từng nhịp tàu chuyển bánh qua đường rail. Ðâu còn cái không khí và tâm cảnh ấy ở những năm sau này của cuộc đời. Những lần giã từ khác thường đượm buồn và đôi lúc nghẹn ngào.

Khuya nức nở những cõi lòng không ngủ

Ðợi vì sao dậy sớm tiễn người đi

Mai Thảo và Tạp chí Văn 

Hai câu thơ trên là của Joseph Huỳnh Văn. Anh là tác giả những bài Cầm Dương Xanh / Sầu Quý Phái rất nổi tiếng với mối tình Teresa. Khuya nức nở… Không hiểu đây có phải là chuyến đi đầu đời của Joseph Huỳnh Văn khi anh từ giã quê nhà miền Trung (Huế?) để lên đường vào Sài Gòn không? Tiếng thơ buồn, rơi rụng… Bước chân người đi e cũng lỗi nhịp như thế. Một người nữa là Diệp, ca sĩ, bạn của Trần Ðông Phong. Hỏng thi, tình yêu tan vỡ, chàng ôm đàn từ giã quê nhà lên xe lửa xuôi Nam vào Sài Gòn lập nghiệp. Ra đi như thế, lòng sao khỏi nao nao khi vì sao trên bầu trời rưng rưng lệ. Và Dao Ca, có nhớ trước Genève một tháng đã bỏ Huế lên đường giã từ Thanh Cầm ở lại xóm Ngự Viên? Có vì sao nào theo bước chân anh tới trời Bạch Hạc và những vùng trời khác trong suốt hai mươi năm khói lửa tơi bời sau đó?

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Khuya nức nở những cõi lòng không ngủ

Ðợi vì sao dậy sớm tiễn người đi

Vâng. Nguyễn không bao giờ quên cái ngày cách đây mấy chục năm khi giã biệt ngôi trường đang dạy và những học trò thương yêu để lên đường vào trại nhập ngũ. Biết bao nhớ tiếc, lo âu. Từ nay không còn nhìn thấy nữa cây me tây và gốc phượng già nơi góc đường ấy của thành phố Mỹ Tho. Từ nay là chân trời lửa khói mở ra trước mắt. Thế rồi những lần giã từ nối tiếp: giã từ cha mẹ, vợ con, anh em để khăn gói vào trại cải tạo học tập ròng rã 7 năm trời không thấy mặt con người. Và năm 1995, giã từ đất nước thân yêu và màu phượng đỏ ra đi tới nơi xứ lạ không mong về lại nữa. Giã từ, ôi giã từ…

Và Mai Thảo khi ông thôi làm tờ Văn, giao nó cho Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục duy trì. Ðó là vào tháng 9 năm 1996. Tại sao, sao ông đành bỏ? Ông đã làm tờ Văn ở Việt Nam nhiều năm. Khi ra hải ngoại lại làm tiếp ròng rã hơn 10 năm nữa. Lúc này, sức Mai Thảo đã yếu, lại thêm bệnh tật, nên ông đành buông tờ Văn để chuẩn bị chuyến đi lớn, băng qua cánh đồng tuyết, để tới bờ một con suối, như ông viết trong thơ. Ở đó, ông sẽ gặp lại bạn bè thân quý: Thanh Nam, Cao Lĩnh, Phạm Ðình Chương, Vũ Khắc Khoan. Ðã hơn một lần ông tiễn đưa những người bạn này. Và rồi đây, ai tiễn đưa ông?

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Xuống tàu đưa bạn đi ra biển

Thả tàn tro xuống Thái Bình Dương…

Phố Văn và Nguyễn Xuân Thiệp

Chuyển giao “y bát” lại cho Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo thanh thản ra đi. Có lẽ ông biết từ đây, công trình ông gây dựng ở hải ngoại đã có người chuyền tay. Nguyễn tôi không bao giờ có được cái may mắn như ông khi buông bỏ tờ Phố Văn sau gần mười năm chăm sóc.

Giã từ. Giã từ. Nhắc lại: Trong đời ai rồi cũng sẽ có lúc phải giã từ. Giã từ một ngôi nhà, một thành phố đã ở. Giã từ một công việc đã làm, một công trình -dù là nhỏ bé- đã dựng lên. Tất nhiên là thế. Như đã nói, Nguyễn tôi cũng như Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác đã phải giã từ tờ tạp chí tim óc của mình. Và rồi một ngày nào đó Nguyễn lại thêm một lần giã từ. Giã từ mảnh đất trên tờ báo này… Ôi, ngoài kia trăng vẫn sáng… Có nụ cười vương nước mắt đâu đó, bạn ơi.

TN