Vừa qua, đọc bài của Đỗ Hồng Ngọc nhắc tới chiếc ghế và nỗi buồn uy nghi của Võ Hồng, Tim tôi lại nghĩ đến những chiếc ghế từng gợi cho mình nhiều cảm xúc trong đời.

Trước hết là chiếc ghế mua ở chợ trời. Hồi mới qua Mỹ, hiền nội là Dung và Tim này thường đi garage sale để tìm mua đồ cũ. Chân ướt chân ráo tới một xứ giàu sang, thấy cái gì cũng ham nhưng làm sao có tiền mua nên phải đi mua đồ người ta bỏ ra vậy. Cái giá để báo cũ, đồ để napkin, những bình nến còn y nguyên, cái khung hình, cây đèn đầu giường ngủ v.v… Trong số những đồ mua được có cái túi xách da bò, Tim xách đi za-zu ta bà tám hướng có tới vài năm, và đặc biệt một cái ghế cũ mà vợ chồng Tim rất thích.

Cái ghế ấy bằng thứ gỗ màu vàng rất chắc, lên nước thật đẹp, lưng ghế hơi cong, mặt ghế lõm xuống một chút nên ngồi êm lưng, êm đít vô cùng. Cái ghế đối với tụi này rất đỗi thân thương. Buổi sáng vợ Nguyễn thường ngồi trên ghế, bưng tách trà thơm, uống từng ngụm nhỏ, có lẽ nàng đang mơ màng với những kỷ niệm êm đềm. Còn Tim này thì gần gũi với cái ghế nhiều hơn: chiều, tối, đêm khuya –lúc trăng lên, tuyết xuống, hoàng hôn nhuộm tím chân trời, trận thunderstorm ầm ầm kéo đến… Ngồi với tách cà phê hay ly rượu đỏ trên tay. Những bài thơ ở phần cuối của tập Tôi Cùng Gió Mùa phần lớn là làm trên chiếc ghế gỗ ấy có bóng vợ hiền và bạn bè thấp thoáng trong đó: Cây Redbud và Chim Tháng Tư, Con Chim Màu Ðỏ, Hoa Bluebonnet và Nắng Thơ Tôi, Tempe… Thơ Qua Hoang Mạc… Nay hiền nội không còn nữa, thỉnh thoảng Tim vẫn ngồi trên cái ghế cũ, nghĩ tới bóng mây hạnh phúc đã qua.

Tác phẩm “Chiếc ghế cũ” của John Singer Sargent 

Cái ghế mua ở garage sale ngày ấy còn gợi Nguyễn nhớ tới nhiều điều. Một hôm, cách đây có đến mười lăm năm, Tim và Dung đọc Reader’s Digest thấy đăng một cái truyện thật ngắn. Truyện in hình một người đàn ông ngồi trên cái ghế giống hệt cái ghế của Nguyễn, ông ta ngồi cô đơn trong chiều tà. Chuyện kể người đàn ông có vợ vừa mới chết, ông cứ ngồi yên lặng như thế trong lúc hoàng hôn xuống qua rất nhiều ngày. Tới một hôm cả người đàn ông và cái ghế bốc cháy. Tim Nguyễn nói đùa với vợ: sau này em chết trước, anh cũng sẽ bốc cháy như người đàn ông kia. Vợ cười: Nói xạo, cái miệng nghe dẻo quẹo, thấy ghét. Nay vợ không còn nữa, Tim này nhủ thầm nếu nhớ thương mà có thể làm người ta bốc cháy thì anh đã cháy tiêu từ lâu. Một cái hình nữa cũng làm Tim lưu ý và xúc động: Hình Boris Pasternak lúc lên 8 lên 10 ngồi chăm chú chép bài trên một chiếc ghế giống hệt ghế của Nguyễn. Cậu ngồi thật dễ thương, hai chân chéo lại dưới ghế. Bao năm qua rồi, với tuyết rơi nắng đổ, rồi chia ly và cái chết, tấm hình vẫn còn trong cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Pasternak. Và trong trí nhớ của Tim này.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Bây giờ tới chiếc ghế với b óng h ình Kim Phượng. Có lần nhớ bạn bè, Ðinh Cường đã vẽ bức tranh Người ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ với chiếc áo lam ở Huế. Người ngồi trên ghế là nữ họa sĩ Tôn Nữ Kim Phượng, bạn của Ðinh Cường, đã từng triển lãm chung ở Sài Gòn. Phượng có thời dạy hội họa ở trường Trần Hưng Ðạo Ðà Lạt, nhà trên hồ Mê Linh, Tim có tới thăm, sau đi tu. Ðinh Cường viết tiếp:

bây giờ Tôn Nữ Kim Phượng, pháp danh Nguyên Nghi

thường được gọi kính cẩn là ni cô Diệu Trang,

đã nằm yên nghỉ trong cái tháp đẹp phía sau chùa Bảo Quốc

Tôn Nữ Kim Phượng bạn học ở Trường Mỹ Thuật Huế

sau này ở Ðàlạt, sau này nữa, sau 1975

vào trú ở chùa Già Lam – Gia Ðịnh cùng mẹ ,

rồi về tu ở chùa Diệu Hỉ bên Gia Hội, có sư cô Như Minh.

(Virginia, April 2, 2013 – Đinh Cường)

“Người ngồi trên chiếc ghế cũ ” tranh Đinh Cường

Và bây giờ tới chiếc ghế của Võ Hồng. Võ Hồng từ giã cõi đời hồi cuối tháng 3. 2013. Về những điều liên quan tới Võ Hồng và Di Ngôn của ông gởi lại đời sau, nhà văn/bác sĩ Ðỗ Hồng Ngọc có ghi lại:

“Năm ngoái, có dịp ngang Nha Trang, tôi lại ghé thăm ông, bấy giờ ông đã 91 tuổi, đã dần dần khó tiếp xúc… Cô Ðạm, người học trò cũ quý thương ông vẫn là người hàng ngày trực tiếp đến chăm sóc ông cùng với một người giúp việc. Ông tuy nằm liệt giường đã lâu vậy mà trông vẫn thanh mảnh, sạch sẽ lắm. Tôi cảm động nói với cô Ðạm, thay mặt những bạn bè thân quen gần xa của nhà văn Võ Hồng, trân trọng cảm ơn cô.

Xem thêm:   John Steinbeck & ngôi nhà mùi gỗ sồi ở Salinas

“Ông đã sẵn một bài thơ gọi là Di ngôn viết về nỗi “cô đơn uy nghi” của mình:

“… Cho đến một ngày kia… tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ/Hạnh phúc yêu thương… Băng giá mây mù…/Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó/Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu.”

Nhớ Võ Hồng, vừa thương vừa cảm, vừa xót vừa xa. Thấy trôi đi một kiếp nhân sinh phù thế: Ngũ uẩn phù vân không khứ lai/ Tam độc thuỷ bào hư xuất một. (Chứng Đạo ca).

Mà mừng ông nay đã vào cõi “tịch diệt vi lạc”!

Trong Di Ngôn, Võ Hồng viết:

Sau khi tôi chết

Xin giữ y nguyên giùm mọi dấu vết

Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi

Ðây: cây bút màu đen sớm tối không rời

Ðây: cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt

Kia: chồng sách không bao giờ ngăn nắp

Này: góc vườn, hoa rụng trải lối đi

Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì

Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế

Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường

Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương

Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi

Ðợi một người đi không hẹn trở lại”

Chiếc ghế cũ và Võ Hồng

Bắt chước Võ Hồng, Tim tôi cũng muốn giữ lại chiếc ghế của mình và hiền nội đã mua ở garage sale Oklahoma thuở vừa đến Mỹ.

Cho đến một ngày kia… tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ

Hạnh phúc yêu thương… Băng giá mây mù …

Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó

Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu. (Võ Hồng)

Xem thêm:   Tháng Ba, đưa người

TN