Những năm tháng ấy giờ đã trôi xa nhưng Nguyễn và các bạn vẫn nhớ về hình ảnh cha mình. Hôm nay nhân đọc những bài thơ viết về cha của Trần Hoàng Vy, và cũng sắp đến ngày Father’s Day, Nguyễn tôi muốn dành đôi chút thì giờ và tâm cảm ghi lại những tháng năm có cha ở trên đời. Xin cho những lời này bay về cõi Chân Như để gặp lại người.

Cha của Nguyễn là một người bình thường nhưng có lòng yêu nước. Thời ấy, đâu vào khoảng những năm 1945-1946, lúc Nguyễn mới lên mười, cha tham gia chống Pháp trên đất Lào và bị bắt giam cùng với người anh Cả của Nguyễn. Từ Khongsédone, một thị trấn miền núi, mẹ gởi Nguyễn đi Paksé thăm cha. Cho tới hôm nay Nguyễn như còn thấy cảnh một phòng ăn trong trại giam lúc Nguyễn mang quà thăm nuôi vào. Nhìn thấy cha và anh xanh xao gầy còm mà nước mắt tuôn rơi. Mãi Nguyễn mới cất tiếng gọi cha được. Bị giam ở Paksé ít lâu, cha của Nguyễn được chuyển lên miền thượng du rừng núi nước Lào. Ðây là đất lưu đày có tên gọi Attopeu. Thế là mẹ của Nguyễn lại chuẩn bị cho Nguyễn đi thăm cha. Lần này, Nguyễn đi với một người bạn cũng có cha trong đám tù nhân bị đày đi Attopeu. Từ Khongsédone, Nguyễn và thằng bạn đi nhờ xe bò lên Saravane. Ðường đi mất hai ngày một đêm, đêm ngủ giữa rừng. Lên tới Saravane Nguyễn ở lại nhà một bà Dì tên Sáu, chờ có xe đò chở hàng xin quá giang lên Attopeu. Trong chuyến đi cũng mất một ngày một đêm, Nguyễn ngồi trên mui xe qua núi qua rừng. Lên đến Attopeu xin được vào ở lại trong trại tù với cha và anh. Ở đây, Nguyễn ăn ngủ chung với cha anh và các chú. Ngày ngày xuống tắm con sông rừng chảy xiết. Ở đâu chừng hai tuần thì Nguyễn và thằng bạn về lại Khongsédone. Sau đó chừng hơn một năm, khoảng 1948, thì cha và anh của Nguyễn bị trục xuất về nước. Nguyễn và gia đình được về theo. Ðoàn convoy dừng lại nghỉ đêm ở Savannakhet một thành phố ven sông Mekong. Hôm sau vượt đèo Lao Bảo tới Huế, ở trong lao Thừa Phủ khoảng một tuần rồi về định cư ở Vỹ Dạ. Trong những ngày tháng ở sau Vương Phủ, cha thỉnh thoảng tìm lại cây đàn xưa, gảy lên khúc oán bàng hoàng.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Hôm nay, một ngày của tháng 6 ngồi nhớ lại những năm tháng đã qua với hình bóng Cha mà lòng này còn cảm thấy xúc động. Do tình cờ hay số mệnh, Nguyễn cũng trải qua một thời lưu đày trên vùng rừng núi như cha mình thuở xưa. Ở đây, trong bài Thảo Nguyên hình bóng cha như lẫn vào một thời xa xôi trong Cựu Ước.

… năm năm. ta qua vùng thảo nguyên

nghe mơ hồ ngôi sao biếc gọi

 

cha đã đi qua vùng thảo nguyên

gió mùa xưa chuyển cơn giông lớn

vang thiên thu. chớp bể mưa nguồn

nước vượt bờ. trùng khơi nước rộng

hồn cựu kinh. thấp thoáng ngọn rừng

đám lưu dân qua vùng châu thổ

chẳng tìm đâu thấy một xóm làng

thảo nguyên. tàn khuya. không ánh lửa

trời mịt mùng. muông thú kêu hoang

 

cha đã đi qua vùng thảo nguyên

những năm ấy trời làm đói khổ

kẻ sống. người chết. đều trơ xương

lại thêm khắp bốn bề giặc giã

muôn oan hồn. dấp dúi. lang thang

nương thân nơi đầu sông cuối bến

ngày gầy xơ. lất phất mưa phùn

đường bạch dương. chiều. không quán trọ

hành nhân. hành nhân. đêm thu phân

 

cha trở về trong căn nhà gỗ

trao cho ta chiếc gậy tìm đường

đêm uống trà khan. đọc thơ cổ

xót đời. qua một tiếng độc huyền…

Hình bóng người cha được nhắc nhiều trong văn chương và âm nhạc. Không thiếu những người cha đã làm lụng cực nhọc một đời để nuôi con khôn lớn, thành đạt. Lại có những người cha xả thân che cho con qua cơn hỏa hoạn, bão tuyết…Cũng có những người cha bị thảm nạn, để lại cho con bao nỗi đau buồn tiếc thương như trong phim Will của đạo diễn Eusong Lee, đã đoạt giải tại The Student Academy Award vào ngày 8 tháng 6.2013 (shortoftheweek.com/2012/05/02/will/). Mở đầu và kết phim là lời của người cha được đọc bằng một giọng nam cảm động, “con gái, cha sẽ không sao đâu, cha sẽ trở về,” phim kể, người cha là một trong hàng ngàn nạn nhân của thảm họa khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001 tại World Trade Center, buổi sáng ông chia tay con gái đi làm và rồi không về nữa, cô bé với nỗi nhớ thương cùng ý muốn mãnh liệt đã cố gắng với món đồ chơi yo-yo (mà người cha cho trước khi đi làm đã cho bé) để quay ngược thời gian về lại thời điểm lúc sáng cha chia tay, và cái chết đã không xảy ra. Phim dài chỉ 4 phút, hình ảnh được thể hiện bằng những nét cắt kim cương như những vết buồn sắc nhọn cứa vào cảm xúc.

Paul Anka “Papa” – nguồn youtube

Nhớ năm nào ngày Father’s Day. Nguyễn ngồi nghĩ đến bao chuyện trên đời rồi nghĩ đến cha mình. Và bài hát Papa bỗng trở lại trong tâm trí. Ðã nhiều, rất nhiều lần mình nghe Paul Anka hát ca khúc này và mỗi lần nghe lại rưng rưng nước mắt.

Xem thêm:   John Steinbeck & ngôi nhà mùi gỗ sồi ở Salinas

Sau đây là nội dung ca khúc Papa của Paul Anka

Mỗi ngày cha tôi làm lụng để nuôi sống gia đình

để được nhìn thấy chúng tôi có cái ăn

để chân chúng tôi được mang giày ấm

Mỗi đêm cha bế  tôi lên giường và hôn vào trán tôi

cùng tôi cầu nguyện

Và rồi có những năm tháng buồn rơi lệ

nhưng chúng tôi mạnh mẽ vượt qua

Thời gian khốc liệt

nhưng cha kiên cường

mẹ thì luôn đứng bên cha

cùng nhau vượt qua khốn khó

Và rồi thời gian trôi qua, cha ngày một già đi, mẹ ốm đau bệnh tật. Một ngày kia mẹ qua đời và cha hoàn toàn suy sụp, người kêu lên: “Trời ơi, sao lại là bà ấy? Sao không mang tôi đi?” Mỗi ngày cha ngồi khóc nức trên chiếc ghế dựa và không bước lên lầu nữa vì không có mẹ trên ấy. Thế rồi một hôm cha bảo tôi: Con cứ đi đi tạo lập cuộc đời của riêng mình. Ðừng lo lắng. Ðể cha một mình không sao.

Và cha nói: Có những việc con phải làm. Có những nơi con phải được nhìn thấy. Và đôi mắt cha buồn thật là buồn khi cha nói lời chia tay với tôi…

Trên là tóm tắt nội dung bài Papa của Paul Anka. Tình cảm cha con ở đây thật tuyệt vời.

Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh cũng có một bài rất hay viết về cha, tựa là ‘Cây Cô Ðộc’.

Xem thêm:   Tháng Ba, đưa người

Từ “Cha” chỉ là một tên gọi khác của lòng yêu thương (Fanny Fern)

Đêm khuya đèn hắt bóng rầu rầu

Lệ chữ theo hoài trang sách sâu

Cha buông nét bút sầu ẩn sĩ

Một dải sơn hà một nỗi đau

Cách đây ba mươi mấy năm, tôi đã viết về cha tôi như thế. Cảm xúc từ một đêm rất khuya đi ngoài ban công nhìn vào bàn làm việc cha bên cửa sổ còn ánh đèn, in trên gương mặt xương nét sầu muộn cô độc. Chẳng bao lâu sau đó, ông bị đem đi, rất xa nhà. Không hiểu sao cuộc đời cha cứ đong đưa tù ngục, của cả hai phía. Tôi nghĩ cha tôi thật sự là người mơ mộng. Tại vậy, mà ông đúng là cây cô độc, như ông viết trong một vở kịch dở dang. Dang dở như sự nghiệp và hoài bão của ông. Cái nỗi đau dải sơn hà trong tâm cha thôi hãy để tan vào bụi tro trong chiếc tĩn im lặng. Cha ơi. Con chỉ muốn nhắc đến tình cha, yêu thương con gái như thể mình là chỗ cho nó hành tỏi yêu thương. Làm nũng hết biết (giờ mới biết thế), từ cái ngày còn mặc áo đầm xòe trắng cho đến tuổi vòi tiền may một cái áo dài lụa hoàng hoa.

Ôi, còn nhiều nữa những chuyện cảm động về cha. Xin hẹn cùng người Father’s Day sang năm sẽ viết tiếp.

TN