Từ Facebook Đỗ Ngà

Tại các nước dân chủ, chống tội phạm là nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát, nhưng tại Việt Nam thì không hẳn như vậy. Nhiệm vụ chấp pháp của ngành công an CS chỉ là thứ yếu, nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Bắt bớ những người bất đồng chính kiến hay giả dạng côn đồ tấn công những nhà hoạt động nhân quyền vv… đó là nhiệm vụ chính của họ, vì nó bảo vệ chế độ. Khi bắt cướp hay triệt phá nhanh những vụ án nghiêm trọng thì công an cộng sản hay được nhận một khoản “thù lao” được trá hình dưới dạng “khen thưởng”. Nếu không có thưởng họ đẩy việc bắt cướp cho “hiệp sĩ đường phố” để họ bị thương hoặc chết thay. Đó là thực tế, việc làm đó nó tự tố cáo rằng, chấp pháp không phải là nhiệm vụ chính của công an CS.

Đấy là bản chất CS xưa nay, tuy nhiên hiện nay công an không những là công cụ của đảng dùng để bảo vệ đảng và bảo vệ chế độ mà nó còn là công cụ của nhóm lợi ích. Nguyễn Phú Trọng triệt hạ hàng loạt đối tượng thuộc phe khác, phần lớn cũng nhờ nắm được ngành công an. Ngày 21 Tháng Chín 2016, sau khi đá văng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài chính trị, Nguyễn Phú Trọng đưa mình vào đảng bộ công an để biến bộ này thành công cụ của cá nhân ông. Và thực tế 5 năm qua ông Trọng đã dùng nó để đánh gục hàng loạt tên tuổi lớn trong trung ương đảng và cả bộ chính trị nhằm độc chiếm quyền lực đỉnh cao, và càng về sau sức mạnh của ông ta càng được củng cố.

Vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ 2, ông Trọng đã chốt danh sách và tiến hành “phát thưởng” cho hàng loạt tướng tá ngành công an mà đã làm công cụ nhiệt tình giúp ông thanh trừng phe cánh và đe dọa cho nhân dân biết sợ. Phần thưởng lớn nhất cho các quan chức ngành công an không phải là thứ tiền thưởng nào cả mà là chức tước. Với thời kỳ mua quan bán tước rầm rộ như hiện nay, một chức đại biểu quốc hội không có quyền lực gì lớn còn đáng giá đến 1.5 triệu đô thì hàm cấp tướng ắt phải cao hơn thế. Như vậy, ông Trọng phong tước cho thuộc hạ cũng có nghĩa là ông đã ban cho những kẻ đó cả núi tiền chứ không ít. Vì chức lớn nó là công cụ hái ra tiền cho quan chức.

Trước ngày đại hội 13 có vài ngày, ông Trọng đã “phong tước” cho bảy tướng công an gồm: Nguyễn Văn Sơn-thứ trưởng Bộ Công An được thăng từ trung tướng lên đại tướng; Nguyễn Duy Ngọc, Nguyễn Hải Trung và Nguyễn Minh Chính được phong từ thiếu tướng lên trung tướng; Nguyễn Văn Long, Phan Thanh Tuấn, và Hoàng Văn Toàn được phong từ đại tá lên thiếu tướng.

Trong các người được phong tước này, có người có công lao mà chỉ riêng Trọng mới biết, có người giúp Trọng tạo thế độc tôn hôm nay mà ai cũng biết, có thể kể ra một số tên tuổi sau:

Thứ nhất, Nguyễn Duy Ngọc – thứ trưởng Bộ Công An, là đối thủ chính trị của Nguyễn Đức Chung từ thời ở công an thành phố Hà Nội. Vụ triệt hạ Nguyễn Đức Chung của ông Trọng được cho là có bàn tay trợ lực của Nguyễn Duy Ngọc.

Thứ nhì, Nguyễn Hải Trung – giám đốc công an Hà Nội. Đêm ngày 8 rạng sáng ngày 9/1/2020, ông này mà đã xua 3000 cảnh sát cơ động vào thôn Hoành xử tử cụ Kình và mang xác cụ về phanh thây. Ông này có công giúp ông Trọng làm cho dân oan khiếp sợ mà câm họng. Thế là được “phong tước”.

Thứ ba, Nguyễn Minh Chính – Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Kẻ này chịu trách nhiệm thi hành luật mà ông Trọng cho mang từ Tàu về để kiểm soát tư tưởng người dân, đó là luật an ninh mạng. Bóp mõm dân thì có công với đảng, thế là được “phong tước”.

Còn ở Bộ Quốc Phòng, ông Trọng đang củng cố thế lực cho mình bằng cách cho thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng cho hai thứ trưởng Bộ Quốc Phòng là Nguyễn Tân Cương và Võ Minh Lương.​​

Trước kia ông Nguyễn Tấn Dũng dùng tiền tham nhũng để mua sự ủng hộ Trung ương đảng tạo thế mạnh. Tuy nhiên yếu điểm của phương pháp này là nếu kiếm được tiền tham nhũng thì kéo theo đó là sai phạm ở hàng loạt các dự án kinh tế. Những quả đấm thép vừa tạo ra tiền cho ông Dũng nhưng nó vừa là cái bẫy để Nguyễn Phú Trọng lợi dụng nó vùi chôn sự nghiệp chính trị của Dũng luôn. Cách của Dũng mang tính võ biền thiếu chiều sâu, nên thua Trọng là phải.

Nguyễn Phú Trọng xây dựng sức mạnh khác với Dũng, ông ta ban tước thay vì cho tiền. Thay vì tham nhũng tiền bạc như Dũng, ông Trọng chỉ lo tham nhũng quyền lực để tránh tiếng xấu. Có quyền lực thì ắc sẽ có tiền, tiền nhiều là khác. Tuy nhiên, về mức độ nguy hiểm thì tham nhũng quyền lực đáng sợ hơn nhiều. Dùng mọi cách để chiếm đoạt quyền lực kể cả bán mình cho ngoại bang, sau đó dùng quyền lực để ban quyền lực cho thuộc hạ, cách này mua lòng trung thành lâu bền hơn, và tạo sự phục tùng tốt hơn. Lòng trung thành được mua bằng tiền nó dễ bị trở mặt nếu bạn cạn tiền. Đó là lý do tại sao ông Trọng bám được ghế đến nhiệm kỳ thứ ba nhưng Nguyễn Tấn Dũng thì dừng lại ở nhiệm kỳ thứ hai, dù rất muốn đi tiếp.

Với thủ đoạn thâm hiểm, tham vọng quyền lực vô hạn và đang ở đỉnh cao quyền lực, ông Trọng có thể sẽ càng ngày càng mạnh và việc thực hiện ước mơ cầm quyền cho đến chết là hoàn toàn có thể. Để dọn đường cho bản thân cầm quyền đến chết, có thể ông Trọng hoặc sửa điều lệ đảng hủy bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ hoặc tạo ra “suất đặc biệt” cho riêng mình mỗi khi đến đại hội đại biểu toàn quốc.

Túm lại, Nguyễn Phú Trọng, đang muốn cầm quyền cho đến chết và ông đang dùng mọi thủ đoạn cho mục đích đó.

Lãnh đạo Đảng CSVN dự Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 25/1/2021: (từ trái qua) Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Nguồn: AFP