Từ Facebook Luân Lê

“GDP ở Việt Nam tăng trưởng tới 6 – 7% qua mỗi năm, còn ở Mỹ chỉ tăng khoảng 2 – 3% là họ đã vui lắm rồi. Các bạn đang sống ở một trong những quốc gia phát triển mạnh nhất thế giới” – Lời của Shark (“cá mập” hay còn gọi là nhà đầu tư) Louis Nguyễn.

Nên nhớ rằng “cá mập” chiếm ngự đại dương chỉ bởi nó chỉ để cho kẻ khác thấy được phần nhỏ cái “vây” của nó. Những con số chỉ đơn giản là một sản phẩm mà một chế độ độc tài sản xuất được dễ dàng nhất, thứ mà một thị trường tự do không thể đảm bảo dù chỉ là cố gắng tưởng tượng ra.

Hơn nữa về mặt số học, bội số lớn của một cơ số bé thì cũng không có ý nghĩa và không thể so sánh nổi với một bội số nhỏ của cơ số lớn. Ngoài ra, về mặt thành tố (bối cảnh) để nó có giá trị là sự ảnh hưởng của nó đối với nền tảng của quốc gia. Anh có gì và đời sống an sinh cũng như mức giá lẫn quyền tự do mà anh được đảm bảo như thế nào, nó có ý nghĩa hơn hẳn các con số (kinh tế vĩ mô) được thổi phồng lên.

Một thị trường hoang dã và theo chế độ can thiệp mạnh mẽ (kế hoạch hoá) của nhà nước thì những vấn đề tăng trưởng chỉ làm lợi cho những nhà độc tài hoặc sân sau (lợi ích thân hữu của nó) hoặc khu vực/nguồn lực phụ cận, hầu hết nó vô nghĩa với tuyệt đại đa số người dân dân sự. Các đạo luật và về các quyền cơ bản cùng các thiết chế có tham gia vào để tạo nên sự tăng trưởng đó làm cho nó có giá trị hay không, hay bản thân nó phần nhiều chỉ được ấn định bởi những chính sách quyền lực đơn phương từ nhà nước và phục vụ một số rất ít người?

Các con số, muốn có bao nhiêu cũng được, sang Triều Tiên, bạn còn chẳng cần tới khái niệm kinh tế cơ bản này, nhưng dân vẫn thấy hạnh phúc nghẹn ngào. Trung Quốc thì sao, nó cho ta thấy một nhà tù khổng lồ của nhân loại với sự cai trị phi nhân của chế độ không cần luật pháp (và đạo đức) mà kinh tế có lúc báo cáo tăng trưởng tới 10%/năm (bây giờ đã giảm còn hơn 5%). Nó cũng như Liên Xô, sau khi dồn tổng lực cho tăng trưởng kinh tế trong một giai đoạn, nó hụt hơi, rối loạn và “vỡ bong bóng” bởi đã hết các kế hoạch mà nó có thể vạch ra. Đông Đức trước khi sụp đổ còn nợ đầm đìa mà chủ nợ lớn nhất của nó là Tây Đức, kẻ bên kia bức tường ngăn đôi đất nước.

So sánh sai phương pháp và sai cả đối tượng, kể cả cơ học về kiến thức toán học. Không phải anh ta không biết, mà vì anh ta là “cá mập”, nên việc của anh ta là ăn thịt ở một cánh rừng hoang dã mà anh ta đã có sự chiếm lĩnh. Chứ không đời nào anh ta muốn bước vào lãnh địa của một thị trường tự do mà sự sống còn được quyết định bằng năng lực cạnh tranh tự thân của các thành phần.

Anh ta thử đòi hỏi “một nền kinh tế lấy tư nhân làm nền tảng và đa nguyên tư tưởng” xem anh ta có bị xét xử như một số bản án đã dành cho những người bất đồng chính trị không? Nó còn sừng sững trong các phán quyết đã được tuyên còn cách đây chưa quá lâu.

Họ hiểu cả, nhưng họ không muốn nói về bất công, họ còn thậm chí bỏ mặc hoặc tiếp tay cho bất công vì nhờ nó mà họ mới “tăng trưởng” được khối tài sản của mình. Nếu họ dám bàn về các bất công, họ sẽ không đưa ra các lập luận sai trái để đánh lừa người khác. Nó là một cái lý cơ bản của nhận thức về lẽ công bình. Vì nhà đầu tư chân chính nào cũng là đang góp phần vào thúc đẩy xã hội phát triển và văn minh.

Và cái cuối cùng tôi muốn nói, cái vui lớn của một con lợn khác hoàn toàn với cái đòi hỏi rất nhỏ thực sự của một con người. Các nhà tài phiệt (quốc doanh) giúp cho chế độ độc tài duy trì được sự cai trị của mình, cho nên công lao của giới này đối với sự thống trị (mà ở đó các sự bất công được tạo nên) là khá lớn.

Lời của một “cá mập” Việt Nam –  Từ Facebook Luân Lê