Từ Facebook Anh Son Tran Duc

* Câu chuyện thứ nhất: Hòa giải giữa hai miền Bắc – Nam nước Mỹ sau cuộc nội chiến (4/1861 – 4/1865)

Cuộc nội chiến giữa hai miền Bắc – Nam của nước Mỹ kéo dài tròn 4 năm, làm chết 620.000 người và hàng triệu người bị thương tích. Kết quả là liên quân miền Bắc thắng trận, thống nhất đất nước, giải phóng nô lệ, nước Mỹ bước vào một kỷ nguyên mới.

Ngay sau khi đánh bại phe miền Nam, tướng chỉ huy quân đội miền Bắc (phe thắng trận là Ulysses Simpson Grant (1822 – 1885, về sau là Tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ, tại vị từ 4/3/1869 đến 4/3/1877), đã lấy cây bút chì và tờ giấy viết vội những điều khoản và trao cho tướng Robert E. Lee (1807 – 1870), tổng chỉ huy quân đội miền Nam thua trận, về thỏa thuận đầu hàng. Trong đó, tướng Grant đã ghi rõ những đối xử của phe thắng trận đối với phe thua trận:

1. Binh lính miền Nam sẽ không bị coi là quân đội phản quốc.
2. Binh lính miền Nam sẽ không bị đi tù.
3. Chính phủ không được đụng tới hoặc làm họ phiền hà nếu họ chấp hành tốt luật lệ nơi cư ngụ.
4. Kỵ binh miền Nam được quyền mang ngựa và lừa về nhà để giúp gia đình họ cày cấy vào mùa xuân.
5. Binh lính được quyền giữ lại khí giới cá nhân để giúp họ bảo vệ gia đình.

Nghĩa trang và mộ phần của các liệt sĩ phe chiến bại tại Mỹ. – Từ Facebook Anh Son Tran Duc

Sau khi xem qua những điều tướng Grant vừa viết, tướng Lee nói: “Những điều này sẽ có tác động tốt đến quân sĩ của tôi. Chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc chúng ta”.

Tướng Lee cho biết ông sẽ trao trả những tù binh miền Bắc vì ông không có đủ lương thực cho họ. Tướng Grant đáp lại rằng ông sẽ gửi ngay cho binh lính miền Nam 25.000 phần lương thực khô. Ông cũng ra lệnh cho in 28.231 giấy phóng thích cho binh lính miền Nam. Tướng Grant sau này thú nhận là ông rất ngần ngại và thực sự hổ thẹn khi phải hỏi Tướng Lee nói về quyết định đầu hàng.

Khi tin phe miền Nam đầu hàng bay đến doanh trại, quân miền Bắc định bắn đại pháo chào mừng. Tướng Grant ra lệnh ngưng ngay lập tức các hoạt động ăn mừng. Ông nói với các sĩ quan dưới quyền: “Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta”. Ông cho rằng hai bên không còn là kẻ thù, và cách tốt đẹp nhất để bày tỏ niềm vui của miền Bắc là “không vui mừng trước thất bại của miền Nam”.

Theo quy luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng. Tự do trở về quê cũ như các dân thường. Tướng Lee đồng ý nhưng chỉ đòi hỏi một điều sau cùng là yêu cầu cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu. Không phải ngựa của chính phủ cấp như lính miền Bắc. Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà mà xây dựng lại nông trại.

Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement), bởi họ cùng một suy nghĩ: “Khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục”.

[Quý vị có thể đọc thêm chi tiết ở link sau: https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nuoc-my-sau-noi-chien-va-bai-hoc-hoa-hop-dan-toc.html?fbclid=IwAR0TIXqHrMmaX0xJEZTm15sS_PjEKA5TqybBI6otiKOgUTwPP978B9UzWl8]

* Câu chuyện thứ hai: Binh sĩ Khmer Đỏ thua trận trở thành binh sĩ của quân đội Hoàng gia Campuchia

Sau khi quân Khmer Đỏ bị đánh bại ở căn cứ quan trọng của họ là Pailin vào năm 1994, tôi đọc báo nước ngoài, thấy phe thắng trận của Campuchia, do Hun Sen cầm đầu đã tuyên bố là những người lính Khmer đỏ nào tự nguyện giao nộp vũ khí, trút bỏ quân phục của Khmer đỏ, và muốn tham gia quân đội Hoàng gia Campuchia (thật ra là quân đội do Hunsen kiểm soát) thì sẽ được tiếp nhận và trở thành binh sĩ Hoàng gia Campuchia.

Đến năm 1999, Khmer Đỏ sụp đổ hoàn toàn, những người lính Khmer đỏ hoặc là trở về làm thường dân, hoặc tham gia quân đội Hoàng gia Campuchia.

Không thấy báo chí đưa tin họ bị “bên thắng cuộc” bắt đi học tập, cải tạo. Chỉ có những kẻ đầu sỏ như Khieu Samphan, Ieng Sary, Nuon Chea… mới bị tầm nã, bắt giam và đưa ra tòa án quốc tế để xử tội.

* Câu chuyện thứ ba: Lính Taliban thua trận gia nhập quân đội Afghanistan thắng trận

Khi Taliban bị đánh bật khỏi Afghanistan vào năm 2001 bởi liên quân giữa Mỹ, Anh quốc và Liên minh phương Bắc (liên minh của những người Afghan chống Taliban), thì tôi xem TV nước ngoài, thấy đưa tin là binh lính Taliban giao nộp vũ khí cho phe thắng trận.

Ngay sau đó họ được tuyển dụng làm binh sĩ của phe thắng trận và cuối cùng là trở thành binh sĩ của quân đội Afghanistan hiện nay.

—-

P/S: Không biết về sau phe thắng trận ở mấy nước trên có tổ chức tiểu lễ hàng năm, trung lễ 5 năm / lần và đại lễ 10 năm / lần, để ăn mừng chiến thắng và đào thêm hố sâu thù hận với phe thua trận hay không, vì không thấy báo nào đăng mấy việc nớ cả.

NGƯỜI NƯỚC HUỆ (@ Đà thành, Quảng Nam quốc)