Từ RFA, tác giả Nguyễn Vũ Bình

Các trận mưa to và lũ lụt liên tiếp ở các tỉnh miền Trung từ ngày 11-10 tính đến sáng ngày 20-10 đã có 105 người chết và 27 người mất tích. Thiệt hại về hoa màu, gia súc và vật chất là không thể thống kê nổi. Các tỉnh như Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình lũ lụt đều vượt qua tất cả các mốc lịch sử trước đó. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chìm trong lũ được hai ngày. Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn đang có một cơn bão lớn hình thành ở biển Đông sắp đổ bộ vào Việt Nam. Có thể nói, chưa từng có một trận lũ lụt nào lớn như vậy đổ vào các tỉnh miền (trung và bắc) trung bộ nước ta.

Để nói về nguyên nhân trận lũ lụt lịch sử này, gần cả tuần nay, cộng đồng mạng và dư luận đã có nhiều người lên tiếng. Tất nhiên, đó trước hết là các trận mưa lớn, thuộc về thiên nhiên, và gây ra hậu quả được gọi là thiên tai. Nhưng mưa và mưa lớn không phải bây giờ mới có, và sự hủy hoại không thể có sức mạnh to lớn như các trận lũ lụt liên tiếp vừa qua ở miền Trung được. Nhiều người khẳng định, hậu quả đó là có sự góp sức của con người, do con người gây ra cộng với sức tàn phá của thiên nhiên. Họ chỉ đích danh thủ phạm là những kẻ đã đưa tới việc phá rừng, hủy hoại rừng nhất là rừng nguyên sinh, và các công trình thủy lợi mọc lên khắp nơi ở miền Trung Việt Nam.

Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria. Trước năm 1945, sau hàng trăm năm bị người Pháp cai quản, khai thác thuộc địa nhưng diện tích rừng nguyên sinh Việt Nam là 38.9% diện tích đất liền. Sau năm 1975 (trải qua 30 năm chiến tranh) diện tích rừng tự nhiên Việt Nam còn 29.8% diện tích đất liền. Năm 2015, sau 40 năm thống nhất đất nước (theo cục thống kê) thì diện tích rừng nguyên sinh Việt Nam còn khoảng 4%, còn lại là rừng trồng. Nguyên nhân mất rừng nguyên sinh là do nhà cầm quyền đã phê duyệt các dự án chuyển đổi rừng, đầu tư các dự án thủy điện, các dự án khai thác khoáng sản… kế đến là sự yếu kém và tham nhũng trong công tác bảo vệ rừng, sự thông đồng, cấu kết, tiếp tay, chia chác của các giới chức hữu quan cũng như lực lượng kiểm lâm đã tiếp tay cho lâm tặc chặt phá rừng. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT), chỉ trong hơn 5 năm từ năm 2012 -2017, trong tổng số diện tích rừng tự nhiên đã bị mất, 89% do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt. Chặt phá rừng trái pháp luật chiếm 11%, có nghĩa là rừng bị tàn phá do lâm tặc chỉ chiếm hơn chục phần trăm mà thôi.

Các chuyên gia ngành lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng. Rừng nhiệt đới có nhiều tầng, có cây 40-50m, dưới còn có thảm thực vật và các tầng cây khác. Nếu lượng mưa không lớn, nước chỉ ở trên tầng các lá cây, thậm chí không rơi được xuống đất. Còn khi nước mưa xuống đất, đã có lớp đầu thảo mục (cành, lá cây mục…) sẽ giữ nước tới 80-90% và ngấm dưới đất tạo thành mạch nước ngầm. Còn nước mặt 10-20% là lượng nhỏ, ít có khả năng gây lũ ống, lũ quét cho con người. Với các loại rừng khác, chỉ có tác dụng cản lũ và giữ nước khoảng 20-50% so với rừng tự nhiên. Như vậy, chặt phá rừng nguyên sinh là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới lũ lụt do chính con người gây ra.

Đối với các công trình thủy điện, theo tính toán của một chuyên gia, để làm 160 dự án thủy điện, phải mất 20.000 ha rừng, trung bình mỗi dự án thủy điện được hình thành, sẽ có 125 ha rừng bị xóa sổ. Một thống kê khác cũng cho thấy, cứ 1 MW điện sẽ mất 10 ha rừng. Việt Nam hiện nay đang có 362 công trình thủy điện đang hoạt động, trong đó có 321 công trình thủy điện vừa và nhỏ. Đối với các công trình thủy điện lớn, với dung tích hồ chứa lớn có thể sử dụng để điều hòa lượng nước từ thượng nguồn và phần nào hạn chế lũ lụt dưới hạ du. Nhưng với các công trình thủy điện nhỏ hay còn gọi là thủy điện “cóc”, khi mùa khô dưới hạ du cần nước tưới tiêu, họ lại tích nước để sử dụng quay tua bin thủy điện. Khi mùa mưa đến, nước mưa tràn về, dung tích hồ chứa nhỏ không chứa được nước, các công trình thủy điện này lại xả nước để bảo vệ hồ chứa. Việc nước thủy điện xả tập trung kết hợp với nước thượng nguồn đổ xuống làm tăng nguy cơ lũ lụt cho người dân, gọi là lũ chồng lên lũ. Một ví dụ điển hình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế (nơi xảy ra sạt lở đất ở công trình thủy điện Rào Trăng 3, gây ra cái chết và mất tích cho 17 công nhân cũng như 13 sĩ quan, cán bộ chiến sĩ Quân khu IV và cán bộ huyện Phong Điền), Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền có 4 nhà máy thủy điện nằm ở vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái. Bốn nhà máy thủy điện trên đoạn sông chưa tới 30 km thuộc khu vực bảo tồn thiên nhiên!

Trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về các đoàn xe chở gỗ, những ngôi nhà của các cán bộ kiểm lâm, các quan chức quân đội, quốc phòng với hàng chục khối gỗ, các bộ bàn ghế khổng lồ gỗ quý chạm khắc tinh xảo, nhiều người đã tổng kết ngắn gọn: “Gỗ về nhà quan, Lũ về nhà dân”. Hàng năm, nhân dân luôn phải đối phó với mưa lũ, nhất là các tỉnh miền Trung. Người dân luôn là nạn nhân cho những chính sách của nhà nước, hậu quả tham nhũng, phá rừng của nhóm lợi ích, quan chức. Tuy nhiên, đợt lũ vừa qua, cũng đã có 2 quan chức lớn, hơn chục quan chức nhỏ đã phải chết chứ không chỉ người dân đen thấp cổ bé họng. Bằng cách này hay bằng cách khác, rừng sẽ gọi tên những kẻ đã phá hủy, hủy hoại những cánh rừng hàng ngàn năm tuổi, không thể thoát được. Vậy nên người ta đã nói, ăn của rừng rưng rưng nước mắt.

Nước lũ bủa vây nhà cửa của người dân Huế, ảnh chụp chiều 17-10 – Nguồn: thanhnien.vn