Hồ thủy lợi Krông Pách thượng (Đắk Lắk) được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 2.993 tỷ đồng, chiếm gần 2.300 Hecta  đất, 663 gia đình người dân (hơn 4000 người) phải di dời.

Tuy nhiên, đến 2020, dự án này đã nâng mức đầu tư lên 4.400 tỷ đồng. Và sau hơn 11 năm “quy hoạch”, “di tản” cùng những lời hứa hẹn xinh đẹp, đến nay vẫn chưa gia đình nào nhận được đền bù.

Không những vậy, mỗi năm đến mùa mưa, do việc thi công đập trễ nãi, ngăn dòng chảy, làm nước mưa ùn ứ, gây ngập ún hàng trăm Hecta hoa màu, nhiều tài sản của dân chìm trong biển nước. Đỉnh điểm của sự việc xảy ra vào sáng 17-8, hàng chục hộ dân bị ngập đất, hoa màu đã kéo lên khu vực đập chặn dòng số 1 yêu cầu chủ đầu tư giải quyết việc ngập úng.

Ngụp lặn trong nước lũ cắt từng nắm lúa non, ông Giàng Seo Chúng (thôn 11, xã Cư San) xót xa vì nước lũ đã cướp mất mùa thu hoạch do hồ thủy lợi Krông Pách thượng đắp đập, chặn dòng mà chưa bồi thường, hỗ trợ dân dời đi. “Nước dâng bất ngờ, cả làng bị ngập, cô lập. Thu hoạch cũng chỉ để vớt vát chứ lúa còn non lắm nhưng không thu thì mất trắng”, ông Chúng nói.

Ông Trương Đình Liên, giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện M’Đrắk, xác nhận việc chặn dòng khiến 2 xã bị ảnh hưởng trong vùng lòng hồ của thủy lợi Krông Pách thượng. Thời gian ngắn tới đây, diện tích sẽ bị ngập khoảng 800ha với 700 nhà dân với 4.000 người sinh sống.

Cũng theo ông Liên, việc để hoa màu, tài sản dân bị ngập nước là do việc bồi thường giải phóng mặt bằng quá chậm. Tuy nhiên, ông cũng kịp đổ lỗi này không phải do huyện mà vì Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A) không làm hết chức trách.

Mai Quang Vượng – giám đốc Ban 8, chủ đầu tư dự án – cho biết các giải pháp đưa ra trong tình huống nước đã ngập hoa màu, tài sản của dân là khơi thông cống dẫn dòng, làm cầu tạm… để rút bớt nước, cứu hoa màu tài sản của dân. Tuy nhiên, tất cả chỉ là giải pháp tạm thời, đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể, tổng thể…

Ông Vượng cho rằng rủi ro với người dân vùng lòng hồ sẽ còn khó lường hơn nữa trong thời gian tới mưa còn kéo dài với lưu lượng lớn hơn nhiều hiện nay. “Khi mùa mưa đến sẽ ngập cả nhà dân, lúc bấy giờ chỉ có trời cứu”

Người dân phải dầm mình gặt lúa non – Ảnh: tuoitre.vn

Nguồn tin: tuoitre.vn