Ảnh: Phước Lê
Đến hẹn lại lên, cứ khoảng cuối tháng 10, nếu không đi xa, thế nào tôi cũng lên Orlando dự Lễ Giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Lần thứ 56, năm nay Lễ Giỗ nhằm ngày 26 tháng 10. Ngày Quốc Khánh của nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa. Buổi sáng sớm thứ Bảy trên đường còn vắng xe, chỉ phải chờ đèn đỏ nên mất hơn 1 giờ, thay vì 1 tiếng rưỡi, tôi đã có mặt tại nhà thờ Thánh Phi-líp-phê Phan Văn Minh.
Bước vào cửa nhà thờ đã gặp nụ cười của một trong những người thuộc ban tổ chức. Ông Dương Đình Bằng, người đã cùng các anh em tổ chức Lễ Giỗ Cố Tổng Thống Diệm (TT Diệm) từ nhiều năm nay cho biết: Sinh trưởng trong một gia đình Công Giáo, khi nghe lời TT Diệm, theo gia đình di cư vào Nam thì ông mới học lớp mẫu giáo, đến khi lớn, đủ trí khôn để tìm hiểu và biết được sự thật về cuộc đời và cái chết của TT Diệm thì ông đã tham gia vào các công việc của Giáo Xứ mà việc tổ chức Lễ Giỗ là một việc cần làm và cần sự nối tiếp của nhiều thế hệ .
Cách bài trí quen thuộc như hằng năm. Đơn giản nhưng trang trọng. Bàn thờ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm với hoa, nến, lư hương. Hình cây tre với câu “Tiết Trực Tâm Hư”, một biểu tượng của người quân tử được treo bên dưới, phía trước bàn thờ. Phía sau bức hình bán thân, trên cao là lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, Quốc Kỳ của Việt Nam Cộng Hòa. Bàn thờ đặt gần giữa, trước Cung Thánh.
Đúng 10 giờ, trưởng ban tổ chức, ông Văn Đình Doãn khai mạc với lời cám ơn quan khách và đồng hương hiện diện. Tiếp đó là lời mời hai vị Linh Mục Đồng Tế, Cha Phó xứ nhà thờ St. Phi-lip-Phê Phan Văn Minh, Lâm Bá Trọng và Cha phó xứ nhà thờ St. James, Nguyễn Văn Chiến, cùng quý vị đại diện cộng đồng người Việt: ông Lê Thanh Liêm, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Tiểu Bang Florida, Bà Nguyễn Đức Minh Ngọc, Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Trung Tâm Florida (Orlando và vùng phụ cận), ông Chu Quang Điện, Chủ Tịch Cộng Đoàn Giáo Xứ Thánh Phi-líp-phê Phan Văn Minh, ông Nguyễn Văn Lợi, đại diện Đảng Việt Tân, hai đại diện giới trẻ là cô Mai Vũ Diễm Quỳnh, và Nguyễn Anh Vũ cùng lên niệm hương trên bàn thờ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Bà Hoàng Kiều Hạnh, một phụ nữ giới trung niên đã lên chia sẻ cảm nghĩ của mình. “….Ngày Cụ ra đi vì chủ mưu của ngoại bang và những loạn tướng cùng tay sai thì tôi mới đầy 5 tuổi thôi… nên khi có điều kiện tôi tìm hiểu thêm về Cụ… Đành rằng cho dù có kẻ thương, người ghét nhưng tôi chưa hề tìm thấy ai chê trách Cụ về nhân cách, về tính đạo đức, liêm khiết, cương trực và ngay thẳng của Cụ… Khi giết Cụ, họ không phải chỉ giết một anh hùng dân tộc Việt Nam mà giết cả một quốc gia, phá hủy tan tành hòn ngọc Viễn Đông, giết luôn cả nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã được ổn định, lương thiện và trong sạch nhất vùng Á Châu…”
Bà Kiều Hạnh ngậm ngùi khi so sánh: “Sau khi kết thúc nền Đệ Nhất Cộng Hòa, thì 3 năm sau đó, chưa một thời kỳ nào xáo trộn cho bằng thời kỳ này. Chính trị lẫn quân sự, bộ lãnh đạo trung ương và chính phủ thay đổi liên miên. Việt Cộng đã lợi dụng tình thế lúc bấy giờ đã tạo ra những trận đánh lớn như trận Bình Giã, rồi trận Đồng Xoài và biết bao trận nội chiến lớn nhỏ khác…. Rồi năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản cho đến hôm nay. Biết bao cảnh lầm than, ai oán mà tôi không thể kể cho xiết được. Đã 44 năm trôi qua trong đau thương, đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào đảng Cộng Sản và nhà cầm quyền của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện tại, để thấy hầu hết người Việt Nam đang bị bịt miệng và gặm nhấm trong uất ức và đau khổ tột cùng vì những điều mà nhà cầm quyền và đảng Cộng Sản Việt Nam đang làm. Nhưng đau đớn nhất là họ đã và đang dâng thác ghềnh, biển đảo, đất liền cho Trung Cộng mà tiền nhân của chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để đánh đuổi ngoại xâm mà dành lấy…. Đôi khi tôi tự hỏi: Nếu Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm không bị giết vào năm đó (1963) thì đất nước chúng ta sẽ như thế nào? Có khi nào đất nước chúng ta đã trở thành một đất nước hùng cường và giàu mạnh vào bậc nhất nhì Á Châu như Nhật và Nam Hàn bây giờ chăng? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, vì Sài Gòn thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông thì Nam Hàn vẫn chưa là gì đối với miền Nam Việt Nam thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm…”
Với thế hệ trẻ, bà Kiều Hạnh nhắn nhủ: “… Xin các giới trẻ cố gắng tìm hiểu để nói với bạn bè về dã tâm và tội ác của Cộng Sản, phải minh bạch lịch sử còn mờ ám để chúng ta chấm dứt sự hiểu lầm giữa Công Giáo và Phật Giáo dưới thời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vì sự hiểu lầm ấy do bàn tay Cộng Sản ném đá dấu tay, hợp cùng với quân phản loạn đã gây một sứt mẻ lớn lao trong dân tộc ta cho đến ngày hôm nay mà tôi vẫn còn nghe thấy … Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe.”
Lời chia sẻ chân tình, chính xác đã được người nghe đồng tình và khen ngợi bằng nhiều tiếng vỗ tay hoan nghênh. Bàn thờ được chuyển vào sát tường. Chương trình được tiếp tục với phần nghi thức tôn giáo. Thánh Lễ cầu hồn đã được hai Linh Mục Trọng và Chiến đồng tế lúc 10:20am. Ca Đoàn Thánh Gia với đồng phục nữ là áo dài tím, nam mặc áo trắng quần đen. Lời ca nguyện trầm bổng mang bình an đến mọi tâm hồn. Một lời ca là hai lời kinh, dâng về Thiên Chúa toàn năng để cầu nguyện cho linh hồn Cố Tổng Thống Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu.
Bài giảng của Linh Mục Nguyễn Văn Chiến đã nhắc nhở giáo dân: “ Phúc cho ai chết vì công chính, bởi nước Trời là của họ. Khi Tổng Thống Diệm mất, tôi mới 10 tuổi nhưng vẫn biết mình và gia đình đã hưởng những ngày an vui…
…Không phải Giỗ để hoài niệm quá khứ mà là để tri ân người vì nước, vì dân… Một người có tài, có đức, có tâm, có tầm nhìn xa…..
…Sự ra đi của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một mất mát lớn cho dân tộc Việt Nam…”
Bốn câu thơ :
“Ngô chí sĩ, người anh hùng vĩ đại/ Đã ra đi còn để lại tiếng thơm
Như mặt trời, người ngự trị trong tim/ Lòng thế hệ muôn ngàn năm tưởng nhớ”
của ông Võ Duy Linh đã kết thúc buổi Lễ Giỗ. Thay mặt cho ban tổ chức, ông gửi lời cám ơn đến quý vị hiện diện, những người bảo trợ cho buổi Lễ Giỗ, đồng thời mời mọi người dùng bữa trưa thân mật. Rất chu đáo, ông Nguyễn Hùng Cường, trưởng ban ẩm thực đã sẵn sàng những hộp thức ăn với xôi gấc, xôi lá cẩm, chả chiên, chả giò, bánh dày, bánh ít lá gai, bánh bột lọc… những món ăn thuần túy đầy hương vị Việt Nam kèm theo chai nước suối để giải khát.
Mọi người chia tay ra về trong lời chúc bình an cho nhau.
T.P