Vị tha không cần phải làm gì to tát, đội đá vá trời, mà trong từng việc nhỏ nhặt khi làm đều nghĩ đến lợi ích của người xung quanh, sao cho hài hòa vui vẻ thì đó cũng là vị tha.

Người Little SG tưởng niệm cố tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 26-10-2021 – biểu tượng của lòng vị tha. Photo: tạ phong tần / trẻ

Trước hết, xin quý độc giả cho phép tôi được dông dài một chút về ngôn ngữ tiếng Việt. Ngôn ngữ tiếng Việt bị ảnh hưởng rất nhiều từ tiếng Hán (Trung Hoa.) Theo giáo sư Phương Ðông học Henri P. G. Maspero (Mã Bá Lạc, 1883 – 1945) thì tiếng Việt có 50% từ ngữ vay mượn gốc Hán. Ðiều này cũng không có gì lạ khi tộc Việt “1,000 năm Bắc thuộc,” tấu chương của triều đình, thi cử đều dùng chữ Nho, tức chữ viết Trung Hoa nhưng đọc theo âm Việt. Các từ ngữ mà chúng ta sử dụng rất quen thuộc thời nay như: “phi trường,” “phi công,” “phi cơ,” “quân nhu,” “quân nhân,” “quân tiếp vụ,” “bảo sanh viện,”… đều là từ ngữ Hán-Việt. Tuy nhiên, dù là Hán- Việt hay thuần Việt (Nôm) thì đều theo nguyên tắc các cặp từ đôi luôn tương đồng, Nôm thì Nôm hết, Nho thì Nho hết, chớ không “nửa nạc nửa mỡ.” Lâu nay, nhiều người vẫn nhầm tưởng “vị tha” là bao dung, tha thứ lỗi lầm. Hiểu vậy là sai. Chữ “vị” (Hán -Việt) ở đây nghĩa là vì. Nếu cho rằng tha là tha thứ, bao dung (nghĩa Nôm) là sai căn bản về văn phạm, mà các cụ nhà ta ngày xưa viết câu, dùng chữ rất nghiêm túc, thận trọng, súc tích, không bao giờ phạm lỗi văn phạm ngớ ngẩn như vậy. Chữ đầu là Hán-Việt thì chữ sau trong cặp từ cũng phải là Hán-Việt, nên chữ “tha” ở đây là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba (số ít và số nhiều, tha nhân,) nghĩa là người khác, hiểu rộng ra “tha” là công chúng, cộng đồng, đồng bào. Vị tha ở đây nghĩa là “vì người khác,” hy sinh quyền lợi của mình cho người khác.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/18/2024)

“Nói gần nói xa chẳng qua nói thật.” Hôm nay tôi phân tích sâu hai chữ “vị tha” trước khi trình bày với quý độc giả những con người vị tha mà tôi gặp họ hàng ngày. Không cần phải đi tìm kiếm ở đâu xa xôi những bậc anh hùng “cứu nhân độ thế” đã làm những việc long trời lỡ đất cho chúng sanh, nhân loại, rồi ta lại than thở “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Anh hùng như lá mùa thu.” Hai năm nước Mỹ oằn mình trong cơn khủng hoảng vì bệnh dịch, cũng chính là lúc tôi nhìn thấy rõ nhứt nghĩa cử từ những người rất bình thường. Họ hành động vị tha mà không cần ai biết tên, biết mặt.

Vị tha không cần phải làm gì to tát, đội đá vá trời, mà trong từng việc nhỏ nhặt khi làm đều nghĩ đến lợi ích của người xung quanh, sao cho hài hòa vui vẻ thì đó cũng là vị tha. Tỷ như trong thời gian khan hiếm giấy vệ sinh, gạo, thuốc men, tôi biết có những người chỉ mua vừa đủ dùng, để cho người khác còn có thể mua, đó là vị tha. Tôi biết những người làm việc trong ngành y cố gắng làm thêm giờ để đồng nghiệp có thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe, có thời gian chăm sóc gia đình, để người bệnh không phải kéo dài thời gian chờ đợi, đó là vị tha.

Nhường cơm xẻ áo, khi bạn có đủ thức ăn, bạn không chen chúc xếp hàng xin thêm thực phẩm mà để người còn thiếu nhận, đó chính là vị tha. Ra đường, bạn không hút thuốc, không ném tàn thuốc lá xuống lòng đường trong khi lái xe, đó là vị tha. Bạn nhường cho ai đó lái xe từ bên trong ra đường lớn khi thấy họ đứng chờ đã lâu mà không thể ra được vì lưu lượng xe cộ quá nhiều, đó là vị tha. Bạn giữ cánh cửa cho người khác bước vô tiệm dù đó không phải là trách nhiệm của bạn, gọi là lịch sự cũng được mà gọi là vị tha cũng đúng. Ði ăn tiệm, thấy thức ăn ngon, trước khi ra về bạn để thêm tiền típ và dặn người hầu bàn thưởng cho đầu bếp, đó là vị tha. Thật sự, người ta ra tiệm ăn, trả tiền và rời đi coi như đó là việc hiển nhiên, ít ai nghĩ tới cái nóng như thiêu trong căn phòng bếp kín luôn hừng hực lửa giữa mùa Hè. Nếu cảm thấy sức khỏe không tốt, bạn từ chối đến những nơi đông người, đó là vị tha, vì bạn lo lắng người khác có thể bị nhiễm bệnh giống như bạn.

Khu thương xá VN trên đại lộ Bolsa. Photo: tạ phong tần / trẻ

Không phải cứ “cho đi” mới là vị tha, luôn hành động giữ vững nguyên tắc công bằng, bình đẳng cũng là vị tha. Vì vậy, tôi đánh giá cao việc người quản lý các tiệm cung cấp hàng hóa rất nhanh chóng nắm bắt tin tức, tình hình để áp mức “giới hạn” cho mỗi thứ hàng hóa bán ra. Bán hàng lẻ tẻ cho từng khách hàng chưa bao giờ là phương thức có lợi cho doanh nghiệp, mà bán nhanh, bán số lượng nhiều, rút ngắn thời gian chứa hàng mới là có lợi. Nhưng người quản lý quyết định áp mức “giới hạn” nhằm bảo vệ quyền được đối xử công bằng với nhóm khách hàng nghèo dễ bị tổn thương, tức là người quản lý đã hành động vị tha.

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Thập niên 90, kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển trở lại, qua rồi cái thời tắm bằng xà bông đá 72% dầu và gội đầu bằng xà bông bột Viso, thì rất nhiều người Việt cũng trở nên “chảnh chó.” Lúc này cơ sở tư nhân sản xuất rất nhiều xà bông cục tắm (giống xà bông Cô Ba ngày xưa nhưng lấy tên hiệu khác,) xà bông cục do hãng Unilever đầu tư ở Việt Nam cũng có.  Lúc này, các quý vị “chảnh” có tí hơi tiền nhứt định phải xài sữa tắm (Body Wash Pump) mới chịu, như vậy mới “văn minh,” “sang trọng.” Biết ai xài xà bông cục tắm thì họ trề môi “dài cả thước” ra vẻ khinh thị “nhà nghèo.” Do đó, tôi cứ tưởng nước Mỹ văn minh, giàu có thì xà bông cục là thứ hàng hóa cổ lỗ sĩ đã “tiệt chủng” rồi. Vậy mà khi sống ở đây tôi thấy rất nhiều chợ, tiệm của Việt, Hàn, Mỹ, Mễ… đâu đâu cũng bày bán rất nhiều xà bông cục (Body and Hand Soap Bar Washes.) Quy luật thị trường có cung tức có cầu, nghĩa là người Mỹ dùng xà bông cục rất nhiều. Tôi tìm hiểu mới biết nhiều người ở đây có thu nhập cao nhưng cả gia đình vẫn dùng xà bông cục cho việc tắm mỗi ngày vì họ “không muốn thải quá nhiều chai nhựa phế thải ra môi trường, xà bông cục chỉ có hộp giấy.” Tôi cho rằng việc xài xà bông cục cũng là vị tha, là hành động thiết thực đáng quý hơn gấp ngàn lần thay vì suốt ngày cứ lặp đi lặp lại “Tôi yêu nước Mỹ.” Cá nhân tôi hơn một năm nay tôi không mua chai Liquid Hand Soap ngoài tiệm mà tôi tận dụng chai cũ, lấy xà bông cục nấu thành liquid hand soap dùng ở nhà. Chỉ còn shampoo và conditioner thì tôi chưa có cách gì thay thế nên luôn mua chai bự nhứt ở tiệm, vừa tiết kiệm tiền vừa không phải bỏ ra quá nhiều chai nhỏ.

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Vị tha trái với vị kỷ (là chỉ biết nghĩ cho lợi ích của chính mình, việc gì có lợi cho mình thì mới làm.) “Huy chương nào cũng có mặt trái,” nên bất cứ vấn đề gì cũng nên cân nhắc kỹ trước khi kết luận vị kỷ hay vị tha. Thí dụ: Thấy có người mặc quân phục đầy đủ lễ bộ (giả) bưng hộp cơm đi phát cho người homeless, đừng nghĩ họ vì tha nhân, họ đang “diễn” để cho báo chí chụp hình, quay camera lên “ti -di.”.

Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp và đáng yêu hơn, giúp cho chúng ta có niềm tin cuộc sống hơn khi xung quanh ta có nhiều người vị tha, khi chính chúng ta cũng góp phần tạo nên một xã hội vị tha. Và hơn lúc nào hết, chúng ta hãy cám ơn những người bạn, những người quen lẫn không quen, đã luôn luôn sống với tinh thần vị tha tất cả mọi ngày.

TPT