Từ trước đến bây giờ, tôi thường thấy đàn ông Việt Nam gặp nhau, động tác đầu tiên làm quen là rút bao thuốc lá trong túi áo ra mời nhau, người được mời cũng vội vàng rút cái bật lửa ra bật cái tách đánh lửa rồi chụm bàn tay che ngọn lửa ra chiều cung kính châm điếu thuốc cho người mời để “đáp lễ.” Xưa hơn nữa, các cụ có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện,” nam phụ lão ấu gì gặp nhau cũng đều “mời trầu” như một nghi thức xã giao.

Cổ tích Việt Nam có chuyện hoàng tử trẻ đi kinh lý vô nhà nàng Tấm nghỉ chân, được nàng Tấm têm trầu cánh phượng mời ăn nên hoàng tử mê mẩn tài têm trầu khéo léo mà si mê Tấm. Hoặc nhấn mạnh lòng chung thủy qua sự tích trầu cau. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có viết “Quả cau nho nhỏ lá trầu hôi/ Này của Xuân Hương đã quệt rồi.”

Tôi chưa từng được thấy miếng trầu cánh phượng của nàng Tấm mời hoàng tử ăn nó đẹp như thế nào, nhưng tôi là người biết ăn trầu nên tôi khẳng định rằng những kiểu trầu cánh phượng mà chúng ta thấy trên mạng internet chỉ để trang trí cho đẹp chớ không thể cầm lên ăn ngay, nên nó không phải là miếng trầu cô Tấm ngày xưa mời hoàng tử ăn rồi chàng trai trẻ say mãi không dứt được. Miếng trầu muốn ăn được phải têm một ít vôi, một miếng nhỏ ruột cau và ba thành phần này phải cân bằng nhau. Vôi nhiều hơn một chút thì bị phỏng miệng, trầu ít quá thiếu vị cay nồng (gây say,) cau nhiều quá lại gây chát. Trong khi đó, miếng trầu hiện nay người ta chụp hình post lên mạng đơn thuần chỉ giống như biểu diễn các kiểu tỉa kết hoa lá quả thành hình mà mất cân đối về mùi vị miếng trầu và cũng thiếu thành phần vôi.

Sau này, người Việt dần dần bỏ tục ăn trầu, phần lớn các ông cũng bỏ luôn thuốc lá vì lý do vệ sinh và sức khỏe. Bây giờ, ngay cả ở các vùng quê Việt Nam chúng ta cũng không còn gặp các cụ bà ngồi trên bộ ván ngựa với cái ơ đồng (hoặc nhôm,) giỏ tre đựng trầu, cau, ống vôi, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Lớp các cụ “bỏm bẻm” tầm tuổi bà ngoại tôi (nói theo kiểu miền Tây, Nam bộ) “đi bán muối” hết rồi. Mẹ tôi lúc sinh thời cũng thỉnh thoảng ăn miếng trầu để “chắc răng” nên tôi cũng bắt chước ngoại và mẹ tôi ăn trầu từ lúc tôi mới mười mấy tuổi. Cũng thời xưa, bàn chải đánh răng, kem đánh răng ở vùng nông thôn ít người biết tới, nên người thời đó có quan niệm ăn trầu là một kiểu sát trùng răng miệng và bảo vệ răng bằng phương pháp dân gian. Tôi không biết theo khoa học thì quan niệm này có đúng hay không, nhưng rõ ràng tôi thấy bà ngoại tôi càng lớn tuổi thì bị rụng răng nhưng chưa bao giờ nghe ngoại kêu là bà bị nhức răng, sâu răng hay đòi đi nha sĩ nhổ răng. Ngoại tôi ăn trầu xong còn lấy cục thuốc xỉa (giống sợi thuốc lá) ngậm một cục như viên bi, độn chạy qua chạy lại trong miệng, hơn một tiếng đồng hồ sau mới nhả cục thuốc xỉa bỏ. Mỗi lần mẹ tôi bị lung lay răng, nhức răng liền đi chợ mua trầu cau về ăn mỗi ngày vài lần suốt một tuần thì răng hết lung lay và cũng hết nhức răng luôn. Tôi thì đua đòi “ăn cho vui,” “ăn cho biết” nên thời còn ở nhà mỗi tuần tôi “chơi” vài lá trầu. Nhờ vậy mà tôi biết cảm giác say trầu (ăn nhiều hơn “trầu lượng”) khó chịu hơn say rượu, vì rượu thì uống vô còn nôn ra được chớ trầu nhai tới đâu nó thấm tới đó, bã trầu đã nhả bỏ trong khi ăn rồi nên lúc say trầu không có cái gì để nôn cho bớt say, đành chịu nằm bẹp một đống.

Xem thêm:   Hang gấu

Có lẽ tôi đã quên mất cái sự “ăn trầu” này nếu thời gian gần đây tôi không có cảm giác ê răng và tôi phải chuẩn bị mâm cơm “thuần chất Việt Nam” để cúng giỗ cho cha mẹ tôi. Bỏ thời gian “quần” nát hết mấy cái chợ Việt ở Little Sài Gòn, cuối cùng tôi cũng phát hiện ra trên đại lộ Bolsa có một chợ nhỏ xíu tên Anh Minh có bán trầu cau. Bảng hiệu ghi là “supermarket” cho oai chớ xét về quy mô diện tích, số lượng hàng hóa, nhân viên thì chợ Anh Minh chỉ ngang bằng một tiệm tạp hóa với một cô cashier và một ông đứng ở quầy bán thịt tươi. Tuy nhiên, vì ở đây có bán rau cải tươi sống và thịt heo, bò, gà, tươi sống nên ta phải gọi là chợ.

Tất nhiên, tôi không có ý định quảng cáo free cho chợ này, mà tôi chỉ thông tin cho quý độc giả biết đây là nơi duy nhất ở Little Sài Gòn (quận Cam) có bán món trầu cau cho lớp người hoài cổ như tôi. Giá bán trầu cau không hề rẻ. Một óp trầu (tôi đếm được 9 lá) mỗi lá bằng một nửa bàn tay tôi, giá $1.36 và một bịch 16 trái cau đông lạnh nhỏ xíu còn nguyên vỏ (như trái cau kiểng) giá $5. Như vậy, để “giải quyết” hết 16 trái cau này tôi cần phải mua 32 lá trầu. Trầu không để chung ở kệ rau cải, mà để trong thùng sau lưng cô cashier như một thứ hàng quý giá, khách mua cô mới thò tay ra sau lấy ra, còn “quý” hơn cả tôm khô Louisiana giá $48/bịch bỏ lăn lóc trong thùng lạnh ở gian trong.

Xem thêm:   Cao Xuân Huy

Cô cashier cho biết trầu cau nhập từ Hawaii, còn vôi nhập từ Việt Nam hoặc China, và hãnh diện khoe mỗi ngày cô bán khoảng 100 lá trầu. Hóa ra số người thích ăn trầu ở Little Sài Gòn cũng là con số đáng kể chớ không hiếm hoi như tôi nghĩ. Khác với lá trầu Việt Nam hình tim hơi dài với các đường gân lá hằn sâu rõ rệt ở mặt trước và gân nổi rõ ở mặt lưng, lá trầu Hawaii hình tim ngắn hơn và các đường gân lá chìm nhẹ hơn. Tôi không biết vôi ăn trầu được bán như thế nào, vì khi tôi tới mua thì chợ đã bán hết vôi và nhanh nhứt phải đến 5 giờ chiều hôm sau mới có, mà cũng có thể chậm hơn vài ngày nữa. Do đó, tôi chỉ mua được trầu và cau xếp vô dĩa cúng, còn muốn “ăn trầu” phải chờ thêm vài ngày nữa. Nhiều người lầm tưởng vôi ăn trầu được nung ra từ đá vôi (giống vôi quét tường,) thật ra vôi ăn trầu được nung từ vỏ một loại sò biển và được pha lọc kỹ, đủ tiêu chuẩn dùng cho thực phẩm nên không chứa chất độc hại.

Cho đến thời điểm này người Ðài Loan vẫn còn phổ biến tục ăn trầu mà người ăn trầu nhiều nhứt lại là đàn ông, nhưng lạ ở chỗ là người Hồng Kông và Trung Hoa đại lục thì lại không có tục ăn trầu. Có vẻ như Ðài Loan là xứ có nhiều người ăn trầu nhứt thế giới nên bán trầu cau là một nghề có thu nhập khá ở quốc đảo này.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Ngoài những người mua trầu cau để “ăn chơi” như tôi thì một phần đồng hương Việt quận Cam còn giữ phong tục dùng trầu cau cho nghi lễ đám hỏi, đám cưới, một phần đồng hương theo phong tục tổ chức đám cưới kiểu Mỹ. Ngày xưa nhà trai bưng mâm trầu rượu qua nhà gái, lúc làm lễ mở nắp mâm ra, đôi tân phu thê lấy từng miếng trầu được têm sẵn mời cha mẹ đôi bên và quan khách trưởng thượng dùng trầu. “Trường phái” tổ chức đám cưới theo phong tục Việt không còn chọn “ngày lành tháng tốt, coi tử vi” nhưng lễ cưới vẫn có mâm trầu cau là thứ không thể thiếu, dù sau lễ thì không có ai biết ăn trầu và phải đem trầu cau bỏ thùng rác. Trầu cau trong lễ cưới của người gốc Việt mang ý nghĩa nhắc nhở các thế hệ sau không quên nguồn cội tổ tiên, tình yêu vợ chồng keo sơn bền chặt và cũng là một cách giáo dục con cháu giữ “nếp nhà” văn hóa Việt.

TPT