Cô hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên vừa đoạt giải Miss Grand International mà báo chí nhà nước Việt cộng dịch là “Hoa hậu Hoà bình Quốc tế 2021,” làm cho số đông người Việt Nam quốc nội và hải ngoại sướng rơn lên “tự hào.” Tràn ngập thông tin về cô tân hoa hậu này, kể cả ở hải ngoại trong giới ghét cộng sản thì người ta thi đua nhau khen ngợi nức nở và ‘tự hào” vì trong khi biểu diễn, cô Thùy Tiên đã đứng trên sân khấu… giơ lên ba ngón tay, làm cho thiên hạ mặc tình suy diễn theo ý mình.

Dịch “quốc tế” vì có chữ “International,” còn chữ “Grand” thì tôi không hiểu tại sao lại dịch là “Hòa Bình.” Từ điển Google dịch “grand” là bà nội, bà ngoại, bà già. Từ điển Merriam Webster (một công ty đặc biệt nổi tiếng với sách từ điển) giải thích “grand” nếu là tính từ thì có nghĩa: lớn, cao hơn, toàn bộ, tuyệt vời, rất tốt; nếu là danh từ, “grand” có nghĩa: a thousand dollars (tiếng lóng.) Hai chữ “Grand International” mà dịch thành “hòa bình thế giới” thiệt tôi cũng muốn quỳ xuống lạy người dịch luôn.

Ði tìm nguồn gốc của giải Miss Grand International thì “cậu” Google cho hay Miss Grand International chỉ là một giải “ao làng” tương tự như Sea Games bên thể thao (quanh quẩn trong các nước khu vực Ðông Nam Á.) Năm 2013, một MC truyền hình- sản xuất chương trình ở Thailand, là người sáng lập giải Miss Grand International, đồng thời là chủ công ty kiêm trưởng ban tổ chức. Miss Grand International thật ra chỉ phổ biến ở Thái Lan mà thôi. “Ngoài ra, công ty còn kinh doanh bán buôn và bán lẻ trong lĩnh vực mỹ phẩm và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Thái Lan và Campuchia.” Trong thời điểm tình hình xã hội Thái đang hỗn loạn, những cuộc thi đặt ra tập trung vào chủ đề nhân đạo nhằm kêu gọi dân Thái giảm bớt bạo lực và làm từ thiện. Quy chế cuộc thi cũng bắt buộc thí sinh đoạt giải phải làm người phát ngôn của công ty, “đóng vai trò là nhà vận động của Tổng cục Du lịch Thái, nhằm thúc đẩy ngành du lịch của “xứ sở chùa vàng.” Vì vậy, thời gian tới (cho đến hết nhiệm kỳ) nếu có thấy hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo đồ ăn, mỹ phẩm, du lịch cho Thái, kêu gọi làm từ thiện cho dân Thái, thì quý khán giả hâm mộ cũng đừng ngạc nhiên vì đó là trách nhiệm của cô.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Trước khi trở lại chuyện tên gọi giải “Miss Grand International,” tôi xin phép quý độc giả nhắc lại một chút về tình hình cộng đồng người gốc Việt tỵ nạn cộng sản ở quận Cam (vì liên quan tới tên gọi.) Xét về dân số, người gốc Việt ở Nam Cali rất ít so với người gốc Mễ, gốc Hoa, gốc Thái, nhưng người Việt quận Cam có tới ba cộng đồng cùng tồn tại, tên gọi tương tự nhau và đều có chữ “cộng đồng” và chữ “Việt” hoặc “Việt Nam.” Tôi thường nói vui với bạn bè rằng “Nước Mỹ tự do, lập cộng đồng cũng dễ như lập doanh nghiệp, có khả năng thì xin giấy phép lập cộng đồng. Mai mốt tui trúng số độc đắc tui sắm trụ sở, mướn thêm vài nhân viên người Mễ ngồi bàn tiếp tân “nhát ma” thiên hạ, xin giấy phép lập “Cộng đồng Việt – Mễ in USA” và tui làm chủ tịch. Nghe oai vậy chớ cộng đồng có vài người thôi.” Chuyện lập công ty tổ chức thi sắc đẹp ở Thái cũng giống như chuyện Tạ Phong Tần lập cộng đồng, Thái tự do mà, hơn nữa công ty đem lại lợi ích cho nước Thái thì chính phủ Thái đâu có cấm. Thành thử thí sinh dự thi phần lớn cũng đến từ châu Phi, các nước nhỏ châu Á, mà không có Mỹ, Trung Quốc, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Iceland. Venezuela thì khỏi phải nói, nổi danh “quốc gia sản xuất hoa hậu,” ngành công nghiệp sản xuất hoa hậu phát triển rầm rộ, ở đâu có tổ chức cuộc thi ở đó có đại diện Venezuela.

Không thấy tờ báo nào tường thuật giải Miss Grand International có phần thi tài năng, coi như hoa hậu Ðỗ Thị Hà xui xẻo (bị Ban tuyên giáo và Bộ 4T bắt buộc qua Mỹ “vót chông chống Mỹ”) phải gánh nhiệm vụ làm cái bồn đựng chửi sau khi thể hiện tài năng “vót chông.”

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Trong phạm vi bài viết này tôi không bàn về nhan sắc, tài năng hay đạo đức của tân hoa hậu Thùy Tiên. Chắc chắn là cô ấy đẹp hơn tôi và nói tiếng Anh giỏi hơn tôi (chuyên ngành được đào tạo mà,) và nổi đình nổi đám với video không trả tiền mà giựt giấy vay nợ từ tay chủ nợ xé đi. Chủ nợ là Ðặng Thu Trang (chị gái ruột của cựu hoa hậu Ðặng Thu Thảo) cũng là nhân vật nổi tiếng không kém cô em gái Thu Thảo nên chủ đề “quịt nợ” cả tuần nay cũng nổi lều bều không kém. Vấn đề vay mượn tôi cũng không bàn đúng sai, hai bên cứ kiện ra Tòa giải quyết. Ở đây tôi bàn về “ba ngón tay thần thánh” của cô tân hoa hậu thôi.

Cô Thùy Tiên đưa “ba ngón tay” ý nghĩa là gì thì cô không nói, cũng không viết ra giấy dù cô nói, đọc, viết tiếng Việt rất giỏi, mặc kệ cho người hâm mộ đoán già đoán non, tranh luận ầm ĩ, thậm chí chế hình giả (tức ngụy tạo bằng chứng) để binh vực cho ý kiến của phe mình. Chuyện “ba ngón tay” ý nghĩa gì tân hoa hậu “kiên quyết” giữ bí mật nhất định không cho quần chúng biết. Phe cờ đỏ thì nói ba ngón tay tức là “Bác, đảng và nhân dân,” “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm,”… “giống bác Trọng.” Phe trung dung (không ủng hộ cũng không chê bai) thì nói đùa “ngày 3 lần”… Phe chống cộng nhưng thần tượng cô Thùy Tiên thì suy diễn “ba ngón tay” là ủng hộ dân Thái, dân Miến biểu tình, tức cô này là người có tinh thần đấu tranh cho tự do dân chủ của… Thái Lan, vì vậy báo chí nhà nước cộng sản “kiểm duyệt.” Tuy nhiên, tôi dùng Google kiểm tra lại các “ảnh chụp màn hình” do phe “hâm mộ” đưa ra thì không tìm thấy bài gốc, trang gốc; ngược lại báo Giao Thông (thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải và Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia Việt Nam) vẫn đăng hình hoa hậu giơ ba ngón tay. Tân hoa hậu không chỉ giơ ba ngón, mà còn giơ một ngón, giơ năm ngón loạn xạ. Một chú đồng hương ở Mỹ bình luận hình hoa hậu giơ một ngón là “Hãy nhìn lên trời.” Còn bức hình Tổng Trọng giơ ba ngón tay thì bạn Facebook tôi chú thích là: “Tao ba nhiệm kỳ.” Nhiều bạn Facebook của tôi đăng và share bức ảnh chụp màn hình (được cho là Facebook của báo Pháp luật và Ðời sống) vỏn vẹn dòng chữ: “Tân hoa hậu hòa bình quốc tế Thùy Tiên sẽ đẹp và hoàn hảo hơn nếu không có ba ngón tay.” Tôi kiểm tra lại thì thấy Pháp luật và Ðời sống là một website không có cơ quan chủ quản, không biết chủ nhân là ai, và trang này cũng không có phụ trang tên “Báo Pháp Luật 24h” trên Facebook. Báo Ðời sống và Pháp luật (thuộc Cơ quan Trung ương của Hội Luật Gia Việt Nam) cũng không có Facebook tên “Báo Pháp Luật 24h.”

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Vấn đề ở đây là người Việt không phân biệt được trang nào là báo chí (có cơ quan chủ quản và Tổng biên tập chịu trách nhiệm pháp lý,) trang nào là trang linh tinh không rõ nguồn gốc và trang nào là trang tin tổng hợp (của tư nhân) nhằm lấy quảng cáo thì bất cứ cái gì “giựt gân,” “câu views” nó đều gom vô bất kể giả- thiệt. Vậy là có lý do cho người Việt hoan hỉ tự hào như là sau khi đoạt giải xong tân hoa hậu sẽ đứng về hàng ngũ những người đấu tranh cho tự do, nhân quyền Việt Nam, tân hoa hậu sẽ tống cổ hết bọn cộng sản độc tài vậy. Ôi, tinh thần “tự sướng” của dân ta quả là “vĩ đại.”

Hoa hậu Thùy Tiên cầm cờ cộng sản cổ vũ đội tuyển đá banh tại Hà Nội

TPT