Khái niệm “thưởng nguyệt” vốn rất quen thuộc trong văn hóa Việt Nam. Thưởng nguyệt là ngắm trăng để thưởng thức cái đẹp của đêm trăng. Nam, phụ, lão, ấu đều có cách thưởng nguyệt riêng.

Trăng chỉ có một nhưng cách thưởng nguyệt thì không ai giống ai. Giới thi nhân văn sĩ thưởng nguyệt kiểu khác, giới bình dân lao động thưởng nguyệt kiểu khác, con nít kiểu khác, người giàu kiểu khác, người nghèo kiểu khác, người vui thưởng kiểu khác mà người buồn thưởng kiểu khác. Người lớn bày mâm cúng trăng, ăn bánh, uống trà. Con nít ngoài việc hóng mâm cúng tàn cây nhang để được chia phần bánh Trung thu, bánh in, bánh pía thì còn là cơ hội dung dăng dung dẻ xách lồng đèn “rước trăng.” Người mang tâm trạng u uất như thi hào Lý Bạch nhìn trăng rồi cảm khái: “Cử đầu vọng minh nguyệt/ Ðê đầu tư cố hương.” (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương.) Người đang có tình yêu lứa đôi hạnh phúc thì trăng là cơ hội để “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/ Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ…

Với bọn con nít, Trung Thu không đơn thuần là đốt đèn cầy cắm vô lồng đèn, hát bài “Ánh trăng sáng ngời có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ…” mà là cái thú cầm lồng đèn đi quanh các con đường trong xóm, ngửa mặt coi trăng sáng vằng vặc bự như cái mâm ăn cơm, nhìn thấy rõ ràng những vệt đen xám xám nổi hẳn lên giống hình dạng cây đa cổ thụ và một người đang ngồi dưới gốc đa. Cái thuở mà nhà nhà đều đốt đèn dầu lửa, hoặc sang lắm có một bóng đèn dây tóc tròn tỏa ra thứ ánh sáng vàng vọt, những hàng cây hai bên đường làng ban ngày bọn con nít chúng tôi không thấy sợ thì dưới ánh trăng lại có vẻ tăng thêm phần “đe dọa” tăng thêm sự tò mò, thích khám phá lẫn sợ hãi. Những cái lồng đèn Trung Thu dán giấy kiếng đủ màu sắc như sáng hẳn hơn tất cả các loại đèn khác, ánh lửa lung linh trở nên huyền ảo diệu kỳ như những câu chuyện cổ tích, thần tiên cây đa chú Cuội, Hằng Nga- Hậu Nghệ.

Bánh Trung Thu sản xuất ở Cali. Photo: tác giả cung cấp

“Thưởng nguyệt” gần như là độc quyền của nền văn hóa phương Ðông, của người châu Á. Tôi đã từng đọc rất nhiều tác phẩm văn học phương Tây nhưng chưa thấy tác phẩm nào mô tả sự “thưởng nguyệt” của người Tây, nếu có nói về trăng thì họ cũng mượn trăng để viết về đề tài ma quái nào đó. Thí dụ: Trong tiểu thuyết Bá tước Dracula xuất bản năm 1897, tác giả Bram Stoker mô tả ánh trăng, đêm trăng… luôn gắn liền với các nhân vật ma quái. “Một trong số những người phụ nữ nhảy đến và mở nó ra. Nếu tai tôi không đánh lừa tôi thì bên trong nó một tiếng khóc khẽ hổn hển của một nửa đứa bé đang thò ra. Người con gái tiến vòng quanh cái túi, còn tôi kinh hãi đến tột độ. Nhưng khi tôi nhìn lại, họ đã biến mất với cái túi khủng khiếp kia. Không có cánh cửa nào ở gần họ, và họ không thể đi khỏi mà tôi không nhìn thấy. Họ chỉ đơn giản là biến vào ánh trăng và đi xuyên qua cửa sổ, và tôi còn có thể thấy bên ngoài hình bóng họ mập mờ, thấp thoáng trong chốc lát cho đến khi họ hoàn toàn biến mất. Sự khủng khiếp đã chiến thắng tôi, và tôi nằm gục đi, bất tỉnh nhân sự.” Thời gian gần đây có tiểu thuyết New Moon (Trăng Non) của nhà văn Stephenie Meyer viết về ma cà rồng cũng nổi đình nổi đám. Trăng trong văn học phương Tây làm cho người ta sợ hơn là thích. Xin nói rõ thêm, với người Việt thì bất cứ ai không sanh ra ở châu Á, không phải da vàng mũi tẹt đều là “người Tây,” (“Tây đen,” “Tây trắng,” “Tây lông,” “Cố đạo Tây,” “Tây ba-lô”…)

Xem thêm:   Lối đi trong vườn

Có lẽ sự khác nhau về văn hóa này là nguyên nhân cộng đồng Việt Nam định cư ở tiểu bang Cali hơn 40 năm qua, kể cả thành phố Westminster được coi là “một cõi san hà” của người Việt nhưng thành phố này chưa bao giờ có những hoạt động cho ngày Trung Thu chính thức từ phía Hội đồng thành phố (tức chính quyền) mà chỉ có hoạt động do các nhóm dân sự – xã hội tổ chức. Muốn thưởng thức ánh trăng, thưởng thức thú vui đốt lồng đèn thì phải có bóng đêm, nhưng ở các thành phố và điểm tụ tập vui chơi giải trí thì làm gì có bóng-đêm- không-điện. Thậm chí nhiều cửa hàng bán lồng đèn Trung Thu gắn bóng điện chạy bằng pin, làm mất hẳn niềm vui khum hai bàn tay “sưởi ấm” bằng ánh lửa đèn cầy trong lồng đèn tỏa ra. Trẻ em Việt ở Mỹ cũng chưa từng biết cái thú ngồi im lặng nhìn ngọn lửa trong lồng đèn nhảy múa với từng sợi khói xám mỏng manh bay lên rồi tan vào không khí.

Khuôn bánh phục linh bằng nhựa và cối xay tiêu kiểu xưa nhập từ Việt Nam. Photo: tác giả cung cấp

Những hoạt động tổ chức vui Trung Thu trong cộng đồng Việt lại diễn ra giữa ánh nắng ban ngày chói chang, với các hình thức hát, múa tưng bừng trên sân khấu, còn “diễn viên” trẻ em thì tung ta tung tẩy trên tay những chiếc lồng đèn không có đèn bên trong. Ðón Trung Thu với trẻ em ở Little Sài Gòn là được cha mẹ dẫn đi coi các bạn cùng trang lứa mặc quần áo sặc sỡ múa hát trên sân khấu và được phát quà (bánh Trung Thu, lồng đèn giấy,) trong tủ lạnh ở nhà thì có nhiều bánh ngọt (Trung Thu) hơn hẳn.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Thời tôi còn ở quê, một xóm bên phường 5 kêu là Xóm Lò Bánh của người Việt gốc Hoa chuyên làm đủ thứ bánh theo mùa. Thí dụ: tiết Thanh Minh sản xuất bánh men, bánh gai; Tết Nguyên Ðán thì ôi thôi hàng hà sa số chủng loại bánh, mứt; Trung Thu thì có bánh nướng, bánh dẻo, bánh in bột nếp, bánh pía… Muốn ăn cái bánh in bột nếp (không nhưn) thơm dẻo bự bằng cái mâm hay ăn bánh pía nhưn đậu xanh sầu riêng trứng vịt muối phải chờ tới ngày Trung Thu lò bánh mới làm bán ra. Bây giờ, chợ Việt ở Mỹ có bánh in, bánh pía, bánh nướng (Trung Thu) bánh dẻo cỡ nhỏ sản xuất tại quận Cam và bán quanh năm, muốn ăn có ngay chớ không còn thèm thuồng, chờ đợi tới mùa Trung Thu mới được ăn.

Bên trong một chợ VN ở quận Cam. Photo: tác giả cung cấp

Thậm chí, các kiểu khuôn bánh phục linh tôi tưởng chừng “đi vào dĩ vãng” mà thời nay ít ai biết thì nay được làm bằng nhựa cứng bày bán ở các chợ. Tôi cầm lên coi thấy mẫu mã hoa lá y xì những cái khuôn bánh phục linh khắc bằng gỗ mà mẹ tôi dùng in bánh bán hồi thập niên 70, 80. Bánh Trung Thu bán lẻ từng cái ở chợ Việt ngoài loại được sản xuất tại Nam Cali còn có bánh nhập từ Việt Nam, Thái Lan, Trung cộng, Malaysia, Indonesia, Singapore. Riêng tôi nếu mua bánh tôi chọn loại size nhỏ và được sản xuất tại Cali. Tôi cũng chỉ mua bánh in bột nếp không nhưn, bánh dẻo không nhưn, thỉnh thoảng mua một cái bánh pía đậu xanh nhỏ chớ tôi không hảo ngọt lắm và không hề thích ăn bánh nướng.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Khu vực quận Cam, đặc biệt khu vực vòng quanh Little Sài Gòn có 14 chợ Việt. Tôi đi chợ thấy Trung Thu năm nào bánh Trung Thu (loại hộp giấy lớn 4 cái) cũng chất cao như núi trong chợ và thật ngạc nhiên năm nào bánh cũng hết sạch sành sanh. Ngoài các chợ thì bánh Trung Thu còn được bán ở các tiệm bánh ngọt. Mua chậm là hết hàng chớ đừng hy vọng có hàng ế giảm giá. Vậy chớ người Việt đi chợ gặp nhau hễ người có tuổi đều than thở cao máu, cao mỡ, phải kiêng ăn ngọt?

Cuộc sống nhộn nhịp, ánh đèn điện sáng choang và nhiều thú vui giải trí công nghệ cao khác chiếm hết thời gian, có còn không những người Mỹ gốc Việt mua bánh Trung Thu về rồi chờ bóng đêm buông xuống thì ra sân sau ngồi, vừa ăn bánh vừa uống trà nóng thưởng nguyệt, cùng nhau ôn cố tri tân luận đàm thế sự nữa hay không?

TPT