Thư viện không chỉ “đóng khung” trong những bức tường mà nó còn là một không gian mở; không hề chọn lựa đối tượng; không phải yêu cầu thực hiện nội quy… Đó là những “Thư viện cộng đồng”, “Thư viện vỉa hè”…ở Cộng hòa Liên bang Đức mang tính xã hội, nhân văn rất rõ.

Một Thư viện vỉa hè trên đường phố Berlin    

Nước Đức

với các tủ sách

Có thể nói CHLB Ðức là xứ sở của những thư viện cổ đại và hiện đại. Nó không chỉ đẹp, lạ ở lối kiến trúc mà còn là nơi lưu trữ sách, thu thập những cuốn sách xuất bản bằng tiếng Ðức và các bản thảo quý hiếm từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ phục vụ cho học sinh, sinh viên các trường học, thư viện còn rộng cửa đón công chúng đến đọc và cả khách du lịch vào thăm…

Nói về số lượng bản sách thì không thể không nhắc đến thư viện Grimm Zentrum của Trường Ðại học Humboldt Berlin có đến 2.5 triệu cuốn sách; Thư viện Quốc gia Ðức ở Frankfurt có diện tích sử dụng 77 nghìn mét vuông, lưu trữ 18 triệu ấn phẩm! Khu vực đọc rộng 3.2 nghìn mét vuông. Các nhà thờ cũng mở cửa thư viện của mình đón người đọc. Một số bang có các “Thư viện di động” là các xe buýt sách. Các “Thư viện di động” này còn được trang bị internet, wifi và cả nhà vệ sinh! “Thư viện di động” còn phục vụ đến tận các vùng nông thôn, mỗi tuần phục vụ từ 15 đến 20 điểm dừng. Tại các thành phố lớn, đông dân nhập cư là người tị nạn, người xin tị nạn đến từ hàng chục quốc gia có ngôn ngữ khác nhau cũng là đối tượng phục vụ của thư viện. “Thư viện di động” quan tâm đến đối tượng này mà không hề phân biệt, đối xử, luôn thu hút họ sử dụng sách như cung cấp thẻ thư viện giá ưu đãi, cung cấp các gói sách đa ngôn ngữ… Một hình thức giúp họ dễ hội nhập với nước sở tại.

Nều cần cứ lấy về đọc rồi mang trả lại

Ngoài những thư viện của các trường học còn một hệ thống “Thư viện vỉa hè” hay “Thư viện công cộng” rải rác khắp các đường phố của Ðức. Ai cần đọc sách cứ thoải mái đến chọn. Ðọc xong mang trả lại, nếu hào phóng kèm với sách tặng cho “Thư viện vỉa hè” thì càng tốt. “Thư viện vỉa hè” có thể là cái thùng đóng bằng sắt, bằng gỗ gắn trên thân cây, cột điện; cái tủ ba mặt bằng kiếng trong; cái kệ gỗ nhiều tầng; khoét rỗng thân cây gỗ đặt sách vào đó v.v. Một “Thư viện vỉa hè” có thể chứa từ 100 đến 200 cuốn sách. Sách đủ các thể loại, cũ cũng như mới, tất nhiên tri thức thì không bao giờ cũ…Có nơi “Thư viện vỉa hè” còn trang bị cả ghế ngồi cho người ngồi đọc tại chỗ. Nhiều thành phố lớn như Berlin, Bonn, Hanover, Cologne… có các tình nguyện viên địa phương thường xuyên phân chia nhau bảo quản, sắp xếp, thanh lọc sách hỏng trong các “Thư viện vỉa hè”. Nhiều buồng điện thoại công cộng ở Berlin cũng biến thành những “Thư viện vỉa hè”.
Trên nhiều đường phố Berlin, trước cửa nhà, cửa chung của khu chung cư có khi là thùng đựng quần áo cũ dành cho ai cần cứ lấy, có khi là thùng sách chủ nhân không cần lưu giữ nhưng hy vọng sách sẽ được tiếp tục qua tay nhiều người đọc khác. Vì thế ai cần đọc cứ tự nhiên chọn lấy mang về. Không chừng sẽ có người mang đến bổ sung cho các “Thư viện vỉa hè” cũng nên.

Xem thêm:   Sài Gòn còn mãi tuổi xuân

Tháng 8/2023, qua lại CHLB Ðức, một buổi trưa, tôi bắt gặp trên đường phố ở Berlin, hình ảnh một người phụ nữ chở trên xe đạp một chồng sách buộc dây rất kỹ. Chị ta dựng xe và khệ nệ mang chồng sách ấy đến đặt trong một “Thư viện vỉa hè” rồi lẳng lặng lên xe đạp rời đi. Có thể chị mang sách từ nhà đến hoặc gom lại từ nhiều điểm mà người ta…xin mời nếu cần cứ lấy! Tôi có đứa cháu ngoại học lớp 9, ở Berlin kể: “Có khi mấy cái “Thư viện vỉa hè” lại có sách mình cần đọc đó ông ngoại! Mấy đứa bạn học của con thỉnh thoảng có đến tìm sách ở đó”.

Tác giả bên cạnh một Thư viện vỉa hè ở Berlin, 12.8.2023

Thư viện mở…

bên Ta

Có dạo bên mình, trong nhiều trường học “dậy sóng” chuyện “Thư viện mở”, “Thư viện xanh”, “Thư viện ngoài trời” gần gũi với thiên nhiên nhằm kêu gọi, thu hút học sinh đọc sách, phát triển văn hóa đọc. Sách được lồng trong các chai nhựa cắt trống đáy, treo trên các cành cây trong sân trường, tiện cho học sinh lấy đọc mà không phải chen chúc trong thư viện chật chội. Sách được bày trong tủ dưới bóng mát của cây cối trong sân trường. Ðọc xong mang trả về chỗ cũ. Trong cộng đồng dân cư cũng có các tủ sách cộng đồng nhằm xây dựng, lan tỏa phong trào đọc sách song hiệu quả thì…được chăng hay chớ. Năm 2019, chị Nguyễn Thị Thảo, chủ một doanh nghiệp tư nhân mở một thư viện nhằm tạo không gian đọc miễn phí cho bạn đọc trẻ, tại cơ sở Chùa Láng, Hà Nội. Từ 500 cuốn sách ban đầu đã tăng dần lên hơn 1,000 cuốn do bạn đọc và những người yêu sách gửi tặng… Bạn của chị cũng ủng hộ một bình nước nóng, lạnh… phục vụ người đọc.

Thư viện vỉa hè ít sách cũng vài ba chục cuốn

Tôi có anh bạn đồng nghiệp tên Nguyễn Thành Nam (bút danh Hoàng Liên Phương) ở ấp Bình Ðiền, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Anh sưu tầm và cả xin bạn bè sách để mở rộng thư viện tại nhà. Năm 2004, anh nâng cấp tủ sách gia đình thành thư viện giúp các em học sinh đến đọc để mở rộng hiểu biết. Ðến đây, các em còn được phục vụ nước đóng chai, bánh kẹo chu đáo! Bạn đọc của thư viện là học sinh xã nhà và các xã lân cận kể cả một số học sinh của vài trường bên huyện Trà Ôn cũng đến mượn…“Nhìn bọn trẻ say sưa đọc sách mà mình cũng có thêm động lực… Phải đọc, phải học để mở mang kiến thức, trau dồi nghề nghiệp”, anh nói. Tôi hỏi làm báo đi hoài thì ai quản lý thư viện? Anh cười, chia sẻ: “Nhờ bà chị ruột là nhà giáo nghỉ hưu trông coi. Thỉnh thoảng cũng kiểm kê, bổ sung, chống mối. Thấy bọn trẻ đến đọc là mình vui mà mượn đem về mình lại vui hơn. Bởi mượn đem về có thể cho nhiều người đọc thì quá quý. Cho mượn mà không có đòi. Nhưng cho luôn thì không. Cũng dặn sắp nhỏ đọc xong nhớ trả cho người khác đọc. Nhưng đọc xong nó cất luôn thì thôi chứ làm sao giờ!”. Tính đến nay thư viện của anh đã có hơn 5 vạn bản sách! Kể ra những người như chị Nguyễn Thị Thảo, anh Nguyễn Thành Nam (Hoàng Liên Phương) với hoạt động thiện nguyện này còn quá hiếm.

Xem thêm:   Đỗ Quyên mưa...

Nhiều người lớn, trẻ em dán mắt, chúi mũi vào màn hình điện thoại nhiều hơn là đọc sách, đọc báo giấy thì xem ra việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc khá là vất vả, gian nan!

Thư viện vỉa hè trên đường phố ở Frankfurt, CHLB Đức

LKD