Hàng năm, người Mỹ có một ngày lễ cấp liên bang gọi là Memorial Day nhằm mục đích “Tôn vinh và Thương tiếc những quân nhân đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ,” không phân biệt quân nhân đó là ai, đã từng giữ chức vụ gì, thuộc sắc dân nào, đã gia nhập quân đội thời gian nào, đã từng sống ở miền nào, đã hy sinh trong trường hợp nào.

Khác với Armed Forces Day và Veterans Day dành cho những quân nhân đang tại ngũ hoặc cựu quân nhân còn sống, Memorial Day đặc biệt dành cho những quân nhân đã ngã xuống cho một nước Mỹ an toàn, vĩ đại và trường tồn. Thực tế, hiện nay có người coi Memorial Day là một ngày để nghỉ ngơi, vui chơi, đặc biệt năm nay Memorial Day rơi vào ngày Thứ Hai nên mọi người có ba ngày nghỉ liên tục, và họ đã lên chương trình cho một kỳ nghỉ ngắn ngày. Tuy nhiên, rất nhiều người đã dùng thời gian này để hồi tưởng lại quá khứ, niềm vui, nỗi buồn với người đã khuất, hoặc đến thăm những địa điểm ghi dấu ấn lịch sử các cuộc chiến tranh, đặt vòng hoa, chụp hình lưu niệm. Người Mỹ có thói quen cắm lên mỗi ngôi mộ trong nghĩa trang quân đội một lá quốc kỳ nhỏ để tượng trưng cho lòng biết ơn của người còn sống đối với người đã hy sinh, không thấy ai phân biệt “lính Mỹ phe địch – lính Mỹ phe ta,” “lính của phe cầm quyền- lính của phe phản động.”

Trong chương trình học dành cho người nhập cư tại các trường College, luôn có câu hỏi khảo sát “Bạn có gặp khó khăn trong học tập vì khác biệt văn hóa không?” và tôi luôn trả lời là “Không.” Chẳng phải tôi thần thánh gì hơn người khác, mà từ lúc hơn 10 tuổi tôi đã đọc nhiều cuốn sách viết về lịch sử nước Mỹ, cuộc chiến tranh Nam – Bắc, đời sống, văn hóa nước Mỹ được dịch ra tiếng Việt. Hai cuốn sách tôi đem được từ nhà tù cộng sản Việt Nam qua tới Mỹ là cuốn hướng dẫn tập Yoga và Truyện ngắn Jack London dày hơn 500 trang. Ðặc biệt, những câu chuyện về cố Tổng thống Abraham Lincoln, tướng Grant, tướng Lee trong giai đoạn Nam- Bắc chiến tranh (học giả Nguyễn Hiến Lê dịch thuật) giúp tôi hiểu người Mỹ luôn coi ba nhân vật lịch sử này là những anh hùng vĩ đại của nước Mỹ. Chính họ đã giúp cho cuộc chiến tranh kết thúc trong tình yêu, hòa bình, sự tôn trọng, không có người thắng kẻ bại, không có “ăn mừng chiến thắng” ầm ĩ, mọi người trở về nhà của mình để làm lụng sinh sống và hàn gắn vết thương chiến tranh. Tướng Grant (phe chiến thắng miền Bắc) đã nói với các thuộc cấp của ông: “Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây những kẻ nổi loạn ấy đã trở lại là những người đồng hương của chúng ta”. (“The war is over. The rebels are our countrymen again.”) Ông nói rằng cách tốt đẹp nhất để bày tỏ niềm vui của miền Bắc là không vui mừng trước thất bại của miền Nam. Ðây mới chính là tư tưởng, phương thức “hòa hợp hòa giải” thật sự, mang đậm tính nhân văn, tình nhân loại, nghĩa đồng bào” mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam 46 năm nay chưa bao giờ với tới (dù họ vẫn ra rả “hòa hợp hòa giải’) và họ cũng không có ý định với tới mục tiêu cao cả này, vì lòng đố kỵ, mặc cảm thấp kém của họ so với nền văn hóa cộng hòa miền Nam.

Xem thêm:   Andropov & Lenin

Nhân tiện tôi xin phép quý độc giả cho tôi “múa rìu qua mắt thợ” một chút. Tôi thấy có người đã dịch câu nói của tướng Grant và dùng chữ “đồng bào” cho chữ “countrymen,” có vẻ như người dịch muốn nhấn mạnh ý nghĩa của tình yêu thương ruột thịt thắm thiết hơn khi dùng chữ “đồng bào”? Tôi cho rằng dịch như vậy nghe hay nhưng không đúng. Người Việt là dân tộc duy nhất trên thế giới có hai chữ “đồng bào” (cùng một bọc) từ truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ sanh ra một cái bọc (bào,) trong bọc có 100 trứng nở ra 100 người con. Người các nước khác họ không hiểu “đồng bào” là cái chi chi nên họ không bao giờ dùng chữ “đồng bào,” khi dịch chúng ta không nên diễn giải sai lạc quá xa ý nghĩa của bản gốc.

Trở lại câu chuyện Vietnamese Memorial Day, phải đến năm tôi 13-14 tuổi trở lên, khi đọc những cuốn sách cũ đó (xuất bản ở miền Nam trước 1975) thì tôi mới hiểu tại sao những người lớn ở xóm tôi người ta vui mừng, thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Hiệp định Paris 1972 được ký kết. Ai cũng nói rằng “Chiến tranh kết thúc rồi,” “Hòa bình rồi,” “Không bắn nhau nữa, không chết nữa, về nhà lo làm ăn thôi.” Người dân miền Nam quá ngây thơ, cứ tưởng chiến tranh Việt Nam giống như chiến tranh Nam- Bắc nước Mỹ, nhưng họ có ngờ đâu sau ngày “giải phóng” thì người miền Nam trở thành một tầng lớp hạ đẳng trong mắt phe chiến thắng miền Bắc nên cần phải “được cải tạo,” và hàng ngàn người vẫn tiếp tục bị đày đọa, bị đói khát, bị mất hết tài sản, bị chết oan trong các trại tù, chết trong chốn rừng thiêng nước độc khu kinh tế mới, chết trên những chuyến tàu lá tre lênh đênh vượt Thái Bình Dương. Không bị thiệt hại nặng nề như cha mẹ tôi thì cũng là bị mất hết công ăn việc làm, đóng hai cửa tiệm, cả nhà bị đói.

Tranh vẽ mô tả tướng Grant tiếp nhận sự đầu hàng của tướng Lee và quân miền Nam

Tuy nhiên, không phải bất cứ người dân miền Nam nào cũng thấu hiểu điều này. Tôi cũng giống như đám con nít loi choi cùng xóm, mỗi ngày háo hức chờ coi đoàn văn công xã múa hát những bài hát mới lạ ở đình làng và coi chiếu bóng ngoài sân bãi ủy ban xã, và bọn con nít hát theo văn công như cái máy mà không hiểu sâu xa, tường tận ý nghĩa từng câu, từng chữ trong bài hát.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Không có Vietnamese Memorial Day cho những người thua trận, thay vào đó, hàng năm kẻ chiến thắng tổ chức ăn mừng náo nhiệt và phô trương cái gọi là “chiến công hiển hách” trong khi thực tế họ cũng dựa vào sức mạnh quân sự ngoại bang (đỏ) để tàn sát đồng bào của họ, nhưng lại lừa bịp dân chúng và binh lính miền Bắc, lừa bịp các thế hệ trẻ nối tiếp rằng họ đang “chống Mỹ xâm lược” và phô diễn sự “tự hào” đến kệch cỡm. Những người lính thua trận không kịp tháo chạy ra nước khác thì bây giờ các cựu binh vẫn “lưu vong trên chính quê hương của mình,” kiếm sống bằng cách bán vé số, bán hàng rong, làm mướn việc lặt vặt để mưu sinh vạ vật qua ngày cho đến khi sức tàn lực kiệt.

Trông người mà nghĩ đến ta. Khi mà tất cả những người Mỹ mặc áo lính đã ngã xuống đều được trân trọng như nhau, thì ở xứ ta kẻ chiến thắng vẫn nuôi “đội quân” chỉ làm mỗi nhiệm vụ là rình mò quay hình, chụp ảnh từng người khách đến viếng mộ người thua trận đã chết hơn 46 năm. Mỗi ngày, bọn ưng khuyển được gắn với cái tên mỹ miều “Lực lượng tác chiến không gian mạng” ào ạt tuôn tràn như thác lũ mớ ngôn từ: “ba que,”, “đu càng,” “ăn cứt Mỹ,” “ăn bơ thừa sữa cặn,” “đĩ điếm,”, “neo tộc,” “phản động,” “bán nước,” “phản quốc,” v.v. dù những người bị trút núi rác ngôn từ ấy lên đầu chưa từng có ai đủ thẩm quyền cầm cái bút ký “văn tự” bán một centimetre vuông đất Việt nào cho ngoại bang, còn đảng “lùa bò húc dân” đã công khai ký văn tự bán quần đảo Hoàng Sa và hơn 15 ngàn km2 đất biên giới phía Bắc cho Chệt cộng.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Tức cảnh sinh sự, tôi cũng bắt chước cụ Nguyễn Trãi la lên rằng: Biến văn minh thành lạc hậu đói nghèo/ Vùi đạo nghĩa xuống man di mọi rợ/ “Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế/ Gây thù kết oán trải 46 năm.” Than ôi! Dân tộc Việt Nam ta quả là một dân tộc bất hạnh tột cùng.

TPT