Đoàn hành hương Đức Mẹ La Vang của chúng tôi 7 năm nay đều đặn, chỉ lỡ mất năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng.

Những cánh đồng sau mùa gặt ở Quảng Nam    

Từ Sài Gòn chúng tôi bay ra Đà Nẵng chuyến sớm nhất, có xe của một tài xế quen đưa đi cũng ngần ấy năm. Lịch trình luôn là: ngày thứ nhất Đức Mẹ La Vang (Quảng Trị), Đan viện Thiên An (Huế). Trên đường đi có thể ghé nơi này nơi kia, thường là để thưởng thức món ăn ngon. Quảng Trị có bánh lọc O Chánh. Huế có chè hẻm ở đường Hùng Vương, bánh ướt cuốn thịt nướng ở Kim Long … Tháng Chín, ngang qua Hương Trà đang mùa bưởi thanh trà bán nhiều dọc hai bên đường. Trong đoàn có người từ nhỏ tới già chưa biết trái thanh trà mùi vị ra sao bèn ghé lại.

Trái thanh trà nhỏ hơn trái bưởi và lớn hơn trái cam, cầm gọn trong lòng bàn tay. Trái có vẻ ngoài không đẹp lắm, mới nhìn giống như những trái bưởi non rụng. Tuy nhiên, là một đặc sản nổi tiếng ở Huế. Trồng nhiều ở các vùng Hương Trà, Phú Vang, Phong Điền. Sử sách kể lại, 200 năm trước, là một trong những “của ngon vật lạ” thường được dâng lên vua.

Theo ý tôi, bưởi thanh trà chọn lọc tất cả vị ngon nhất của bưởi và cam cộng lại. Ăn chơi chơi, một người có thể làm liền tù tì hai trái, không cần chấm muối ớt. Bưởi có mùi thơm nhẹ dễ chịu (mùi hoa bưởi), khi bóc ra, múi ráo không bị dính sợi gân trắng. Tép bưởi màu trắng xếp đều, giòn giòn, ngọt ngọt, chua chua (ngọt nhiều hơn chua). Trong đoàn có chị thấy ngon quá, mua đến 30 trái mang về Sài Gòn.

Tác giả dưới chân tượng Đức Mẹ La Vang

Chị bán hàng nói với chúng tôi, thanh trà rộ mùa vào tháng Bảy âm lịch và chỉ có 2 tháng. Thời điểm chúng tôi đến đã gần cuối mùa, trái vẫn còn rất ngon.

Ngày hôm sau đi Quảng Nam từ Đà Nẵng chúng tôi không vội vàng, thong thả ăn sáng, cà phê vì chương trình chỉ đến Đức Mẹ Trà Kiệu rồi loanh quanh đâu đó. Một chị trong đoàn rủ chúng tôi về quê chồng của chị để chị thắp nhang bàn thờ mẹ chồng mà năm ngoái đám tang mẹ, chị không về được. Chị nói vui nhưng khiến ai nấy háo hức: “Bữa trưa sẽ đãi cả đoàn món mì Quảng, đúng chất xứ Quảng, bảo đảm ngon”.

Xem thêm:   Công viên Water Gardens ở Fort Worth

Bức tranh quê miền Trung na ná nhau từ Nha Trang đến Đà Nẵng. Mùa gặt vừa xong, những cánh đồng một màu chân rạ xơ xác. Từng đàn cò trắng chao liệng, chúng luôn bay theo bầy rồi đáp xuống cùng lúc sau khi lượn nhiều vòng trên cao. Vài đám ruộng lúa tạp lên xanh tuy lưa thưa nhưng cũng làm dịu đi cái nắng mùa tháng Chín. Quê tôi, người ta gọi lúa này là lúa chét. Chúng mọc lên từ những hạt lúa rơi rớt sau mùa gặt, hay có thể nứt lên từ một gốc lúa đã cắt. Thường, ruộng này sẽ phải bỏ đi trước khi vào vụ lúa mới.

Tượng Thánh Biển Đức ở Đan Viện Thiên An, Huế (mới làm năm 2023)

Thiên nhiên không bao giờ phung phí thứ gì mà tạo hóa đã đặt để ra, ngàn năm như thế. Tuy nhiên đôi lúc cái nhiệt tình của thiên nhiên đã làm khổ người nông dân khi phải giải quyết sự tồn tại của đám lúa chét này!

Ngang qua một cánh đồng sen khô cạn đã qua mùa từ lâu. Trên nền lá sen xanh pha xám còn sót lại vài bông màu đỏ tím trông dịu dàng, e thẹn. Chúng tôi xuống xe, có người muốn chụp vài tấm hình phá cách trên cái nền sen tàn. Tiếng cười, í ới chụp hình. Tôi nhìn quanh và hình dung vào mùa sen nở rộ, áo hồng xanh đỏ vàng tím của chị em điệu đà. Trí tưởng tượng luôn khiến người ta vui sướng, tùy theo suy nghiệm và gạn lọc biết bỏ đi những điều không tích cực.

Đến nhà bạn, sau khi mọi người lần lượt thắp nhang bàn thờ mẹ chồng chị bạn, chúng tôi tản mác, người thăm vườn, người ngắm dòng sông Thu Bồn lặng lờ bình yên, người ra đồng xem bà con gom lúa. Những bao lúa xếp ngay ngắn trên bờ ruộng. Một người đứng vê lúa làm sạch bụi bẩn trước khi đóng vào bao. Nhìn từ xa, chiếc nón lá, vóc người gầy và màu vàng của lúa tuôn xuống, sáng lên nét đẹp tự nhiên mùa thanh bình.

Vê lúa

Bữa trưa được chủ nhà bày sẵn trên bàn hấp dẫn đến nỗi chúng tôi sà vào quên cả rửa tay trước khi ăn. Tưởng chỉ có mì Quảng thôi nhưng không ngờ lại đầy đủ các món quê nhà xứ Quảng. Một góc bàn là bánh tráng nướng vàng rộm, chưa ăn đã biết thơm giòn rụm. Gỏi gà xé phay chính hiệu gà thả vườn chỉ ăn lúa, côn trùng… có rau răm điểm xuyết gợi thèm. Chén nước mắm nguyên chất, nổi lên những miếng ớt làm thòm thèm nuốt nước miếng. Cạnh đó là dĩa ớt xiêm trái nhỏ hái bên thềm giếng càng kích thích thị giác, vị giác. Tuy nhiên, món được mọi người trầm trồ là hến xào. Chị chủ nhà từ dưới bếp nói vọng lên: “Ăn từ từ dành bụng lát ăn mì Quảng nhe”.

Xem thêm:   Đỗ Quyên mưa...

Mọi người tập trung vào dĩa hến. Bẻ miếng bánh tráng nướng tiếng kêu tách giòn tan rồi xúc hến. Tôi không biết diễn tả cái ngon thế nào cho đúng. Hến tươi nên ngọt là cảm nhận đầu tiên. Trạng thái giòn nhẹ của hến tách biệt với cái giòn của bánh tráng nướng khi nhai trong miệng. Vị ớt cay và mùi thơm của rau gia vị é quế, tía tô, hành lá … càng tăng thêm độ ngon. Còn nữa là mùi thơm của đậu phọng rang. Cứ thế, bẻ hết miếng bánh tráng này đến miếng khác và xúc mà không ngán. Đến nỗi, anh chủ nhà, vừa tiếp bánh tráng cho chúng tôi phải nhắc: “Còn mì Quảng chưa mang ra nhe các chị”.

Lại phải kể thêm về dĩa gà trộn rau răm. Miếng gà mềm dai vừa đủ nhai để thưởng thức cho hết vị ngọt của thịt, da gà giòn mềm, thêm vị chua nhẹ, mặn vừa phải của muối tiêu, vừa ăn không cần chấm nước mắm. Người ăn cay, cầm trái ớt xiêm cắn một miếng, cái ngon tê tận đầu lưỡi. Người ăn mặn, chấm thêm nước mắm, gắp kèm miếng ớt. Cái ngon đậm đà trôi êm nhẹ nhàng qua thực quản…

Mùa gặt

Rồi những tô mì Quảng được mang ra. Tôi nói không ngoa, ngon từ sợi mì xắt hơi thô nhưng nó quyện vị của nước lèo đậm đà. Miếng thịt gà thưng mềm vừa ăn. Bẻ vụn bánh tráng bỏ vào tô cho đúng lệ bộ, cái ngon như thấm vào mặt, mắt, mũi … nhìn quanh mặt ai nấy tròn căng, hồng hào.

Xem thêm:   Xích lô đạp ở Đà Nẵng đâu rồi?

Chưa hết. Dĩa rau tươi, vun ngọn mới khiêu khích. Nổi bật là rau chuối. Chị chủ nhà bảo rằng, không phải bắp chuối mà là lấy từ lõi non của thân cây. Chị xắt đều làm sao, những khoanh hoa chuối mỏng màu trắng trông nhẹ nhàng như tơ trộn với màu xanh của xà lách, rau thơm… nhìn thôi đã thấy ngon. Gắp rau bỏ vào tô mì, rồi đảo lên, cái ngon là tổng hòa của tất cả những trạng thái: giòn, mềm, dai rồm rộm trong miệng từ bánh tráng, thịt gà, rau, vị ngọt của nước dùng…

Đến món tráng miệng là chuối già hương chín bói cây nhà lá vườn, nhìn rất hấp dẫn nhưng chúng tôi không tài nào nhét vào bụng thêm nữa.

Sông Thu Bồn

Anh chủ nhà mang ra mấy nải chuối còn xanh bảo chúng tôi mang về Sài Gòn. Mọi người đồng thanh: “Hành lý đủ ký rồi”. Quý tình hiếu khách của chủ nhà, chúng tôi nhận vài nải chuối cho anh tài xế. Chụp tấm hình chia tay, ai nấy trông thật tươi.

Chị chủ nhà đưa chúng tôi ra tận xe đậu ngoài đường lớn. Mùi lá hương nhu thơm thoảng. Cây nhu hoa dại mọc đầy bên bờ ruộng. Tôi dừng lại ngắt vài ngọn, vò nát xoa trong lòng bàn tay rồi đưa lên mũi hít hà. Mùi thơm nồng nàn, thức dậy cả một trời ký ức, ngôi nhà cũ, bàn tay mẹ đặt lên trán những ngày bệnh nóng sốt, tô cháo giải cảm, món ăn xưa, xoong nước tắm mẹ nấu ngày giáp Tết…

Hến xào

ĐTTT