
Núi đồi Quản Bạ
1.
Từ thành phố Hà Giang lên huyện Đồng Văn, qua khỏi cổng trời Quản Bạ, đường đèo càng lúc càng khúc khuỷu, hiểm trở. Núi – đá – mây chập chùng. Núi đá nhọn hoắt trước mặt, hun hút vực đá dưới chân. Màu đá đen pha sắc tím đậm, đẹp mê hoặc.
Mùa tháng Sáu, hai bên đường là ngô xanh ngút khẳng định một sức sống mãnh liệt trên vùng cao nguyên chỉ có đá và đá. Nhìn những bóng người địu từng gùi thân cây ngô cao quá đầu, lầm lũi, bước chậm. Hiểu ra, sức sống kỳ diệu của con người trên vùng cao nguyên đá, họ đã tồn tại trong điều kiện quá khắc nghiệt của đất trời. Bao nhiêu thế hệ con người nhỏ bé, địu từng gùi đất đắp vào từng hốc đá để thành những ruộng ngô trải dài trên cao, xuống thấp này? Nghĩ ngược thời gian, quả là điều không tưởng tượng nổi!
Hơn trăm cây số đường đèo hẹp quanh co, mà ở mỗi “cùi chỏ” chúng tôi không biết trước mặt mình sẽ có gì. Có thể là một chiếc xe tải nhỏ chạy xuống bất thình lình và tài xế phải lẹ mắt, nhanh chân, đạp thắng nhường đường. Có thể là một chiếc xe máy đổ xuống khiến lái xe phải giật mình. Nhiều đoạn lại không có ba-ri-e, nhìn lên là núi đá và mây, nhìn xuống vực sâu cũng chỉ mây và núi đá. Thỉnh thoảng lại thấy trên sườn đồi, bên dưới thung lũng sâu có những khoảnh ruộng bậc thang, nhưng cũng chỉ điểm xuyết cho biết sự tồn tại của một vùng được ân sủng có sông/suối nhỏ chảy ngang.

Núi và ruộng bậc thang
Một nhóm công nhân đang xếp đá ven đường đồng loạt đứng dậy nép sát vào lề cho xe chúng tôi đi qua. Trên đường, phụ nữ, những đứa bé địu cái gùi, bên trong là cây ngô cao quá đầu, cảm giác như bó cây di động. Cũng có thể trong gùi là đất, can nước hay ngô, rau, củ…. Bạn đồng nghiệp (là dân Mèo Vạc, đi làm tại Hà Giang) nói: “Trên này bé tí xíu đã biết địu, thường là thân cây ngô, chứ núi đá làm gì có củi”.
Bạn nói tiếp: “Cây lương thực chủ yếu là ngô, nhà nào có lúa gạo đã là sang, mà chả có mấy nhà. Thân cây ngô để ngoài nương đến khô mới lấy về làm chất đốt. Bên dưới mỗi gốc ngô lại trồng xen bí, rau, đậu… Thức ăn chính của đồng bào dân tộc là ngô phơi khô, xay nhỏ, nấu thành mèn mén như kiểu đồ xôi. Tự cung tự cấp, mỗi năm một mùa ngô, chịu khó làm lụng, dự trữ cũng đủ thức ăn cho bốn mùa, dư thì bán”.
Thỉnh thoảng, ven đường chúng tôi thấy vài người bày bán nhúm bí non, rau rừng…. có những đứa trẻ ngồi chơi rải gianh cạnh đấy.

Địu ngô trên đường
Người lầm lũi phía trước, gương mặt không vui, không buồn. Họ đã quen với ống kính máy ảnh hướng vào, làm nên những tác phẩm gọi là “nét đẹp vùng cao”. Trên những nương ngô, thấp thoáng bóng người nhô lên, hụp xuống. Xe qua nhanh, vẫn phía trước chập chùng núi đá lẫn trong mây, hai bên bạt ngàn ngô và những con người lùi lũi, chậm chạp và cam chịu.
“Tháng Mười trở đi trời rét, xong mùa ngô, sẽ hiện ra tự nhiên những cánh đồng tam giác mạch, còn là mùa hoa đào, mận – mùa nhan sắc vùng cao” – bạn nói. Thiên nhiên vô ưu. Hoa đến thì hoa nở, người dưới xuôi đến hẹn lại lên ngắm cảnh, chụp hình. Tôi cố tưởng tượng những cánh đồng hoa tam giác mạch màu hồng, những vạt hoa xuyến chi, màu hoa đào, hoa mận… đã thấy qua những bức ảnh vào mùa đẹp nhất cao nguyên đá, nhưng thật khó, bởi trước mặt là màu xanh hy vọng, màu của cây lương thực quyết định đói – no. Riêng tôi, mùa này mới là mùa xanh đẹp nhất!

Đường ngoằn ngoèo từ trên cột cờ Lũng Cú nhìn xuống
2.
Còn cách Lũng Cú khoảng hơn 5km, hai bên đường có những đứa trẻ vẫy tay. Chúng khoảng 10 tuổi đổ xuống, mà cũng khó đoán tuổi, trông dáng bé nhưng gương mặt lại thấy lớn. Bạn nói: “Mùa hè, chúng không đi học nhưng cũng chẳng biết những đứa trẻ này có chịu đi học hay không, ngày trước chúng còn chận xe xin kẹo, nhưng bây giờ hết rồi vì chính quyền tuyệt đối không cho phép”.
Những đứa lớn hơn thì bồng em và cầm tay em bé vẫy vẫy. Chúng chỉ vẫy tay, không cười, không biểu lộ gì trên mặt. Khi tôi vẫy tay lại, tôi nhận được một nụ cười không tươi, nhưng chân chất.
Từ Lũng Cú quay về, chúng tôi quyết định dừng lại vài chỗ có những đứa trẻ vẫy tay. Bánh kẹo trên xe vẫn còn nhiều, chỉ là để ăn vặt, tán gẫu cho quên đường dài. Tuổi đang lớn thèm đường, bọn trẻ không cần chúng tôi cho tiền, bởi ở vùng hẻo lánh này có tiền cũng chẳng mua được gì, cơ thể cần chất ngọt để lớn, giúp chống chọi qua mùa lạnh. Bên kia đường, một đứa bé khoảng 8 tuổi, tay cầm một cái liềm cắt cỏ ngần ngại vừa muốn băng qua để lấy kẹo, vừa sợ xe. Chúng tôi ngoắc nó mới dám qua. Một đứa tay bế em, tay giữ chặt một em nhỏ khác không cho chạy ra lấy kẹo vì sợ em ham kẹo, nguy hiểm. Mấy đứa trẻ chơi phía trong chạy ào ra. Chúng tôi phát hết tất cả số kẹo bánh trên xe mà những đứa trẻ vẫy tay hai bên đường vẫn còn nhiều.

Bán hàng bên đường
Đã lên đến Lũng Cú, chúng tôi tưởng đã quen dần “cảm giác mạnh”, thế nhưng khi đứng ở điểm dừng chân trên đèo Mã Pí Lèng mới thấy choáng ngợp trước thiên nhiên kỳ vĩ. Vẫn mây trên đầu, trước mặt như với tay là chạm đến. Một nhóm trẻ đang cắt cỏ, vài đứa như đang vắt mình trên sườn núi, bên dưới là vực sâu hun hút và chúng chẳng có gì gọi là “bảo hiểm”, vài đứa nghỉ tay ngồi trên đường.
Con đường nối tiếp con đường vòng vèo lưng chừng núi. Có những khúc quanh ngoặc và nhỏ không thể nhỏ hơn. Và cuối cùng thung lũng hiện ra, đường bê tông hay láng nhựa rộng rãi, nhà hai bên đường, rồi phố, chợ. Mèo Vạc nơi dừng chân cuối của chặng đường, nghỉ lại một đêm rồi mai chúng tôi về phố.

Những đứa trẻ vẫy tay
3.
Đó là một đêm trăng rất tròn và sáng. Không khí lạnh khô, khác hoàn toàn với cái lạnh mang hơi ẩm của Đà Lạt hay Tây Nguyên, khiến cảm giác ánh sáng như cô đặc lại, vằng vặc trên con đường vắng. Những mái nhà nhấp nhô, những tường rào bằng đá thẳng hàng tiếp nối lên xuống. Trăng sáng đến độ giật mình khi đứng trên balcony khách sạn bất chợt nhìn thấy cái vòng tròn sắc nét nổi rõ cạnh vòm lá một cây cổ thụ.
Sau bữa cơm chiều, chúng tôi đến nhà một đồng nghiệp, quê Mèo Vạc, làm việc ở Hà Giang. Những đứa trẻ má căng tròn ửng hồng lăng xăng khi nhà có khách. Hai chiếc chiếu lớn được trải ra giữa nhà. Chỉ có rượu ngô và mận. Chủ nhà chỉ hai cây mận trước sân và bảo với chúng tôi rằng mới hái ban chiều khi nghe báo tin có khách.
– Ở đây nhà nào cũng có sẵn vài lu rượu ngô. Người ta có thể uống rượu thay nước. Trẻ con mới sinh ra đã chấm rượu vào đầu lưỡi để em bé không bao giờ bị viêm họng.
Giọng trầm hẳn xuống, bạn nói tiếp:
– Trên này lao động chính là phụ nữ và trẻ em.

Những đứa trẻ chơi gần nhà
Chúng tôi nhìn nhau, nghe mà xót xa!
Càng về khuya càng lạnh dù ngồi trong nhà đóng kín cửa. Những chén rượu cụng rồi chuyền tay nhau. Mận không ngọt lắm có vị hơi chát nhưng kết hợp với rượu ngô thật ấm áp trong không gian lạnh và buồn nghe được cả tiếng chim đêm vọng lại từ bên ngoài.
Chủ khách chia tay. Những cái bắt tay thật chặt hẹn gặp lại mà không biết khi nào.
Từ Mèo Vạc về Hà Giang vẫn những quãng đường quanh co hiểm trở nhưng có lẽ ai nấy đã quen. Các dãy núi nối tiếp nhau qua các thung lũng Pải Lủng, Sủng Trà, Lũng Phìn, Sủng Máng, Sủng Trái, Mậu Duệ…. Vẫn mây trời, đá và ngô. Quả đúng như bạn nói, cao nguyên đá mùa nào cũng đẹp, mùa xanh bạt ngàn của ngô là cái đẹp hứa hẹn sự no đủ.

Nhà của vua Mèo ở Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn
4.
Bây giờ đang là mùa mận. Trên facebook tràn ngập những rổ mận tươi nhìn bắt thèm làm tôi nhớ đêm ở Mèo Vạc quá chừng. Chuyến đi đã mấy năm rồi, dù vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua facebook nhưng nghĩ đến cơ hội gặp lại các bạn nơi ấy thấy đường quá đỗi xa xôi!
Hẹn mùa hoa tam giác mạch, đào, mận… mùa nhan sắc Hà Giang, lần lữa, hẹn hoài rồi hẹn tiếp!
ĐTTT