Tôi đến lăng Đồng Khánh một lần cách đây khá lâu, khi ấy nơi này gần như không được chăm sóc gì, khung cảnh tiêu điều, buồn hiu, vài hạng mục bị xuống cấp, mặc dù cách đó không xa, lăng Tự Đức là điểm đến lúc nào cũng đông du khách du lịch.
Lăng Đồng Khánh
Cuối năm 2018, lăng Đồng Khánh được trùng tu và tháng 6/2022, lăng Đồng Khánh có được một diện mạo khang trang như bây giờ, một điểm đến ở Huế nếu bỏ qua sẽ rất uổng.
Nhà Nguyễn có 13 vị vua tại vị nhưng chỉ có 7 khu lăng tẩm được xây dựng. Lăng Đồng Khánh tuy không đẹp đặc sắc như lăng Khải Định, hay nên thơ như lăng Tự Đức, Minh Mạng, Gia Long nhưng là một lăng đặc biệt, một quần thể lăng tẩm mà trục lăng và trục tẩm chéo nhau. Việc xây dựng lăng Đồng Khánh đã diễn ra nhiều đợt, khá nhiều trắc trở trong một giai đoạn lịch sử trải dài 35 năm (1888-1923) qua 4 đời vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định với lối kiến trúc giao thoa Á – Âu.
Lăng Đồng Khánh còn gọi là Tư Lăng, nằm ở phường Thủy Xuân, cách thành phố Huế khoảng 5km, là nơi an táng và thờ tự vua Đồng Khánh, vị vua thứ 9 của triều Nguyễn, trị vì 3 năm (1886-1888). Lăng được xây dựng bằng vật liệu xưa kết hợp với vật liệu hiện đại như xi măng, gạch ca rô, gạch tráng men màu. Điểm đặc biệt là cửa ra vào chính điện Ngưng Hy được đóng khép bằng hệ thống cửa bảng khoa gắn hình nhiều màu, đẹp theo phong cách Tây phương, tạo nên sự khác biệt với các lăng vua triều Nguyễn khác.
Tổng thể khu lăng tẩm có khoảng 20 công trình kiến trúc được phân bố trên hai khu vực.
Khu tẩm điện gồm: Điện Ngưng Hy là nơi thờ vua, Hoàng hậu Tiên cung và Hoàng hậu Thánh cung (trước đây chính là điện Truy Tư mà vua Đồng Khánh cho xây dựng để thờ cha là Kiên Thái Vương); Công Nghĩa Đường và Vĩnh Khánh Đường (thờ công thần), Minh Ân Viện và Hữu Tùng Viện (nơi các cung phi ở để hương khói cho nhà vua khi các bà mất trở thành nơi thờ tự).
Khu lăng gồm: Bái Đình, Bi Đình (nhà bia), Bửu Thành và Huyền Cung (nơi đặt thi hài của vua)
Theo Wikipedia, Đồng Khánh tên là Nguyễn Phúc Ưng Đường, con trai cả của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (1845-1876), người sinh thành 3 vị vua: Kiến Phúc (trị vì 1883-1884), Hàm Nghi (trị vì 1884-1885) và Đồng Khánh (1886-1888).
Sau khi lên ngôi, Đồng Khánh thấy lăng mộ của cha mình ở Cư Sĩ chưa có điện thờ nên sai Bộ Công dựng điện Truy Tư cạnh đó để thờ cha. Điện Truy Tư khởi công vào tháng 2 năm 1888, đến tháng 10 năm đó hoàn tất về căn bản. Đồng Khánh rước bài vị của Kiên Thái Vương về thờ trong điện, đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh công trình. Thế nhưng, trong khi công việc kiến trúc đang tiếp tục thì Đồng Khánh mắc bệnh và đột ngột qua đời. Vua Thành Thái (1889-1907) kế vị trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế suy kiệt nên không thể xây cất lăng tẩm có quy củ cho vua tiền nhiệm, đành lấy điện Truy Tư đổi làm Ngưng Hy để thờ vua Đồng Khánh. Thi hài nhà vua cũng được an táng đơn giản trên quả đồi có tên là Hộ Thuận Sơn, cách điện Ngưng Hy 30m về phía Tây. Toàn bộ khu lăng tẩm được gọi tên là Tư Lăng.
Tháng 8 năm 1916, sau khi lên ngôi được 3 tháng, vua Khải Định (trị vì 1916-1925), là con trai vua Đồng Khánh đã tu sửa điện thờ và xây cất lăng mộ cho cha mình. Toàn bộ khu lăng mộ từ Bái Đình, Bi Đình đến Bửu Thành và Huyền Cung đều được kiến thiết dưới thời Khải Định, đến tháng 7-1917 mới hoàn thành. Riêng điện Ngưng Hy cùng Tả Hữu Tùng Viện; Tả Hữu Tùng Tự tiếp tục được tu sửa cho đến năm 1923.
Hình thành trong quá trình dài như thế, lăng Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử khác nhau. Nếu phong cách cổ truyền thực sự dừng chân trong kiến trúc lăng Tự Đức và phong cách hiện đại được thể hiện rõ nét trong kiến trúc lăng Khải Định thì lăng Đồng Khánh là một bước trung chuyển.
Lăng Đồng Khánh quay về hướng Đông Nam, phía trước có hồ bán nguyệt. Bước vào bên trong có điện Ngưng Hy là điện thờ chính. Bên trong điện, một không gian nội thất nổi bật nghệ thuật sơn son thếp vàng, nghệ thuật sơn mài. Trong chính điện có 24 đồ bản vẽ các bức tranh trong điển tích Nhị thập tứ hiếu kể về những tấm gương hiếu thảo ở Trung Hoa…
Rời khỏi phần tẩm là đến phần lăng mộ phía sau nằm trên một đồi thông khá đẹp và mát mẻ. Khu Lăng mộ có kiến trúc hầu như đã Âu hóa toàn bộ. Sân Bái Đình nằm phía trước nhà bia, hai bên sân có hàng tượng gồm quan văn, quan võ, ngựa, voi, mỗi bên 6 bức. Khác với tượng đá ở các lăng mộ vua Nguyễn trước đó, tượng ở đây đắp bằng gạch và vôi vữa, hình thức tượng khá thanh mảnh, cao bằng chiều cao người thật. Trong nhà bia khắc bài văn ca ngợi công đức vua cha do vua Khải Định viết năm 1916
Qua nhà bia đến mộ vua Đồng Khánh được bao bọc bởi 3 vòng thành xây bằng gạch trát vữa trông rất bề thế. Nhìn chung, lăng Vua Đồng Khánh khá đẹp, khang trang, hoàn chỉnh không có dấu hiệu xuống cấp…
Lăng Kiên Thái Vương
Thật là thiếu sót nếu đã đến lăng Đồng Khánh mà không qua thăm lăng Kiên Thái Vương gần đó theo con đường lát gạch, cũng trong khu vực đồi thông.
Như đã nói ở trên, Kiên Thái Vương là cha của 3 vị vua Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh, ông có cháu nội là vua Khải Định và cháu cố là vua Bảo Đại.
Lăng Kiên Thái Vương là một lăng đặc biệt, có một vị trí khá kín đáo (chính điều này làm du khách có thể bỏ sót), toát lên vẻ khiêm nhường, vừa trầm mặc rêu phong trong không gian đồi thông đẹp, lãng mạn, mát mẻ khá dễ chịu. Đặc biệt, đây là lăng duy nhất có 2 nhà bia nằm đối xứng hai bên. Kiến trúc và nghệ thuật trang trí nề họa, đắp nổi, chạm đá, pháp lam và khảm sứ ở lăng này khá đẹp, tinh xảo. Đứng giữa không gian đồi thông rầm rì quanh năm và những sườn đồi cỏ xanh phủ kín, mới thấy hết vẻ đẹp và sự trang nhã của khảm sứ tại lăng Kiên Thái Vương.
Theo các tài liệu, Kiên Thái Vương là con trai thứ 26 của vua Thiệu Trị, ông sinh năm 1845, mất năm 1876 khi mới 31 tuổi. Trong sử sách Triều Nguyễn ghi nhận Kiên Thái Vương là một người có chí khí, chăm chú học hành, trọng đức hạnh, cần kiệm nên năm 1865 được phong là Kiến quốc Công. Kiên Thái Vương cũng là người biết coi trọng phép tắc, lễ nghĩa và chính trực. Trong buổi giao thời của lịch sử những năm nửa sau thế kỷ XIX, ông đã biết vượt qua những trở ngại và sự nhạy cảm chính trị để khẳng định mình. Khi nghe tin ông mất, vua Tự Đức đã tỏ rõ sự thương tiếc và Triều đình đã dành cho ông sự trọng thị khác thường. Khi vua Đồng Khánh lên ngôi đã tôn ông là Phụ Kiên Thái Vương.
Do vua Tự Đức không có con nên từ nhỏ nhà vua đã đưa Đồng Khánh và Kiến Phúc vào làm con nuôi và dành nhiều sự chăm sóc, dạy dỗ. Lăng Kiên Thái Vương được vua Đồng Khánh cho xây dựng từ ngay sau khi ông lên ngôi.
Bài và hình ĐTTT